Tiếng Hà Nội

PGS.TS Phạm Văn Tình| 16/02/2021 06:06

(HNMCT) - Tiếng Hà Nội là nét đại diện cho tinh hoa văn hóa kinh kỳ. Trong lịch sử Thăng Long - Hà Nội, tiếng Hà Nội nhận sự bồi đắp của nhiều thứ tiếng địa phương khác qua dòng người bốn phương tụ về. Trải qua quá trình chắt lọc, kết tinh, sáng tạo, tiếng Hà Nội trở thành một “siêu phương ngữ” không chỉ của vùng châu thổ sông Hồng.

Ảnh: Xuân Chính.

Có hay không “phương ngữ Hà Nội”?

Phương ngữ là biến thể của ngôn ngữ toàn dân ở một vùng đất cụ thể. Quốc gia nào cũng có nhiều phương ngữ. Ở Việt Nam, có thể chia ra 3 vùng chính: Phương ngữ Bắc Bộ, phương ngữ Trung Bộ, phương ngữ Nam Bộ. Vậy nếu nói “phương ngữ Hà Nội” là đã tiếp tục phân nhánh phương ngữ Bắc Bộ, bởi thế, nhiều nhà ngôn ngữ chỉ thừa nhận tiếng Hà Nội là một “siêu phương ngữ” do tính đa dạng, tổng hòa của nó. Là kinh đô/ thủ đô, Thăng Long - Hà Nội hội đủ các yếu tố của trăm miền đất nước: Con người, phong tục, sở thích, tiếng nói... Cái hay, cái đẹp (và dĩ nhiên cả cái dở) muôn nơi đều có thể tìm thấy ở đây.

Thế hóa ra không có một tiếng Hà Nội gốc từ ngàn năm hay sao? Hiển nhiên là phải có. Kinh thành Thăng Long xưa có đặc trưng của một đô thị thương nghiệp và thủ công nghiệp. Thăng Long - Kẻ Chợ là trung tâm thương mại sầm uất “trên bến dưới thuyền” với “ba mươi sáu phố phường”. Tiếng là “ba mươi sáu phố” nhưng thực tế có tới cả trăm phố “hàng” lớn nhỏ (một “hàng” là một sản phẩm đặc thù). Chính sự phong phú của làng nghề đã tạo nên lớp từ vựng đa dạng, nhiều màu trong giao lưu, buôn bán.

Sự khác biệt về mặt phương ngữ được căn cứ vào nhiều yếu tố: Giọng nói (ngữ âm), vốn từ vựng và cách nói năng, ứng xử trong giao tiếp riêng (so với ngôn ngữ toàn dân). Mà ứng xử muốn chuẩn, muốn hay phải qua tiếp xúc. Dù là Thăng Long kinh thành (khu vực của vua chúa, quan lại, gia đình quyền quý ở) hay Thăng Long - Kẻ Chợ (khu vực buôn bán và nhà ở của dân lao động) thì vẫn là đất kinh đô ngàn năm văn vật. Đất và người Thăng Long trăm hình nghìn vẻ. Thực tế đó đã điều chỉnh, làm cho tiếng Hà Nội trở thành tiêu biểu, mẫu mực và giàu truyền thống văn hóa.

Kết tụ và sáng tạo

A. G. Haudricourt (học giả Pháp, chuyên gia nghiên cứu tiếng Việt) nói rằng: “Nền tảng ngôn ngữ một cộng đồng hình thành không phải từ một đời mà phải qua năm bảy đời mới có được”. Người Hà Nội tứ xứ, cha mẹ, ông bà tổ tiên vốn từng ở cũng có, hoặc thế hệ con cái mới thực sự sinh ra, lớn lên tại đây cũng có, hoặc là những người phương xa mới đến kiếm kế sinh nhai cũng có. Tìm một người Hà Nội gốc, “Hà Nội xịn” (đã qua 4 - 5 thế hệ) bây giờ thật khó trong “biển người” ở Thủ đô. Nhưng cái “lề” của văn hóa giao tiếp từ ngàn năm vẫn còn đó, vẫn tiềm tàng như một di sản “hóa thạch” trong tâm khảm và nối truyền qua bao thế hệ. Tiếng Hà Nội đã và đang được coi là tiếng Việt chuẩn mực, là tiếng Việt văn hóa. Đó là thứ tiếng mà người Hà Nội sử dụng hằng ngày trong giao tiếp, trên sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng. Hiển nhiên nó được coi là chuẩn mực cho ngôn ngữ toàn dân.

