Hội ngộ văn hóa các dân tộc ở Thủ đô

Nhật Minh| 26/12/2020 03:44

(HNMCT) - Hà Nội là nơi hội tụ bốn phương, điểm hẹn gặp gỡ, giao hòa của văn hóa các vùng miền, các dân tộc anh em. Nhìn lại năm qua, bằng nỗ lực tự thân của đồng bào và với sự hỗ trợ từ các chính sách dân tộc của trung ương, thành phố, đời sống nhiều mặt trong đó có sinh hoạt văn hóa cộng đồng của các dân tộc ở Thủ đô như Mường, Dao, Sán Dìu, Thái, Tày... đã không ngừng được đắp bồi, kết nối.

Một tiết mục biểu diễn của nghệ sĩ Mường tại Trung tâm Giao lưu phố cổ 2020.

Hội ngộ năm 2020

Sinh hoạt văn hóa cộng đồng ở Hà Nội năm 2020 trầm lắng hơn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Dẫu vậy, nội lực và bản sắc văn hóa vẫn là mạch nguồn thao thiết chảy tràn. Những ngày cuối năm 2020, khi tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, những cuộc hội ngộ cộng đồng dân tộc thiểu số lại “nở hoa” giữa lòng Thủ đô. Dù quy mô khiêm tốn hơn, song nét độc đáo, bản sắc văn hóa vẫn là dấu ấn khó quên, góp thêm hương sắc cho đời sống văn hóa Hà Nội.

Cuộc gặp mặt của cộng đồng người Dao hồi tháng 6 (ngày 13 và 14-6) “cõng” trên lưng vấn đề “Sinh kế người Dao - những vấn đề từ thực tiễn”, song đó thực sự là một cuộc trình diễn trang phục Dao hết sức độc đáo. Sảnh Bảo tàng Hà Nội tựa như một “sàn diễn” cho các bộ trang phục thủ công với hoa văn in bằng sáp ong khoe sắc. Đáng nói hơn, các bộ đồ đặc sắc ấy được “trình diễn” trong đời thực bởi chính những người đang sống cuộc sống đã được biểu trưng trên hoa văn, nên càng như câu chuyện thực về đời sống tộc người. Thế mới hiểu, vì sao người Dao luôn tự hào “người Dao là một trong số những dân tộc có trang phục đẹp nhất” (chia sẻ của Tiến sĩ Bàn Tuấn Năng, Trưởng Ban đại diện Người Dao Việt Nam - gắn kết từ bản sắc). 

Chương trình “Chào đón tân sinh viên dân tộc Dao” diễn ra ngày 11-10 tại Hội trường Ủy ban Dân tộc (80 Phan Đình Phùng, Hà Nội) sau đó, dù quy mô khiêm tốn hơn song cũng ngập tràn sắc màu và bản sắc dân tộc Dao như vậy. Tại cuộc hội ngộ này, người Hà Nội không chỉ được ngắm nhìn “bộ sưu tập” trang phục Dao, mà còn có cơ hội chọn cho mình những chiếc khăn hoa văn in bằng sáp ong hay những trang sức bạc truyền thống mà cộng đồng người Dao nâng niu từ bao đời.

Sự kiện “Tôi tin tôi có thể năm 2020” lại do chính đại diện của các cộng đồng dân tộc đến từ 17 tỉnh, thành phố trong cả nước thực hiện. Mở ra trong không gian Trung tâm giao lưu văn hóa phố cổ (từ 21-6 đến 5-7), chương trình đúng nghĩa một bản hòa ca đa sắc để tôn vinh giá trị của đa dạng văn hóa, thúc đẩy sự tôn trọng, thấu hiểu và đoàn kết giữa các dân tộc. Những người làm chương trình không giấu được nỗi sốt ruột, mong ngóng khi dịch Covid-19 đã làm gián đoạn lịch trình đem sự kiện đến Hà Nội. Bởi chương trình năm 2020 này chính là mạch nối của chuỗi chương trình thường niên được khởi nguồn từ năm 2015 - một sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng, giới nghiên cứu về văn hóa các dân tộc cũng như các tổ chức quan tâm đến bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam. Ở đó, chương trình được thiết kế theo hướng tạo ra không gian để cộng đồng các dân tộc thiểu số tự kể câu chuyện của mình. Câu chuyện đó có thể là về thực hành văn hóa, về tri thức bản địa và cũng có thể là về vũ trụ quan, nhân sinh quan của từng dân tộc...

