Gìn giữ giá trị di sản chùa Mật Dụng

Minh Duy| 15/02/2021 06:23

(HNMCT) - Đã thành lệ, trong đêm Giao thừa, người dân làng Đông (nay thuộc khu dân cư số 7 phố Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội) lại góp mặt tại chùa Mật Dụng (thường được gọi là chùa làng Đông) để thành kính lễ Phật, cầu chúc năm mới an lành, hạnh phúc. Sinh sống trong vùng di sản ven hồ Tây đầy giá trị, người làng Đông luôn gắn bó sâu sắc và có ý thức gìn giữ, phát huy giá trị di sản chùa làng.

Sư thầy Thích Đàm Tâm đã hơn 30 năm gắn bó với chùa Mật Dụng.

"Vun thiện căn, trồng quả phúc"

Đầu xuân lễ chùa trong thoang thoảng khói hương ấm áp, giữa không gian kiến trúc thoáng đãng của chùa Mật Dụng, bao gồm vườn rộng, khu vực tam quan, sân gạch, bái đường năm gian, thượng điện hai gian..., mang lại cảm giác thật thư thái, thanh tịnh.
Nằm ngay mặt phố Thụy Khuê, chùa Mật Dụng được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989. Tương truyền, chùa được xây dựng từ thời Lê sơ, hiện còn lưu giữ nhiều pho tượng Phật giá trị. Kết cấu chùa theo kiểu chữ “Đinh”, sau chùa là điện thờ Tam phủ và nhà tổ.

Theo sách Di tích Tây Hồ (Ban Thường vụ Quận ủy Tây Hồ chỉ đạo biên soạn, Tiến sĩ Hoàng Giáp dịch Hán - Nôm) thì hiện nay, nhìn vào hệ thống tượng Phật, cách trì tụng của các sư, có thể thấy chùa Mật Dụng hoàn toàn giống như các thiền tự khác. Nhưng các tư liệu Hán - Nôm được lưu giữ trên hoành phi, câu đối, bia đá, chuông khánh... ở đây thực sự là di sản quý, gợi thêm hướng nghiên cứu sâu về Phật giáo Việt Nam.

Các bậc cao niên trong làng thường kể về bài minh khắc trên quả chuông lớn trong chùa (được đúc năm 1794) với những lời viết hàm chứa biết bao tự hào: "Thôn Đông ta, Tây Hồ dẫn mạch, là khu danh thắng của đất nước. Cổ tích truyền lại có ngôi chùa gọi là chùa Mật Dụng, rường cột đống vũ, trang nghiêm tuyệt vời, tòa ngang dãy dọc, cửa thiền nguy nga...". Chuyện kể rằng, vào năm 1794, mọi người trong thôn đã "vun đắp thiện căn, vun trồng quả phúc", đem tiền bạc, của cải giúp việc công, tập hợp thợ hay để đúc quả chuông lớn nhằm chấn hưng Tam giáo, khiến dân được hưng thịnh. Bài minh khắc trên chuông nêu rõ: "Điều coi trọng hơn cả là tuy các giáo có khác nhau, nhưng vui làm điều thiện, tất cùng một ý. Cái thiện mà không nêu cao thì lấy gì để khuyến khích con người...".

Thực vậy, người làng Đông mỗi khi nói về chùa làng đều đề cao việc "vun đắp thiện căn, vun trồng quả phúc", qua đó xây dựng nếp làng gắn bó, đoàn kết, duy trì nhiều sinh hoạt ý nghĩa mang đậm tính cộng đồng.

Người dân làng Đông thành tâm lễ Phật và duy trì nhiều sinh hoạt ý nghĩa mang đậm tính cộng đồng.

Bảo tồn di tích chùa Mật Dụng

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về các ý tưởng phát huy giá trị di sản - văn hóa vùng ven hồ Tây, bà Chu Minh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin quận Tây Hồ không quên nhắc đến việc bảo tồn di tích chùa Mật Dụng, bởi "không chỉ là niềm tự hào của riêng người dân làng Đông, chùa Mật Dụng là một kiến trúc Phật giáo còn giữ được gần như nguyên vẹn, từ kiến trúc đến tượng Phật, đồ tế khí. Chính vì vậy, chùa là một di tích quý cho việc nghiên cứu Phật giáo ở Thủ đô, cần được bảo lưu, tôn tạo thành một địa điểm tham quan du lịch và nghiên cứu khoa học".

