Tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội năm 2016 ước tăng 8,2%

Hương Thủy| 27/12/2016 09:45

(HNMO)-Theo số liệu vừa được Cục Thống kê Hà Nội công bố, ước tính năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,2% so cùng kỳ năm trước.

(HNMO)-Theo số liệu vừa được Cục Thống kê Hà Nội công bố, ước tính năm 2016, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tăng 8,2% so cùng kỳ năm trước.

Trong đó, giá trị tăng thêm ngành nông lâm nghiệp thuỷ sản tăng 2,21% (đóng góp 0,07% vào mức tăng chung của GRDP); giá trị tăng thêm ngành công nghiệp, xây dựng tăng 9%, ngành dịch vụ tăng 8,3%. Các ngành này có đóng góp lần lượt 2,75% và 4,67% vào mức tăng chung.

Cục Thống kê cho hay, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2016 vẫn còn gặp nhiều khó khăn nhưng các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước đã quan tâm chỉ đạo, với những giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh… Phía doanh nghiệp cũng đã nỗ lực rất lớn, chủ động trong sản xuất tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm để đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiết giảm chi phí sản xuất, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm. Kết quả là sản xuất công nghiệp đã chuyển động theo chiều hướng tích cực và đạt mức tăng trưởng khả quan, năm 2016 giá trị tăng thêm ngành công nghiệp tăng 7,2% so cùng kỳ, đóng góp 1,6% vào mức tăng chung.

(Ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Ngay từ đầu năm, nhiều dự án phát triển hạ tầng đã được tập trung triển khai với phương thức đầu tư xã hội hóa, bên cạnh đó các dự án phát triển hạ tầng sử dụng nguồn vốn Nhà nước và vốn ODA cũng được đẩy nhanh tiến độ. Hàng loạt dự án phát triển nhà ở, đặc biệt là các chung cư được hoàn thành và mở bán trong năm góp phần tăng trưởng ngành xây dựng, giá trị gia tăng ngành xây dựng tăng 13,8%, đóng góp 1,15% vào mức tăng chung.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 2.131 nghìn tỷ đồng


Cũng theo số liệu từ Cục Thống kê Hà Nội, về nội thương, ngay từ những ngày đầu tháng 12, những mặt hàng phục vụ lễ hội Noel đã được các doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể nhập khẩu và bày bán khá nhiều tại các cửa hàng, siêu thị và trên các tuyến phố. Mặt khác, Tết cổ truyền năm nay rơi vào tháng 1/2017 nên tháng 12 là tháng được các đơn vị đẩy mạnh sản xuất, thu gom, dự trữ hàng hóa nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán như lương thực, thực phẩm, bánh, mứt, kẹo, rượu, bia... Bên cạnh đó, thị trường hàng điện tử, điện máy cũng có những chương trình khuyến mại hấp dẫn như tặng quà, giảm giá, mua trả góp lãi suất 0% nhằm kích cầu tiêu dùng nên doanh số của các mặt hàng điện máy tháng 12 năm nay tăng mạnh so tháng trước.

Tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội tháng 12 đạt 192.767 tỷ đồng, tăng 2,9% so tháng trước và 11,6% so cùng kỳ; trong đó, tổng mức bán lẻ đạt 45.816 tỷ đồng, tăng 1,4% và 9,4%. Tính chung cả năm 2016, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng xã hội đạt 2.131 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so năm 2015; trong đó, tổng mức bán lẻ đạt 504 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8%.

Trong tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ, năm 2016, kinh tế nhà nước chiếm 28,6%, tăng 7% so cùng kỳ; kinh tế ngoài nhà nước chiếm 66,7%, tăng 11,5%; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 4,7%, tăng 8%.

Cục Thống kê Hà Nội cho biết, năm 2016, Việt Nam tăng cường những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất trong nước, tập trung thu hút vốn đầu tư, nâng cao chất lượng hàng hóa, mẫu mã, bao bì đẹp đáp ứng nhu cầu tiêu dùng. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản đã có những khởi sắc, nhà chung cư cao tầng được hoàn thiện và bán hết trong thời gian ngắn, các trung tâm thương mại, siêu thị cũng tăng đáp ứng nhu cầu tại chỗ cũng góp phần để tổng mức bán ra và bán lẻ đạt tốc độ tăng trên.

Xuất khẩu đạt 10.613 triệu USD

Về xuất khẩu, trị giá xuất khẩu tháng 12 ước đạt 928 triệu USD, tăng 3% so tháng trước và 2,1% so cùng kỳ, đưa trị giá xuất khẩu cả năm đạt 10.613 triệu USD, tăng 1,3% so năm 2015. Trong đó, xuất khẩu địa phương đạt 8.143 triệu USD, tăng 1,5%.

Đóng góp nhiều nhất vào tăng kim ngạch xuất khẩu năm 2016 là nhóm hàng máy móc thiết bị, phụ tùng tăng 14,5%; phương tiện vận tải và phụ tùng tăng 24,4%. Bên cạnh đó vẫn còn nhiều nhóm hàng có giá trị xuất khẩu giảm như: Nông sản, giảm 9,2%; dệt may, giảm 5,2% do nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm đơn hàng mới và giá nhân công rẻ trong ngành đang bị mất dần trong khi các chi phí đầu vào, chi phí trung gian tăng và chịu sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Trong khi đó, trị giá nhập khẩu 12 ước đạt 2.414 triệu USD, tăng 0,8% so tháng trước và tăng 2,4% so cùng kỳ. Tính chung cả năm 2016, kim ngạch nhập khẩu đạt 24.833 triệu USD, bằng 96,6% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu địa phương đạt 10.804 triệu USD, bằng 97,7% so cùng kỳ năm trước.

Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu giảm mạnh trong năm 2016 là xăng dầu, giảm 22,5% so năm 2015; phân bón, giảm 13,8%; hóa chất, giảm 14,3%.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổng sản phẩm trên địa bàn Hà Nội năm 2016 ước tăng 8,2%