“Trả lại tên” cho hành cung Cổ Bi

Trương Thị Kim Dung| 26/04/2020 08:19

(HNM) - Những nỗ lực không mệt mỏi trong hơn hai chục năm qua của người dân và các cấp, ngành chức năng huyện Gia Lâm đã “trả lại tên” cho hành cung Cổ Bi. Việc này không những khôi phục được tầm vóc, ý nghĩa mà còn mở hướng phát huy giá trị của di tích trong đời sống hôm nay.

Hành cung Cổ Bi (huyện Gia Lâm) mới được xây dựng, tôn tạo để xứng tầm ý nghĩa, giá trị của di tích.

1. Những năm 90 của thế kỷ trước, có dịp đến hành cung Cổ Bi (nay thuộc tổ dân phố Bình Minh, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm) hẳn nhiều người đều cảm thấy ngậm ngùi và nghĩ tới câu thơ “Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương” trong bài “Thăng Long thành hoài cổ” của Bà Huyện Thanh Quan.

Hành cung Cổ Bi là một minh chứng sinh động, cụ thể về một thời kỳ đặc biệt của lịch sử dân tộc, thời “vua Lê - chúa Trịnh”, “song trùng quyền lực” kéo dài hơn 2 thế kỷ (1533-1789). Công trình kiến trúc nổi tiếng mà các sử gia thời Lê - Trịnh, Nguyễn từng đề cập trong Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Nam nhất thống chí, Lịch triều tạp kỷ, Việt sử cương mục, Bắc Ninh tỉnh chí... nay đã thành phế tích.

Nơi hành cung xưa mọc lên khu dân cư đông đúc, ruộng vườn bao kín. Dấu tích cũ chỉ còn mấy cây duối, cây đại hàng trăm năm tuổi, đặc biệt là ba cặp tượng linh thú bằng đá xanh mang phong cách nghệ thuật điêu khắc thế kỷ XVIII, được đánh giá là lớn nhất trong số những linh thú bằng đá còn sót lại tại các di tích ở nước ta. Phía ngoài là cặp hổ đực - cái ngồi chầu; hai cặp voi, kỳ lân nằm trên đồi, trước thềm ngôi đình bị phá thời “tiêu thổ kháng chiến”...

2. Theo sử cũ, An Đô Vương Trịnh Cương (1686-1729), nhà cải cách có nhiều dấu ấn trong công cuộc trung hưng đất nước đầu thế kỷ XVIII, trong một lần tuần du đã dừng nghỉ tại ngọn đồi ở làng Cổ Bi. Vốn là vùng đất cổ nằm trong “tam Cổ, ngũ Phù” nổi tiếng vùng Kinh Bắc (“tam Cổ” là ba trung tâm lớn “nhất Cổ Bi, nhì Cổ Loa, thứ ba Cổ Pháp”; “ngũ Phù” gồm Phù Ninh, Phù Dực, Phù Đổng, Phù Khê, Phù Chẩn), Cổ Bi từng là nơi hội quân, luyện tập của nghĩa quân Hai Bà Trưng trước khi tiến đánh giặc Hán ở thành Luy Lâu.

Nơi đây không xa kinh thành, lại gần quê ngoại của chúa (mẹ chúa là bà Trương Thái Phi quê ở thôn Ngọc Quỳnh, thị trấn Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên), đặc biệt là có vị trí chiến lược: Án ngữ đường đi xứ Bắc và xứ Đông, thế đất cao ráo với 99 gò đồi hình “trâu quỳ” nhìn về một hướng, có “thủy long” che chở là sông Hồng phía trước, sông Đuống sau lưng và sông Nghĩa Trụ bao quanh. Chúa bèn cho dựng hành cung tại đây với ý định dời phủ đệ từ Thăng Long sang.

Khởi công tháng 11-1727, công trình được xây dựng thần tốc, sau một tháng đã hình thành hệ thống thành lũy, cung điện. Các cuộc khai quật khảo cổ và đối chiếu tài liệu cổ cho thấy hành cung có quy mô rộng lớn với các vòng thành đất bao bọc kéo dài từ đê sông Đuống đến dốc Lời, qua trung tâm thị trấn Trâu Quỳ sang đê Hội Xá. Trên gò là phủ chúa nguy nga, bề thế; hai bên trục thần đạo là các tượng linh thú lớn bằng đá xanh ngồi chầu; xung quanh là hành dinh của các quan tùy tùng…

