Bài đầu: Tạo sức sống mới cho làng nghề

Đinh Luyện - Diên Khánh| 23/02/2020 06:43

Giá trị văn hóa, tinh hoa của làng nghề có được gìn giữ, đời sống kinh tế - xã hội của làng nghề có phát triển được hay không phụ thuộc rất nhiều vào những người trẻ tâm huyết với nghề truyền thống của quê hương. Để các làng nghề không bị mai một, thất truyền, nhiều nghệ nhân đã và đang tích cực truyền nghề cho lớp trẻ cũng như tạo sức sống mới cho làng nghề.

(HNM) - LTS: Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay là nơi hội tụ, kết tinh và lan tỏa nhiều ngành nghề thủ công truyền thống. Từ nhiều năm qua, kinh tế làng nghề đã có những đóng góp đáng kể cho kinh tế - xã hội của Thủ đô. Tuy vậy, không ít làng nghề hiện đang đứng trước nguy cơ mai một. Làm sao để lớp trẻ thiết tha với nghề, thậm chí sống chết với nghề cổ của cha ông, luôn là nỗi trăn trở không chỉ của các nghệ nhân làng nghề.

Sản xuất hàng gốm sứ tại làng nghề Bát Tràng (huyện Gia Lâm). Ảnh: Bá Hoạt

May mắn khi có người tiếp nối

Làng Chàng Sơn (xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất) có nghề làm quạt giấy truyền thống lâu đời và nổi tiếng, một thời còn thành lập hợp tác xã chuyên sản xuất quạt giấy cung cấp ra thị trường cả nước. Xã hội ngày càng phát triển, quạt điện ngày càng nhiều và rẻ, lấn lướt nghề làm quạt giấy. Chàng Sơn chỉ còn rất ít người bền bỉ giữ nghề, vừa làm quạt dùng trong sinh hoạt vừa làm quạt phục vụ biểu diễn nghệ thuật, trang trí như cụ Bùi Thị Đức hay gia đình ông Dương Văn Mơ… Dù làm ăn khó khăn nhưng họ vẫn không “quay lưng” với nghề cổ truyền.

Sự tâm huyết của những người yêu truyền thống quê hương đã lan tỏa đến nhiều người khác để họ chung tay dạy nghề cho con cháu mình. Nhờ đó, việc sản xuất, kinh doanh ở Chàng Sơn khởi sắc, nhộn nhịp hơn. Những năm gần đây, sản phẩm quạt giấy Chàng Sơn không những đã lại “phủ sóng” ở trong nước mà còn xuất khẩu sang Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc… Chị Dương Thị Loan, một người có nhiều năm gắn bó với nghề làm quạt, chia sẻ: “Tôi được học nghề từ bố và những người cao tuổi trong làng. Từ khâu chuẩn bị nan, chuốt nan đến chế bột, cắt giấy, dán và trang trí, tôi đều thuần thục. Tôi tự hào vì mình là một người tiếp nối”.

Rời Chàng Sơn, chúng tôi tìm về xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, nơi có làng tò he Xuân La, một làng nghề “độc nhất vô nhị” trong cả nước mà sản phẩm đã được xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Những năm gần đây, tâm huyết giữ nghề cổ của cha ông đã được cư dân làng nghề thực hiện có kết quả. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Thành, còn khá trẻ nhưng đã có nhiều thành tích về việc gìn giữ nghề truyền thống, cho biết: “Ở Xuân La, nhiều gia đình ba, bốn đời làm nghề tò he, người trước truyền cho người sau. Người sau ý thức mình là những truyền nhân tích cực và không ngừng rèn giũa khả năng của mình”.

Song, đâu phải làng nghề truyền thống nào cũng may mắn như Chàng Sơn và Xuân La. Sản phẩm truyền thống không được sử dụng nhiều trong đời sống thường nhật nên nhiều làng nghề dần mai một, rất hiếm người giữ nghề như ở làng nghề làm chuồn chuồn tre Thạch Xá (huyện Thạch Thất), làng đúc đồng Ngũ Xã (quận Ba Đình), làng đậu bạc Định Công (quận Hoàng Mai)… Một số làng nghề vẫn hoạt động nhưng thực tế không còn giữ được nét tinh hoa của nghề thủ công nữa, thay vào đó là sản xuất bằng công nghệ máy móc.

