Thạch Thất bảo tồn nghệ thuật múa rối

Thủy Hương| 28/01/2021 14:18

(HNMCT) - Múa rối là một trong những môn nghệ thuật dân gian cổ truyền đặc sắc của Việt Nam. Hà Nội có 5 phường rối, trong đó, riêng huyện Thạch Thất có tới 3 phường rối còn bảo tồn tốt môn nghệ thuật dân gian này. Đó là phường rối nước làng Ra (xã Bình Phú), phường rối nước Thạch Xá (xã Thạch Xá) và phường rối nước Chàng Sơn (xã Chàng Sơn).

Các nghệ nhân phường rối làng Ra phục hồi, chỉnh sửa con trò.

Đặc sắc môn nghệ thuật cổ truyền

Theo tư liệu lịch sử, nghệ thuật múa rối dân gian Việt Nam gắn với nền văn minh lúa nước và những tập tục, nghi lễ, hội hè từ xa xưa, phát triển mạnh nhất vào thời Lý - Trần.

Làng Ra (nay là thôn Phú Hòa, xã Bình Phú) có lịch sử hình thành nghệ thuật múa rối nước hơn 10 thế kỷ. Không giống như các làng nghề khác thường thờ tổ nghề ngay tại đình làng, phường rối làng Ra thờ tổ nghề tại chùa Thầy (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai). Hằng năm, cứ đến ngày mùng 6 tháng Ba âm lịch, khi chùa Thầy mở hội, phường rối lại lên chùa biểu diễn để tưởng nhớ tổ nghề. Ngoài ra, phường cũng diễn trong ngày hội làng vào ngày 17 tháng Bảy âm lịch hằng năm để tưởng nhớ công ơn của Thành hoàng làng là tướng Đào Khang. Trải qua nhiều thăng trầm, rối làng Ra từng bị đứt đoạn vào những năm kháng chiến chống Pháp. Đến năm 1960, phường rối được khôi phục với sự tham gia của 40 thành viên là người dân trong làng.

Được biết đến là nơi có nghề mộc truyền thống lâu đời, người thợ Chàng Sơn không chỉ giỏi việc sản xuất đồ gia dụng, đồ thờ, tượng... mà còn thể hiện sự tài hoa khi tạo ra những con rối gỗ phục vụ nghệ thuật múa rối nước. Nghệ nhân Nguyễn Văn Dậu, Trưởng phường rối nước Chàng Sơn cho biết: Nhờ có nghề mộc truyền thống nên các con rối của phường rối Chàng Sơn được tạo tác sinh động, có hồn hơn nhiều nơi khác. Đặc biệt, phường rối Chàng Sơn không chỉ bảo tồn, gìn giữ nghệ thuật múa rối cổ truyền với các kỹ thuật cổ của cha ông mà còn có nhiều sáng tạo, cải tiến để vận hành con rối uyển chuyển, linh hoạt, tạo sự hấp dẫn cho người xem.

Cuối cùng là phường rối nước Thạch Xá. Nghệ thuật múa rối nước cũng xuất hiện tại đây từ nhiều thế kỷ trước, đến nay, người dân vẫn giữ gìn nguyên vẹn các tích trò cổ phản ánh nét văn hóa của làng quê. Điều khác biệt ở phường rối Thạch Xá là sử dụng kỹ thuật điều khiển con trò bằng dây chứ không dùng sào như nơi khác, nhờ vậy, các nhân vật rối được vận hành uyển chuyển, sinh động hơn.

Bảo tồn để gìn giữ di sản

Tuy cả ba làng rối nói trên đều đang hoạt động thường xuyên nhưng các nghệ nhân vẫn đau đáu nỗi lo về thế hệ kế cận. Nghệ nhân Nguyễn Văn Dậu (phường rối Chàng Sơn) chia sẻ: “Nghệ thuật múa rối nước là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của cha ông, nhưng giới trẻ ngày nay không mấy mặn mà với việc đi xem biểu diễn múa rối chứ chưa nói đến chuyện học nghề. Do vậy, địa phương cần có cơ chế khuyến khích, thu hút giới trẻ để họ chung tay bảo tồn nghệ thuật truyền thống”.

Nghệ nhân Khương Xuân Đảng (phường rối Thạch Xá) cho rằng: “Để gìn giữ nghệ thuật múa rối nước không chỉ đòi hỏi sự say mê, tâm huyết mà còn cần thế hệ trẻ nhận thức đúng đắn về trách nhiệm của mình đối với tiền nhân, với quê hương, đất nước... Muốn vậy, cần phải tăng cường giáo dục truyền thống, giáo dục di sản ngay từ trường học cho học sinh”.

Là một trong những xã dành nhiều sự quan tâm, đầu tư cho di sản văn hóa truyền thống, ông Nguyễn Văn Diên, Chủ tịch UBND xã Bình Phú cho biết: Những năm qua, xã đã hỗ trợ kinh phí để phường rối làng Ra đi biểu diễn, giao lưu với các địa phương, tạo điều kiện về địa điểm tập luyện, điểm biểu diễn cho phường rối nhằm thu hút người dân và du khách tới xem. “Chúng tôi mong nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm của các cấp, các ngành chức năng trong công tác phong tặng danh hiệu nghệ nhân, hỗ trợ quảng bá để khuyến khích phường rối và các nghệ nhân hoạt động ngày một tốt hơn”, ông Nguyễn Văn Diên nói.

Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Thạch Thất Nguyễn Trường Giang cho biết, giai đoạn 2015-2020, huyện đã triển khai dự án khôi phục nghệ thuật múa rối nước ở các xã Chàng Sơn, Bình Phú, Thạch Xá; phối hợp với Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội tổ chức các lớp tập huấn nghệ thuật múa rối nước cho hàng trăm học viên các xã; đẩy mạnh quảng bá nghệ thuật múa rối nước trong các hội chợ triển lãm, giới thiệu sản phẩm làng nghề gắn với hoạt động phát triển du lịch. Nhờ vậy, nghệ thuật múa rối nước đang trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện Thạch Thất và ngày càng khẳng định vị thế so với các địa phương khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thạch Thất bảo tồn nghệ thuật múa rối