Khi làng lên phố

Nguyễn Văn Học| 28/05/2020 06:18

LTS: Trong 11 thế kỷ dựng xây, phát triển, Thăng Long - Hà Nội có nhiều khu phố được hình thành từ những ngôi làng cổ, tạo nên nét duyên đáng yêu cho đất kinh kỳ văn hiến. Khoảng vài chục năm trở lại đây, quá trình đô thị hóa, áp lực tăng dân số dẫn đến kết cấu làng thay đổi, nhiều nét đẹp truyền thống của làng bị mai một. Vấn đề đặt ra là làm sao để vừa phát triển đô thị văn minh, hiện đại mà vẫn giữ được những nét đẹp xưa khi làng lên phố.

Bài 1: Làng trong “vòng xoáy” đô thị hóa

(HNM) - Quá trình đô thị hóa đã mang lại cho những ngôi làng nội đô, ven đô của Hà Nội sự phát triển vượt bậc, đời sống kinh tế, văn hóa của người dân được nâng lên. Song vẫn còn không ít nỗi băn khoăn khi nhiều giá trị tốt đẹp, nhân văn của làng không được lưu giữ, phát huy trong "vòng xoáy" của đô thị hóa.

Làng Lủ, phường Đại Kim (quận Hoàng Mai) nay đã có nhiều thay đổi, nhưng vẫn giữ được nhiều nét văn hóa truyền thống.

Vơi đi nếp làng

Trả lời câu hỏi “đô thị Hà Nội có thể phát triển không nếu giữ quá nhiều nếp làng?”, phần lớn các ý kiến khẳng định là “không thể”. Ngay cả những người cao tuổi cũng nói rằng, phát triển đô thị, làng lên phố thì “chất” làng xã với bao lối ứng xử thân quen sẽ thay đổi là tất yếu. Nhiều khu đất trước đây dành để cấy lúa, trồng hoa, rau muống, nay đã thành khu đô thị sầm uất với các tòa chung cư, biệt thự liền kề… Cách sống của người dân thay đổi, từ cư dân nông nghiệp chuyển sang làm thương mại, dịch vụ, đa số lớp trẻ thì đi làm công nhân, nhân viên văn phòng…

Một ngôi làng từng nổi tiếng với nghề trồng hoa truyền thống là Ngọc Hà, hình ảnh những luống hoa xen lẫn những mái nhà khi xưa giờ chỉ còn trong ký ức hay trong một số bức bích họa trên tường. Một “thương hiệu” nổi tiếng khác là “làng hồng xiêm” Xuân Đỉnh nay cũng đã mai một. Ngôi làng cổ này có tốc độ đô thị hóa “chóng mặt” trong vài năm gần đây. Năm 2013, xã Xuân Đỉnh (khi đó thuộc huyện Từ Liêm) được chia tách để thành lập hai phường Xuân Tảo và phường Xuân Đỉnh thuộc quận Bắc Từ Liêm; làng Xuân Đỉnh thành phường Xuân Đỉnh. Khi mới thành lập, phường Xuân Đỉnh có 33.659 nhân khẩu, nay đã là hơn 40.000 nhân khẩu, chưa kể số người ngoại tỉnh đến thuê trọ.

Đô thị hóa là bước phát triển tất yếu của nhiều ngôi làng ven đô Hà Nội. Một số làng đã biến đổi thành phường hoặc kết hợp với làng khác để hình thành đơn vị hành chính mới như các làng: Đại Yên, Vĩnh Phúc, Kim Mã, Bưởi, Ngọc Khánh, Giảng Võ, Hào Nam, Mai Động, Kim Liên, Trung Tự, Thịnh Hào, Hoàng Mai, Đại Mỗ, Tây Mỗ... Giờ nói đến “làng ven đô”, người ta nghĩ ngay đến những huyện như Thanh Trì, Hoài Đức, Đan Phượng… Giá bất động sản ở những nơi này đang tăng lên, đồng nghĩa với việc mỗi ngày “chất làng” lại vơi đi một ít. Nhiều người dân đã chia nhỏ phần đất của gia đình, tổ tiên để lại rồi xây dựng nhà ở, nhà trọ hoặc chuyển nhượng cho người nơi khác đến... Điều này cũng lặp lại với những gì đã từng diễn ra ở những ngôi làng đã đô thị hóa 10-15 năm trước.

Trong "vòng xoáy" đô thị hóa, cũng không thể không kể đến nhiều làng cổ ở khu vực quận Hoàng Mai (được thành lập năm 2003), nay cũng đã trở thành những khu phố đông đúc. Một trong số đó là làng Định Công (thuộc phường Định Công) - vốn nổi tiếng có nghề chạm bạc, nhưng nay chỉ còn một số người giữ nghề. Cùng trong niềm tiếc nuối ấy còn là sự biến mất của những không gian thoáng đãng ngày xưa. Định Công đang chịu sức ép của đô thị hóa và tăng dân số một cách chóng mặt, tất cả con ngõ của làng đều oằn mình vì quá tải.

