Giếng cổ trong lòng phố cổ

Lê Hồng Quang| 05/01/2020 08:45

(HNM) - Nhiều người bạn phương xa khi đến thăm Thủ đô thường đòi tôi đưa đi chơi và trải nghiệm những nét sinh hoạt xưa của người Hà Nội. Trong đó, quán cà phê sát bên bờ một ngôi giếng cổ sâu tít trong một ngõ nhỏ phố cổ là lựa chọn thú vị của các vị khách hay “yêu sách” đó. Càng thú vị hơn khi cà phê ở đây được pha bằng chính nước múc từ giếng cổ. Và phố cổ Hà Nội không chỉ có một cái giếng xưa như thế.

Giếng cổ nơi phố cổ vẫn cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. Ảnh: Lê Hồng Quang

Phố cổ Hà Nội nằm phía Bắc của hồ Hoàn Kiếm, mang dáng dấp xưa cũ, phố ngắn, vỉa hè hẹp. Còn phía Nam hồ Hoàn Kiếm lại là khu phố Tây, đường rộng, nhà cao. Thế kỷ XXI đã đi qua hai thập niên, đủ cho một thế hệ mới sinh ra và trưởng thành. Ấy thế mà khu phố cổ Hà Nội vẫn tồn tại những nếp sinh hoạt từ tận thế kỷ XIX.

Ngõ Hàng Chỉ dài hơn trăm mét lại ẩn im lìm giữa phố Hàng Hòm nên ít ai để ý, kể cả không ít người Hà Nội. Con ngõ nhỏ thông ra cả phố Hàng Gai và Hàng Quạt. Điểm thắt của cả ba ngõ phố đó những năm gần đây bỗng trở nên tấp nập các bạn trẻ và những du khách ưa khám phá. Họ bị cuốn hút bởi cái giếng cổ cuối ngõ. Người dân sống ở ba ngõ phố này vẫn hằng ngày ra đây múc nước giếng về sử dụng trong sinh hoạt, cho dù đã có nước máy vào tận nhà.

Cách đây ba năm, bà chủ một căn nhà trong ngõ Hàng Chỉ - bà Nguyễn Thị Thanh hơn 80 tuổi - mở quán cà phê Giếng cổ. Khách tới thưởng thức cà phê vẫn thường đòi cà phê pha bằng nước giếng cổ, họ chê nước máy hay bị có mùi clo khử trùng. Quán đơn giản suốt bao năm chỉ với 3 chiếc bàn nhỏ đủ cho mươi khách nhưng lúc nào cũng kín. Rồi khi nơi này trở thành một sở thích khám phá của nhiều người trẻ thì cái kho bên cạnh cũng mở hẳn một quán cà phê hoành tráng, rộng rãi hơn, có cả rượu vang và cà phê kiểu Ý. Nhưng giếng cổ thì giữ nguyên và giới trẻ Hà Nội vẫn rủ nhau “cà phê giếng cổ nhé” và khi đến đây thường thích chọn bàn cạnh giếng.

Mọi người đến tham quan các giếng cổ nơi phố cổ Hà thành thường rất thích thú soi bóng mình xuống mặt nước trong veo. Cách đây quãng hơn mươi năm, vào ngày khánh thành dự án trùng tu, phục hồi chùa Kim Cổ trên phố Đường Thành, một nhà nghiên cứu đã đưa ra giả thuyết rằng câu thơ “Ngàn năm gương cũ soi kim cổ” của Bà Huyện Thanh Quan và chữ “Kim Cổ” ở đây là tên chùa Kim Cổ. Giả thuyết còn khẳng định trước kia chùa Kim Cổ có giếng rất trong và nằm ở vị trí “Đường Thành” giờ đã là tên phố. Khi tới thành Thăng Long, Bà Huyện Thanh Quan đã viết bài thơ nổi tiếng có câu thơ này. Giả thuyết này ám ảnh tôi suốt hơn mười năm qua. Một lần ngồi ăn sáng ở quán bên đường, hỏi thăm mới biết trong ngõ nhỏ đó trước kia có cái giếng cổ, có cả tấm bia đá.

Tuy nhiên, sau đó nhà cửa xây dựng lên thì giếng bị lấp và tấm bia cũng nằm trong các bức tường giờ không thể thấy được nữa. Cũng chẳng ai biết bia viết gì và giếng có thuộc chùa Kim Cổ xưa kia không vì bia giếng và chùa chỉ cách nhau hơn hai mươi mét nhưng giờ thì bị chia cách bởi lòng đường phố Đường Thành. Dù sai, đúng được bao nhiêu thì giả thuyết này cũng khá thú vị.

