Thêm sức sống cho múa dân gian

Gia Phú| 24/01/2020 08:31

(HNNN) - Trải qua hàng nghìn năm lịch sử, di sản văn hóa phi vật thể của mảnh đất Kinh kỳ góp phần tạo thành mạch nguồn văn hóa phong phú riêng có của Thăng Long - Hà Nội. Nhận diện, bảo tồn, thúc đẩy các yếu tố góp phần tạo nên sự đa dạng, độc đáo ở Thủ đô sáng tạo thì không thể không nhắc đến nghệ thuật múa dân gian.

Múa bồng trong ngày hội làng Triều Khúc. Ảnh: Trương Thế Cầu

Sức sống qua những hội làng

Di sản nghệ thuật truyền thống Thăng Long - Hà Nội mà bao thế hệ đã gây dựng, sáng tạo ra bao gồm nhiều loại hình, trong đó có nghệ thuật múa dân gian với sự đa dạng, phong phú về thể loại. Thực tế minh chứng cho nhận định này bởi ở tất cả các địa bàn, từ quận Thanh Xuân, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Hà Đông... tới thị xã Sơn Tây, các huyện Chương Mỹ, Thường Tín, Hoài Đức..., tới đâu cũng có thể cảm nhận về sự có mặt của múa dân gian. Nào múa bồng, múa chén, múa sênh tiền, nào múa sư tử, múa rồng, múa mõ, múa vật, múa ông địa... Có những điệu múa trở nên phổ biến trong các lễ hội như múa sênh tiền (điệu múa mở đầu cho đám rước). Có những điệu múa trở thành “đặc sản” của địa phương như múa bồng, múa cờ ở hội làng Triều Khúc; múa rùa trong Tết nhảy của người Dao ở Ba Vì; múa Ải Lao trong hội làng Hội Xá (Gia Lâm). Có những màn múa nói về thần tích, về người có công cứu nước, dạy dân làm nghề sinh sống như múa cờ lệnh trong Hội Gióng, múa rắn trong hội làng Lệ Mật...

Tùy từng lễ hội, múa dân gian xuất hiện ở những thời điểm khác nhau: Có khi thuộc phần lễ được trình diễn trong đình, trước hương án, nhưng có khi lại hòa trong không khí tưng bừng của phần hội... Tất cả thể hiện sự sinh động, nhưng cũng góp phần khẳng định truyền thống lao động, sáng tạo trên mảnh đất Kinh kỳ nay đã có tên trong Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Đỗ Thị Hảo, Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, múa dân gian ở Thủ đô đã có từ lâu đời, không thể thiếu trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, từ nơi thôn dã đến chốn kinh kỳ đô hội. Múa dân gian chiếm một vị trí quan trọng trong lễ hội truyền thống ở Hà Nội và gắn bó với mọi sinh hoạt văn hóa cộng đồng. 

Qua nhiều năm sưu tầm, nghiên cứu về múa cổ Thăng Long - Hà Nội, NSND Lê Ngọc Canh khẳng định: “Những điệu múa dân gian có sức sống bền vững, trường tồn trong nhân dân, được nhân dân lưu truyền và trình diễn trong mọi sự kiện sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Vào lễ hội, ngày lễ, ngày tết, hội làng, hội đình thì không thể thiếu múa dân gian”.

Tìm lại dấu xưa

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, việc giữ gìn và phát huy nghệ thuật múa Thăng Long - Hà Nội vẫn được các thế hệ tiếp nối thực hiện. Cũng bởi thế mà các tác phẩm múa dân gian vẫn hiện diện trong rất nhiều lễ hội của Hà Nội. Theo số liệu của Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội, Thủ đô hiện có khoảng 80 điệu múa cổ. Để gìn giữ và phát huy giá trị đó, từ hơn chục năm trước, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội đã khởi xướng chương trình “Phục hồi, phát huy múa cổ Thăng Long - Hà Nội” bằng việc sưu tầm và phục dựng các điệu múa có từ lâu đời. Lần lượt trong các năm 2006, 2007, 2008 và 2011, đã có 4 kỳ Liên hoan Múa cổ truyền Thăng Long - Hà Nội được tổ chức. Riêng trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010), Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội đã tổ chức chương trình Thăng Long mở hội tìm lại dấu xưa, một sự kiện không chỉ mang ý nghĩa phát động việc nghiên cứu, tìm lại những bài bản cổ mà còn hướng tới việc “tổng duyệt đội hình”, tìm kế sách bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật múa dân gian Thăng Long - Hà Nội. 

