Còn ai viết về Hà Nội

Vân Hạ| 13/02/2021 06:30

(HNMCT) - Trong cuộc tọa đàm Mình viết gì khi viết về Hà Nội, nhà văn Đỗ Phấn tâm sự: “Tôi đã từng đặt ngược câu hỏi, nếu mình không phải là người Hà Nội, mình có viết được về Hà Nội không?”. Câu trả lời nằm trong rất nhiều tác phẩm của các nhà văn viết về Hà Nội, trong đó có Đỗ Phấn. Chỉ cần có tình cảm thì dù tác giả có sinh ra ở Hà Nội, sống trong lòng Hà Nội, hay ở một nơi xa nhớ về thì “chất” Hà Nội vẫn hiện hữu trên từng trang viết...

Chỉ cần có tình cảm thì dù tác giả có sinh ra ở Hà Nội, sống trong lòng Hà Nội, hay ở một nơi xa nhớ về thì “chất” Hà Nội vẫn hiện hữu trên từng trang viết... Ảnh: Hoài Trân

Cả đời viết về Hà Nội

“Dường như tất cả những gì tôi viết trong cuộc đời cầm bút của mình đều là viết về Hà Nội”, lời bộc bạch của nhà thơ Phan Thị Thanh Nhàn có lẽ là “mẫu số chung” của không ít “nhà Hà Nội học” hiện nay. 

Nếu xưa kia, Thăng Long được ghi chép lại trong các “công trình” như Hà Nội dư địa chí, Thượng kinh ký sự, Hà Nội sơn xuyên phong tục... thì sau này, Hà Nội được lưu giữ trong một kho sách hết sức phong phú về phong tục, văn học, lịch sử, phong cảnh, con người của hàng loạt tác giả như Hoàng Đạo Thúy, Trần Huy Liệu, Vũ Ngọc Phan, Doãn Kế Thiện, Nguyễn Văn Uẩn... Đặc biệt, đã xuất hiện một thế hệ tác giả mà Hà Nội là đề tài lớn, thậm chí duy nhất trong cuộc đời nghiên cứu của họ như Nguyễn Vinh Phúc, Giang Quân, Vũ Tuân Sán, Hữu Ngọc, Nguyễn Thừa Hỷ, Nguyễn Bá Đạm.

Không phải ai trong số họ cũng sinh trưởng ở đất Hà thành văn hiến, nhưng khi sống và làm việc ở nơi này, tình yêu Hà Nội thôi thúc họ cầm bút viết. Nhà nghiên cứu Giang Quân từng chia sẻ: “Tôi đến với kinh kỳ như một cái duyên. Tôi “phải lòng” văn hóa Kẻ Chợ, si mê văn hiến Thăng Long. Nên cũng từ năm 1950, tất cả các tác phẩm của tôi đều viết về Thăng Long - Hà Nội”. Để rồi, kể cả khi tuổi cao sức yếu, các tác giả Hà Nội học ấy vẫn không ngừng viết về mảnh đất và con người nơi đây với hàng chục đầu sách, hàng trăm bài báo, và trở thành những “cuốn từ điển sống về Hà Nội”. 

Tiếp bước thế hệ tác giả nghiên cứu về Hà Nội, những năm gần đây, các đầu sách khảo cứu của Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Trương Quý được nhắc đến nhiều. Loạt sách “Đi” nổi tiếng của Nguyễn Ngọc Tiến đưa độc giả Đi dọc Hà Nội, Đi ngang Hà Nội, Đi xuyên Hà Nội, và cả “đi quanh” Hà Nội với 5678 bước chân quanh Hồ Gươm, Chuyện quanh quanh Dâm Đàm. Còn Nguyễn Trương Quý chọn viết theo lối du khảo. Cuốn sách Một thời Hà Nội hát - Tim cũng không ngờlàm nên lời ca của Nguyễn Trương Quý mang đến góc nhìn mới lạ, độc đáo về đời sống Hà Nội thông qua âm nhạc của Đoàn Chuẩn. Nét thu hút trong tác phẩm của Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Trương Quý là sự giao thoa giữa khảo cứu và tản văn, khiến những trang sách đầy ắp thông tin nhưng không khô khan, khó đọc.

Vẫn mãi viết về Hà Nội

Nguyễn Ngọc Tiến hay Nguyễn Trương Quý không dừng chân ở “địa hạt” khảo cứu, du khảo. Hà Nội thấm đẫm trên từng trang viết của họ với các tiểu thuyết Me Tư Hồng, Mong manh, Lính Hà... (Nguyễn Ngọc Tiến), qua các tản văn, truyện ngắn Hà Nội là Hà Nội, Dưới cột đèn rót một ấm trà, Ăn phở rất khó thấy ngon, Hà Nội bảo thế là thường... (Nguyễn Trương Quý).

