Đội ngũ sáng tác văn học về Hà Nội - không chỉ đông mà còn phải mạnh!

20/09/2020 06:32

(HNMCT) - 10 năm qua, văn học Thủ đô có bước chuyển mình mạnh mẽ cả về số lượng tác phẩm cũng như lực lượng sáng tác về mảng đề tài Hà Nội. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện với nhà thơ Trần Quang Quý, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà văn Hà Nội để nhìn lại chặng đường sáng tác vừa qua và tìm kiếm những giải pháp cụ thể nhằm phát huy cao độ tiềm lực sáng tạo của đội ngũ nhà văn viết về Hà Nội.

- Có thể nói, hiếm có thành phố nào mà mỗi ngôi nhà, góc phố, hàng cây, nết ăn, nết mặc... đều có thể là nguồn cảm hứng sáng tạo cho các nhà văn, nhà thơ như Hà Nội. Ông thấy thế nào về nhận định này?

- Nhận định đó hoàn toàn đúng. Hà Nội là thành phố luôn hấp dẫn, lôi cuốn không chỉ với các nhà văn, nhà thơ Hà Nội mà còn luôn gợi nguồn cảm hứng cho những ai từng đặt chân đến đây. Vì trước tiên Thăng Long - Hà Nội là Thủ đô của cả nước, có chiều dài lịch sử và văn hóa ngàn năm. Văn hóa kết tinh đã trở thành đặc trưng trong nết người, trong lối sống, dần trở thành một biểu tượng tự hào về Hà Nội. Thêm vào đó, Hà Nội đẹp, một vẻ đẹp pha lẫn sự cổ kính và hiện đại, mỗi khung cảnh lại gắn với những huyền tích dễ khiến lòng người rung cảm, dù có thể chỉ là một ngõ phố, một hàng cây... Và đặc biệt, đây là nơi tập trung đông đảo đội ngũ sáng tác, tài năng văn chương nhất nước; tập trung nhiều trường đại học..., cung cấp nguồn lực trẻ cho sáng tạo văn học nghệ thuật.

- Vậy thế mạnh về đề tài có đi liền với sự hùng hậu về lực lượng sáng tác không, thưa ông?

- Như tôi đã nói, Hà Nội là nơi tập trung nhiều tài năng văn học nhất. Tuy nhiên, nếu xét theo khía cạnh “chuyên”, có nghĩa là những nhà văn, nhà thơ dốc toàn lực, dành toàn thời gian cho sáng tác thì ở nước ta, chứ không riêng Hà Nội, là không có, hoặc rất hiếm. Phần lớn các tác giả hiện nay là người hưởng lương công chức, hoặc làm những nghề khác nhau - ngoài văn học - để sống. Những người còn viết về Hà Nội là những người rất yêu, rất có trách nhiệm với Hà Nội, nhưng cũng không thể dốc toàn bộ năng lượng cho thứ mình yêu. Thế nên có thể gọi họ hầu hết là nhà văn “không chuyên”.

- Như vậy thì việc đông nhưng “không chuyên” sẽ ảnh hưởng đến chất lượng tác phẩm và mong mỏi sáng tạo của chính nhà văn, thưa ông? 

- Xét về chất lượng tác phẩm, thực tế hiện nay là “bài hay xen lẫn lắm bài vừa”. Trong tọa đàm về văn nghệ Thủ đô 10 năm sau Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tôi cũng đã nói lực lượng sáng tác văn học về Hà Nội đông nhưng chưa mạnh. Đó là hiện trạng chung của văn giới cả nước hiện nay. Hội Nhà văn Hà Nội hiện có hơn 600 hội viên, đa số là nhà văn cao tuổi, độ tuổi trung bình là 68,4 nên không còn nhiều năng lượng sáng tạo, không còn cái tươi mới của văn. Đội ngũ tác giả trẻ kế tiếp có sự hụt hẫng, không nhiều tác giả còn đam mê sáng tác, dấn thân cho nghiệp văn bởi nhiều lý do: Văn hóa đọc chịu sự cạnh tranh của nhiều loại hình truyền thông, giải trí; đời sống quá khó khăn buộc họ phải lựa chọn con đường lập thân, lập nghiệp khác dù trong họ có nhiều tiềm năng sáng tác...

Còn về số lượng tác phẩm, cả văn xuôi và thơ được xuất bản hằng năm vẫn cứ “đông”, nhất là thơ. Nhưng nhiều đấy mà thiếu độ đậm đà, vẫn loanh quanh đề tài cũ...

Một nền văn học phát triển không thể không trông cậy vào lớp trẻ. Nhưng không ít người trẻ hiện nay sống vội vàng, hời hợt, thiếu chất đời, vơi nhựa sống... nên tác phẩm văn xuôi nhiều nhưng còn nhạt. Thơ cũng vậy, bên cạnh những tác giả sáng giá cũng có những cây bút trẻ mải mê tìm ý, lập ý, học theo các trường phái, có thể có những ý lạ... nhưng là những “xác chữ”, thiếu cảm xúc.

