Đề tài Hà Nội trên sân khấu: Cần thêm những câu chuyện hôm nay

An Định| 13/10/2020 05:55

(HNMCT) - Làm sao để khán giả tìm thấy mình, thấy hơi thở của đời sống Hà Nội trên sân khấu? Đó là câu hỏi của không chỉ khán giả, mà chính những người làm sân khấu Thủ đô cũng trăn trở tìm lời giải.

Vở Người tốt nhà số 5 gây ấn tượng mạnh tại Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV với bối cảnh Hà Nội thời bao cấp.

Nhìn từ một liên hoan

Đã thành thương hiệu, Liên hoan sân khấu Thủ đô không chỉ là nơi để các nghệ sĩ so tài, mà còn là nơi để họ thể hiện sự tìm tòi, sáng tạo về một đề tài đặc biệt quen thuộc, đặc biệt hấp dẫn nhưng cũng đặc biệt khó, đó là Hà Nội. Năm nay, Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV (diễn ra từ ngày 26-9 đến 3-10) có 13 tác phẩm tham gia, trong đó có nhiều tác phẩm đề cập trực tiếp tới những câu chuyện của Hà Nội xưa, nay.

Nổi bật trong số đó là đề tài lịch sử. Đó là những vở kịch đầy bi tráng như Truyền tích Cổ Loa xưa (Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh), vở kịch dựa trên truyền thuyết về Mỵ Châu - Trọng Thủy mang đến cho khán giả triết lý sâu sắc về bi kịch tình yêu sinh ra từ tham vọng bá quyền và cái giá của sự phản bội, bài học vệ quốc... Đó là chuyện tình liên quan tới Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh - hai vị vua cuối thời Lý và đầu thời Trần với những bí mật vương quyền được thể hiện trong vở chèo Tình sử Thăng Long (Nhà hát Chèo Hà Nội).

Gần gũi hơn là không khí của Hà Nội trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Vở kịch Những người ở lại (Trường Đại học Sân khấu và Điện ảnh Hà Nội) đã tái hiện hình ảnh những chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, trí thức cách mạng trong ngày đầu kháng chiến hừng hực khí thế đấu tranh. Vở Huyền thoại Hà Nội (Trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội) mang đến câu chuyện về mối tình của những chàng trai, cô gái Hà Nội trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Câu chuyện về sự cống hiến, hy sinh của mỗi người đã góp phần tạo nên “huyền thoại Hà Nội”, trở thành biểu tượng về lòng quả cảm nhưng cũng đậm chất lãng mạn, hào hoa trong ký ức của người dân Thủ đô và cả nước hôm nay...

Nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đánh giá: Liên hoan sân khấu Thủ đô 2020 là một hoạt động nghề nghiệp đặc biệt để các đơn vị nghệ thuật công bố các tác phẩm về đề tài Hà Nội và liên quan đến Hà Nội, phục vụ công chúng Thủ đô, góp phần giáo dục truyền thống vẻ vang của đất Thăng Long - Hà Nội cũng như phản ánh đời sống, văn hóa, con người Hà Nội hôm nay. Đây cũng là dịp để các nghệ sĩ giao lưu, học hỏi cách làm sân khấu trong thời kỳ mới và tiếp lửa đam mê cho những nghệ sĩ trẻ, thúc đẩy sự phát triển của sân khấu Thủ đô và cả nước.

Đau đáu đề tài về Hà Nội hôm nay

Dẫu có nhiều thành công về nghệ thuật đã được ghi nhận song Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ IV vẫn khiến người xem có chút tiếc nuối bởi gần như không đề cập được những câu chuyện về đời sống Hà Nội hôm nay.

Việc 2 vở diễn về đề tài hiện đại được tặng giải Vàng là Bạch đàn liễu (Đoàn kịch LucTeam) và Người tốt nhà số 5 (Nhà hát Kịch Việt Nam) cho thấy khán giả và cả giới chuyên môn đều đánh giá cao những tác phẩm nói về đời sống hôm nay và có tính phản biện cao. Dẫu vậy, cả hai vở kịch này đều được tác giả Xuân Trình và Lưu Quang Vũ viết cách đây đã lâu. Trong đó, Người tốt nhà số 5 mặc dù được đạo diễn Tạ Tuấn Minh dàn dựng theo phong cách mới, hấp dẫn và xúc động song cũng là câu chuyện về đời sống Hà Nội thời bao cấp. Thực tế này khiến nhiều người phải trăn trở.

Không phải chỉ tới liên hoan lần này, vấn đề thiếu vắng tác phẩm sân khấu về đề tài Hà Nội hôm nay mới được gợi lên, mà trước đó, Hội Sân khấu Hà Nội cũng đã có nhiều cuộc tọa đàm liên quan tới vấn đề này. Nghệ sĩ Nhân dân Thanh Trầm, Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội cho biết: “Hội thường xuyên khuyến khích các tác giả viết về Hà Nội thông qua các tọa đàm, các trại sáng tác với sự tham gia của nhiều tác giả tên tuổi. Tuy nhiên, chúng tôi chỉ có thể đề nghị, khuyến khích chứ không thể yêu cầu họ viết riêng về đề tài Hà Nội”.

Gần đây, trong một cuộc tọa đàm về sân khấu Hà Nội với đề tài hiện đại, tác giả kịch bản Lệ Dung thẳng thắn bày tỏ: “Nền nghệ thuật sân khấu không thể thiếu những tác phẩm đỉnh cao về đề tài hiện đại. Lâu nay, sân khấu Thủ đô có không ít tác phẩm về đề tài hiện đại, về hình tượng con người mới nhưng so với nhu cầu thì còn có một khoảng cách khá xa cả về số lượng và chất lượng. Nhiều tác phẩm chưa mang tinh thần “dấn thân, đắm mình” vào dòng xoáy thời đại”.

Rõ ràng, đòi hỏi cần có tác phẩm về những vấn đề của Hà Nội hôm nay không chỉ đáp ứng nhu cầu thưởng thức ngày càng cao của công chúng, mà còn là đòi hỏi tự thân của sân khấu Hà Nội, để xứng tầm với vị thế của Thủ đô với bề dày lịch sử 1010 năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đề tài Hà Nội trên sân khấu: Cần thêm những câu chuyện hôm nay