Giải trí cuối tuần: "Đậm đặc" các sự kiện văn hóa trước thềm Tết Nguyên Đán

Mai Chi| 13/01/2017 11:01

(NSHN) - Cuối tuần này, người dân Thủ đô sẽ được trải nghiệm vô số các hoạt động văn hóa đặc sắc trước thềm Xuân Đinh Dậu 2017.

(NSHN) - Cuối tuần này, người dân Thủ đô sẽ được trải nghiệm vô số các hoạt động văn hóa đặc sắc trước thềm Xuân Đinh Dậu 2017.

ĐI ĐÂU?

Hội làng “Nét xưa trong lòng Hà Nội” (8h - 20h30 ngày 14 - 15/1 tại Khu tổ hợp Hapulico, số 1 Nguyễn Huy Tưởng)


Chương trình “Hội làng Hapu - Nét xưa trong lòng Hà Nội” nhằm tái hiện lại không gian văn hóa trong lễ hội làng quê - một nét đẹp của người dân Việt Nam mỗi dịp xuân về. Đây là một chương trình ý nghĩa dành cho những ai đã lâu không được trở về nguồn cội quê hương, cũng là dịp giúp các bạn trẻ, các em nhỏ có cơ hội trải nghiệm những hoạt động cổ truyền trong dịp Tết.

Chương trình gồm nhiều hoạt động như biểu diễn nghệ thuật, các trò chơi dân gian, thi gói bánh chưng, góc ẩm thực với các món ăn truyền thống của cả ba miền...

Nhã Nam - Dọn kho đón Tết (8h - 22h ngày 11 - 15/1 tại Nhà Văn hóa quận Cầu Giấy, 26 Nguyễn Phong Sắc)


Tại chương trình Dọn kho đón Tết của Nhã Nam, độc giả có cơ hội tìm được những cuốn sách yêu thích với mức giá ưu đãi, giảm giá ít nhất 30% cùng hàng loạt đầu sách đồng giá. Bên cạnh đó, khách mua hàng còn có cơ hội nhận được những món quà vô cùng ý nghĩa của Nhã Nam.

Culture Puzzle 4: Lì xì (18h ngày 15/1 tại Toong Working Place, số 8 Tràng Thi)


Chuỗi sự kiện “Culture Puzzle” được thể hiện dưới hình thức chuỗi workshop với chủ đề văn hóa nhưng không chỉ gói gọn trong những kiến thức khô khan. Khi tham gia sự kiện, các bạn trẻ sẽ có cơ hội trải nghiệm những nét đẹp văn hóa Việt một cách thực tế nhất, đặc biệt nhất cùng với những vị khách nước ngoài.

Tết đến xuân về cũng là niềm khao khát của biết bao đứa trẻ để được xúng xính quần áo mới, được ăn bánh mứt và nhất là được nhận lì xì. Ẩn sau chiếc phong bao màu đỏ cũng là những ý nghĩa sâu xa và nhiều câu chuyện thú vị. 

XEM GÌ?

Chương trình sân khấu nhỏ “Chiếu Chèo” (20h ngày 13/1 tại Nhà hát Chèo Việt Nam, số 71 Kim Mã)


Ngày xuân người ta hay chúc nhau “Ngũ phúc lâm môn” mong cho năm điều tốt lành Phúc, Lộc, Thọ, Khang, Ninh tới gõ cửa gia chủ. Và nghệ thuật Chèo cũng có một điệu hát mở đầu là “Nhân khang” (hay có tên gọi khác là “Dẹp đám vỡ nước”) cũng mang những ý nghĩa chúc tụng tốt lành.

Biểu diễn vở ba-lê cổ điển “Kẹp hạt dẻ” (20h ngày 15/1 tại Nhà hát Lớn Hà Nội)


Vở biểu diễn được thực hiện bởi đoàn múa Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và sinh viên khoa Múa trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của NSND Phạm Anh Phương.

Triển lãm “Ký họa Hồ Gươm” (14 - 15/1 tại khu vực phố Lê Thái Tổ)


Triển lãm “Ký họa Hồ Gươm” là một trong những hoạt động diễn ra trong dịp trao giải Ashui Awards 2016 tại không gian đi bộ Hồ Gươm vào các ngày cuối tuần 14-15/1/2017.

Triển lãm “Dậu Dome” (13 - 23/1 tại sảnh tầng 1 Hàng Da Galleria, số 1 Hàng Da)


“Dậu Dome” lấy hình tượng gà - 1 trong 12 con giáp của “vòng tuần hoàn thập nhị địa chi” để khơi nguồn cảm hứng sáng tạo. Khác với hai triển lãm trước về con giáp Mùi, Thân, triển lãm lần này không chỉ nhiều hơn về số lượng mà còn đa dạng hơn về chất liệu, cách thức thể hiện các tác phẩm.

Ngoài tranh vẽ (bằng sơn dầu, sơn mài, acrylic, bột màu, mực tàu trên toan, giấy báo, giấy dó, lụa), tranh xé dán, còn có các tác phẩm vẽ gốm là đĩa gốm, lọ gốm, tượng gốm được các nghệ nhân từ hai làng nghề gốm là Bát Tràng (gốm có men) và Hương Canh (gốm không men) thực hiện ngay tại triển lãm.

