Đền Kim Liên

Thủy Hương| 11/06/2020 20:11

(HNMCT) - Đền Kim Liên (hay đền Cao Sơn) nằm trên địa bàn phường Phương Liên (quận Đống Đa, Hà Nội), được xây vào khoảng năm 1010, sau khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long. Đền thờ Cao Sơn Đại vương làm Thành hoàng làng và là một trong “Thăng Long tứ trấn” nổi tiếng linh thiêng.

Phường Phương Liên xưa thuộc ô Kim Hoa (hay ô Đồng Lầm), thuộc tổng Tả Nghiêm (huyện Thọ Xương); đến thời vua Thiệu Trị, vì kiêng tên húy của mẹ vua nên đổi thành Kim Liên. Tên đền được lấy theo tên làng Kim Liên, vốn nổi tiếng với nghề thả sen, ướp chè. Ngoài ra, cái tên ô Đồng Lầm (làng đồng ruộng nhiều bùn) gợi nhắc đến nghề nhuộm vải nâu nổi tiếng, được người dân nơi đây giữ gìn, lưu truyền qua bao thế hệ.

Qua thời gian, khuôn viên đền Kim Liên ít nhiều có sự thay đổi, nay không còn giữ nguyên hiện trạng ban đầu. Toàn bộ bái đường đã bị phá hủy, chỉ còn lại hậu đường, tam quan, cổng gạch và hai dãy giải vũ. Kiến trúc chính của quần thể di tích là tam quan và đền thờ thần. Dẫn lên tam quan là chín bậc gạch vồ nối bộ phận phía ngoài với phần chính trên gò, mang đặc trưng của lối kiến trúc thời Lê Trung Hưng. Lên hết bậc thềm sẽ tới tam quan là nếp nhà ba gian xây kiểu tường hồi bít đốc.

Ngôi đền chính được xây theo kết cấu hình chữ Đinh, gồm bái đường và hậu cung. Tòa bái đường nay chỉ còn dấu vết là nền đất cao và hàng đá tảng kê chân cột. Tòa hậu cung gồm ba gian xây gạch trần, mái lợp ngói ta. Gian cuối là hậu cung - nơi thờ Cao Sơn Đại vương và hai nữ thần phối hưởng. Hiện trong đền còn lưu giữ nhiều hiện vật quý như: Long ngai thờ thần Cao Sơn, hai tấm bia đá trong đó có tấm bia “Cao Sơn đại vương thần từ bi minh” bằng đá xám cao 2,43m, rộng 1,57m, dày 0,22m, được dựng năm Nhâm Thìn, niên hiệu Cảnh Hưng 33 (1772) với các họa tiết trang trí đặc trưng của thế kỷ XVIII; 39 đạo sắc phong, trong đó có 26 đạo thời Lê Trung hưng, 13 đạo thời Nguyễn... Năm 1990, đền Kim Liên được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đền Kim Liên