Cổ tự giữa khuôn viên giảng đường

Bài và ảnh: Lương Đình Khoa| 03/04/2020 12:19

(HNMCT) - Chùa Thánh Chúa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia vào ngày 21-1-1989. Ẩn chứa đằng sau đó là những điều đặc biệt về một cổ tự nằm trong lòng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội (đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy), một di sản văn hóa tiêu biểu của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

Chính điện chùa Thánh Chúa kết cấu theo hình chuôi vồ, gợi khung cảnh mộc mạc, yên bình chốn thiền môn.

Ngôi chùa đặc biệt

Trần Đức Thiện, sinh viên khoa Lịch sử Trường Đại học Sư phạm Hà Nội có một niềm yêu thích đặc biệt, đó là dành sự quan tâm cho việc khám phá lịch sử của những ngôi chùa cổ. Chàng trai đến từ cố đô Hoa Lư (Ninh Bình) luôn tự hào vì được học tập tại một trường đại học có ngôi chùa cổ cả nghìn năm tuổi nằm giữa những giảng đường. Đó là chùa Thánh Chúa - ngôi cổ tự có quan hệ mật thiết với hai vị vua nổi tiếng trong lịch sử là Lý Nhân Tông và Lê Thánh Tông. Đức Thiện chia sẻ: “Qua tài liệu và thực tế tìm hiểu, ngày nay tại Hà Nội, chùa Thánh Chúa là một trong ba ngôi chùa còn in dấu tích về những vị vua này”.

Tương truyền, Thánh Chúa tự là một trong khoảng 100 chùa chiền được Nguyên phi Ỷ Lan tu sửa, là nơi Nguyên phi và các vị vua nhà Lý thường lui tới để nghiên cứu Phật pháp. Chùa được khởi dựng vào thời Lý, có tài liệu cho rằng Thánh Chúa tự được dựng trước năm 1064.

Sử cũ cũng chép: Thế kỷ XV, những biến động của triều chính khiến Thái tử Lê Tư Thành phải đi lánh nạn, phải đổi áo và ở lẫn với tăng, tiểu tại chùa Thánh Chúa. Sau loạn, Thái tử được hai vị tôi trung thành Đinh Liệt và Nguyễn Xí rước về cung. Thái tử lên ngôi vua, lấy hiệu là Lê Thánh Tông. Sau khi về cung, nhớ ơn những người đã cưu mang mình trong lúc hoạn nạn, vua đã cho trùng tu chùa Thánh Chúa.

Nổi bật và gây ấn tượng đầu tiên khi ghé thăm chùa Thánh Chúa là hình ảnh hai cây muỗm cổ thụ xanh ngắt, vút cao, án ngữ giữa sân chùa. Theo ni sư Thích Nữ Đàm Xuyên - trụ trì chùa Thánh Chúa, tương truyền, sau khi đăng quang vua Lê Thánh Tông đã cho trồng hai cây muỗm trong chùa để ghi nhớ những tháng năm gian khó phải nương nhờ, náu thân nơi cửa Phật.

Về kiến trúc, chùa Thánh Chúa được xây theo hình chữ Đinh. Tam bảo chùa nhìn về hướng tây nam, kết cấu theo hình chuôi vồ, mới được trùng tu lại vào năm 2014. Bên trong, thượng điện sâu 5 gian là nơi thờ Phật. Hai bên chính điện có vườn rộng và cửa ngách thông với mặt sau, dẫn đến hành lang và nhà Tổ, nhà Mẫu, nhà Tăng; điện thờ Ỷ Lan, vườn tháp mộ. Qua thời gian, sau nhiều lần trùng tu, kiến trúc hiện tại của chùa chủ yếu mang phong cách thời Nguyễn.

