Ngày xuân thăm đình Đoài

GS.TS Kiều Thu Hoạch| 17/02/2018 13:58

(NSHN) - “Cầu Đông, chùa Bắc, đình Đoài” (tục ngữ cổ). Cầu Đông chỉ loại cầu “thượng gia, hạ kiều”, tức loại cầu bên trên có mái che mưa nắng, bên dưới là cầu bằng đá được chạm trổ đẹp, là loại hình kiến trúc tiêu biểu của xứ Đông (Trấn Hải Dương xưa).

(NSHN) - “Cầu Đông, chùa Bắc, đình Đoài” (tục ngữ cổ). Cầu Đông chỉ loại cầu “thượng gia, hạ kiều”, tức loại cầu bên trên có mái che mưa nắng, bên dưới là cầu bằng đá được chạm trổ đẹp, là loại hình kiến trúc tiêu biểu của xứ Đông (Trấn Hải Dương xưa). Chùa Bắc chỉ chùa tháp xứ Bắc (Trấn Kinh Bắc, tức Bắc Ninh nay) cũng là loại hình kiến trúc nổi tiếng. Còn đình Đoài chỉ những ngôi đình ở xứ Đoài (Trấn Sơn Tây xưa, nay thuộc Hà Nội) là nơi có kiến trúc đình làng vừa cổ kính, vừa có giá trị đặc sắc về nghệ thuật điêu khắc trang trí. Nhân ngày đầu xuân, chúng ta cùng dạo thăm một số ngôi đình xứ Đoài tiêu biểu.

Đình Tây Đằng hiện ở xóm Đông, thôn Tây Đằng, xã Tây Đằng, huyện Ba Vì. Ngôi đình trông về hướng núi Ba Vì như có ý ngưỡng vọng về nơi ngự trị của Tản Viên Sơn Thánh, là vị thần thành hoàng được thờ ở đình này.

Ngôi đình có sàn được làm bằng gỗ - nét kiến trúc độc đáo của Việt Nam, khác với Trung Quốc, như nhà nghệ thuật học người Pháp Louis Bejacier đã khẳng định trong cuốn Nghệ thuật Việt Nam (1955). Hiện vẫn chưa tìm được niên đại chính xác của năm xây dựng đình, nhưng căn cứ vào mô hình kiến trúc cũng như nghệ thuật điêu khắc trang trí, giới lịch sử mỹ thuật đã xếp đình Tây Đằng vào thời nhà Mạc (thế kỷ XVI).

Về mặt kiến trúc, đình Tây Đằng được xây dựng theo kiểu chữ “Nhất”, gồm 3 gian 2 chái với kích thước vừa phải, gian giữa có gác lửng thay cho hậu cung. Đình có 4 mái, các đầu đao đều gắn với linh vật như rồng, lân làm bằng đất nung màu gan trâu. Kèo, cột trong đình đều bằng gỗ lim, mỗi vì kèo có 6 hàng cột, các hàng xà đều có bộ đấu vuông. Về mặt trang trí, đình có nhiều bức chạm gỗ đặc sắc, mang tính nghệ thuật cao. Hầu như không có mảng trống nào không được chạm khắc. Rồng được chạm khắc với nhiều đề tài như “tiên nữ cưỡi rồng” hoặc “cá hóa rồng”. Đáng chú ý là rồng được chạm với nhiều dáng vẻ, nhiều phong cách khác nhau, có thể do nhiều hiệp thợ, hoặc cũng có thể là dấu tích nhiều lần trùng tu. Phượng được chạm khắc trong tư thế đang bay, mỏ ngậm hoa. Điều thú vị là hai con cùng chầu vào nhau, đối xứng nhưng không khô cứng mà rất hài hòa, uyển chuyển và rất dân dã, bình dị. Ngoài rồng, phượng còn có những bức chạm voi, ngựa, hươu… với tạo hình vô cùng sống động. Hươu được chạm choãi hai chân trước, chân sau uốn cong như lấy đà để nhảy tiếp. Ngựa được thể hiện trong tư thế đang phi. Đặc biệt, voi cũng được thể hiện trong tư thế hiếm, lạ. Đó là voi lồng, xoải rộng bốn chân, đầu ngoái lại mé sau, vòi uốn cong và vổng cao lên. Toàn bộ toát lên một khí thế mạnh mẽ như voi đang xung trận, đang bay bổng.