Có rất nhiều cái khác nhau giữa tiếng Nam và tiếng Bắc, mà tiếng Hà Nội là biểu hiện điển hình của tiếng Bắc. Điều dễ nhận thấy nhất là mặt ngữ âm. Trong công trình của mình (Phương ngữ Nam Bộ, NXB Khoa học Xã hội, 1995), Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Thị Ngọc Lang đã phát hiện nhiều nhóm từ “khác mà giống nhau” thú vị của 2 vùng phương ngữ này. Ấy là các nhóm từ ghép đẳng lập hai yếu tố mà mỗi vùng chọn một yếu tố (trước hoặc sau) để sử dụng, mà xét cho cùng thì ngữ nghĩa 2 thành tố đó lại giống hệt nhau. Chẳng hạn, đây là tổ hợp song âm nhưng tiếng Nam chọn yếu tố thứ nhất còn tiếng Bắc (Hà Nội) chọn yếu tố thứ hai: “Dơ bẩn”, “đau ốm”, “lời lãi”, “bao bọc”, “mai mối”, “hư hỏng”, “dư thừa”, “kêu gọi”, “hình ảnh”... Còn đây là những tổ hợp ngược lại, người miền Bắc chọn yếu tố đầu, “nhường” người miền Nam chọn yếu tố sau: “Đón rước”, “lừa gạt”, “lau chùi”, “chăn mền”, “chậm trễ”, “tìm kiếm”, “vâng dạ”, “đùa giỡn”, “thuê mướn”, “mau lẹ”…

Đặc biệt, tiếng Hà Nội đã du nhập nhiều yếu tố “ngoại lai” để làm giàu ngôn ngữ của mình. Người Pháp vào Việt Nam từ năm 1858, nhưng chủ yếu ở các trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, đặc biệt là các đô thị lớn (Hà Nội, Sài Gòn, Huế...). Rõ nét nhất là qua sách vở, báo chí (phát hành tại Hà Nội, nhân vật là người Hà thành là chính) mà ta có thể cho rằng, trong việc Việt hóa tiếng Pháp, công lớn thuộc về Hà Nội.

Theo các tác giả Nguyễn Quảng Tuân và Nguyễn Đức Dân (Từ điển các từ tiếng Việt gốc Pháp, Hội Nghiên cứu và Giảng dạy văn học thành phố Hồ Chí Minh, 1992) thì tiếng Việt có xấp xỉ 2.000 từ gốc Pháp. Căn cứ vào hệ thống âm vị tiếng Việt (mà tiếng Hà Nội được coi là chuẩn) thì có một số từ đã qua “bộ lọc” của cách phát âm Hà Nội. Chẳng hạn, có một số từ Pháp bắt đầu bằng phụ âm “p” nhập vào tiếng Việt trước đây, bị đọc chệch thành “b” như “ba đờ xốc” (“pare-chocs”: Thanh bảo hiểm, thanh đỡ trước và sau xe ô tô). Trước đây, /p/ không thể làm âm đầu nên khi là âm đầu (trong tiếng Việt) /p/ chuyển thành /b/. Ta còn thấy khá nhiều từ tương tự như vậy nữa, như “pardessur” = “ba đờ xuy” (áo khoác ngoài bằng len hoặc dạ), “palabre” = “ba láp” (nói năng không đâu vào đâu, lếu láo)... Sau này, tiếng Việt chấp nhận một số từ bắt đầu bằng phụ âm /p/, như “pin”, “pô pơ lin”, “pê đan”, “pa nô”... nhưng các từ đã có trước đây gần như được giữ nguyên, dù rằng cũng có nhiều người đọc theo đúng nguyên ngữ (“pa tê”, “pa ti nê”, “pa đờ xuy”...) nhưng ít được hưởng ứng.

Các âm nguyên ngữ (tiếng Pháp) được người Việt thay đổi theo hướng âm tiết hóa, đơn giản hóa cách đọc, chỉ giữ lại cách phát âm “gần giống”. Vì vậy có nhiều từ gốc Pháp dễ bị nhầm với từ thuần Việt. Chẳng hạn: “Măng cụt” (“mangouste” - một loại cây ăn quả), “lê dương” (“légion” - lính người nước ngoài, tình nguyện gia nhập quân đội Pháp), “banh” (“balle” - trái bóng), “sên” (“chaine” - xích xe đạp, xe máy)... Các từ này hình thành hoàn toàn bằng cách mô phỏng âm đọc tiếng Pháp, không tuân thủ triệt để cách đọc của người Pháp. Nhiều người cho đó là hệ quả của thứ tiếng Pháp “bồi”, nhưng các nhà ngữ học không hẳn đồng tình với quan điểm đó. Bởi việc các đơn vị từ vựng mới nhập phải được cộng đồng chấp nhận và phải tuân theo nguyên tắc ngữ âm. Quy luật này thường là bỏ bớt phụ âm đôi (“bloc” = “lốc”, “knock out” = “nốc ao”), bỏ bớt âm tiết (“chambre à air” = “săm”, “tente de bâthe” = “bạt”, “gaz à pansement” = “gạc”, “duraluminium” = “đuy ra”)...

Tiếng Hà Nội so với các vùng phương ngữ lớn (Nam Bộ, Bắc Bộ, Trung Bộ) có nhiều điểm khác và còn tiếp tục khác. Nhưng ranh giới của chúng đang được kéo gần lại với đường đồng ngữ của chủ thể tiếng Việt. Đó là hiện tượng bình thường và là nhân tố tích cực của sự phát triển. Tuy nhiên, có nhiều yếu tố khác (ngữ âm, nhiều từ riêng biệt, nghi thức ứng xử...) của tiếng Hà Nội thì vẫn được bảo lưu từ đời này sang đời khác. Đó là tính bền vững, làm nên nét đẹp riêng có của tiếng Hà Nội hôm nay.

PGS.TS Phạm Văn Tình 
(Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng Hà Nội