Nhắc đến làng Đa Sỹ (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông) nhiều người chỉ nhớ đây là một làng rèn nổi tiếng. Ít ai biết hàng trăm năm trước nơi đây còn có nghề làm lân sư rồng, từng có nhiều nghệ nhân làm lân sư rồng lừng danh. Thế hệ sau này có nghệ nhân Lê Ngọc Nguyện. Khi còn nhỏ, ông Nguyện rất thích đi xem múa rồng, được tham gia chế tác rồng và biểu diễn, giao lưu ở nhiều lễ hội. Nhưng rồi do ảnh hưởng của thời cuộc, cộng với các nghệ nhân giỏi lần lượt về chầu tiên tổ nên nghề làm lân sư rồng có nguy cơ thất truyền. Năm 1985, ông Nguyện nghỉ hưu, từ đó gắn bó với nghề cổ. Việc tìm truyền nhân nối nghiệp, giữ gìn một tinh hoa văn hóa cổ truyền luôn là nỗi canh cánh của người nghệ nhân già. Ông Nguyện bảo: “Chỉ cần vài người trẻ thích học và làm thì lo gì nghề không được giữ gìn”.

Tương tự, ở làng làm nhạc cụ truyền thống Đào Xá (huyện Ứng Hòa), nỗi lo tìm người tiếp nối nghiệp tổ luôn thường trực. Lão nghệ nhân Đào Văn Soạn chia sẻ: “Dạy nghề làm đàn không chỉ là giữ nghề mà còn là giữ văn hóa truyền thống của làng. Ấy thế mà tôi đi vận động lớp trẻ học nghề miễn phí đấy nhưng cũng ít người chịu học. Mình tôi nỗ lực chắc không ổn...”.

Các nghệ nhân làng nghề Xuân La (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên) trình diễn nặn tò he tại Hội chợ triển lãm nông nghiệp và làng nghề. Ảnh: Linh Ngọc

Có thực mới vực được đạo

Để níu chân người trẻ chung tay cùng các nghệ nhân “giữ lửa” nghề truyền thống, ông Lưu Duy Dần - Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam cho rằng, phải tạo được sức sống của làng nghề. Sức sống - nghĩa là nhộn nhịp sản xuất song hành với kinh doanh buôn bán. Khi làng nghề có sức sống thì mới tạo ra kinh tế, “có thực mới vực được đạo”, không thể giữ nghề mà bụng đói. Nghệ nhân cũng phải tích cực, tâm huyết trong trao truyền nghề, để giới trẻ thấy mình được sự quan tâm, chia sẻ của lớp người đi trước. Khi thế hệ già và thế hệ trẻ gặp được nhau ở một điểm chung thì sẽ có khả năng giữ được nghề.

Thực tế tại làng gốm Bát Tràng và làng dát quỳ vàng Kiêu Kỵ (huyện Gia Lâm) cho thấy, nhận định của ông Lưu Duy Dần thật đúng. Bởi với nghề quỳ vàng, dù chỉ có thu nhập 5-7 triệu đồng/tháng thì vẫn có nhiều người trẻ theo nghề, do công việc khá ổn định. Anh Nguyễn Anh Chung, người có 21 năm gắn bó với nghề quỳ vàng, tâm sự: “Gia đình tôi có 4 đời theo nghề dát quỳ vàng. Tôi cũng dạy con tôi nghề và truyền nhiệt tâm giữ nghề. Nhiều người làng tôi cũng đã làm như vậy. Ngày xưa, ông tôi gieo cho bố tôi niềm đam mê, cảm hứng, với tâm niệm không chỉ giữ được nghề quê hương mà cuộc sống cũng ổn định. Sau này, đến lượt bố tôi, rồi tôi cũng truyền lại cho con cháu câu nói đó”.

Thành phố Hà Nội hiện có hơn 300 làng nghề, làng nghề truyền thống được UBND thành phố công nhận. Trong khi làm nông nghiệp dễ gặp rủi ro, thu nhập thấp thì việc theo nghề truyền thống là giải pháp được nhiều người chọn. Tại một số làng có nghề thêu tay, gốm sứ, nghề mộc…, các nghệ nhân vừa dạy nghề cho lớp trẻ vừa tạo việc làm giúp họ có mức thu nhập ổn định. Cái hay của nghề truyền thống là người học ngoài việc được rèn nghề còn có thu nhập. Đó là cách để người trẻ không “nhạt” với nghề cổ của cha ông. Ông Nguyễn Đức Tài, chủ xưởng mộc, làng nghề mộc Chương Dương (huyện Thường Tín), chia sẻ kinh nghiệm: “Chúng tôi sẵn sàng liên kết với các xưởng bạn, đào tạo miễn phí cho người học nghề và trả lương cao để giữ họ lại làm việc. Ngoài ra, việc các cơ quan chức năng quan tâm, tôn vinh những người thợ trẻ có tay nghề cao, có kỹ năng xuất sắc ở làng cũng là cách động viên họ gắn bó với nghề truyền thống”

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: Tạo sức sống mới cho làng nghề