Chùa Tổng - một đại danh lam

Bài và ảnh: Hảo Nguyễn| 07/11/2019 09:20

(HNMCT) - Tên chữ của chùa là “Thiên Hưng tự”, dân gian thường gọi là chùa Tổng, vì đây là ngôi chùa lớn nhất trong tổng Yên Lũng xưa gồm 6 xã (nay thuộc làng La Phù, xã La Phù, huyện Hoài Đức, thành phố Hà Nội). Công trình hiếm hoi này nằm trong số các di tích cổ được ghi chép các mốc thời gian cụ thể gắn với việc xây dựng và bảo tồn qua hàng nghìn năm lịch sử.

Đại bái chùa Thiên Hưng.

Theo văn bia dựng ở chùa thì Thiên Hưng tự được xây dựng năm Mậu Tý (988), dưới triều vua Lê Đại Hành, do hòa thượng Thích Chân Từ, người cố đô Hoa Lư chủ trì và khánh thành ngày 21-2 năm Kỷ Sửu (989). Năm Đinh Tỵ (1677, triều vua Lê Hy Tông) chùa được trùng tu, đồng thời xây dựng thêm gác chuông và đúc chuông. Năm Nhâm Dần (1782), triều vua Lê Hiển Tông chùa được mở mang quy mô, xây dựng 9 gian thượng điện, 5 gian đại bái, 4 gian hậu cung.

Năm 1947, trong kháng chiến chống Pháp, chùa Tổng bị phá hủy nặng nề, rất may là nhiều di vật quý đã được đưa về giữ tại chùa La Phù ở trong làng. Năm 1965, một số cơ quan, đơn vị mượn đất chùa để đặt trụ sở. Quãng năm 1989 - 1990, đất chùa được trả lại cho dân làng. Năm 1992, UBND tỉnh Hà Tây (cũ) ra quyết định giao 4.846m2 đất và cho phép xây dựng lại chùa. Cùng năm, Thượng tọa Thích Thanh Phúc trụ trì đã kêu gọi phát tâm công đức để xây dựng chùa và cung Tam Thánh. Năm 1997 nhà chùa xây tam bảo và năm 1999 mở mang đại bái thành 7 gian... Các hạng mục được xây dựng lại thiên về bào trơn đóng bén, tạo sự bền chắc.

Từ ngoài đường đi vào, qua cổng là sân gạch rộng rồi đến đại bái, liền đó là thượng điện, phía sau là hậu cung bài trí 6 lớp tượng. Phía sau thượng điện có cửa mở ra hai dãy hành lang, mỗi bên 11 gian, bài trí các bộ tượng. Cách bài trí đồ thờ và hệ thống tượng Phật thể hiện sự mẫu mực, tôn nghiêm, tiêu biểu cho loại hình chùa ở vùng Đồng bằng Bắc Bộ. Các pho tượng được tạo tác tỉ mỉ, công phu, là những tác phẩm điêu khắc, tạo hình hoàn chỉnh, có giá trị nghệ thuật cao.

Trong các di vật quý, nổi bật là bức hoành phi chạm khắc 4 chữ Hán lớn: “Đại hùng ngự vũ” (Hùng vĩ ngự trị), chỉ quy mô của chùa và vị thế Tam Thánh được thờ tại chùa. Theo Hòa thượng Thích Thanh Phúc, tầm vóc của chùa còn thể hiện ở câu đối: “Nhật nguyệt cao thông đạo ngạn thiên thu tiêu chí chủ/ Đàn đài trì khởi giác quan trung cổ độ mê tân” (Nhật nguyệt cao vời, bờ đạo ngàn năm nêu chí lớn/ Đàn đài bền vững, giác quan từ cổ vượt bến mê).