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội Nguyễn Văn Bích cho hay, ý tưởng phục hồi múa cổ đã được ông nhen nhóm từ năm 2000, nhưng mãi tới năm 2005 mới trở thành chương trình hành động của Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội. Cùng với việc sưu tầm các hình thức múa cổ thông qua các hội làng, các lễ thức dân tộc, việc quảng bá múa cổ cũng đã được Hội tích cực triển khai thông qua việc tổ chức các liên hoan múa cổ và cả hoạt động triển lãm như triển lãm Nghệ thuật múa qua ống kính nhiếp ảnh, Nhịp điệu múa qua con mắt họa sĩ Hà Nội (Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội phối hợp với Hội Nhiếp ảnh Hà Nội, Hội Mỹ thuật Hà Nội tổ thức). Đến nay, sau thời gian dài sưu tầm, nghiên cứu và phục dựng, Hội đã tập hợp được tư liệu về gần 60 hình thức múa, ghi hình nhiều tác phẩm múa tiêu biểu để phục vụ cho công tác bảo tồn. Đặc biệt, Hội còn tích cực vận động, hỗ trợ địa phương có múa cổ xây dựng phòng truyền thống, lưu giữ hình ảnh, đạo cụ, phục trang liên quan tới việc trình diễn các điệu múa cổ.

Quá trình đô thị hóa diễn ra ngày một mạnh mẽ, có thể gây hệ lụy tới các loại hình nghệ thuật vốn cần có không gian phù hợp để giữ lại những bài bản cổ xưa. Đáng mừng là trong bối cảnh đó, rất nhiều điệu múa dân gian vẫn tồn tại trong các làng, xã, quận, huyện trên địa bàn thành phố Hà Nội. Vậy nên, đến với những hội làng Hà Nội dịp đầu xuân mới, người dân và du khách Thủ đô vẫn có cơ hội được thưởng thức và hòa chung vào bầu không khí lễ hội tưng bừng, thưởng thức những màn múa dân gian thể hiện sự sáng tạo của người dân Thăng Long - Hà Nội... Đáng chú ý là vài năm trở lại đây, múa cổ Hà Nội còn được trình diễn trong một số chương trình nghệ thuật tại không gian phố đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân và du khách.

Để múa dân gian tiếp tục “hồi sinh”

Nghệ nhân Triệu Đình Hồng (làng Triều Khúc) năm nay đã xấp xỉ tuổi 80. Xem múa bồng từ thuở lên 9, lên 10, rồi được cha chú “truyền dạy” về nguồn gốc, cách thức múa, tình yêu múa bồng khiến ông “say” đến tận bây giờ. Dù tuổi cao, ông vẫn hăng say với vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ Múa bồng làng Triều Khúc với mong muốn trao truyền cho thế hệ sau giá trị văn hóa truyền thống. Ông Hồng bộc bạch: “Lớp trẻ bây giờ ít người còn mặn mà, kinh phí cho câu lạc bộ thì quá eo hẹp nhưng tôi vẫn cố gắng vận động các cháu tham gia câu lạc bộ, tìm đến trường học thuyết phục ban giám hiệu đưa múa bồng vào dạy ngoại khóa”.

Không chỉ riêng nghệ nhân Triệu Đình Hồng, còn biết bao nghệ nhân khác như Lương Tất Tố, Vũ Thị Xuyên (Câu lạc bộ Hò cửa đình và Múa bài bông thôn Phù Nhiêu, xã Quang Trung, huyện Phú Xuyên)... đã và đang bền bỉ nối dài sức sống cho múa dân gian trong lòng Hà Nội đương đại, để kho di sản múa cổ của cha ông còn hiện diện trong đời sống cộng đồng.

Theo nghệ sĩ múa Nguyễn Văn Bích, múa cổ được bảo tồn và gìn giữ cũng là nhờ công sức của những người dân địa phương, đặc biệt là những nghệ nhân múa. Tuy nhiên, để múa cổ tiếp tục hồi sinh thì cần sự sáng tạo của giới làm nghề và sự chung tay của cả cộng đồng. “Những năm gần đây, có nhiều hình thức múa cổ đã được phục hồi như múa vật ở làng Hoàng Mai, múa gậy ở làng Chử Xá, múa rắn ở Gia Lâm..., tuy nhiên, vẫn còn không ít bài bản cổ mới chỉ được biết qua văn bia, những câu chuyện kể của người cao tuổi nên việc phục dựng rất khó, đòi hỏi phải có nguồn kinh phí. Chỉ tính riêng việc dựng trang phục, đạo cụ cho một điệu múa, kinh phí cần có khi lên tới hàng trăm triệu đồng. Đó là chưa kể khó khăn trong việc vận động, thuyết phục các bạn trẻ tham gia vào việc này” - nghệ sĩ Nguyễn Văn Bích trăn trở.

Năm 2019, Hà Nội vinh dự trở thành thành viên của Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO. Đó là một sự tự hào nhưng cũng là một thách thức không nhỏ. Đem múa dân gian đến gần hơn với công chúng qua những không gian sáng tạo, những lễ hội nghệ thuật là điều cần tính đến. Chúng ta sáng tạo trên nền tảng truyền thống, thúc đẩy để những giá trị truyền thống  hiện diện, phát triển trong sự sáng tạo. Và, cũng như bao loại hình di sản phi vật thể của mảnh đất Hà thành, múa dân gian Hà Nội rất cần được hồi sinh trong sự sáng tạo ấy.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm sức sống cho múa dân gian