Tọa đàm khoa học ''Giá trị di sản văn hóa đền Bạch Mã''

Miên Hạo| 02/10/2020 12:33

(NSHN) - Sáng 2-10, tại Trung tâm Giao lưu văn hóa phố cổ Hà Nội (số 50, Đào Duy Từ), UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học "Giá trị di sản văn hóa đền Bạch Mã".

Sự kiện thiết thực kỷ niệm 1010 năm Thăng Long - Hà Nội; 66 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2020) và chào mừng Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố Hà Nội.

Tọa đàm khoa học "Giá trị di sản văn hóa đền Bạch Mã".

Là một trong tứ trấn của đất Thăng Long - Hà Nội, đền Bạch Mã tọa lạc trên địa bàn phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm, là một di sản quan trọng gắn với quá trình xây dựng kinh đô Thăng Long và công cuộc bảo vệ, phát triển đất nước. Đền được xây dựng từ thế kỷ IX thờ thần Long Đỗ. Nơi đây hiện còn lưu giữ nhiều cổ vật có giá trị, như: Bia đá, sắc phong, chuông đồng, kiệu rước, hương án, hạc thờ, độc bình, đôi phỗng...

Khi Vua Lý Thái Tổ dời đô về Thăng Long, tiến hành đắp thành nhưng nhiều lần bị sụp đổ, vua cho người cầu khấn ở đền thờ thần Long Đỗ thì thấy một con ngựa trắng từ đền đi ra. Vua lần theo vết chân ngựa, vẽ đồ án xây thành, thành mới đứng vững. Thần được Vua Lý Thái Tổ phong làm Thành hoàng của kinh thành Thăng Long.

Với hơn 1.000 năm lịch sử, đền Bạch Mã là một trong những di sản tiêu biểu của Thủ đô Hà Nội. Lễ hội của đền được tổ chức vào ngày 12 và 13 tháng Hai âm lịch hằng năm, là sự dung hòa giữa văn hóa tín ngưỡng dân gian và nghi thức cúng cung đình, tạo nên nét đặc sắc riêng biệt.

Tọa đàm thu hút nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử cùng luận bàn, tập trung vào các nội dung: Lịch sử và kiến trúc đền Bạch Mã; dịch chuyển không gian, thăng trầm lịch sử và những biến đổi văn hóa trong truyền thuyết và tín ngưỡng đền Bạch Mã; Lễ hội đền Bạch Mã - Hà Nội từ góc nhìn di sản văn hóa phi vật thể; Thần chủ và pho tượng thờ trong Hậu cung đền Bạch Mã; phong tục tập quán; Đô Thành hoàng đền Bạch Mã...

Với nhiều cứ liệu lịch sử, các đại biểu cùng làm rõ hơn những giá trị nổi bật của đền Bạch Mã, đồng thời đánh giá các kết quả đã đạt được trong công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa những năm qua. Trên cơ sở đó, tiếp tục đề xuất những giải pháp trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di tích, phục vụ hiệu quả hơn nữa công tác nghiên cứu về lịch sử, văn hóa; đưa di tích trở thành điểm đến du lịch di sản đặc thù của du khách khi tới Thủ đô Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm khoa học ''Giá trị di sản văn hóa đền Bạch Mã''