Mới đây (ngày 5 và 6-12), cuộc giao lưu cộng đồng dân tộc Sán Dìu năm 2020 cũng được Trung tâm Nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hóa Sán Dìu “thiết kế” tại Hà Nội. Cuộc tụ hội với sự có mặt của rất nhiều nghệ nhân thực sự là lời kết nối, là sự lên tiếng đầy thiết tha đối với vấn đề bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống. “Gói ghém” chương trình trong quy mô khiêm tốn, song cuộc gặp gỡ vẫn ngập tràn sắc màu văn hóa Sán Dìu trong lời ca điệu múa, những bài soọng-cô, dân ca giàu bản sắc.

Không chỉ văn hóa Dao, Sán Dìu, mà cả văn hóa Mường, Thái, Tày... cũng hội tụ ở Hà Nội trong những cuộc gặp gỡ cộng đồng như vậy. Giản dị, chân thành, đầm ấm, các cuộc hội ngộ chính là điểm nhấn độc đáo trong đời sống của người Hà Nội đương đại, khẳng định sự giao hòa, kết nối văn hóa ở Thăng Long - Hà Nội luôn là vô tận.  

Biểu diễn điệu múa truyền thống của người Dao tại Bảo tàng Hà Nội.

Lan tỏa

Những sân khấu biểu diễn nghệ thuật dân tộc, những buổi trình diễn nghề truyền thống mang bản sắc riêng có của các dân tộc tại Hà Nội luôn mang đến không khí mới cho không gian nghệ thuật Hà Nội. Điều đó đã được khẳng định qua nhiều sự kiện nghệ thuật tại Thủ đô, được khẳng định trong thái độ đón nhận của công chúng đối với các sự kiện được tổ chức. Song điều đáng nói hơn là rất nhiều hoạt động ý nghĩa với đời sống đã “lên khuôn” từ sự hội tụ văn hóa các dân tộc tại Hà Nội.

Điển hình là các bạn trẻ người Sán Dìu đang học tập và làm việc tại Hà Nội đã bước vào dự án “Tuổi trẻ Sán Dìu với bản sắc văn hóa dân tộc” bằng nhiệt huyết của tuổi trẻ dành cho văn hóa dân tộc. Họ đã “du ngoạn” nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, ghi lại các giá trị văn hóa bằng hình ảnh và video để hình thành nên một cơ sở dữ liệu quý về nhân học cùng cuộc triển lãm giao lưu cộng đồng dân tộc. Giá trị bảo tồn văn hóa được mở ra từ cơ sở dữ liệu đó, việc quảng bá văn hóa dân tộc cũng được mở ra từ cuộc triển lãm.

Cộng đồng người Dao đang sinh sống tại Hà Nội cũng đã tạo được sự gắn kết trong việc bảo tồn văn hóa và hỗ trợ nhau phát triển kinh tế. Không chỉ kết nối để đưa sản phẩm thuốc của dân tộc Dao ra thị trường, không chỉ trợ giúp pháp lý cho lao động người Dao tại Hà Nội hòa nhập với thị trường lao động, không chỉ hỗ trợ tân sinh viên nhập trường, mà hiện nay, họ đang triển khai cuộc thi viết “Câu chuyện của tôi” để chính người Dao kể về cuộc sống của mình. Đó cũng chính là một cách lan tỏa văn hóa trong cộng đồng, giúp cho việc quảng bá, bảo tồn văn hóa dân tộc thêm cơ hội tỏa sáng. 

Nhóm người Thái tại Hà Nội thì thường xuyên phát động các chương trình thiện nguyện giúp đỡ bà con bị thiên tai, bà con nghèo tại các vùng giáp biên giới, trẻ em nghèo vùng sâu, vùng xa. Chính họ đã góp cho đời sống văn hóa Hà Nội những chương trình giao lưu văn hóa Thái hết sức độc đáo.  

Thế mới càng thấy rõ Hà Nội là nơi hội tụ văn hóa, luôn mở cánh cửa thân thiện tiếp thu các giá trị văn hóa để làm giàu cho đời sống văn hóa đương đại. Ngay trong Lễ hội văn hóa dân gian trong đời sống đương đại lần thứ 2 diễn ra bên Hồ Gươm mới đây (ngày 13 và 14-12), múa cồng chiêng của người Mường đã âm vang và rạng rỡ bên cạnh ca trù, hát ví, hát dô, hát chèo tàu, hát trống quân, hát xẩm, múa rối cạn. Đó là câu trả lời thuyết phục về sự đa dạng văn hóa tại Thủ đô.

“Sự kết nối văn hóa, sự đa dạng văn hóa ở Hà Nội đã giúp các dân tộc đoàn kết, thấu hiểu, đồng cảm với nhau và luôn tìm kiếm giải pháp để thúc đẩy sự nhận diện, nhằm tạo cảm hứng về ý thức và trách nhiệm của mỗi cá nhân trong cộng đồng” (ông Trần Quốc Hùng - Viện Nghiên cứu Văn hóa dân tộc, Học viện Dân tộc).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hội ngộ văn hóa các dân tộc ở Thủ đô