Nặng lòng với câu dân ca...

Khánh Linh| 22/10/2020 12:58

(NSHN) - Giữa những hối hả của nhịp sống hiện đại, các thành viên Câu lạc bộ (CLB) Đàn và hát dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam vẫn tìm về với âm nhạc truyền thống. Suốt 23 năm qua, những lời ca, tiếng hát của các làn điệu cổ vẫn được cất lên vào mỗi sáng chủ nhật hằng tuần tại tầng 2, Khu tập thể Đài Tiếng nói Việt Nam (phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng). Đây cũng chính là nơi chắp cánh ước mơ cho nhiều nghệ sĩ chuyên và không chuyên đến với âm nhạc dân tộc.

Không khí học dân ca trong một buổi sinh hoạt của câu lạc bộ.

Nơi chắp cánh ước mơ

Tại Cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2020 vừa qua, nhiều khán giả bày tỏ ấn tượng với thí sinh Nguyễn Anh Thúy (giải Ba bộ môn đàn tranh), một cô gái có khuôn mặt xinh xắn, dáng người nhỏ nhắn, hiện là sinh viên chuyên ngành đàn tranh, Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam.

Trước khi đặt chân đến cánh cổng trường đại học, Nguyễn Anh Thúy đã có thời gian dài sinh hoạt tại CLB Đàn và hát dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam. Đây chính là nơi đã truyền tình yêu và sự say mê với âm nhạc dân tộc, giúp em có thêm tự tin, vững bước vào con đường hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp sau này.

Một buổi biểu diễn dân ca trong câu lạc bộ.

“Nhà em ở Đông Anh nhưng từ khi mới 7 tuổi, cuối tuần nào em cũng được ông nội đưa đến CLB. Tại đây em được các thầy, cô giáo truyền dạy một cách tỉ mỉ, kỹ lưỡng về nhiều loại hình âm nhạc dân tộc, để rồi tháng ngày qua đi, em thấy mình hợp với cây đàn tranh nhất và em đã chọn đàn tranh để bắt đầu con đường nghệ thuật của mình. Giờ không còn sinh hoạt tại CLB nữa nhưng em vẫn luôn biết ơn quãng thời gian được học tập và rèn luyện tại CLB, nơi nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê âm nhạc dân tộc trong em”, Nguyễn Anh Thúy chia sẻ.

Trong tâm trí của họa sĩ Hoàng Thúy Liệu (nguyên cán bộ Công ty Tem Việt Nam), CLB Đàn và hát dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam còn như một chốn đi về bình yên của tâm hồn. Sau khi nghỉ hưu, mong muốn được tham gia các chương trình âm nhạc dân tộc một cách chuyên nghiệp hơn, chị Liệu đã đăng ký và trở thành học viên của CLB.

Tại đây, chị đã được các thầy, cô giáo hướng dẫn từng làn điệu, luyện tập cách lấy hơi, nhả chữ..., rồi cùng với nỗ lực của bản thân, chị đã hát được nhiều thể loại như cải lương, chèo, xẩm, chầu văn, quan họ… Giờ đây, khi đã phát hành đĩa CD Vol 1 “Tiếng hát cửa thiền” và Vol 2 “Vu lan”, nhớ lại khoảng thời gian sinh hoạt tại CLB cùng những kỷ niệm với nhạc sĩ Dân Huyền (Chủ nhiệm CLB); cố nhạc sĩ, Nghệ sĩ ưu tú Ngọc Phan (Phó Chủ nhiệm CLB), họa sĩ Hoàng Thúy Liệu không khỏi bùi ngùi, xúc động: “Nếu như không có các thầy, các cô thì tôi không thể thực hiện được ước mơ khi tuổi đã xế chiều”...

Nhạc sĩ Dân Huyền và những thành viên của câu lạc bộ.

Bền bỉ gìn giữ vốn cổ

Chủ nhiệm CLB Đàn và hát dân ca Đài Tiếng nói Việt Nam là nhạc sĩ Dân Huyền (nguyên Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam), tác giả nhiều ca khúc được yêu thích như “Bên Lăng Bác Hồ”, “Hà Nội thành phố vì hòa bình”…

Với người nhạc sĩ già xứ Nghệ thì việc thành lập CLB cách đây 23 năm là một kế hoạch được ấp ủ từ lâu, với mong muốn các làn điệu dân ca được lan tỏa rộng rãi hơn nữa trong đời sống đương đại. “Nhiều người thắc mắc tại sao CLB lại có thể duy trì bền bỉ qua năm tháng như vậy. Tôi thì cho rằng, đó là vì lòng thương yêu, vì nhau và cùng nhau vun đắp. Trong dân ca không chỉ có một yêu, một nhớ, một thương mà còn đủ cả mười yêu, mười nhớ, mười thương”.

Soạn giả Mai Văn Lạng, Trưởng phòng Dân ca và nhạc cổ truyền, Đài Tiếng nói Việt Nam cho rằng, CLB là một trong những điểm sáng trong việc bảo tồn, gìn giữ và lan tỏa dân ca tại Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. “Đây là CLB dân ca rất chuyên nghiệp, chuyên nghiệp từ đội ngũ lãnh đạo đến các thầy, cô giáo được mời đến giảng dạy. Các học viên đến đây đều là những người có tình yêu thực sự với dân ca và họ khát khao đến cháy bỏng được kế thừa, phát huy giá trị dân ca của cha ông để lại”, soạn giả Mai Văn Lạng khẳng định.

Nghệ sĩ Thanh Hiếu, một trong những giọng ca quan họ được nhiều người yêu thích, đồng thời là một giảng viên tích cực của CLB, cho biết: “Sau nhiều năm giảng dạy tại đây, tôi nhận ra rằng, chính tình yêu với âm nhạc truyền thống của các học viên đã khiến tôi có thêm động lực để đến lớp, bất kể nắng mưa”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nặng lòng với câu dân ca...