Và họ chỉ là hai trong số rất nhiều tác giả đã, đang và vẫn mãi viết tiếp về Hà Nội trong trái tim mình.

Đỗ Phấn chẳng hạn, ông từng bày tỏ, “nếu không viết về Hà Nội, có lẽ tôi chẳng thể viết được cái gì khác. Hà Nội là một đề tài vĩnh cửu mà có viết mãi cũng không thể hết những thứ để viết”, bởi “chúng ta có thể viết về mọi thứ trên đời khi sống ở Hà Nội và cũng có thể viết về mọi thứ trên đời khi chúng ta không sống ở Hà Nội nhưng đang nghĩ về Hà Nội”. Điều đó giải thích cho số lượng đầu sách tản văn liên tục được ra mắt của Đỗ Phấn trong những năm gần đây, như Bâng quơ một thời Hà Nội, Ngẫm ngợi phố phường, Ngồi lê đôi mách với Hà Nội, Đi chơi Bờ Hồ, Hà Nội - chút bụi vai người... Hay nhà văn Trần Chiến, bên cạnh những truyện ngắn, tiểu thuyết “rất Hà Nội” như Chín bỏ làm mười, Đèn vàng, Cậu ấm… là hàng loạt bài viết về phố, về ngõ, về chợ, về ẩm thực, và cả về “Hà Nội đáng thương” mà sau này ông đã tuyển chọn thành tập tản văn A đây rồi Hà Nội 7 món.

Tản văn viết về Hà Nội những năm gần đây được mùa nở rộ. Những tưởng tòa lâu đài văn chương Hà Nội với gia tài đồ sộ các tác phẩm kinh điển của Nguyễn Tuân, Thạch Lam, Vũ Bằng, Tô Hoài... sẽ là “áp lực” cho các cây bút thế hệ sau. Nhưng, vẫn viết về hàng quán món ăn, vẫn viết đường cây mái phố, vẫn là thiên nhiên con người, mỗi tác phẩm ở mỗi giai đoạn lịch sử, Hà Nội trong cảm nhận của từng tác giả lại mang phong vị riêng. Chẳng thế mà dẫu có say mê với Hà Nội băm sáu phố phường, Miếng ngon Hà Nội, Thương nhớ mười hai, Chuyện cũ Hà Nội... của thành phố một thời “nửa tây nửa ta, nửa cũ nửa mới, nửa sang nửa quê”, thì độc giả yêu văn chương Hà Nội vẫn thích thú với các bài viết trong Thú ăn chơi người Hà Nội, Thú lang thang người Hà Nội, Tinh hoa Hà Nội, Hương đất Hà thành... của Thủ đô hiện đại trong tác phẩm của Băng Sơn, Mai Thục... Và giờ đây, Hà Nội tiếp tục được “trường tồn bằng sự không lặp lại” qua ngòi bút của thế hệ nhà văn đương thời say mê Hà Nội như Trần Chiến, Nguyễn Ngọc Tiến, Nguyễn Trương Quý, Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà...

Mà không chỉ có vậy, Hà Nội còn “gây thương nhớ” cho rất nhiều nhà văn, giục giã họ không thể không viết Hà Nội. Để Lê Bầu phải nhớ về Tuổi thơ Hà Nội ngày xưa, Phạm Ngọc Tiến phải than thở về Phố phở phố có nhà to, Uông Triều say sưa với Hà Nội quán xá phố phường, Hà Nội dấu xưa phố cũ, Lữ Mai nhắc nhở Hà Nội không vội được đâu, Hoài Hương nỗi niềm với Hà Nội hoa tình... Hơn thế nữa, Hà Nội còn “hút” thêm những cây bút “tay ngang” kể về mảnh đất mà họ đã gắn bó. Bởi thế, đã xuất hiện Trần Văn Thụ với Hà Nội một thời tuổi trẻ, Bình Ca với Quân khu Nam Đồng, Vũ Công Chiến với Kim Liên một thuở, Trung Sỹ với Hà Nội mũ rơm và tem phiếu... Chưa kể đến một Hà Nội hiện hữu qua ký ức trẻ thơ trong Đấy là nó nghĩ thế của Anh Thư, Khu tập thể có giàn hoa tím của Đức Phạm, Quái thú răng thỏ và khu nhà gỗ của Mây, Mảnh trời có lá cờ bay của Tuệ An...

Như một nhà văn đã từng viết: “Những hạt bụi vàng lấp lánh đâu đó ở mỗi góc phố Hà Nội hãy mượn gió mà bay lên cho đất kinh kỳ chói sáng những ánh vàng”, “Còn ai viết về Hà Nội?” chỉ là một câu hỏi tu từ bởi sẽ còn nhiều cây bút tiếp tục viết về mảnh đất này. Mỗi cây bút ấy chính là một cơn gió đưa những “hạt bụi vàng lấp lánh Hà Nội” bay cao, bay xa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Còn ai viết về Hà Nội