Nhà hát Kịch Hà Nội: Từ dấu ấn vàng son...

Trà Giang| 02/01/2020 15:57

(HNMCT) - Nhìn lại chặng đường 60 năm đã qua, những nghệ sĩ của Nhà hát Kịch Hà Nội gọi đó là “dấu ấn vàng son” và không một ai yêu kịch nghệ có thể phủ nhận điều này. Nhưng dấu ấn ấy cũng đang đặt lên vai thế hệ nghệ sĩ hôm nay trọng trách rất lớn, đó là làm sao để vượt qua những thách thức mà thời đại đang đặt ra cho sân khấu.

Nhà hát Kịch Hà Nội đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba.

60 năm - câu chuyện của một "thánh đường nghệ thuật"

Trong Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Nhà hát Kịch Hà Nội (1959 - 2019) diễn ra cuối tuần trước, khi nghệ sĩ các thế hệ ùa lên sân khấu, một không khí xúc động bao trùm toàn bộ rạp Công Nhân.

Có lẽ hiếm có nhà hát nào có nhiều gương mặt nổi tiếng đến như thế với 9 NSND và 23 NSƯT qua các thời kỳ, từ NSND Trần Hoạt, NSND Hoàng Dũng, NSND Hoàng Cúc, NSND Trần Hạnh, NSND Minh Hòa... đến lứa sau này như NSND Trung Hiếu, NSND Thu Hà, NSƯT Trần Đức, NSƯT Phú Thăng, NSND Công Lý... và lớp diễn viên trẻ đang được yêu thích hiện nay như Thanh Hương, Hồng Đăng, Tiến Lộc, Thúy Hà...

Thật sự, khó có thể kể tên đầy đủ những nghệ sĩ nổi tiếng ở đây trong khuôn khổ một bài viết và chính sự không thể ấy lại là minh chứng cho sức hấp dẫn của nhà hát với một lực lượng nghệ sĩ đông đảo, tên tuổi như vậy.

Sắp bước sang tuổi 90, NSƯT Hoàng Quân Tạo là người cuối cùng còn lại trong số những gương mặt đặt nền móng cho nhà hát buổi đầu tiên. Ông chia sẻ: “Những ngày này, trong tôi như có một cuốn phim quay chậm trở lại những ngày đầu thành lập nhà hát. Khi đó tôi là một trong 3 người sáng lập ra kịch nói của Hà Nội, từ đội kịch chỉ có mười mấy diễn viên đến đoàn kịch rồi nhà hát như ngày hôm nay với hơn một trăm cán bộ, diễn viên, nghệ sĩ. Đấy là một bước trưởng thành rất lớn”.

Quả thật, hơn nửa thế kỷ của nhà hát cũng là hơn nửa thế kỷ đầy thăng trầm của cả nền kịch nghệ nói chung. Song hành cùng những khó khăn về vật chất, từ thuở ban đầu khi đội kịch phải chở đạo cụ bằng xe bò, qua 11 lần chuyển địa điểm “ăn nhờ, ở tạm” rồi mới về an cư tại rạp Công Nhân như hiện nay, là sự trưởng thành từng bước về nghệ thuật của đơn vị.

Những vở diễn như Tôi và chúng ta, Hà Nội đêm trở gió, Lũy hoa, hay sau này là Những mặt người thấp thoáng, Bỉ vỏ, Điệp khúc virus, Vùng lạnh, Ngôi nhà trong thành phố... với các giải thưởng lừng lẫy, sự hâm mộ nhiệt thành của người xem, cùng những chuyến lưu diễn khắp trong và ngoài nước, đã định vị Nhà hát Kịch Hà Nội là một thương hiệu mạnh của sân khấu cách mạng Việt Nam, "thánh đường nghệ thuật" đáng mơ ước của biết bao thế hệ nghệ sĩ.