Những bức chạm phản ánh đề tài sinh hoạt đời thường cũng rất thú vị, như bức chạm cảnh nhào lộn, chồng người chẳng hạn. Trong khuôn khổ chật hẹp của một mặt đấu đỡ cột, nghệ nhân dân gian đã chạm nổi bốn nhân vật với những tư thế khác nhau. Hai người mình trần đóng khố, một người nằm dưới giơ hai chân làm bệ đỡ. Người kia ngồi xổm, hai chân đặt trên hai bàn chân người nằm và hai tay dang ra hai bên để giữ thăng bằng. Còn hai người nữa áo mũ chỉnh tề, người bên phải hai tay chắp trước ngực như đang giới thiệu với khán giả, người bên trái tay nâng đàn đang gảy. Bức chạm là một đồ án bố cục hoàn chỉnh, chặt chẽ, toát lên cảnh sinh hoạt sinh động ở làng quê xứ Đoài xưa.

Một bức chạm khác trên ván bưng của vì nóc đình lại ca ngợi tinh thần dũng cảm, thượng võ của các trai tráng nông dân. Đó là bức chạm cảnh người đâm hổ. Một chàng trai vóc dáng bé nhỏ, mình trần đóng khố, tay cầm ngọn lao dài phóng vào mông con hổ, khí thế hiên ngang. Còn con hổ thì to lớn nhưng lại trong tư thế cong đuôi bỏ chạy, mặc dầu theo bản năng tự vệ, nó vẫn quay đầu, nhe răng vẻ như đang gầm gừ.

Các bức chạm khắc với những đề tài khác như gánh con, đốn củi, chèo thuyền, đấu vật... cũng đều được miêu tả khá sống động bằng những hình khối mang tính ước lệ, tượng trưng nhưng vẫn gợi cảm hứng lạc quan, yêu đời đối với du khách ngày nay.

Đình Chu Quyến

Đình thuộc thôn Chu Quyến, xã Chu Minh, huyện Ba Vì ngay bên cạnh xã Tây Đằng. Thôn Chu Quyến tục gọi là làng Chu Chàng hay làng Chàng, nên đình Chu Quyến cũng thường được gọi là đình Chàng. Đình Chàng thờ thần thành hoàng Bát Lang, tức Nhã Lang Vương, con trai Hậu Lý Nam Đế - Lý Phật Tử.

Đình Chàng được xây dựng vào thế kỷ XVII, có kiến trúc bề thế, quy mô rộng lớn và còn giữ nguyên được ván lát sàn. Đặc biệt, cột đình rất to, phải hai người ôm mới xuể, được coi là quý hiếm (vì thế, dân gian truyền nhau câu ví: “Nhà con một, cột đình Chàng”). Cột được tạo theo lối “thượng thu, hạ thách”, phía dưới hơi choãi ra tạo thế đứng vững chãi. Từng bộ khung cửa, vì kèo cũng đều được làm phía trên hơi khum vào một chút để nhằm tạo thế chắc chắn hơn. Đình gồm 3 gian 2 chái, cũng theo hình chữ “nhất” - bố cục của những đình làng cổ xưa. Nhìn bề ngoài, tuy mái đình thấp sụp xuống nhưng không gây cảm giác nặng nề, bởi người thợ tài hoa đã tạo cho những đầu đao cong vút lên khiến toàn cảnh hài hòa, uyển chuyển.

Tuy nhiên, giá trị thẩm mỹ của đình Chàng cũng không chỉ ở mặt kiến trúc mà còn ở phần chạm khắc trang trí bên trong. Các tượng gỗ người cưỡi báo, người cưỡi voi, người cưỡi ngựa, chim phượng hoàng được gắn vào đuôi xà dài, có thể nói là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời. Chim phượng tạc hình khối hơi thô, dường như phác thảo song vẫn đầy sức gợi cảm. Thú vị là phượng vốn nằm trong “tứ linh” nhưng ở đây nó lại được trần tục hóa thông qua hình tượng con gà mái đuôi phượng, hơn thế nữa lại là con gà mái - phượng đang nuôi con líu díu trông thật vui mắt.

