Ngôi “nhà Tây” giữa làng cổ Bát Tràng

Bài và ảnh THU HẰNG| 29/03/2019 11:51

(NSHN) - Ở làng gốm cổ Bát Tràng có ngôi “nhà Tây” hơn 100 năm tuổi. Đến đây, ai cũng thán phục chủ nhân đã lưu giữ ngôi nhà gần như hoàn hảo suốt hơn một thế kỷ qua.

(NSHN) - Ở làng gốm cổ Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) có ngôi “nhà Tây” đã hơn 100 năm tuổi. Đến đây, ai cũng bày tỏ sự thán phục chủ nhân đã lưu giữ ngôi nhà gần như hoàn hảo suốt hơn một thế kỷ qua.

Ngôi biệt thự cổ của gia đình ông Lê Hồng Đức nằm giữa một không gian xanh mát, gần sông, gần đình. Người dân làng cổ Bát Tràng gọi ngôi biệt thự ấy là “nhà Tây” và xem nó là một trong những tài sản vô giá của cả làng.

Ngôi biệt thự nép mình trong không gian yên tĩnh của cây xanh và hoa


Theo chủ nhân ngôi biệt thự (năm nay đã 80 tuổi), thì ông là thế hệ thứ ba sinh sống tại đây. Khoảng 120 năm về trước, ông nội của ông, cụ Lê Quang Bưu, đã xây nên ngôi biệt thự này.

Ông Lê Hồng Đức, chủ nhân đời thứ 3 của ngôi biệt thự


Cụ Bưu quả là người có con mắt thẩm mỹ tinh tế bởi ngôi biệt thự của cụ xây dựa theo kiểu Pháp nhưng vẫn khéo kết hợp kiến trúc Việt. Phần lớn các nguyên liệu để xây tường, lát nền, lợp mái đều do những người thợ Bát Tràng dày kinh nghiệm sản xuất ra từ những xưởng gốm của làng. Nền nhà lát bằng thứ gạch men được nung 7 lửa. Tường gạch xây dầy dặn, vững chắc nhờ lớp vôi, mật và muối (thay vì sử dụng xi măng như bây giờ), lại có lỗ thông hơi hợp lý nên trong các phòng luôn mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Mái lợp bằng ngói Bát Tràng, qua cả thế kỷ mà vẫn đỏ bóng, không bị rêu bám hay xô lệch.

Ông Đức cho hay, ngày ấy có hai lan can sắt được chở bằng đường biển từ Pháp về Hà Nội. Nhà ông một chiếc, chiếc kia ở 57 Hàng Bồ, Hà Nội


Ngôi biệt thự nhiều cửa sổ nổi bật giữa những ngôi nhà tranh, nhà gỗ thấp lè tè xung quanh. Công trình được hoàn tất đã gây "chấn động" khắp vùng đồng bằng ven triền đê sông Hồng.

Trong phòng khách của ngôi biệt thự


Ngồi trong căn nhà cổ mát rượi, ngắm khoảng sân xanh màu cây và bày biện những lọ, bình, tranh gốm…, ai cũng cảm thấy yên bình, thư thái như 4 chữ trong 2 bức cuốn thư mạ vàng treo trên tường phòng khách: "Lưu thủy hành vân" (Nước chảy mây trôi).

Chữ "Lưu thủy" (Nước chảy)


Bên chén trà thơm mùi hoa sói vừa ngắt ngoài sân, ông Đức cho biết, những hàng sứ tròn chạy trên trần mang ý nghĩa tượng trưng cho những giọt nước Phúc - Đức - Tài - Lộc mà tổ tiên truyền lại cho con cháu. Hoa văn trên trần cũng được kẻ vẽ, sơn màu cầu kỳ.

Hoa văn trên trần cũng được kẻ vẽ, sơn màu cầu kỳ


Trải qua biết bao biến cố của thời gian nhưng “nhà Tây” vẫn vững chắc và được bảo tồn nguyên vẹn từ hình thái kiến trúc đến nội thất nhờ vào sự chu toàn của 3 thế hệ con cháu sinh sống tại đây. Những khung cửa sổ, cửa ra vào bằng gỗ vẫn còn đỏ; nền nhà sáng bóng, không một vết nứt vỡ; trên trần nhà, những họa tiết được kẻ vẽ vẫn lên màu tươi mới như ngày mới xây. Ông Đức luôn tự hào về ngôi nhà của gia đình mình. 

Nền nhà lát bằng thứ gạch men được nung 7 lửa, qua thời gian vẫn sáng bóng


Dù chưa một lần quảng cáo nhưng "tiếng lành đồn xa", du khách trong và ngoài nước hễ cứ đến Bát Tràng là lại mách nhau kéo đến nhà ông Đức. Không phải chỉ để ngắm ngôi biệt thự cổ, ai cũng muốn được thưởng thức tài nghệ nấu ăn khéo léo của vợ ông, bà Nguyễn Thị Lâm – một nghệ nhân ẩm thực.

Nghệ nhân ẩm thực Nguyễn Thị Lâm bên mâm cỗ chuẩn vị Việt. Ảnh QUÝ NGUYỄN


Bà Lâm vốn là gái Hàng Than. Bà không chỉ là con dâu sống trong nhà cổ mà còn đang giữ gìn hồn xưa nét cũ của dân tộc bằng tài nấu những món ăn chuẩn vị Việt như canh bóng, canh măng mực khô, chim hầm cốm hạt sen, nộm bò khô, nem rán – thịt nướng… Ai đã từng được nếm các món ăn bà làm thì sẽ nhớ mãi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngôi “nhà Tây” giữa làng cổ Bát Tràng