Triển lãm nhóm “Xuân 2017” (9 - 19/1 tại Hanoi Studio Gallery, 13 Tràng Tiền)


Năm gà - linh vật biểu tượng của sự hiền hậu, chăm chỉ, từ tốn, no đủ với những vẻ đẹp của nó sẽ được thể hiện trong bộ tranh của 13 họa sĩ Hà Nội.

Triển lãm “Vẽ lại tranh dân gian” (13/1 - 28/2 tại tầng 4 tháp B Vincom Center Bà Triệu)


Với mỗi gia đình Hà Nội xưa, khi mùa xuân tràn vào từng con phố cũng là lúc người người nhà nhà sắm tranh để trang hoàng nhà cửa. Ngày nay, tuy thú chơi tranh ngày Tết không còn rộn ràng như trước, song nét đẹp văn hóa ấy đã ăn sâu vào đời sống tinh thần của nhiều thế hệ gia đình người Việt.

Nhằm khẳng định sức sống trường tồn và giá trị đích thực của dòng tranh cổ truyền Việt Nam, triển lãm “Vẽ lại tranh dân gian” - dự án nghệ thuật đầu tay của họa sĩ trẻ Nguyễn Xuân Lam đã được lên kế hoạch thực hiện từ đầu năm 2016.

Triển lãm không chỉ là dịp để người xem có cơ hội chiêm ngưỡng những tác phẩm hội họa dân gian qua phong cách đồ họa hiện đại và lăng kính nghệ thuật độc đáo của một họa sĩ trẻ, mà còn là cơ hội để mỗi chúng ta được sống lại không khí ngày Tết cổ truyển với những bức tranh tươi sáng, rực rỡ và ngập tràn không khí năm mới. Thông qua đó, những di sản văn hóa truyền thống sẽ được tới gần hơn với công chúng yêu nghệ thuật. Không dừng lại ở tính thẩm mỹ, điều làm nên nét độc đáo cho triển lãm của Xuân Lam chính là tính ứng dụng được thổi hồn vào các sản phẩm gắn liền với cuộc sống thường nhật.

Triển lãm tranh “Kê Ke” của Hà Hoàng (6/1 - 6/2 tại Ke Quán, 81B Xuân Diệu)


Con gà xưa nay xuất hiện cả trong tạo hình điêu khắc và tranh dân gian, tranh Tết hay tranh sáng tác. Dân gian nổi tiếng có bộ tứ Đại Cát, Thư Hùng, Vinh Hoa, Gà Mái Túc Mồi là cặp tranh gà trống và gà mái của dòng tranh Đông Hồ.

Từ đó có thể thấy rằng hình tượng con gà đã đi sâu vào đời sống tinh thần và thể hiện ý nghĩa cuộc sống cũng như ước mong nhân gian. Nó đạt tầm ý nghĩa tượng trưng và triết lý nhân sinh không hề tầm thường là sự hạnh phúc, viên mãn, phong phú và cũng thể hiện sự mong muốn thực tế trong nhân gian như tên của bốn bức tranh nói lên điều đó.

ĂN GÌ?

Từ lâu, ốc đã trở thành món ăn vặt nổi tiếng và hấp dẫn của người dân đất Hà thành. Vì vậy, cũng không thiếu những quán chuyên về ốc mọc lên và trở thành điểm đến thường xuyên không chỉ của học sinh, sinh viên mà còn được mọi đối tượng ưa chuộng.

Thực khách có thể thưởng thức các món như ốc luộc, ốc hấp hay ốc xào rất dễ dàng bởi các quán ốc vô cùng đa dạng trên địa bàn Hà Nội.

Địa chỉ: 1A Đinh Liệt, số 2 ngõ Tôn Thất Thiệp, Cửa Bắc, 63 Đường Thành, 161 Mai Hắc Đế, số 5 ngõ 84 Trần Thái Tông, 360 Xã Đàn...

Để có được món ốc thơm ngon từ cách luộc, xào, nướng... trước tiên bạn cần biết cách sơ chế để làm sạch nguyên liệu này.

Có nhiều cách sơ chế để loại bỏ chất nhờn và bùn đất trong vỏ ốc. Bạn có thể đem ngâm ốc với nước vo gạo trong khoảng 3 - 4 tiếng. Nước vo gạo sẽ làm sạch mùi hôi của bùn, đồng thời đẩy chất nhờn ra ngoài. Cách thứ hai, bạn có thể ngâm ốc trong nước có pha một chút giấm và bột ớt. Đây cũng là cách thông dụng nhất để làm sạch ốc. Ngoài ra, trong khâu sơ chế ốc, bạn không nên xóc sau khi rửa sạch để tránh ốc bị đứt ruột và mất đi vị ngon.

