Khi làng lên phố: Trăn trở được - mất

Nguyễn Văn Học| 29/05/2020 06:27

(HNM) - Trong quá trình đô thị hóa, làng lên phố, cái được thì dễ thấy, nhưng có những cái mất âm thầm khiến nhiều người không khỏi tiếc nuối. Ấy là nếp nhà gia phong, mối quan hệ xóm giềng ngày càng nhạt nhòa; rồi tệ nạn xã hội, vi phạm trật tự đô thị... cũng len lỏi trong mỗi khu dân cư. Thực tiễn này đáng trăn trở biết bao...

Cổng làng Phú Đô (quận Nam Từ Liêm) xen giữa những ngôi nhà có kiến trúc hiện đại.

Những cái mất âm thầm

Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) nay đã không còn giữ được vẻ bình yên của một ngôi làng ven đô mà thay vào đó là những con đường, ngõ phố luôn ồn ào hàng quán, nhốn nháo biển quảng cáo, rao vặt... Trong những con ngõ của các thôn: Nhang, Trung, Lộc, Cáo Đỉnh 1, Cáo Đỉnh 2…, những vườn hồng xiêm xanh tốt trước đây giờ như một “đại công trường” với các nhà cao tầng, căn hộ cho thuê… đang được hối hả xây dựng. “Cơn sốt” xây nhà cho thuê khiến nhiều người sẵn sàng vi phạm trật tự xây dựng. Năm 2019, trong số 105 công trình thông báo khởi công xây dựng, UBND phường Xuân Đỉnh đã xử lý 26 trường hợp vi phạm. "Bức tranh" ấy cho thấy mức độ đô thị hóa ở đây rất nhanh và "nóng".

Trong dòng ký ức, ông Dương Văn Tân, công chức văn hóa - xã hội UBND phường Xuân Đỉnh tâm sự: “Cũng như nhiều làng khác ở Hà Nội, trước kia mối quan hệ làng xóm của người dân ở Xuân Đỉnh vô cùng khăng khít, thân tình. Hễ ai ốm đau là dân làng đến thăm hỏi, động viên. Nhà nào có việc lớn là họ mạc xúm vào lo toan. Nhưng nay thì người ta ra nhà hàng tổ chức, tất cả đều thuê dịch vụ”.

Nhiều người cao tuổi ở làng Xuân Đỉnh cũng kể rằng, xưa kia người ta sống dựa vào nhau, hàng xóm láng giềng thường giúp đỡ nhau, từ việc nhỏ đến việc lớn. Nhưng nay, điều kiện, môi trường sống thay đổi, mọi người ít phụ thuộc vào nhau, nhiều người từ nơi khác đến cũng ít quan tâm đến nhau, thậm chí “kín cổng cao tường” để tránh phiền hà, va chạm… Cũng vì thế, các mối quan hệ ngày càng trở nên lỏng lẻo, việc ai người nấy làm nên cái "tình" cũng dần nhạt hơn.

Là người con của địa phương, Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh Trần Xuân Tuyển chia sẻ: “Đô thị hóa chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ nông nghiệp sang thương mại, dịch vụ do đất sản xuất nông nghiệp không còn. Làng Xuân Đỉnh ngày xưa nổi tiếng là làng trồng nhiều hồng xiêm, nay chỉ một số hộ giữ được ít cây để lấy bóng mát và cho đỡ nhớ. Có những cái mất rất đáng tiếc nhưng không thể cưỡng lại được”.

Theo các chuyên gia xã hội học, trong quá trình thích ứng với điều kiện sinh sống mới, chỉ có một bộ phận dân làng chuyển đổi nghề nghiệp thành công, số còn lại gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống hậu nông nghiệp. Bà Dương Thu Ngân ở thôn Cáo Đỉnh 1 băn khoăn: “Phá bỏ vườn hồng xiêm, xây nhà trọ chắc gì đời sống đã khá hơn, ngược lại rất ồn ào và phát sinh nhiều hệ lụy...”.

