“Bác để lại đây di chúc màu xanh”

Ðinh Thạo| 16/05/2020 20:15

(HNNN) - Nhiều người dân xã Vật Lại, huyện Ba Vì còn nhớ mãi hình ảnh giản dị, gần gũi và những lời căn dặn ân cần của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm, trồng cây lưu niệm trên đồi Đồng Váng vào ngày mùng 1 Tết Kỷ Dậu (16-2-1969), mở màn cho Tết trồng cây thứ 9.

Đã hơn nửa thế kỷ qua cây đa Bác trồng ngày nào vẫn sừng sững tỏa bóng trên đồi, như một biểu tượng ngời sáng về đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đồng thời như lời căn dặn các thế hệ sau chuyên cần nhân lên màu xanh cho đất nước.

Cây đa Bác Hồ trồng trên đồi Đồng Váng ngày mùng 1 Tết Kỷ Dậu (1969).

“Đồi cây đón Bác”

Cụ Phùng Văn Thăng, 90 tuổi đời, 61 tuổi Đảng, một trong những người vinh dự được gặp Bác Hồ năm ấy, bắt đầu câu chuyện: Năm 1963, đội trồng cây của phụ lão thôn Yên Bồ mở đường vào đồi Đồng Váng, trồng được 7.502 cây bạch đàn và đặt tên là “Đồi cây đón Bác” với mong muốn có ngày được đón Bác về thăm...

Cụ Thăng nhớ lại: “Vào ngày 30 Tết Kỷ Dậu (1969), tôi khi đó đang là Bí thư Đảng ủy xã Vật Lại nhận được thông báo của Bí thư Huyện ủy Ba Vì Nguyễn Mạnh Đệ về việc chuẩn bị nhân lực, cây đa giống, đào sẵn hố trồng cây trên đồi Đồng Váng để phục vụ hội nghị lâm nghiệp trung ương. Khoảng 14h chiều hôm đó, Huyện ủy cho xe đón 13 đại biểu của xã về đền Vật Lại (nơi Huyện ủy sơ tán), ăn Tết và nghỉ luôn tại đó. 7h sáng mùng 1 Tết, xe của Huyện ủy đưa chúng tôi lên đồi. Trong đoàn có cụ Cát có ba người con “đi B” đồng thời là người cung cấp cây đa giống. Đoàn của tỉnh và huyện đứng hai bên đường dẫn vào đồi cây. Gần 8h, ba chiếc xe con tiến vào khu đồi. Khi cửa kính một xe hạ xuống, Bác Hồ giơ tay vẫy chào thì mọi người mới biết là Người về thăm Vật Lại. Đi cùng Bác có cả Phó Chủ tịch nước Nguyễn Lương Bằng. Sau khi xuống xe, Bác chào hỏi bà con, nói chuyện thân tình với mọi người. 

Đi lên đỉnh đồi, Bác không ngồi ở chiếc ghế mà Tỉnh ủy đã chuẩn bị sẵn mà nói: “Bác cháu ta ngồi đây chứ còn đi đâu nữa!”, rồi Người ngồi xếp bằng trên thảm cỏ, mọi người cũng ngồi xuống xung quanh. Chủ tịch Hồ Chí Minh nghe Bí thư Tỉnh ủy Hà Tây báo cáo tình hình rồi hỏi thăm nhiều chuyện ở tỉnh... Bí thư Huyện ủy Ba Vì Nguyễn Mạnh Đệ biếu Bác hai khóm sắn củ, Bác hỏi nặng bao nhiêu cân, anh Đệ thưa là 15 cân. Bác khen: “Thế là tốt! Năm ngoái, anh em Vĩnh Phú tặng Bác một khóm sắn củ nặng 32 cân. Ta cũng có thể làm được như thế...”. Ai cũng hiểu là Bác nhắc nhở phải tăng gia sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế hơn nữa. Rồi Bí thư Tỉnh ủy mời Bác đi trồng cây. Bác thấy đã có cây dưới hố thì bảo: “Các chú trồng sẵn cây thế này thì Bác còn trồng gì nữa?”. Bí thư Tỉnh ủy thưa: “Dạ! Cây to, nặng, chúng cháu đưa sẵn xuống hố rồi xin Bác vun gốc ạ!”. Khi nhận bình nước tưới cây, thấy bình vơi, Bác hỏi: “Ít nước thế này thì làm sao tưới được cây to?”. Bí thư Tỉnh ủy trả lời Bác: “Dạ! Bác tưới trước rồi chúng cháu tưới sau, sẽ đủ nước cho cây sống ạ!”. Bác dặn: “Phải đảm bảo trồng cây nào sống cây đó!”.

Sau khi trồng cây, Bác chúc Tết cán bộ và nhân dân địa phương. Lãnh đạo tỉnh mời Bác cùng đoàn về huyện ăn cơm, Người nói: “Bác mang theo cơm đây rồi”, rồi Bác mời Bí thư và Chủ tịch tỉnh ở lại ăn cơm với Bác. Ăn xong, đồng chí Vũ Kỳ thư ký của Bác mang giường xếp ra mời Bác nằm nghỉ. Bác nhường giường cho đồng chí Nguyễn Lương Bằng nằm rồi Người trải chiếu, nằm nghỉ trên đồi.