Ốc hương hấp gừng


Nguyên liệu: Ốc hương, gừng đập dập, ớt thái sợi dài

Cách làm: Cho ốc hương đã qua sơ chế vào xửng hấp, rắc gừng đập dập lên trên mặt, thêm vào sợi ớt và đem hấp cách thủy trong khoảng 15 phút. Dùng chung với nước mắm gừng.

Ốc len xào dừa


Nguyên liệu: Ốc len, dừa nạo vắt lấy nước cốt, ớt sừng, sả, tỏi, rau dăm, các loại gia vị

Cách làm: Ốc sơ chế sạch và chặt bỏ phần đuôi. Phi thơm tỏi, ớt, sả băm, sau đó cho ốc vào xào đều. Sau 5 phút, cho thêm nước cốt dừa vào xào cùng. Nêm gia vị vừa ăn và cho rau răm vào đảo đều một lần trước khi tắt bếp.

Ốc gạo xào cay


Nguyên liệu: Ốc gạo, tương cà, tương ớt, rượu vang, gừng, tỏi, ớt băm, các loại gia vị

Cách làm: Phi thơm tỏi, sau đó cho gừng và ớt băm vào xào cùng. Khi dậy mùi thơm, lần lượt cho thêm tương cà và tương ớt. Cho ốc vào chảo và đảo nhanh tay với lửa vừa. Cho thêm rượu vang và gia vị vào xào cùng trong vòng 10 phút cho ngấm gia vị. Bày ra đĩa cùng rau răm và dưa chuột.

PHIM GIẢI TRÍ CUỐI TUẦN

Tên cậu là gì? (hoạt hình, tâm lý)


“Tên cậu là gì?” kể về Mitsuha - nữ sinh trung học sống ở một thị trấn nhỏ của vùng Itomori. Luôn chán chường với cuộc sống tẻ nhạt ở vùng thôn quê, Mitsuha ao ước kiếp sau được làm một anh chàng đẹp trai sống ở thủ đô Tokyo sôi động.

Trong khi đó ở Tokyo, anh chàng Taki rất hài lòng với cuộc sống và công việc làm thêm ở một nhà hàng Italy sau giờ học. Tuy vậy, hằng đêm cậu vẫn mơ thấy mình trong cơ thể một cô gái thôn quê. Khi sự kiện nghìn năm có một là sao chổi tiến gần tới Trái đất, Taki và Mitsuha bỗng bị hoán đổi cơ thể. Cứ cách một ngày, Taki lại trở thành Mitsuha để khám phá cuộc sống vùng quê và ngược lại, Mitsuha trở thành anh chàng nam sinh Tokyo háo hức với cuộc sống nơi đô thị ồn ào. Cứ thế, câu chuyện của Mitsuha và Taki diễn ra dẫn dắt khán giả đến những tình huống đặc biệt, dù cả hai chưa bao giờ gặp mặt hay thậm chí là biết tên của nhau.

Đột kích màn đêm (hành động, hình sự)


Sau khi phi vụ vận chuyển ma tuý bị cảnh sát chìm Vincent Downs (Jamie Foxx) cùng đồng nghiệp là Sean (Tip “T.I.” Harris) triệt phá, gã chủ sòng bài Stan Rubino (Dermot Mulroney) đã bắt cóc con trai của Vincent nhằm mục đích trả thù. Vincent buộc phải dùng hết khả năng của mình để giải cứu con ngay trong đêm. Liệu anh có thể giành lại con trai mình từ tay kẻ thù?

Đừng gõ cửa hai lần (kinh dị)


Đừng gõ cửa hai lần dựa trên 1 truyền thuyết đáng sợ có thật. Câu truyện kể về người mẹ cố gắng cứu lấy cô con gái của mình khi đã vô tình triệu hồi một thế lực ma quỷ với lòng hận thù đáng kinh sợ.

Bố vợ đối đầu chàng rể (hài, gia đình)


Ned (Bryan Cranston thủ vai) là một người đàn ông cực kỳ yêu thương gia đình. Trong kỳ nghỉ lễ, ông đến thăm cô con gái của mình tại trường đại học, và cũng chính là nơi ông gặp lại cơn ác mộng lớn nhất của mình: Laird (do James Franco thủ vai) - cậu bạn trai đại gia công nghệ Thung Lũng Silicon của con gái ông. Laird lại mang tính cách hoàn toàn trái ngược với Ned, xuề xòa, không có bất kỳ một nguyên tắc và cũng không theo một khuôn khổ nào.

Không cần biết cuộc đời con gái ông đã trở nên ý nghĩa thế nào từ khi quen Laird, Ned vẫn cảm thấy Laird hoàn toàn không xứng đáng với con gái mình. Ned lo sợ rằng mình sắp mất đi “cục vàng” ông cưng chiều bao năm vào tay một tên chíp hôi, khiến ông mỗi ngày sống trong hoảng loạn. Ned tìm mọi cách và dùng mọi thủ đoạn để chia cắt “đôi trẻ”. Trong khi cuộc chiến đạt đến đỉnh điểm cao trào thì con gái Ned lại nhận được một lời cầu hôn chính thức từ Laird.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Giải trí cuối tuần: "Đậm đặc" các sự kiện văn hóa trước thềm Tết Nguyên Đán