NSND Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát đánh giá: "60 năm trôi qua, nhà hát đã dàn dựng, biểu diễn hơn 200 vở diễn và các chương trình lớn phục vụ nhân dân cả nước và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, tổ chức hơn 9.000 buổi biểu diễn với trên 4,5 triệu lượt người xem. 60 năm dấu ấn vàng son đã minh chứng Nhà hát Kịch Hà Nội là một điểm sáng rực rỡ trong nền sân khấu kịch nói nước nhà. Một nhà hát có phong cách nghệ thuật được đánh giá rất cao bởi những giải thưởng, những bằng khen và những danh hiệu cao quý. Một thương hiệu Kịch Hà Nội không thể thay thế, không thể pha trộn. Đó là sự tinh tế, lịch lãm và hào hoa trong diễn xuất, là sự nhạy bén về thời sự, sắc sảo về chính trị, là sự kiên định về phong cách chính kịch mà Nhà hát Kịch Hà Nội đã xây dựng, gìn giữ và không ngừng phát triển trong suốt những năm qua. Tôi tin rằng, trong tương lai nhà hát vẫn luôn giữ vững phong cách nghệ thuật của mình, tiếp tục dàn dựng và cống hiến những vở xứng đáng với tầm vóc và vị thế của một nhà hát tầm cỡ quốc gia".

Trao gửi niềm hy vọng

Tự hào về quá khứ vàng son, song nỗi lo lắng về tương lai cũng không giấu được trong nụ cười trao lại của thế hệ nghệ sĩ đàn anh ở lễ mừng nhà hát tròn “lục thập hoa giáp” bởi sân khấu kịch nói chung hiện nay đang gặp vô vàn khó khăn.

NSND Hoàng Dũng chia sẻ: "Kịch Hà Nội là ngôi nhà của tôi, như máu, như thịt của tôi. Thế hệ trước tôi rồi đến chúng tôi đã dành hết tình yêu cho nhà hát, đã dốc hết lòng rồi và giờ đây là đến thế hệ của các em, các cháu. Mọi người hãy cố gắng yêu thương và giữ gìn thương hiệu của nhà hát, nhất là trong giai đoạn khó khăn này, khi đời sống văn hóa nghệ thuật đang có nhiều thay đổi, biến chuyển".

Lo lắng nhưng các nghệ sĩ của nhà hát cũng rất vững tin bởi họ đều coi đây là ngôi nhà thứ hai, là tâm huyết của cuộc đời mình để xây đắp. Nghệ sĩ trẻ Chí Nhân chia sẻ, mỗi khi thương hiệu nhà hát vang lên trước vở diễn, anh đều cảm thấy như được truyền nguồn năng lượng tích cực và thêm nỗ lực cống hiến, tỏa sáng.

Còn với NSND Tiến Đạt: "Nhìn lại quá trình 60 năm, tôi thấy nhà hát đã vững vàng đi qua bao giai đoạn khó khăn và giờ đây đang tràn đầy hy vọng với lứa các nghệ sĩ trẻ tài năng nên thiết nghĩ cũng không có gì để quá lo lắng”.

Là người "chèo lái con thuyền" Nhà hát Kịch Hà Nội hiện tại, NSND Trung Hiếu tin tưởng nhà hát đã sẵn sàng chuyển mình vào giai đoạn mới, để thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Nhà hát vừa trang bị và cho ra mắt sân khấu quay hiện đại từng bước thực hiện mục tiêu phát triển thành một nhà hát đa năng, lấy kịch nói làm trung tâm. Song song với đó là việc xây dựng và giới thiệu diện mạo mới của nhà hát. Đó chính là logo mới, website mới và bộ nhận diện thương hiệu để giúp đưa nhà hát ngày một đến gần hơn với công chúng.

“Logo mới lấy cảm hứng từ kiến trúc mái vòm cũ của nhà hát, như vầng thái dương bừng sáng lúc bình minh, tựa như niềm hy vọng mãnh liệt của toàn bộ nhà hát vào tương lai xán lạn, đưa nền kịch nói nước nhà sẽ sớm quay lại thời kỳ vàng son rực rỡ”. Chia sẻ của nghệ sĩ Trung Hiếu chắc chắn cũng là mong mỏi chung của tất cả những người yêu sân khấu và hy vọng Nhà hát Kịch Hà Nội sẽ vượt qua khó khăn để viết tiếp những trang sử đáng tự hào trong những năm tháng tiếp theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhà hát Kịch Hà Nội: Từ dấu ấn vàng son...