Việc đề cao công tác bảo tồn di tích chùa Mật Dụng là việc làm rất cần thiết, trong bối cảnh ngôi chùa cổ này không tránh khỏi tình trạng bị xuống cấp sau thời gian dài chưa được tu bổ, nâng cấp, đơn cử như một số cột trụ trong chùa đã mục nát, phần mái tam bảo bị dột, phải che bằng bạt... Chính vì vậy, Dự án đầu tư xây dựng công trình tu bổ, tôn tạo di tích chùa Mật Dụng, phường Bưởi đã được UBND quận Tây Hồ phê duyệt năm 2019 với mục tiêu bảo tồn, trùng tu nâng cấp các thành phần gốc của di tích, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử và kéo dài tuổi thọ cho di tích, trong đó xác định phương án xây dựng là quy hoạch lại tổng thể mặt bằng di tích trên cơ sở giữ nguyên các vị trí hạng mục tam quan, tam bảo và nhà tổ, thực hiện tu bổ hạng mục tam bảo (khoảng 200m2) trên nguyên tắc bảo tồn tối đa các thành phần gốc của di tích... Vốn đầu tư gồm nguồn vốn ngân sách quận kết hợp nguồn vốn xã hội hóa.

Hơn 30 năm gắn bó với chùa Mật Dụng, hơn ai hết sư thầy Thích Đàm Tâm, trụ trì chùa mong mỏi từng ngày dự án được triển khai trên thực tế, bởi "càng sớm tu bổ, chúng ta càng có điều kiện giữ gìn giá trị di sản kiến trúc của ngôi chùa cổ này, bảo đảm an toàn, các sư yên tâm tu tập, dân làng có chốn dâng hương lễ Phật trang nghiêm, sạch đẹp".

Khuôn viên chùa Mật Dụng.

Chia sẻ với sư thầy trụ trì, Tổ trưởng Tổ dân phố 7 phường Bưởi Nguyễn Phương Hồi cho biết: "Giữ gìn giá trị di sản là trách nhiệm không của riêng ai. Vì vậy, việc chung tay tu bổ, nâng cấp di tích chùa Mật Dụng theo phương thức "Nhà nước và nhân dân cùng làm" là cần thiết, góp phần bảo tồn công trình kiến trúc cổ này, qua đó, phục vụ quá trình tìm hiểu lịch sử văn hóa của dân tộc và của Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là vùng di sản ven hồ Tây".

Làng Đông đất Kẻ Bưởi xưa nay đã thành "làng trong phố". Trải bao năm hòa vào dòng chảy sôi động của nhịp sống đô thị, đón chào khách tới thăm làng mỗi dịp xuân mới, người làng Đông vẫn luôn tự hào về các di sản văn hóa của làng với những điểm đến đầy hấp dẫn và giá trị. Đó là di tích đền Đồng Cổ có lịch sử nghìn năm, nổi tiếng với Hội thề Trung hiếu kèm lời minh thệ "Vi thần tận trung, vi quan thanh bạch, hữu thân thử minh, thần minh cức chi" (Làm tôi hết lòng trung, làm quan trong sạch, ai trái thề này, thần minh giết chết). Đó là đình Đông Xã, nơi thờ Nhị vị Đại vương Thành hoàng làng vốn là danh tướng thời Hùng Vương. Đó là nhà thờ Yên Thái với tuổi đời hơn 100 năm. Cùng với hệ thống di sản ấy, người làng Đông tự hào có chùa Mật Dụng với nhiều giá trị về kiến trúc, lịch sử Phật giáo, làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân.

Tất cả vốn văn hóa vật thể quý báu ấy không chỉ là niềm tự hào, mà còn cho thấy tiềm năng du lịch của một điểm đến đậm dấu ấn trong vùng di sản ven hồ Tây - một phần của văn hóa Thăng Long - Hà Nội!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gìn giữ giá trị di sản chùa Mật Dụng