Những "vệt dầu loang" của đô thị hóa

Khi Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long (năm 1010), làng Kim Liên (nay thuộc phường Phương Liên, quận Đống Đa) đã được lập ra với cái tên dân dã là làng Đồng Lầm, còn gọi là phường Kim Hoa, thuộc phủ Phụng Thiên. Làng Kim Liên xưa nổi tiếng với nghề trồng rau, nhuộm vải nâu và nghề cắt tóc. Nhiều người làng vẫn nhớ những câu ca: "Đồng Lầm có vải nâu non/ Có hồ cá rộng, có con sông dài”, “Kim Liên xanh vỏ, đỏ lòng/ Đàn ông cắt tóc, đàn bà hái rau"… Nay đến làng có cảm giác không gian như bị ngộp trong sự chật hẹp. Ngoài di tích đền, chùa, chỉ còn vài chiếc cổng xóm cũng gần như bị nuốt trọn bởi nhà cửa san sát. Còn đâu đất mà trồng sen, cấy rau muống? Phố Kim Hoa là tuyến giao thông chính của làng lúc nào cũng đông đúc bởi các loại hàng quán và cả chợ "cóc".

Quận Nam Từ Liêm cũng có tốc độ đô thị hóa nhanh đến “chóng mặt”. Kể từ khi thành lập quận (năm 2014) đến nay, diện mạo đô thị nơi này thay đổi hẳn. Tuy nhiên, tại các phường Mễ Trì, Phú Đô, Mỹ Đình…, ngay dưới chân những tòa nhà cao tầng vẫn hiện diện chiếc cổng làng. Các điểm dân cư xen giữa các dự án phát triển đô thị dễ gây cảm giác thiếu sự gắn kết trong kiến trúc, cảnh quan. Đặc biệt, tình trạng ăn chơi, mắc các tệ nạn xã hội trong một bộ phận người trẻ - hệ lụy của “cơn sốt” bán đất xây nhà từ những năm 2000-2005, đến nay vẫn chưa nguôi.

Trong làn sóng đô thị hóa ở Nam Từ Liêm, do không thành công trong chuyển đổi nghề nghiệp nên nhiều lao động trẻ đã rời làng đi nơi khác làm việc, sinh sống (trong khi số người ngoại tỉnh đến thuê trọ hoặc mua nhà tại địa phương ngày càng tăng). Điều này dẫn đến việc gìn giữ, bảo tồn những vốn quý văn hóa từ thế hệ trước sang thế hệ sau thiếu sự gắn kết, tiếp nối. Tại một số làng, di tích lịch sử - văn hóa còn bị lấn chiếm, xâm hại, dần bị mai một.

Những tồn tại trên cũng là thực trạng tại các quận Cầu Giấy, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Long Biên... Không ít bậc cao niên cho rằng, có những nơi còn tên làng, được gọi là làng như để nhắc nhớ nhưng không gian thì xa lạ, hiếm hoi chất làng, chất xóm. Kiến trúc sư Hoàng Đạo Kính lo lắng: “Trong phát triển Thủ đô hơn nửa thế kỷ qua đã có những biến động lớn về dân cư. Hàng chục thôn làng hòa nhập vào cơ thể nội thị, xóa mờ những giới hạn mỏng manh giữa thành thị và thôn quê”. Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng (Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cũng trăn trở: “Về mặt hành chính, xã trước đây đã trở thành phường và thôn xóm biến thành tổ dân phố. Quá trình đô thị hóa như vệt dầu loang từ trung tâm trở ra, dần dần “thôn tính” những làng xóm ở xa hơn”.

Người viết bài này đã chứng kiến cảnh sống ở những khu nhà trọ trong làng cổ. Chật và tối. Ở đó thường xảy ra cãi vã, mâu thuẫn giữa chủ nhà và người thuê trọ. Đó là những mặt trái khó cưỡng. Tìm đâu cái chất làng, hồn làng trong thăm thẳm ngõ ngách của các khu phố chật hẹp? Tìm đâu sự bình yên xưa cũ và những ứng xử nhân văn kiểu như “hàng xóm tối lửa tắt đèn có nhau”?

Đô thị hóa có nhiều cái “được” và không ít cái “mất”, mà mỗi khi ngẫm ngợi lại thấy bâng khuâng, nuối tiếc!

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi làng lên phố: Trăn trở được - mất