Chùa Thiên Hưng hấp dẫn du khách vì sự tích và nghi lễ thờ Tam Thánh, tức 3 vị cao tăng là các nhà sư Dương Không Lộ (1016 - 1094), Giác Hải (1024 - ?) và Từ Đạo Hạnh (? - 1117). Tương truyền, Dương Không Lộ và Giác Hải sau khi đắc đạo ở Tây Trúc trở về, khi qua đây thì Từ Đạo Hạnh đã hóa hổ để thử tài hai người. Chính vì thờ ba vị Quốc sư - những người được suy tôn là “Tam thánh Tổ” mà chùa Thiên Hưng được gọi là nơi “xiển dương Phật pháp” (phát huy, mở rộng Phật pháp), ghi đậm dấu ấn “quốc thiền” như trên một bức hoành phi ở đại bái. Đây là một hiện tượng văn hóa độc đáo ở Việt Nam, thể hiện rất rõ ở các nghi lễ thờ phụng trong chùa Thiên Hưng.

Các bức tượng ở một dãy hành lang sau thượng điện.

Trong ba vị Quốc sư, đồng thời là ba người bạn thân thì nổi bật nhất là Từ Đạo Hạnh. Điều đó thể hiện rõ trong câu đối: “Vi huynh, vi đệ, vi đế, vi sư, danh truyền Nam sử/ Nhi phật, nhi thần, nhi tiên, nhi thánh, tích hiển Lý Trần” (Làm anh, làm em, làm vua, làm sư, danh truyền Nam sử/ Là phật, là thần, là tiên, là thánh, tích rạng Lý Trần). Từ Đạo Hạnh là bậc chân tu đắc đạo, được tôn làm bậc tiên, thánh, thần, phật; tương truyền sau khi thăng hóa lại đầu thai làm vua, tức vua Lý Thần Tông (1128 - 1138). Ngoài việc được thờ tự ở đây, Từ Đạo Hạnh còn được thờ ở chùa Láng (quận Đống Đa), chùa Thầy (huyện Quốc Oai) và nhiều nơi khác.

Còn Giác Hải năm 1066 cùng sang Tây Trúc tầm sư học đạo và cũng đạt đến mức thượng thừa, khi về nước truyền đạo được vua Lý Nhân Tông rất yêu quý, ca ngợi tài năng, công đức qua bài thơ Tán Giác Hải thiền sư: “Giác Hải tâm như hải/ Thông Huyền đạo hựu huyền/ Thần thông kiêm biến hóa/ Nhất Phật, nhất thần tiên” (Giác Hải lòng như biển rộng/ Thông Huyền đạo càng huyền diệu/ Thần thông và biến hóa/ Một người là Phật, một người là thần tiên). Còn Dương Không Lộ lại có tài y dược, chữa khỏi bệnh trọng cho vua Lý Nhân Tông nên được phong là Quốc sư; được đổi từ họ Nguyễn sang họ Lý của vua, về sau được gọi là Lý Quốc sư. Ông đã chủ trì xây dựng trên 500 ngôi chùa trên đất Đại Việt đương thời, lập ra một phái tu với giáo lý là “Tu tiên và lấy đức theo Phật”, chứ không phải tu để mong thành Phật.

Theo cụ Nguyễn Thị Y, người hằng ngày phát tâm quét dọn trong chùa thì trong suốt năm có rất nhiều thiện nam, tín nữ và du khách tới thăm chùa do giao thông thuận tiện và danh tiếng ngôi chùa từ xưa đã vang dội khắp vùng. Đặc biệt, trong ngày lễ chính ở chùa 8-3 (âm lịch), ngày các làng, xã trong tổng xưa (La Phù, Ngãi Cầu, Yên Lũng, Văn Lũng, La Dương, Yên Thọ) cùng dâng lễ, thì có hàng nghìn người tham dự. Cụ cho biết, nhiều du khách đến thăm chùa đều cho rằng, chùa Tổng (Thiên Hưng tự) xứng đáng là một đại danh lam, không chỉ là di tích quý trong thời đại ngày nay mà sẽ còn có giá trị lâu dài.

Với những giá trị kiến trúc, lịch sử và văn hóa như vậy, chùa Tổng thực sự là một địa chỉ du lịch tâm linh nổi bật ở địa bàn huyện Hoài Đức, tuy nhiên để nâng cao hiệu quả thì cần kết nối điểm đến này với các điểm tham quan, du lịch khác trong vùng để du khách có một chuyến đi trong ngày thật sự bổ ích.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chùa Tổng - một đại danh lam