Trầm tích ngoại thành

Bài và ảnh: Vũ Thảo| 02/02/2020 07:51

(HNM) - Sinh ra từ làng quê và tuổi thơ vịn lên nếp làng, lên những bức tường rêu mà lớn, tôi yêu làng mình biết bao nhiêu. Bởi thế, dù đi xa tôi vẫn thường nghĩ về làng mình và những ngôi làng ven sông Nhuệ, sông Tích, sông Cà Lồ từng dưỡng nuôi biết bao cánh đồng ngoại thành Hà Nội. Làng, đến muôn đời vẫn luôn là một vùng trầm tích văn hóa, là nơi đón đợi những đứa con trở về.

Làng Cựu, xã Vân Từ (huyện Phú Xuyên) với những con ngõ in hằn vệt thời gian.

Làng hiếu học

Đã có hàng ngàn, hàng vạn câu thơ của những người con làng Phượng Vũ (xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên) sáng tác để thể hiện tình yêu quê hương. Phượng Vũ là ngôi làng văn hiến, dù cuộc sống có tấp nập, hối hả thì quang cảnh nơi đây vẫn bình dị, hiền hòa. Đây là quê hương của Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Duy Tốn, hai danh sĩ Bắc Hà đầu thế kỷ XX. Làng còn là nơi sinh ra nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp với thi phẩm nổi tiếng “Đi chùa Hương” được phổ nhạc mà bao thế hệ người Việt Nam vẫn hát và sẽ còn hát. Ngôi làng là nơi hội tụ tinh hoa, cống hiến cho đất nước cả giá trị vật chất và tinh thần. 

Làng Phượng Vũ hiện còn gìn giữ, bảo tồn được hai tấm bia, một thời Cảnh Hưng, một thời Khải Định, ghi lại danh sách 272 người con của làng, đỗ đạt từ cử nhân đến tiến sĩ. Các thế hệ trẻ của làng Phượng Vũ noi gương các cụ đời trước, bảo nhau học hành tấn tới, khiến nơi đây trở thành làng hiếu học nổi tiếng. Làng Phượng Vũ là một ngôi làng bình dị, người dân cũng có nếp sống hết sức bình dị, còn giữ được khá nguyên vẹn sự hiếu đễ tôn kính với những người cao tuổi, thầy giáo… Những người có học cũng tỏ ra khiêm nhường. Mới đây, trục đường chính của làng đã được đổ bê tông, thênh thang dài gần 2 cây số. Những con ngõ song song nhau như những bậc của cây thang. Mỗi ngõ là một xóm và thường có cổng xóm riêng…

Cũng thuộc xã Phượng Dực là làng Xuân La, nổi tiếng với nghề làm tò he từ hàng trăm năm nay. Làng có nhiều nghệ nhân nặn tò he trẻ đã đi nhiều nơi giới thiệu, quảng bá sản phẩm làng nghề. Những người con Xuân La luôn giữ được tinh thần hiếu học, người đi trước giúp đỡ người theo sau, tạo nên phong trào học hành tiến bộ. Làng hiện còn giữ được gần chục ngôi nhà cổ, kiến trúc đặc sắc. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Văn Thành cho hay: “Người dân chúng tôi giữ nghề cũng là giữ văn hóa làng, nếp làng. Quê hương chúng tôi là vùng văn hóa trầm tích, chúng tôi luôn giữ tinh thần hiếu học để làm rạng rỡ dòng họ, làng quê, cũng là góp phần vào gìn giữ vẻ đẹp của Thủ đô văn hiến”.

Vun bồi nếp làng

Nói về nếp làng, đến làng Thần Quy (xã Minh Tân) và làng Cựu (xã Vân Từ), đều thuộc huyện Phú Xuyên sẽ nhận thấy những vẻ đẹp khá rõ nét. Đặc biệt là làng Cựu với những con ngõ rêu phong in hằn vệt thời gian loang lổ. Sâu bên trong là những căn nhà ẩn chứa bao câu chuyện đời vui buồn. Ngõ hẹp thì ở đâu cũng vậy, ở nơi này dẫu không đến mức người đi phải nghiêng mình lách qua, song cũng phải chậm lại. Chậm lại nên sẽ có cảm giác sống chậm. Dưới bóng cổ thụ hay dưới những pho cổng nhà cổ thường có các cụ già râu tóc bạc phơ ngồi đánh cờ. Có khi là sự giao lưu của người già và người trẻ, như để tạo sự gắn kết tình làng, tình người. 