Khoảng 14h, xe đón Bác đến chân đồi. Bác thấy ở phía cổng có đông người dân và bộ đội đón chào thì không lên xe mà đi bộ ra tận cổng, dù khi đó chân Người đã yếu. Người tươi cười bắt tay và vẫy chào mọi người rồi mới lên xe đi về phía Đá Chông...”.

“Lẽ sống của Người thắm mãi hồn ta”

Cụ Phùng Văn Thăng.

Có ai ngờ đó là cái Tết cuối cùng của Người. Chuyến đi thăm xã Vật Lại vào mùng 1 Tết Kỷ Dậu (1969) cũng là chuyến đi thăm nông dân cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Và cây đa trên đồi Đồng Váng, thôn Yên Bồ, xã Vật Lại cũng là cây cuối cùng Người trồng.

Chính vì thế, cây đa Yên Bồ trở thành kỷ vật quý báu, thiêng liêng không chỉ đối với cán bộ, nhân dân địa phương. Ngày Bác Hồ về thăm, Vật Lại hãy còn nghèo, quá nửa là nhà tranh vách đất, nay đã phát triển khá toàn diện theo hướng nông thôn mới, 100% nhà xây khang trang, kiên cố, đường làng ngõ xóm được bê tông hóa... Cụ Thăng hào hứng cho biết: “Năm 2004, đồi cây Đồng Váng được công nhận là Khu di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia, trở thành một địa chỉ văn hóa của cả nước. Hiện nay, trong Khu di tích mới có nhà lưu niệm và hội trường, chúng tôi đã đề xuất các cấp nghiên cứu để có thể xây dựng thêm một số hạng mục liên quan đến chuyến đi của Bác như chỗ Bác ngồi nghỉ, ăn cơm trưa, nay là bến nước bên “Ao cá Bác Hồ”; gần đó là nơi Bác nghỉ trưa trên đồi... Những hạng mục ấy sẽ làm sinh động thêm diện mạo Khu di tích và tăng giá trị giáo dục truyền thống”.

Ông Chu Văn Vình, 75 tuổi, thành viên Ban quản lý Khu di tích, cho biết: “Mấy chục năm qua, chúng tôi đã chăm sóc ba chiếc rễ đa thành thân phụ và sẽ cố gắng làm tiếp. Tuy nhiên, do có nhiều cây thông trồng quá gần đó nên hạn chế sự phát triển của cây đa, chúng tôi đã đề đạt cấp trên tìm phương án giải quyết. Đề xuất của chúng tôi là di chuyển những cây thông ra xa ít nhất 5 mét nữa, để cây đa có thể xòe thêm tán và phát triển cân đối. Việc quản lý, bảo vệ, chăm sóc đồi cây phải là việc của cộng đồng; mọi người dân đều tự nguyện nhưng các cấp cần có hình thức động viên, hỗ trợ để khích lệ phong trào”. Phó Chủ tịch UBND xã Vật Lại Phùng Kim Chung cũng chia sẻ: “Tất cả những ý kiến đề xuất của nhân dân, chúng tôi đã ghi nhận và chuyển tới cấp trên. Riêng ở góc độ quản lý, lãnh đạo địa phương đã đề xuất cấp trên xem xét, tạo điều kiện để phối hợp liên ngành tốt hơn. Cụ thể, hiện nay, trong Khu di tích có đến ba ngành quản lý các hạng mục theo chức năng (ngành Kiểm lâm quản rừng; Kinh tế quản đất; Văn hóa quản Nhà lưu niệm), dẫn đến tình trạng phối hợp có lúc chưa kịp thời, chưa đồng bộ. Chúng tôi rất mong có quy chế phối hợp hiệu quả hơn để bảo vệ và phát huy tốt hơn nữa giá trị của khu di tích”.

Lúc nghe xong câu chuyện hấp dẫn của cụ Thăng và các cán bộ địa phương, nhà thơ Thanh Hào, một người con của vùng núi Tản sông Đà, góp vui bằng một bài thơ với tựa đề Di chúc màu xanh: “Thời gian trôi, nửa thế kỷ đã qua/ Bác trồng cây đa trên quê mình năm ấy/ Từ đất cằn bao chồi non thức dậy/ Nắng xuân về bừng sáng, gọi tương lai.../ Bác để lại đây di chúc màu xanh/ Mà rễ đã ăn sâu vào lòng đất/ Bao thế hệ sẽ đi trong bóng mát/ Cho lẽ sống của Người thắm mãi hồn ta”. Mọi người cùng vỗ tay tán thưởng hình tượng thơ độc đáo và tứ thơ hay.

Sau hơn nửa thế kỷ, cây đa Bác Hồ trồng vẫn sừng sững tỏa bóng trên đồi Đồng Váng không chỉ là “bản di chúc màu xanh” dặn dò các thế hệ sau phải chăm lo trồng cây, gây rừng, tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp, mà còn là một biểu tượng ngời sáng về đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và tình cảm thương yêu nhân dân của Người, là động lực thúc đẩy các thế hệ cán bộ, người dân xã Vật Lại nỗ lực xây dựng quê hương ngày càng phát triển, đáp ứng mong muốn của Bác Hồ lúc sinh thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Bác để lại đây di chúc màu xanh”