Sau khi hoàn thành, hành cung Cổ Bi được đặt tên là phủ Kim Thành. Tiếc rằng, tháng 7-1729, đê Cự Linh bị vỡ, khiến hành cung Cổ Bi/phủ Kim Thành đổ nát. Tháng 11 năm ấy, chúa Trịnh Cương đột ngột qua đời. Sau khi lên ngôi, chúa Trịnh Giang (con trai trưởng của chúa Trịnh Cương) cho dỡ hành cung lấy vật liệu xây dựng hai chùa Quỳnh Lâm (thuộc huyện Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh) và chùa Sùng Nghiêm (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương). Năm 1755, chúa Trịnh Doanh cho dựng cung miếu tại hành cung Cổ Bi. Nhưng hai chục năm sau, khi lên ngôi vua Lê Chiêu Thống đã cho phá hủy cung điện của các chúa Trịnh; hành cung Cổ Bi cũng không tránh khỏi sự trả thù của ông vua cuối cùng triều nhà Lê.

Nhiều năm sau, người dân trong vùng dựng một ngôi đình trên nền móng cũ. Theo các cụ cao tuổi ở địa phương, thời Pháp thuộc, vùng đầm lầy ở Cổ Bi trở thành đồn điền Mác-ty. Tá điền từ Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên… đến lập ấp, định cư dưới chân đồi. Trong kháng chiến, thực dân Pháp đã phá hủy ngôi đình. Thời chiến tranh phá hoại, kho lương thực được sơ tán về đây. Sau ngày đất nước thống nhất, kho bị phá dỡ, chỉ còn trơ lại nền. Cỏ dại, lau sậy mọc ngút ngàn xen giữa những cổ thụ và tượng linh thú, khiến nơi này càng kỳ bí, linh thiêng.

3. Theo thời gian, ấp nhỏ vài chục nóc nhà đã thành một làng quê mới. Những năm gần đây, thôn Bình Minh trở thành khu phố đông đúc, sầm uất. Cư dân ở đây đều tự hào được sống trên mảnh đất linh thiêng từng là “cung vàng điện ngọc” của một vị chúa đức độ, tài năng...

Nỗ lực khôi phục hành cung “vang bóng một thời” bắt đầu cách đây hơn 20 năm. Năm 1998, các lão nông Chu Văn Khuyến, Nguyễn Đức Giang... đứng ra vận động quyên góp xây dựng đình trên nền đất hành cung. Đình khánh thành tháng 2-1999, thờ chúa Trịnh Cương làm Thành hoàng làng. Năm 2005, bà con lại đóng góp kinh phí mở rộng đình thành 5 gian, xây thêm nghi môn. Năm 2007, đình Bình Minh được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố. Năm 2009, hướng tới kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, di tích tiếp tục được tôn tạo, xây mới nhiều hạng mục bằng nguồn xã hội hóa...

Chưa dừng lại ở đó, tháng 1-2019, dự án xây dựng, tu bổ di tích hành cung Cổ Bi được triển khai từ nguồn vốn ngân sách của thành phố, do UBND huyện Gia Lâm làm chủ đầu tư. Với tổng kinh phí khoảng 20 tỷ đồng, dự án đã hạ giải toàn bộ ngôi đình và các công trình cũ, tiến hành xây mới hoàn toàn, đến tháng 1-2020 thì hoàn thành.

Tuy nhiên, theo ông Lê Xuân Phùng, thủ từ đình Bình Minh, dự án hoàn thành đúng thời điểm dịch Covid-19 bùng phát nên chưa thể phát huy được ý nghĩa, giá trị của di tích như mong muốn, đặc biệt do đang có dịch nên hội làng cũng không thể tổ chức vào ngày 18 tháng Hai âm lịch như mọi năm.

Bà Phùng Thị Hoài Hương, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Gia Lâm cho biết, thời gian tới, hành cung Cổ Bi sẽ kết hợp với các di tích cổ trên địa bàn như đình, chùa Vàng; đình, chùa Cam (xã Cổ Bi); đền, chùa Bà Tấm (thờ Nguyên phi Ỷ Lan, ở xã Dương Xá); chùa Sủi (xã Phú Thị)... cùng một số làng nghề nổi tiếng như làng gốm Bát Tràng, quỳ vàng Kiêu Kỵ... để hình thành một tuyến (tour) du lịch tâm linh kết hợp tham quan làng nghề.

Vậy là nỗ lực “trả lại tên cho di tích” đã mang lại kết quả đáng mừng. Sau bao năm thăng trầm, hành cung Cổ Bi được khôi phục, dẫu không nguyên vẹn như xưa nhưng cũng phần nào tương xứng với tầm vóc, giá trị của di tích - chứng tích một thời kỳ vàng son, bi hùng trong lịch sử dân tộc. Đó là một thông điệp đầy ý nghĩa của thế hệ hôm nay gửi tới quá khứ và tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Trả lại tên” cho hành cung Cổ Bi