Những phố “Hàng” Hà Nội

Thu Hằng| 08/01/2019 08:29

(NSHN) - Những phố “Hàng” Hà Nội đã chứng minh cho sức sống của một giai đoạn văn hóa cực thịnh về thương nghiệp của Thăng Long xưa.

(NSHN) - Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay, Hà Nội vẫn còn lưu giữ khoảng 50 tên phố bắt đầu bằng chữ “Hàng”. Điều đó đã chứng minh cho sức sống của một giai đoạn văn hóa cực thịnh về thương nghiệp của Hà Nội - thành phố “trong sông”.

Thủ đô Hà Nội có nhiều phố mang tên “Hàng”. Một thống kê nho nhỏ cho thấy, hiện nay Hà Nội vẫn còn gần 50 phố và ngõ mang tên “Hàng”. Đó là Hàng Bạc, Hàng Bài, Hàng Bè, Hàng Bồ, Hàng Buồm, Hàng Bông, Hàng Bún, Hàng Bút, Hàng Cá, Hàng Cân, Hàng Chai, Hàng Cháo, Hàng Chĩnh, Hàng Chuối, Hàng Cót, Hàng Da, Hàng Dầu, Hàng Đào, Hàng Đậu, Hàng Điếu, Hàng Đồng, Hàng Đường, Hàng Gà, Hàng Gai, Hàng Giầy, Hàng Giấy, Hàng Hành, Hàng Hòm, Hàng Khay, Hàng Khoai, Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Ngang, Hàng Nón, Hàng Phèn, Hàng Quạt, Hàng Rươi, Hàng Than, Hàng Thiếc, Hàng Thùng, Hàng Tre, Hàng Trống, Hàng Vải, Hàng Vôi…

Một góc phố "Hàng" Hà Nội. Ảnh: VIẾT THÀNH


Ngược dòng lịch sử, còn có vài chục phố nữa bắt đầu có tên bằng chữ “Hàng”. Những phố này hiện đã đổi tên hoặc bị gộp vào thành một phố dài hơn. Đó là các phố: Hàng Áo (bán áo cũ, nay là đoạn cuối của phố Thuốc Bắc), Hàng Cau (nay là đoạn đầu phố Hàng Bè), Hàng Hài (nay là đoạn đầu phố Hàng Bông), Hàng Mạn (nay là Hàng Bút, còn Hàng Bút vốn là đoạn cuối của phố Thuốc Bắc), Hàng Bừa và Hàng Cuốc (nay gộp lại là phố Lò Rèn), Hàng Chiếu Cói (trước đây là đoạn đầu của phố Hàng Chiếu, nay được cắt ra một đoạn để đặt tên phố Ô Quan Chưởng), Hàng Dép (nay là đoạn đầu của phố Hàng Bồ), Hàng Tàn tức Hàng Lọng (nay là đoạn đầu phố Lê Duẩn), Hàng Bột (nay là phố Tôn Đức Thắng), Hàng Chè (nay là đoạn đường phố Đinh Tiên Hoàng), Hàng Giò (đoạn đầu Bà Triệu hiện nay), Hàng Đàn (nay là đoạn giữa phố Hàng Quạt), Hàng Màn (nay là đoạn đầu phố Hàng Giầy), Hàng Lam (đoạn đầu phố Hàng Ngang hiện nay), Hàng Lờ (đoạn cuối Hàng Bông), Hàng Nâu (nay là phố Trần Nhật Duật), Hàng Tiện (nay là đoạn đầu Hàng Gai), Hàng Sơn (nay là phố Chả Cá), Hàng Đẫy (nay là đầu phố Nguyễn Thái Học), Hàng Trứng (đoạn cuối phố Hàng Mắm), Hàng Gạo (nay là phố Đồng Xuân), Hàng Thêu (nay là đoạn cuối phố Hàng Trống), Hàng Sũ (nay là phố Lò Sũ), Hàng Sắt (nay là đoạn đầu phố Thuốc Bắc), Hàng Cỏ (đoạn đường Lê Duẩn từ ga Hàng Cỏ đến Khâm Thiên)…

Phố Ô Quan Chưởng. Ảnh: VIẾT THÀNH


Từ xa xưa, Hà Nội đã từng là một trung tâm thương mại lớn vùng châu thổ sông Hồng. Nơi đây không chỉ là nơi giao lưu buôn bán, trao đổi hàng hóa, mà còn là nơi tập trung tất cả các sản vật có tiếng của miền núi, miền đồng bằng, miền biển. Những sản phẩm được buôn bán, trao đổi đều là những đồ dùng thiết yếu, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của con người: Lược, nón, vải, quạt, chai, cân, bút, chiếu, giầy, dầu, khay, hòm, thùng, trống… Chúng là những loại thực phẩm quen thuộc, những món ăn giản dị, bình dân của người lao động: Chè, bún, đậu, chuối, đường, trứng, rươi, cháo, khoai… Chúng còn là những dụng cụ, đồ dùng phục vụ sản xuất nông nghiệp: Cuốc, bừa, bồ, cót…

Chợ đêm phố Hàng Đào.


Những tên phố bắt đầu bằng chữ “Hàng” cho thấy sự hiện diện của một nền văn minh nông nghiệp vùng châu thổ sông Hồng mà Hà Nội là tâm điểm. Hàng loạt tên phố ở Kinh thành Thăng Long xưa bắt đầu bằng chữ “Hàng” thể hiện mối quan hệ mật thiết với sản xuất lúa nước, sản phẩm nông nghiệp và nghề sông nước.

Một góc phố "Hàng" ngày Tết. Ảnh: Viết Thành


Trong Kinh thành Thăng Long xưa, các nghề thủ công truyền thống: Nung gốm, đúc đồng, đục đá, sơn chạm, đan lát… cũng được hình thành và phát triển, rồi đạt đến đỉnh cao về kỹ năng và nghệ thuật. Tất cả các lò thủ công này đều tồn tại trong các làng, được sản xuất chủ yếu vào thời gian nông nhàn và sản phẩm làm ra được đem bán ở các chợ thị thành.

Do vị trí đặc biệt của mình, Thăng Long xưa đã trở thành nơi giao lưu, buôn bán, hội tụ các sản phẩm nông nghiệp và thủ công nghiệp thuộc các vùng quê trong nước và các quốc gia lân cận. Nhu cầu trao đổi hàng hóa đã hình thành hàng loạt các phố mà ở đó các sản phẩm chuyên biệt được bán ra. Môi trường sống ấy đã đi vào văn hóa và để lại dấu ấn không phai mờ về một khía cạnh đặc sắc của nền văn hóa nông nghiệp điển hình ở phương Đông.


Chợ hoa Tết phố Hàng Lược. Ảnh: VIẾT THÀNH


Những từ ngữ đặt tên trong phố “Hàng” đều là những từ thuần Việt mộc mạc, mang dấu ấn của bao thời đại đã qua, nên mỗi khi nhắc đến phố “Hàng” Hà Nội, chúng ta luôn có cảm giác thân thương và gần gũi. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những phố “Hàng” Hà Nội