- Trong bối cảnh như vậy, có thể khái quát những xu hướng sáng tác văn học về Hà Nội trong những năm gần đây không, thưa ông?

- Những chia sẻ trên của tôi cũng đã phần nào nói về xu hướng sáng tác về Hà Nội. Tôi chỉ nhắc thêm, về văn xuôi, vẫn có những tiểu thuyết, truyện dài được giải thưởng của Hội Nhà văn Hà Nội trong 10 năm qua, với những trăn trở về đời sống người Hà Nội đương đại, như: 6 ngày, tiểu thuyết của Tô Hải Vân; Dằng dặc triền sông mưa, truyện dài của Đỗ Phấn; Thị dân tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà. Nhiều tác giả văn xuôi chuyển hướng viết tản văn về Hà Nội như Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Quý... Cả ba nhà văn có mảng tản văn về Hà Nội khá phong phú, lý thú... nhưng chủ yếu vẫn phảng phất “nét xưa”... Hình tượng người Hà Nội thời nay là thế nào, đó vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ.

Thơ về Hà Nội, ngoài những nhà thơ gạo cội thế hệ trước như Bằng Việt, Vũ Quần Phương, Phan Thị Thanh Nhàn, Hoàng Nhuận Cầm..., vẫn trông đợi nhiều ở lứa nhà thơ đã nhiều trải nghiệm, có thành tựu, có dấu ấn, từ thế hệ từ 5x đến 8x: Nguyễn Quang Thiều, Trần Quang Quý, Nguyễn Việt Chiến, Đặng Huy Giang, Bùi Kim Anh, Hoàng Việt Hằng, Nguyễn Thị Mai, Hữu Việt, Trần Kim Hoa, Hoàng Xuân Tuyền, Vi Thùy Linh, Nguyễn Quang Hưng, Đặng Thiên Sơn, Lữ Mai... Thơ, một mặt vẫn viết về nét văn hóa xưa, thiên nhiên và con người Hà Nội hiện tại, gửi gắm cảm xúc tình yêu về đất và người. Nhưng phần lớn viết về cuộc sống đời thường nhiều góc cạnh, khai thác triệt để cái tôi bản thể, đời sống nội tâm con người..., đặc biệt là ở các nhà thơ trẻ.

Sự đổi mới với đa giọng điệu, có giọng điệu truyền thống nhưng làm mới ở hàm lượng nội dung; có tác giả hiện đại trên cơ sở truyền thống; có tác giả quyết liệt hiện đại, cả với hậu hiện đại, tân hình thức. Tuy nhiên, xét về thành tựu ở khía cạnh giải thưởng văn học trong 10 năm qua thì về cơ bản vẫn là những tài năng đã được khẳng định, ít có gương mặt mới, gương mặt trẻ.

- Với những thế mạnh về đề tài, lực lượng sáng tác, theo ông, chúng ta cần làm gì để văn học về Hà Nội có được những mùa vàng về đội ngũ sáng tạo và tác phẩm?

- Ở tầm vĩ mô, Đảng ta đã xác định văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển. Nét đẹp văn hóa của người Hà Nội là nhờ cả quá trình dài bồi đắp mà thành. Vì vậy, ta hiểu vì sao nhiều nhà văn, nhà thơ vẫn chọn đề tài xưa, nét đẹp tâm hồn xưa Hà Nội và văn học rất cần cho việc xây dựng lối sống và hình ảnh văn hóa Thủ đô.

Về công việc cụ thể, hằng tháng Hội Nhà văn Hà Nội vẫn tổ chức những buổi sinh hoạt, giao lưu, tọa đàm văn học hoặc mời các chuyên gia ở nhiều lĩnh vực nói chuyện, cung cấp thông tin, bổ sung tri thức và những vấn đề liên quan đến sáng tác cho các nhà văn.

Cùng với việc chăm lo cho lực lượng sáng tác trẻ, trong 10 năm qua Hội Nhà văn Hà Nội đã 2 lần tổ chức Hội nghị Những người viết văn trẻ (năm 2015 và năm 2019) và thành lập Câu lạc bộ Văn học trẻ trong năm 2019 nhằm tập hợp lực lượng, bồi dưỡng và khơi gợi năng lực sáng tác của những tác giả trẻ, chủ yếu là các cây bút thế hệ 8x, 9x... Đây là nguồn lực quan trọng tiếp tục bổ sung cho Hội Nhà văn Hà Nội và lực lượng sáng tác văn học Thủ đô. Vì thế, họ rất cần những cơ chế khuyến khích như tạo điều kiện để các nhà văn tham gia nhiều hoạt động của Thành phố; có chính sách đầu tư chiều sâu, đặt hàng tác phