Hồi sinh một dòng sông truyền thuyết

Thu Hằng| 25/04/2019 09:44

(NSHN) - Sông Tô Lịch được hồi sinh trở lại thành dòng sông trong sạch, thơ mộng giữa lòng thành phố là nỗi mong chờ của đông đảo người dân Hà thành.

(NSHN) - Sông Tô Lịchđược hồi sinh trở lại thành dòng sông trong sạch, thơ mộng giữa lòng thành phố là nỗi mong chờ của đông đảo người dân Hà thành. 

Sông Tô Lịch xưa dài khoảng 30km, là giao thông đường thủy quan trọng từ phía Đông Nam vào thành Thăng Long. Ảnh chụp sông Tô Lịch năm 1885.


Con sông văn hóa thấm đẫm truyền thuyết

Trong các tài liệu xưa còn lại, sông Tô Lịch là linh hồn của kinh thành Thăng Long. Nước sông nuôi sống con người và mùa màng nông nghiệp. Dòng sông mang sinh khí thiêng liêng, là yếu tố quan trọng khi chọn hướng cho các công trình tín ngưỡng, văn hóa của các làng cổ dọc bờ sông.

Theo một bản đồ vẽ thời Hồng Đức (1470-1498), sông Tô Lịch là một nhánh của sông Hồng chảy vào lòng kinh đô ở gần chợ Gạo, đầu phố Hàng Buồm hiện nay. Sông chảy vào các địa điểm ngày nay tên là Ngõ Gạch, Hàng Đường, Hàng Cá, Hàng Rươi, Cống Chéo, Hàng Lược, Phùng Hưng. Đến đó sông chảy ngược lên phía Bắc, thông với Hồ Tây, và từ Hồ Tây chảy ra vùng Bưởi. Tới quãng này sông chia làm hai nhánh. Một nhánh ngược lên hợp với sông Thiên Phù vốn là một nhánh của sông Đáy. Một nhánh chảy xuôi về vùng Cót, Láng, Mọc, tới Thanh Trì nhập vào sông Nhuệ…

Sông Tô thuở xưa đầy ắp nước, lòng sông rộng, tấp nập trên bến dưới thuyền. Từ mạn ngược về những con thuyền chở đầy lâm sản theo đường sông Cái (sông Hồng) vào đỗ bến Cầu Đông (Hàng Đường ngày nay). Thuyền Thanh, Nghệ hay các thuyền từ miền Trung, miền Nam ra nếu không vào cửa Hà Khẩu (chợ Gạo ngày nay), thì từ Phủ Lý theo sông Đáy mà tới sông Nhuệ rồi vào sông Tô Lịch, đỗ ở các bến phía Tây và Tây Bắc kinh thành. Cảnh sinh hoạt sầm uất trên sông Tô Lịch xưa còn được lưu lại qua những câu ca:

“Nước sông Tô vừa trong vừa mát
Em ghé thuyền tình đỗ sát thuyền anh”…


Đó là con sông kinh tế và cũng là con sông văn hóa. Tên của sông đã vào sử, vào thơ ca sống mãi với Kinh đô Thăng Long:

“Bao giờ lở núi Tản Viên
Cạn sông Tô Lịch chẳng quên lời nguyền”


Lịch sử sông Tô Lịch có một sự kiện chấn động kinh thành. Cách đây đúng 130 năm, vào năm Thành Thái thứ nhất (1889), thực dân Pháp đã cho lấp những quãng sông Tô trong nội thành Hà Nội (từ cửa Hà Khẩu đến Bách Thảo) để chỉnh trang lại khu 36 phố phường.

Việc này khiến nhân dân bất bình. Từng có một cuộc thi của các văn nhân Hà thành với chủ đề “Ức Tô giang” (Nhớ sông Tô) gợi cho người dân xiết bao thương nhớ một dòng sông đẹp đã phần nào bị xóa sổ.

Sông Tô Lịch sắp được hồi sinh?

Ngày nay, sông Tô Lịch chỉ còn chiều dài 14,4km bắt đầu từ hồ Tây chảy qua chợ Bưởi, cầu Giấy, cầu Mới và đổ vào sông Nhuệ qua đập Thanh Liệt.

Sông Tô Lịch ngày nay chảy qua địa phận 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai và Thanh Trì


Quá trình đô thị hóa ngày càng thu hẹp đất nông nghiệp hai bên bờ sông Tô. Nhiều ao hồ nước đã từng đóng vai trò gom nước thải sinh hoạt lọc, trung chuyển nước thải trước khi đổ ra sông đã bị lấp...