Đình Đông Viên

Đình Đông Viên cũng thờ thần thành hoàng Tản Viên Sơn Thánh như đình Tây Đằng. Đình tọa lạc tại thôn Đông Viên, xã Đông Quang, liền kề với các xã Chu Minh ở phía Bắc, nơi có đình Chu Quyến và xã Tây Đằng ở phía Tây, nơi có đình Tây Đằng. Thật hiếm có nơi nào mà trong một không gian gần gũi như thế lại có ba ngôi đình nổi tiếng quy tụ bên nhau.

Đình Đông Viên được giới nghiên cứu xếp vào niên đại cuối thế kỷ XVII, nhưng trên thực tế đình đã trải qua nhiều lần tu sửa nên những dấu tích kiến trúc và điêu khắc cổ đã mai một khá nhiều. May thay, trong số di vật ít ỏi còn lại, ta vẫn thấy một tác phẩm nghệ thuật siêu tuyệt, đó là bức chạm gỗ miêu tả cảnh trai gái nô đùa trong đầm sen. Bằng thủ pháp ước lệ, tượng trưng, ở giữa bức chạm nghệ nhân tạc một bông sen nở mãn khai, thấy rõ cả bát sen tròn, hai bên có hai con cá lội và đều châu đầu về phía bông hoa như lối “ngư thủy hý hoa”. Ở mép trên của bức chạm, có ba vòng mây lửa cách điệu, tượng trưng cho nắng hè oi bức, và ở mép dưới cũng có hai vòng mép lửa như thế, chừng như để diễn tả cảnh mây in đáy nước lung linh. Trong cảnh trời nước bao la ấy, có bốn cô gái đang tắm. Cô nào cũng có cặp đùi to khỏe, bộ ngực đầy đặn, nở nang. Và cả bốn cô đều có dáng ngồi khép nép, đều để cho lọn tóc dài chảy từ bờ vai xuống tận phía dưới như có ý che bớt sự lộ liễu của cơ thể. Có lẽ bởi các cô nàng đều có chung ý nghĩ rằng: “Kẻo hở hang ra lắm kẻ dòm”. Mà có kẻ dòm thật! Một anh chàng ranh mãnh đã chui vào bụi cây ven bờ từ lúc nào, hai tay vịn vào thân cây ở hai bên, lội nước đến ngang bụng, đầu hơi thấp, vẻ như đang rón rén giấu mình để dòm trộm “đối tượng”, hai mắt hau háu, miệng toét ra cười khoái chí. Góc bên phải bức chạm là hình ảnh hai chàng trai, kẻ trước người sau đang lội ào xuống nước. Một chàng ôm choàng lấy cô gái, tay trái luồn vào ngực và tay phải vòng ra phía sau lưng cô nàng. Còn anh chàng chậm chân đứng mé sau cũng đang nghiêng đầu, ngửa cổ, một tay giữ khố một tay nắm lấy bím tóc cô gái kéo về phía mình. Ở góc bên trái bức chạm xuất hiện một người cưỡi trên lưng hổ, chỉ tay vào đám trai gái đang nô đùa dưới đầm sen, vẻ hách dịch. Hình ảnh người cưỡi hổ rõ ràng hàm ý tượng trưng cho một kẻ hào lý - một quyền lực xã hội nhưng kỳ thực hắn cũng đang ở vào cái thế: “Quân tử dùng dằng đi chẳng dứt...”.

Di sản điêu khắc ở đình Đông Viên tuy chỉ còn lại quá ít ỏi nhưng chừng ấy cũng đủ khiến chúng ta vô cùng sửng sốt và khâm phục về một nền nghệ thuật điêu khắc dân gian từng phát triển vô cùng rực rỡ qua nhiều thế kỷ, nay đã “một đi không trở lại”. Bằng những thủ pháp chạm khắc tinh xảo như chạm bong, chạm lộng... các nghệ nhân dân gian xưa đã tạo tác nên những mảng chạm với hình khối lung linh, huyền ảo để làm nổi rõ những chủ đề dung dị, đời thường, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống của người dân Việt Nam qua nhiều thế kỷ.
Có thể nói, ba ngôi đình liền kề nhau ở huyện Ba Vì chính là ba “viên ngọc sáng” của hệ thống đình Đoài ở Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngày xuân thăm đình Đoài