Hoài niệm xẩm

Nguyễn Ngọc Tiến| 06/11/2019 16:54

(HNMCT) - Xẩm là nghệ thuật hát khan xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX ở các chợ, bến đò, tại các vùng quê của nhiều tỉnh thành miền Bắc. Hát xẩm không chỉ là một kế sinh nhai của  những người khiếm thị mà còn là cái nghiệp của nhiều người sáng mắt.

Những người hát xẩm ở Hà Nội xưa. Ảnh: Tư liệu

Đường ra Hà thành

Gốc gác của xẩm là bản sao vụng về của hát chèo trong điều kiện và hoàn cảnh hạn chế của những người tật nguyền. Giữa xẩm và chèo có mối liên quan ruột rà nên các nghệ nhân đã xếp hát xẩm và chèo cùng loại trung ca, trong khi tuồng vào loại võ ca, ca trù vào loại văn ca.

Ban đầu hát xẩm chỉ là các làn điệu đơn giản, gần gũi với đời sống của người dân lao động như Xẩm chợ, Xẩm Thập ân, Ngâm vịnh. Sau đó, do đòi hỏi của người nghe nên những người hát xẩm đã sáng tạo ra các làn điệu mới. Theo thống kê, xẩm có khoảng 20 làn điệu gồm Xẩm Thập ân, Huê tình (Riềm huê), Nhà trò, Nhả tơ, Hà liễu, Ba bậc, Trống quân, Thuốc phiện, Cô đầu, Phồn huê (Nữ oán), Xẩm chợ, Xẩm xoan, Dân vận... Tuy nhiên, chỉ có 7 bài đặc trưng là Xẩm chợ, Chênh bong, Riềm huê, Ba bậc, Phồn huê, Hát với ai và Xẩm Thập ân.

Khi hát ở chợ quê, bến đò, xẩm rất đơn giản, chỉ vận làn xẩm vào trong vài câu ca dao ngắn. Nhưng dần dần hát xẩm đã dài đến vài chục câu, có khi hát cả một câu chuyện với thời gian khá dài. Cuối thế kỷ XIX, cuộc sống ở các vùng quê miền Bắc cũng không dễ thở nên người hát xẩm buộc phải tìm các đô thị đông đúc, đặc biệt là Hà Nội, khi đó đã có chợ Đồng Xuân là chợ bán buôn lớn nhất Bắc Kỳ. Hằng ngày các nhóm xẩm chia nhau ngồi hát trước 4 cửa.

Khi Hà Nội có tàu điện thì trước cửa chính của chợ là bến đỗ và tránh tàu nên lúc nào cũng đông nghẹt người. Nói đến Xẩm chợ Đồng Xuân với tư cách là làn điệu có lẽ do bài hát này: “Hà Nội như động tiên sa/ Sáu giờ tắt hết đèn xa đèn gần/ Vui nhất có chợ Đồng Xuân/ Mùa nào thức ấy xa gần xem mua/… Cổng giữa có chị bán dừa/ Hàng cau, hàng quýt, hàng dưa, hàng hồng/ Ai ơi đứng lại mà trông/ Hàng vóc nhiễu thong dong rườm rà/ Ngoài chợ có chị hàng hoa/ Có người đổi bạc đi ra đi vào”. Cùng với Xẩm chợ Đồng Xuân còn có bài Vui nhất Hà thành: “Bắc Kỳ vui nhất Hà thành/ Phố phường sầm uất văn minh rợp trời/ Thanh tao lịch sự đủ mùi/ Cao lâu rạp hát vui chơi đủ đầy...”.

Thăng trầm thời cuộc

Những người hát xẩm ở Hà Nội thường đi theo nhóm, có khi hai, có khi là ba người. Một người kéo nhị, một người hát nhưng có nhóm người vừa kéo nhị vừa hát còn người kia chìa nón. Không có “quy ước” nhưng nhóm này ngồi chỗ này thì nhóm kia tự biết đi chỗ khác. Giữa họ không bao giờ có ẩu đả tranh giành chỗ. Và từ bến đò, chợ quê, khi ra Hà Nội xẩm đã gắn bó với thị dân và trở thành nghệ thuật đường phố.