Hôm tôi đến làng Cựu, bắt gặp người phụ nữ rê thóc. Rê thóc là hình thức người nông dân gom phần thóc đã được phơi nắng kỹ lưỡng, dùng thúng xúc rồi đứng xuôi chiều gió, nghiêng thúng cho thóc chảy xuống từ từ. Những hạt thóc mẩy đậu lại. Thóc lép và bụi sẽ bay ra xa hơn một chút. Ngày xưa chưa có quạt máy, người ta dùng quạt giấy to cỡ cánh tủ chè để tạo gió giúp việc rê thóc dễ dàng hơn. Nay công việc đó đã có quạt điện, gộp cả hai chiếc vào cùng lúc, tạo ra tốc độ gió lớn giúp giảm bớt sức lao động. Nay nhìn thấy cảnh rê thóc trong con ngõ hun hút gió, chợt thấy ngậm ngùi. Hỏi chuyện bà Bùi Thị Nụ, ở làng Cựu, bà bảo thèm cảm giác ngày xưa nên đem ra rê thử, chứ nhà bà có mấy chiếc quạt máy, chỉ thoáng chốc là rê xong tạ thóc.

Đã ở tuổi 60 nhưng nom bà Nụ vẫn đẹp. Bà về làm dâu làng Cựu đã 40 năm. Ngày ấy làng Cựu cũng đã trầm ấm như thế. Vẫn những con ngõ lát gạch nghiêng, thâm nghiêm màu cổ kính. Bà Nụ bảo, đúng như cái tên làng, dù nhịp sống làng Cựu đã có những nét thay đổi nhưng là sự thay đổi khá chậm so với dòng đời hối hả ngoài kia. Nhiều người ở làng, cũng như bà, vẫn gội đầu bằng vỏ bưởi khô, quả bồ kết, được trồng trong vườn của các gia đình. Cây bưởi, cây vối, hay cây bồ kết của làng không phát triển mạnh mẽ óng ả như ở những ngôi làng khác. Nơi đây người dân nhu mì, mộc mạc nên cây cối cũng khoác một màu giản dị. Chầm chậm lớn. Chầm chậm dâng hương. Cỡ tuổi ông bà, cha chú bà Nụ ngày xưa ở làng Cựu giỏi nghề thợ may, đi khắp chốn kinh kỳ làm ăn, tích cóp tiền của. Họ mang tiền về làng xây dựng nhà cửa theo phong cách châu Âu nhưng hài hòa bản sắc dân tộc ở phần nhà ngang, cổng, cuốn thư, đại tự trước cửa. Nhìn vào ngôi nhà là biết gia chủ thuộc diện quan lại hay dân buôn bán giàu có. Nhưng đặc biệt nhất là lối kiến trúc cuốn thư, như nhắc nhở con cháu chăm chỉ việc đèn sách. Bà Nụ có hai người con trai buôn bán khá giả, muốn mời bố mẹ lên phố cho tiện phụng dưỡng, khỏi phải động tay đến việc đồng áng, cấy hái rau dưa. Nhưng đôi vợ chồng già không thể tách rời làng cổ. Bà Nụ bảo mùi bùn non, vị lúa lên đòng, mùi rơm rạ, mùi thóc mới đặc biệt hấp dẫn bà. Và cả những câu chuyện cổ tích, phiên chợ, cơi trầu, bát nước chè xanh và tình làng nghĩa xóm cũng níu giữ bà. 

Làng Cựu nay đã trở thành điểm đến thú vị của du khách gần xa. Giới trẻ Hà thành thích đến làng Cựu chụp ảnh, trong đó có khá nhiều sinh viên báo chí đến làm những bài tập phóng sự truyền hình hay đoạn phim ngắn về tuổi thanh xuân hoặc những trải nghiệm đầu đời. Trong những thước phim, hình ảnh của họ luôn có bóng dáng thiếu nữ với nụ cười tươi tắn, ánh mắt trong ngần bên những bờ tường rêu xanh. Các nam thanh nữ tú về đây đều hỏi về nếp làng, về những ngôi nhà cổ, con ngõ. Sự xuất hiện của những gương mặt tuổi 20 làm làng Cựu sinh động, tươi mới hẳn.

Ngoại thành Hà Nội còn có nhiều ngôi làng trầm tích như làng Nghiêm Xá (xã Nghiêm Xuyên, huyện Thường Tín), làng Chử Xá (xã Văn Đức, huyện Gia Lâm), làng Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Đức)… Sự cố gắng của chính quyền và người dân các địa phương, với mục tiêu chung tay vì sự phát triển của quê hương, bảo tồn, gìn giữ văn hóa làng, phát huy tinh thần hiếu học chính là sự tôn bồi, vun đắp cho mảnh đất nghìn năm văn hiến. Để Hà Nội mãi là nơi tinh hoa hội tụ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trầm tích ngoại thành