Hiện nay, chùa còn lưu giữ được một hệ thống tượng phong phú, với 77 pho tượng bằng gỗ và đất nung như tượng Phật, Bồ tát, Hộ pháp, Bát bộ Kim Cương, Thập điện Diêm Vương..., trong đó có những pho tượng mang phong cách thế kỷ XVII. Bên cạnh đó còn có các hiện vật bằng gỗ sơn son thếp vàng, chạm trổ tinh tế, các đồ thờ tự như chuông đồng, hoành phi, câu đối... có niên đại từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XIX. Ngoài ra, trên gác tam quan của chùa Thánh Chúa còn có quả chuông đồng đúc năm Mậu Tý, niên hiệu Minh Mạng thứ 9 (1828) và chiếc khánh đồng kiểu cánh dơi, nặng 125kg, mang niên hiệu Thiệu Trị thứ 5 (1845).

Không những thế, chùa Thánh Chúa từng là điểm tập kết của nghĩa quân thời thực dân Pháp mới chiếm Hà Nội, đồng thời còn là nơi tập kết của lực lượng du kích hồi kháng chiến chống Pháp...

Hằng năm, từ ngày 24 đến 26 tháng Giêng thường diễn ra hội chùa Thánh Chúa với nhiều hoạt động văn hóa cổ truyền như: Hát chèo đò “Đưa thuyền về Tây Trúc”, hát chèo tích Phật, múa hoa sen, múa chim phượng và các trò chơi dân gian... Đến nay, lễ hội chùa Thánh Chúa vẫn được người dân nơi đây bảo tồn, giữ gìn nét truyền thống.

Bình yên trong lòng phố

Chùa có một hệ thống tượng phong phú.

Với nhiều người, chùa Thánh Chúa còn là nơi lưu giữ hình ảnh và không khí yên bình của một làng quê trong lòng phố. Qua biến động của thời gian, sự thăng trầm lịch sử, dáng vẻ trầm mặc cổ kính và linh thiêng tại ngôi cổ tự này giúp nhiều người tìm thấy sự bình yên giữa nhịp sống hối hả của thành phố.

Không chỉ là điểm đến của Phật tử và du khách vào các dịp lễ tết, ngày Rằm, mùng Một, với vị trí nằm trong lòng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, chùa Thánh Chúa là điểm đến yêu thích của các sinh viên sau những giờ học căng thẳng. Bạn Trần Đức Thiện, sinh viên khoa Lịch sử cho biết: Vào dịp hè, thời tiết nóng nực, nhà trọ ồn ào, đến chùa ôn bài là lựa chọn lý tưởng của nhiều sinh viên trong trường. “Thông thường, cứ khoảng 18h, nhà chùa sẽ tắt điện, khóa cửa, nhưng vào mùa thi chùa vẫn mở cửa và bật đèn cao áp cho sinh viên ôn bài. Nhiều người dân ở gần đó còn pha nước mát mang ra mời sinh viên uống khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng”, Đức Thiện chia sẻ.

Ông Nguyễn Cao Sơn, một giáo viên đã về hưu cũng chia sẻ: “Nhà tôi cách chùa chưa đầy 200m. Thấy các cháu ôn thi vất vả nên những ngày Rằm, mùng Một, vợ chồng tôi đến chùa lễ Phật xong cũng chia lộc cho tụi trẻ”. Không chỉ sinh viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội mà sinh viên các trường khác như: Đại học Thương mại, Đại học Ngoại thương, Học viện Báo chí và Tuyên truyền... cũng thường tìm về chùa Thánh Chúa để lễ Phật và ôn thi.

Tình cảm và sự gắn bó giữa các sinh viên, giáo viên của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng như người dân sinh sống quanh khu vực và các tăng ni đang tu tập tại chùa Thánh Chúa đã mang lại sự gắn kết và những nét đẹp trong lối ứng xử hằng ngày giữa con người với con người, giữa con người với di sản. Chính điều đó góp phần khiến chùa Thánh Chúa được ghi nhận là di sản văn hóa tiêu biểu của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cổ tự giữa khuôn viên giảng đường