Trao đổi câu chuyện này với nhà sư trụ trì chùa Kim Cổ, sư thầy Thích Minh Sơn cho biết, chùa trước đây xây trên đất của thôn Kim Cổ và bên cạnh là thôn An Thái. Và đúng là trước kia chùa Kim Cổ có một giếng rất trong. Trải qua biến cố của lịch sử, phố xá dần hình thành, giếng bị lấp đi nhường chỗ cho những ngôi nhà.

Theo lời những người dân sinh sống ở đó thì có một tấm bia đá không rõ ghi gì trước ở cạnh giếng Kim Cổ nhưng giờ thì tấm bia cũng bị ẩn sâu trong các lớp tường ngăn chia của nhà cửa nơi phố xá. Sư thầy Thích Minh Sơn còn cho biết, chùa Kim Cổ và đình Tạm Thương là một trong “Thăng Long tứ quán” (khác với “Thăng Long tứ trấn”).

Thả bộ trong ngõ Tạm Thương mà chợt nhớ câu thơ “Ngõ bẩy thước mà lòng muôn dặm - Thương một đời đâu phải tạm thương” của thi sĩ Chế Lan Viên. Điều đáng nói là ngõ rất ngắn, chỉ vài chục mét mà vẫn còn tới dăm ngôi giếng cổ. Nổi bật là ngôi giếng ngay nhà số 2 nằm cạnh một khách sạn nhỏ. Giếng được xây be gạch đẹp và có đặt những chiếc ghế cho khách ngồi thư giãn thưởng thức cà phê. Theo lời người dân kể thì nhà chủ cũ đã từng lấp giếng sau khi có nước máy vào tận nhà. Rồi chủ mới mua xây khách sạn thì cho khơi lại giếng trên đúng vị trí giếng cũ. Giếng khơi lại xong thì nước đầy ngay lập tức và thành một điểm "check in" thú vị của giới trẻ Hà thành và khách du lịch.

Cư dân Hà Nội trước đây phần lớn vẫn sử dụng nước giếng để sinh hoạt, kể cả đến quãng thập niên 70-80 của thế kỷ XX vẫn dùng. Ngày ấy, các phố Hà Nội có nhiều giếng lắm. Đa số giếng đều có đường kính nhỏ hơn một mét. Riêng số nhà 90 phố Hàng Trống thì có ngôi giếng cổ rộng tới gần hai mét, là nguồn cung cấp nước cho cả phố suốt cho tới tận những năm đầu thế kỷ XXI, nhất là vào những ngày hè oi ả. Giếng từ xưa vốn không có thành, chỉ là bờ đất giữa một sân rộng. Dân phố tăng lên, sân chung dần bị thu hẹp nhường chỗ cho các ngôi nhà. Sợ bờ giếng bị sụp nên các hộ dân trong số nhà này đã góp tiền mua gạch, xi măng xây be thành giếng vững chắc. Cho đến nay, giếng này vẫn cho nước sạch nhưng người dân ở đây không sử dụng để ăn, uống, sinh hoạt nữa.

Nhưng lạ và huyền hoặc nhất có lẽ là giếng cổ trong đền Bạch Mã - một trong tứ trấn Thăng Long. Trước kia giếng đầy nước, sau khi tu bổ xây bờ, lát sân, giếng bỗng cạn khô không lý do. Rồi một đêm, giếng bỗng đầy nước như chưa bao giờ cạn và nước trong vắt cho đến tận bây giờ.

Thành phố ngày càng phát triển, 100% người dân ở nội thành đều có nước máy để sử dụng. Hiện nước máy mắc vào từng nhà, tới tận bếp, nhà tắm, máy giặt... Ấy thế mà phố cổ Hà Nội vẫn tồn tại những giếng cổ trải qua ba thế kỷ. Cho đến nay, một số người dân vẫn múc nước ở những giếng này sử dụng hằng ngày, dùng để pha trà, cà phê. Rồi cứ sát Tết, lại có người mang can vào xin nước giếng về dưỡng hoa thủy tiên…

Giếng cổ giữa lòng phố cổ thực sự là một nét văn hóa, là một phần ký ức của Thăng Long - Hà Nội nghìn năm tuổi và cần được bảo tồn trong nhịp điệu sôi động của Thủ đô thời hiện đại. Giếng cổ trong vắt như gương, nếu như mai này chỉ thấy lại qua văn chương, báo chí thì quả là điều tiếc nuối!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giếng cổ trong lòng phố cổ