Nếu xẩm ở bến đò, chợ quê thường là các điệu bi ai buồn thảm để tìm kiếm lòng thương thì khi hát ở Hà Nội buộc phải thay đổi, bớt cái tự sự khổ đau, ai oán thân phận để chuyển sang làn điệu vui tươi nịnh “chủ nhà”. Thế nhưng sự khác biệt lớn nhất giữa xẩm Hà Nội với các vùng miền khác chính là Xẩm Tàu điện. Từ bến chính Bờ Hồ, tàu điện tỏa đi 6 hướng (Hà Đông, Cầu Giấy, Mơ, Vọng, Bưởi và Yên Phụ) và rồi lại quay trở về Bờ Hồ. Tàu điện là phương tiện giao thông công cộng được thị dân ưa chuộng vì giá vé rẻ và rất tiện dụng nên lúc nào cũng đông khách. Dù chỉ có tối đa 3 toa nhưng tàu liên tục các chuyến đi - về và khách lên khách xuống. Khách đi tàu bao giờ cũng có dăm ba xu lẻ trong túi. Đó là cơ hội tốt để các nhóm hát xẩm kiếm ăn. Họ hát cho khách nghe trước khi tàu chuyển bánh, khi tàu chạy họ lại chuyển sang chuyến khác, hát cho đến khi nhà tàu nghỉ. Nhưng có khi đang hát thì tàu chạy nên cả nhóm không kịp xuống, thế là đành theo và xuống bến gần nhất để lên tàu khác quay lại Bờ Hồ.

Tuy nhiên các nhóm hát xẩm không chọn ga Hàng Cỏ cho dù cũng là bến tàu và còn đông đúc hơn bến tàu điện. Đó là bởi ga Hàng Cỏ tuy đông nhưng lại không có chuyến đi - về liên tục như tàu điện. Hơn nữa, khách xuống ga thường về nhà hay đến ngay đến nơi cần đến. Còn khách chờ tàu cũng chỉ có từng đấy, vả lại mua vé xong sợ mất cắp nên họ thường giấu tiền vào trong người, muốn cho lại phải móc hầu bao ra nên nhiều người ngại.

Xẩm Tàu điện na ná như điệu Đưa đò. Đó không chỉ là làn điệu mà còn được hiểu là nơi những người hát xẩm kiếm sống. Ở bến Đinh Tiên Hoàng có hai mẹ con bà Lùn. Cả hai thường xuyên theo tàu vào bến Hà Đông rồi quay trở lại Bờ Hồ. Bà Lùn mắt sáng, hằng ngày hát trên tàu nên nhẵn mặt kẻ móc túi. Đang hát “Hồng hồng, tuyết tuyết... ư ư/ Mới ngày nào chẳng biết cái chi chi...”, nhìn thấy kẻ cắp móc túi khách, lập tức bà chuyển sang xẩm: “Cô ơi sắp sửa mất rồi/ Kia kìa kẻ cắp đang cười với cô”. Nhiều khi hai mẹ con đối đáp, bà hát: “Cái gì nó bé nó cay/ Cái gì nó bé nó hay cửa quyền”. Cô con gái đối lại: “Hạt tiêu nó bé nó cay/ Đồng tiền nó bé nó hay cửa quyền”. Cũng chính từ hát ở Hà Nội nên các nhóm xẩm đã sáng tác ra các làn điệu: Riềm huê, Ba bậc, Phồn huê... sau đó các điệu này lại “loang” trở lại những miền quê nơi nó ra đời.

Thập niên 30 của thế kỷ trước, ở bãi An Dương (nay thuộc phường Yên Phụ, quận Tây Hồ) có xóm xẩm. Sở dĩ gọi xóm xẩm vì ở bãi sông Hồng này có chừng 10 nóc nhà của những người hát xẩm. Gọi là nhà nhưng thực ra chỉ là lều, bên trong có chõng, vài cái niêu đất. Ban ngày vợ chồng con cái kéo nhau đi hát, chập tối họ rục rịch kéo nhau về nấu nướng và ngủ ở đây. Xóm tồn tại đến năm 1954. Hát xẩm dường như đạt đến đỉnh cao ở Hà Nội vào đầu thập niên 40 với các tên tuổi tài ba như Nguyễn Văn Nguyên (tức Trùm Nguyên), Vũ Đức Sắc và những nghệ nhân khác. Năm 1966, Mỹ ném bom Hà Nội nên những người hát xẩm trở về quê. Bến tàu điện chỉ còn vài người được ngành Văn hóa cấp phép, trong đó có Trùm Nguyên. Năm 1986, tàu điện bị gỡ bỏ do gây ùn tắc giao thông nên hát xẩm cũng biến mất.

Sau nhiều năm “ngủ yên”, đến đầu năm 2005 xẩm xuất hiện trở lại trên khu phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân nhờ tâm huyết của nhạc sĩ Thao Giang và một số nghệ sĩ. Và thật đáng mừng khi hiện nay, nghệ thuật hát xẩm đã đều đặn diễn ra tại một vài địa điểm ở Hà Nội, trong khu phố cổ hoặc khu vực tượng đài vua Lê vào mỗi dịp cuối tuần...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hoài niệm xẩm