Gần Định Công là làng Lủ (Kim Lũ, thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) cũng có nhiều sự đổi thay. Phó Chủ tịch UBND phường Đại Kim Nguyễn Thị Thái cho biết, từ khi trở thành phường, đời sống kinh tế của người dân làng Lủ được nâng lên rõ rệt, đặc biệt mấy năm nay không có hộ nghèo. Bí thư Chi bộ thôn Kim Lũ 2 Nguyễn Cao Thăng khẳng định: “Làng Lủ còn giữ được truyền thống văn hóa và những cái mất đi chỉ là do không còn phù hợp trong đời sống hôm nay, chính người dân đã thay đổi để thích ứng”.

Nói về đô thị hóa ở quận Hoàng Mai không thể không nhắc đến làng Hoàng Mai. Trước đây làng nằm trong xã Hoàng Văn Thụ (huyện Thanh Trì). Trải qua thời gian, năm 1990 xã Hoàng Văn Thụ (lúc này chỉ còn làng Hoàng Mai) được nhập vào quận Hai Bà Trưng, trở thành phường Hoàng Văn Thụ, đến tháng 11-2004 chuyển về quận Hoàng Mai.

Chủ tịch UBND phường Hoàng Văn Thụ Ngô Sĩ Quý cho biết: Sau khi phát triển theo hướng đô thị hóa, thu nhập của người dân làng Hoàng Mai không ngừng được nâng lên, thu ngân sách cũng tăng. Năm 2019 tổng thu ngân sách trên địa bàn phường đạt hơn 17,266 tỷ đồng, bằng 119,59% kế hoạch năm. "Tuy nhiên "vùng lõi" của làng chật hẹp. Trục đường chính - đường Hoàng Mai chạy dọc làng khá nhỏ, chỉ như một con ngõ dài nên đã gây ra nhiều khó khăn cho việc đi lại của người dân", Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Đình Long trăn trở...

Cần những mô hình làng trong phố

Điều dễ thấy ở các làng nội đô, ven đô hiện nay là thu nhập của người dân được nâng lên, cuộc sống nhìn chung đỡ vất vả hơn nhiều so với làm nông nghiệp trước đây. Nhiều làng do nằm sát với khu đô thị mới hoặc một phần đất “được” quy hoạch thành khu đô thị nên thừa hưởng cơ sở hạ tầng đầy đủ, khang trang, hiện đại từ các dự án, điển hình như làng Đại Từ (Khu đô thị Đại Từ thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai), làng Thịnh Liệt (Khu đô thị Đồng Tàu, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai), làng Xuân Đỉnh (Khu đô thị Tây Hồ Tây, quận Tây Hồ)…

Song, cũng có không ít làng bị xen kẹt trong các khu đô thị nên giá nhà đất thấp hơn khu vực trung tâm và các khu đô thị xung quanh, vì vậy thu hút số lượng lớn người ngoại tỉnh nhập cư, người có thu nhập thấp đến sinh sống khiến mật độ dân số và công trình xây dựng tại đây không ngừng tăng. Cũng để phục vụ nhu cầu của cuộc sống, các dịch vụ karaoke, massage, nhà hàng, khách sạn… cũng mọc lên, tạo bức tranh đa sắc của kinh tế thị trường và cuộc sống hiện đại.

Nhận xét về quá trình biến đổi của làng Hà Nội, Tiến sĩ - Kiến trúc sư Nguyễn Quang Minh (Khoa Kiến trúc và Quy hoạch - Đại học Xây dựng Hà Nội) chia sẻ: “Theo tiến trình phát triển kinh tế với một số điều kiện lịch sử để lại, Hà Nội cũng như nhiều thành phố lớn khác của Việt Nam phải đối mặt và giải quyết những vấn đề lớn nảy sinh từ sự phát triển đô thị nhanh, vượt khả năng kiểm soát. Nhiều vấn đề có thể thấy rõ như kiến trúc đô thị lộn xộn, hạ tầng kỹ thuật thiếu đồng bộ, quá tải giao thông, ô nhiễm môi trường…”. Kiến trúc sư Ngô Doãn Đức (Hội Kiến trúc sư Việt Nam) cho rằng: “Quá trình đô thị hóa, làng lên phố là điều không thể tránh khỏi. Bởi thế cơ quan chức năng cần tìm hiểu, xây dựng những mô hình làng trong phố để gìn giữ những nét đẹp của làng”.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khi làng lên phố