“Yên ắng quá, khói trầm bay cũng khẽ”

Thùy Liên| 25/07/2019 13:06

(HNMCT) - Tại thôn Phú Lễ (xã Cần Kiệm, huyện Thạch Thất) có một ngôi nhà cổ đã tồn tại 213 năm (theo niên hiệu ghi trên tàu nóc) nhưng vẫn còn rất chắc chắn. Đó là một công trình kiến trúc thuần Việt, độc đáo, từng chở che cho 3 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 5 chiến sĩ - liệt sĩ chống Pháp và chống Mỹ...

Ngôi nhà cổ 213 năm tuổi.

“Trơ gan cùng tuế nguyệt”

Trong chuyến đi thực tế tại Cần Kiệm, chúng tôi may mắn được ông Kiều Cao Lâm, người từng sống trong ngôi nhà này, dẫn đi thăm và giới thiệu về công trình. Nhà dựng hướng Nam, 2 bên là 2 nhà ngang, mặt bằng kiến trúc hình chữ “môn” (khuôn cửa), kiểu nhà đại khoa, gồm 5 gian, 2 dĩ. Lòng nhà có 6 hàng chân cột nên rất rộng, với tổng cộng 36 cột. Đây là ngôi nhà duy nhất ở Phú Lễ còn giữ được nguyên gốc kiến trúc. Nhà làm theo kiểu thông hiên (cả hai cửa ở hai gian đầu nhà đều mở ra hiên), lại có cửa ngách thông ra nhà ngoài, làm cho không gian nhà rất thông thoáng, đi lại thuận tiện.

Kiến trúc nhà kết hợp ba loại kẻ: Kẻ giá chiêng, kẻ ngồi và kẻ hiên nối tiếp nhau từ trong ra ngoài nên gọi chung là nhà kẻ truyền. Các vì kèo được bố trí rất chắc chắn để có thể đỡ mái ngôi nhà ở vị trí phân gian. Các thợ mộc lành nghề đã xử lý rất hoàn hảo: Việc chồng rường bằng hoa lá và những nét họa tiết đục chạm nổi để che lấp những khớp nối được làm rất tự nhiên, hài hòa với tổng thể kiến trúc, rất đẹp và dần trở thành khuôn mẫu cho các ngôi nhà cùng loại về sau. Những nét chạm khắc, soi, bào trên gỗ, những lớp cửa... thể hiện tinh hoa trong kiến trúc nhà Việt truyền thống.

Điều đáng nói là toàn bộ phần gỗ của ngôi nhà không có bộ phận, chi tiết nào làm bằng gỗ tứ thiết (đinh, lim, sến, táu), mà chỉ làm bằng gỗ xoan gai và tre ngâm, thế nhưng trải qua hơn 2 thế kỷ mà vẫn còn nguyên vẹn, không bị mối mọt. Điều này phụ thuộc vào chất lượng khung mái, ngói lợp và sự chăm chút thường xuyên của gia chủ.

 Tường của ngôi nhà được xây bằng các viên đá ong đẽo lòng mo nên quan sát phía ngoài không nhìn thấy hồ xây, tưởng như các viên đá ong chỉ được xếp chồng lên nhau. Nền nhà cao 0,8m so với sân nhưng chỉ có 1 bậc lên hè vì không được xây bậc tam cấp. Theo quy định thời đó, lát nền là phạm thượng, nên nền nhà bằng đất được nện rất kỹ.

Ông Kiều Cao Lâm cho biết một thông tin thú vị là một nhóm làm phim của Nhật Bản đã quay phim về ngôi nhà cổ này và giới thiệu rộng rãi trên kênh truyền hình NHK. Họ đánh giá: “Ngôi nhà hội tụ đầy đủ những tinh hoa kiến trúc gỗ của ngôi nhà Việt Nam truyền thống”.

Những người chủ của ngôi nhà

Bà Đỗ Thị Cẩm, chủ nhà hiện tại và ông Kiều Cao Lâm.

Rất tiếc là đến nay vẫn chưa tìm được tư liệu gì về người có công xây dựng ngôi nhà. Còn người đầu tiên tiếp quản ngôi nhà là cụ Kiều Cao Minh, thuộc đời thứ 3 của họ Kiều ở làng Phú Lễ, làm Chánh tổng những năm 1920-1921. Chủ nhân tiếp theo là ông Kiều Cao Cự, con trai cả của cụ Minh. Ông Cự và bà Nguyễn Thị Đạo là bố mẹ của liệt sĩ Kiều Cao Chử (hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, năm 1949). Năm 1945, ông Kiều Cao Chử đã tham gia cách mạng, người thay ông làm “quản gia” chính là vợ ông, bà Đỗ Thị Cẩm. Ông Chử hy sinh ở tuổi 22, khi đang là Huyện ủy viên huyện Thạch Thất. Bà Cẩm về làm dâu và ở trong ngôi nhà này từ năm 18 tuổi, nay đã ngoài 90 tuổi. Ngày 21-7-2006, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 984-QĐ/TTg tặng Bằng “Có công với nước” cho gia đình bà Đỗ Thị Cẩm. Và ông Kiều Cao Lâm, người đã hướng dẫn chúng tôi tham quan ngôi nhà, chính là em cùng cha khác mẹ với ông Kiều Cao Chử.

 Trong ngôi nhà này có 3 người được công nhận là Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Người thứ nhất là bà Nguyễn Thị Đạo (mất năm 1968), là vợ cả của ông Kiều Cao Cự, tức mẹ của liệt sĩ Kiều Cao Chử. Người thứ hai là bà Kiều Thị Bật (mất năm 1964), em ruột ông Cự, là cô ruột đồng thời là mẹ nuôi của liệt sĩ chống Pháp Kiều Xuân Đào (con của ông Kiều Cao Cư, em dưới ông Cự). Người thứ ba là bà Đỗ Thị Khiên (mất năm 1986), là vợ ông Kiều Cao Vũ (em cùng cha khác mẹ với ông Cự), mẹ của 2 liệt sĩ Kiều Cao Doãn (hy sinh ngày 1-11-1967) và em ruột là Kiều Cao Đàm (hy sinh ngày 30-7-1974, cũng tại mặt trận phía Nam). Một liệt sĩ chống Mỹ nữa là Kiều Cao Sâm (hy sinh ngày 5-1-1971 tại mặt trận phía Nam), là con trai của ông Kiều Cao Tấn (em cùng cha khác mẹ với ông Cự).

 Sau khi tham quan ngôi nhà, trò chuyện và chụp ảnh chung với một số thành viên gia đình, nhà thơ Đình Ngọc xúc động đọc bài thơ Mẹ ơi ông vừa ứng tác: “Con về đây trong ngôi nhà của Mẹ/ Nắng thu vàng ngoài ngõ vào theo/ Yên ắng quá, khói trầm bay cũng khẽ/ Cay nồng như giọt lệ thầm rơi…”.

Ông Kiều Cao Chí (con trai bà Cẩm, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Thạch Thất), người cũng từng sống nhiều năm trong ngôi nhà, nhận định: Ngôi nhà cổ 213 năm tuổi, từng chở che cho 3 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 5 chiến sĩ - liệt sĩ chống Pháp và chống Mỹ này xứng đáng là một di tích lịch sử - kiến trúc. Đây là “của hiếm” về mặt di sản kiến trúc mang đậm nét văn hóa làng xã Việt Nam, rất cần được kết nối với các di tích lịch sử - văn hóa trong vùng để trở thành một điểm đến tham quan du lịch, giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Yên ắng quá, khói trầm bay cũng khẽ”