Từ một con sông khá rộng, có làn nước trong xanh, thuyền bè có thể qua lại được, nay lòng sông cứ ngày càng thu hẹp. Trên nhiều đoạn sông, màu nước đen kịt, bùn đặc, nước không lưu thông, ô nhiễm.

Dòng nước sông Tô Lịch trong tình trạng đen kịt.


Theo các chuyên gia về môi trường, có 2 lý do khiến sông Tô Lịch trở nên ô nhiễm và dần khô cạn. Một là do tự nhiên, sông Tô Lịch là phụ lưu của sông Hồng, nước sông Tô Lịch không đủ mạnh để cuốn trôi bồi tích lắng đọng. Hai là do mức độ phát triển và đô thị hóa ngày càng nhanh, nước thải chưa qua xử lý từ các khu công nghiệp, bệnh viện, làng nghề và nước thải sinh hoạt của cư dân được xả thẳng ra sông cùng với việc xả rác trực tiếp trong thời gian dài.

Theo thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, sông Tô Lịch có hơn 10 cửa xả lớn thu gom nước thải, khoảng 200 cống tròn đường kính 300-1.800mm và hàng nghìn cống nhỏ dân sinh đổ ra sông. Trung bình một ngày đêm, sông Tô Lịch tiếp nhận trên 100.000m3 nước thải sinh hoạt và công nghiệp. Trong đó, có đến khoảng 1/3 là nước thải công nghiệp chưa qua xử lý.

Sông Tô Lịch ô nhiễm đã làm mất đi mỹ quan của Thủ đô, gây ảnh hưởng lớn tới đời sống sinh hoạt của những người sống ven sông, tác động không tốt đến hệ động thực vật ở sông. Ngoài ra sự ô nhiễm nguồn nước đã tác động gián tiếp tới sức khỏe người dân thông qua hoạt động sản xuất nông nghiệp tại một số vùng. 

Sông Tô Lịch đã được xây kè, việc nạo nét cũng thường xuyên hơn và cây xanh được trồng dày hai bên bờ để làm dịu bớt vẻ chật hẹp và ô nhiễm của dòng sông. Tuy nhiên, vấn đề dường như chưa giải quyết triệt để


Nhiều năm qua, giải quyết vấn nạn ô nhiễm trên sông, đặc biệt là khai thác hiệu quả không gian cảnh quan dòng sông được chính quyền thành phố coi trọng. Hai bên bờ sông Tô Lịch đã được xây kè. Việc nạo nét cũng thường xuyên hơn. Phượng vỹ và bằng lăng cũng được trồng dày hai bên bờ để làm dịu bớt vẻ chật hẹp và ô nhiễm của dòng sông. Tuy nhiên, vấn đề dường như chưa giải quyết triệt để.

Đoạn đường dài hơn 4km, nằm dọc bờ sông Tô Lịch đoạn từ Cầu Giấy đến Ngã Tư Sở được chỉnh trang đầu năm 2019 góp phần tạo nên diện mạo mới dòng sông


Mới đây, Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội đã trình thành phố Dự án "Đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch". Cùng với đó, TS. Tadashi Yamamura, chuyên gia Liên hợp quốc về môi trường, Chủ tịch Tổ chức Xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản cũng đưa ra đề nghị thí điểm xử lý ô nhiễm nước một đoạn sông Tô Lịch và một góc hồ Tây bằng công nghệ bio-nano hiện đại...

Theo ông Bùi Ngọc Uyên - Phó phòng Đối ngoại truyền thông (Công ty TNHH MTV thoát nước Hà Nội), sắp tới, để xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm trên sông Tô Lịch, Hà Nội đã có dự án xây dựng hệ thống cống chạy dọc hai bên sông để thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt về nhà máy xử lý nước thải Yên Xá. Trong khi chờ dự án xử lý nước thải hoàn thiện thì vẫn cần thiết phải thau rửa sông Tô Lịch, tạo dòng chảy để giảm bớt ô nhiễm, gây ảnh hưởng đến đời sống người dân.

Trong tương lai gần, hy vọng sông Tô Lịch sẽ có sự "lột xác", trở lại là dòng sông văn hiến vốn có như xưa. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hồi sinh một dòng sông truyền thuyết