Đến ''đích'' còn cả chặng đường dài

Hạ Yến Nguồn: thực hiện| 18/06/2021 11:14

(HNMCT) - Đã 2 năm, Hà Nội được UNESCO công nhận là Thành phố sáng tạo, nhưng để đi đến “đích” phát triển công nghiệp văn hóa thành ngành kinh tế mũi nhọn vẫn còn một chặng đường rất dài. Dưới đây là một số ý kiến của nghệ sĩ, nghệ nhân, doanh nhân - những người tâm huyết với văn hóa Hà Nội.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát:
Không phát huy được sức mạnh của điện ảnh thì thật đáng tiếc

Các tác phẩm điện ảnh chính là tấm gương phản chiếu sống động nhất đời sống xã hội. Tấm gương này đến với khán giả trong nước và quốc tế một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Nếu chúng ta để lỡ việc sử dụng sức mạnh của các tác phẩm điện ảnh để nhân dân Thủ đô cũng như cả nước cùng bạn bè quốc tế thấy được Hà Nội hào hùng ngày hôm qua và Hà Nội tươi đẹp rộng lớn và hiện đại, văn minh - Thành phố vì hòa bình ngày hôm nay thì thật là đáng tiếc.

Điều thiếu nhất, khó khăn nhất hiện nay là việc huy động nguồn vốn để sản xuất phim. Các doanh nghiệp, các tập đoàn lớn chưa quan tâm đến lĩnh vực điện ảnh, chưa thấy thị trường điện ảnh là một thị trường tiềm năng có thể mang lại lợi nhuận cao như bất động sản hay xây chung cư cao cấp. Nhiều năm nay việc sản xuất phim trông chờ vào các hãng phim tư nhân. Con số thì nhiều nhưng thực lực sản xuất được "phim ra phim" thì ít.

Có rất nhiều cụm rạp chiếu phim hiện đại đóng trên địa bàn  Hà Nội nhưng hầu hết là của doanh nghiệp nước ngoài. Phim Việt đa phần là phim giải trí của các hãng tư nhân, mỗi năm sản xuất khoảng 30 - 35 phim, lại không được ưu ái chiếu giờ vàng và chịu những thiệt thòi khác nên doanh nghiệp điện ảnh trong nước hoạt động vô cùng chật vật.

Nhạc sĩ Quốc Trung:
Cần đánh giá, nhìn nhận và tiếp cận theo hướng tư duy thị trường

Chúng ta còn bỏ phí rất nhiều cơ hội quảng bá hình ảnh khi các kế hoạch thiếu thời gian chuẩn bị, đồng thời thiếu những không gian văn hóa mang tính tiêu biểu để mang lại cảm hứng cho ngành công nghiệp văn hóa và cộng đồng. 

Hơn 20 năm qua các làng nghề truyền thống gần như không có sự phát triển đột phá, ở nhiều nơi nghề còn dần mai một, thậm chí biến mất, bởi thiếu một chiến lược phát triển, một kế hoạch cụ thể để thúc đẩy, hỗ trợ các làng nghề. Trong nhiều năm qua du lịch Việt Nam rất phát triển, tuy nhiên du khách chỉ coi Hà Nội như một điểm dừng hơn là một điểm đến do thiếu những hoạt động văn hóa nổi bật. Cho đến giờ Hà Nội chưa có một dự án nghệ thuật nào mang tầm quốc tế đủ sức thu hút mọi thành phần công chúng trong và ngoài nước, đáp ứng mọi yêu cầu khắt khe về tính cạnh tranh với thói quen thưởng thức nghệ thuật đỉnh cao của khán giả quốc tế.

Để phát triển công nghiệp văn hóa, chúng ta cần đánh giá, nhìn nhận và tiếp cận theo hướng tư duy thị trường, mà yếu tố để phát triển thị trường nằm ở sự cạnh tranh: Cạnh tranh lành mạnh để phát triển, cạnh tranh để phát huy sáng tạo. Thành phố nên tiếp tục cởi mở hơn và xóa bỏ ranh giới giữa các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài nhà nước để tận dụng được nguồn lực xã hội hóa, đồng thời tạo nên sự cạnh tranh, góp phần thúc đẩy phát triển chung. Cần có những chính sách khuyến khích sự tham gia thật sự bình đẳng của xã hội. Dám giao, dám làm và dám nhận trách nhiệm với Thành phố, với công chúng và nhân dân, từ đó tạo nên sự đa dạng trong biểu đạt văn hóa, giao thoa bình đẳng với các nền công nghiệp văn hóa phát triển.

