Sân khấu Hà Nội đang cần gì?

Nhà văn Nguyễn Hiếu| 08/11/2020 04:50

(HNMCT) - Sân khấu Hà Nội đang có gì, thiếu gì và cần gì? Đó là những câu hỏi khiến người yêu nghệ thuật và giới nghệ sĩ Thủ đô luôn đau đáu.

Kịch bản Người tốt nhà số 5 của tác giả Lưu Quang Vũ (Huy chương vàng Liên hoan Sân khấu Thủ đô 2020) được viết từ năm 1984.

Nhìn từ những sự kiện

Xin được nhắc đến một sự kiện sân khấu “thuần Hà Nội” vừa diễn ra. Đó là Liên hoan Sân khấu Thủ đô chào mừng kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội diễn ra từ ngày 26-9 đến ngày 3-10. Nét mới của liên hoan năm nay là có sự tham gia của 3 đoàn kịch của các tỉnh, thành bạn là Bắc Giang, Bạc Liêu và thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, nhìn vào kịch mục tham gia biểu diễn thực tế, những người làm sân khấu Hà Nội không khỏi có những băn khoăn. Trong tổng số 13 vở diễn tham dự liên hoan, hai cố tác giả Xuân Trình và Lưu Quang Vũ mỗi vị có 2 kịch bản được dàn dựng lại. Còn những vở diễn khác, có thể thấy sự áp đảo toàn diện của những kịch bản cũ, trong đó có tới 80% là kịch bản lịch sử, cổ trang.

Nhìn vào kịch mục này, nhiều người đặt câu hỏi: Liệu chúng ta có né tránh hiện thực nóng bỏng, đa dạng của đời sống Thủ đô hiện nay? 4 vở diễn được dựng lại từ kịch bản của cố tác giả Xuân Trình và Lưu Quang Vũ có nội dung gần gũi đời sống, nhưng dù hay đến đâu, quyết liệt đến đâu thì kịch bản của 2 tác giả gạo cội đó cũng được viết từ 30 - 40 năm trước. Nói đến đây tôi lại nhớ đến 2 hiện tượng sân khấu đáng mơ ước của 2 thành phố bạn là Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh. 

Tháng 9 vừa qua, Sở Văn hóa và Thể thao Hải Phòng đã mời khá nhiều tác giả sân khấu từ mọi miền đất nước tham gia thực hiện dự án sân khấu về Hải Phòng. Mục tiêu của dự án này là mời các tác giả sân khấu trong cả nước ký hợp đồng viết kịch bản về con người và cuộc sống Hải Phòng hôm nay cũng như trong lịch sử phát triển thành phố Hoa phượng đỏ nói chung. Nhờ dự án này, các đoàn kịch đất Cảng lần lượt dựng vở mới, đời sống sân khấu sôi động hẳn lên với tần suất mỗi tháng có một vở diễn mới. Bên cạnh đó, thành phố Hải Phòng cho biết sẽ mời các đoàn nghệ thuật, nhà hát của trung ương và các tỉnh, thành phố tham gia diễn kịch về đề tài Hải Phòng. Dự án sân khấu này thành công, không chỉ làm người Hải Phòng thêm yêu, thêm hiểu về quê hương mình mà còn giúp các tác giả, đạo diễn, đoàn kịch, nhà hát... có thêm cơ hội sáng tạo khi có “đầu ra” vững chắc.

Còn ở thành phố Hồ Chí Minh, nhân kỷ niệm 45 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức cuộc thi âm nhạc và kịch bản sân khấu về sự chuyển mình của thành phố trong 45 năm qua. Cuộc thi được phát động từ đầu năm 2020 với sự tham gia của đông đảo nhạc sĩ, nhà viết kịch cả nước. Trung tuần tháng 10 vừa qua, Ban Tổ chức cuộc thi đã trao giải thưởng với mức thưởng 100 triệu đồng cho giải A, giải Khuyến khích lên tới 30 triệu đồng. Đây là mức thưởng cao so với các cuộc thi được tổ chức gần đây.

Tập trung thể hiện bản sắc Hà thành

Với các nhà hát tại Hà Nội, việc những đêm đỏ đèn ngày càng ít đi cho thấy sân khấu Thủ đô đang gặp khó khăn nhất định. Đáng buồn hơn, những kịch mục, vở diễn thực sự về cuộc sống Hà Nội trong hơn 2 thập niên vừa qua là quá ít. Tôi cho đó không phải vì các tác giả Hà Nội yếu kém hay thờ ơ với thành phố mình đang sống. Người cầm bút được coi là “phong vũ biểu” luôn tiếp cận, phát hiện rất nhanh những xung động cuộc sống để đưa vào tác phẩm của mình. Nhưng viết về Hà Nội hay, hấp dẫn đến đâu mà sản phẩm phải “đút ngăn kéo” thì dù có viết ra kiệt tác cũng không có ý nghĩa gì. Tôi cũng không cho rằng các nhà hát, các đoàn kịch của Hà Nội thờ ơ với những gì đang diễn ra ở Thủ đô. Phải chăng chúng ta chưa đủ tự tin, dũng cảm để dựng những kịch bản mới mẻ, những vấn đề gai góc, vẫn kiếm tìm sự an toàn trong nghệ thuật? Có phải chúng ta đang thiếu nguồn lực nuôi dưỡng sân khấu, kinh phí hạn chế, hay do lòng người xem đã nguội lạnh?

Tôi nhớ cách đây chưa lâu, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức hội thảo về vai trò của người chỉ đạo nghệ thuật. Vấn đề được quan tâm ở tầm vĩ mô là vai trò định hướng nghệ thuật, với cấp nhà hát là vai trò định hướng cho kịch mục và với từng vở diễn là sự chỉ đạo nghệ thuật. Sự thiếu vắng chất Hà thành trong hoạt động sân khấu những năm gần đây cũng như trong Liên hoan Sân khấu Thủ đô vừa qua, phải chăng liên quan tới những yếu tố này?

Dù là Thủ đô của cả nước nhưng Hà Nội vẫn là một thành phố, một địa phương, nên điều cần tập trung thể hiện có lẽ là bản sắc Hà thành. Nếu không coi trọng vấn đề bản sắc thì sân khấu Hà Nội sẽ nhạt nhòa, bị lẫn với tỉnh này, thành phố khác. Bài học làm sân khấu của Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh là điều chúng ta nên học hỏi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sân khấu Hà Nội đang cần gì?