Nghệ nhân gốm sứ Hà Thị Vinh, Chủ tịch Hiệp hội Thủ công mỹ nghệ và làng nghề Hà Nội, Phó Chủ tịch Hiệp hội làng nghề Việt Nam:
Tạo điều kiện cho làng nghề phát triển bền vững

Để tạo điều kiện cho các làng nghề phát triển bền vững, đặc biệt cho các thế hệ trẻ có cơ hội làm nghề ngay trên chính quê hương của mình, nên chăng Thành phố có chủ trương để các trường, trung tâm đào tạo nghề biên soạn các giáo trình riêng cho các học viên về môn thiết kế sản phẩm trên máy và các kỹ năng chuyên môn sâu về nghề; phát động phong trào đến thôn, xã có làng nghề để động viên các gia đình cho con em đi học nghề; cấp học bổng hoặc cho vay không lãi, qua đó giúp cho nhiều thanh, thiếu niên có cơ hội học nghề nhằm phát triển nghề tại địa phương.

Thành phố có thể tổ chức các cuộc thi thiết kế sản phẩm quà tặng du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm lưu niệm của du khách khi đến Hà Nội, đồng thời khơi dậy sức sáng tạo của các nghệ nhân, nhà thiết kế, học sinh, sinh viên trên địa bàn Thủ đô và cả nước. Cần nhanh chóng quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề tại các làng nghề; với các địa phương chưa có cụm công nghiệp làng nghề, đề nghị Thành phố cho phép các cơ sở sản xuất thu hút nhiều lao động địa phương thì được hưởng cơ chế đặc thù được thuê mặt bằng, chuyển đổi từ đất nông nghiệp sang đất dịch vụ sản xuất để có cơ hội phát triển, mở rộng quy mô sản xuất.

Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Le Group of Companies, Chủ tịch CLB Doanh nhân sáng tạo:
Tìm một giá trị lõi, kiến tạo hệ sinh thái sáng tạo xung quanh giá trị lõi đó

Xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo cho Hà Nội phải bắt đầu từ tìm một bản sắc riêng biệt cho thành phố này, chứ không chỉ là thiết kế cho nó một biểu tượng (logo) để làm truyền thông.

Nếu lựa chọn giá trị dẫn dắt hay ý tưởng trung tâm của thương hiệu Thành phố sáng tạo Hà Nội là “thiết kế” thì phải làm cho giá trị đó in đậm trong tâm trí, nhận thức của các đối tượng liên quan, thông qua việc dẫn dắt họ trải nghiệm những hoạt động mang tính “thiết kế sáng tạo” của Hà Nội. Trải nghiệm sáng tạo là một phần không thể thiếu trong tiến trình phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo. Bên cạnh các không gian sáng tạo, Hà Nội cần nhiều hoạt động sáng tạo, bao gồm các buổi trình diễn, giao lưu, trao đổi văn hóa, triển lãm, hội chợ sáng tạo... để nhân dân, những người sống và yêu Hà Nội, những người khách từ bên ngoài được trải nghiệm cái chất thiết kế lan tỏa, thấm đẫm và được tôn trọng trong mọi hoạt động kinh tế và văn hóa, trong mọi ngành nghề, cho dù đó là du lịch văn hóa, ẩm thực, thời trang hay là thủ công mỹ nghệ.

Tôi rất sợ sự lầm tưởng tai hại của nhiều doanh nghiệp và cơ quan quản lý là làm thương hiệu nghĩa là truyền thông, quảng cáo cho thương hiệu. Hoạt động truyền thông là phản ánh những hoạt động trải nghiệm thương hiệu mà chúng ta có thể tạo ra trong tiến trình tiếp cận, xây dựng và phát triển mối quan hệ với khách hàng và đối tượng truyền thông. Xây dựng thương hiệu Thành phố sáng tạo cho Hà Nội chính là tìm cho nó một giá trị lõi, kiến tạo hệ sinh thái sáng tạo xung quanh giá trị lõi đó và tạo điều kiện tốt nhất để mọi người có cơ hội trải nghiệm giá trị lõi đó.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đến ''đích'' còn cả chặng đường dài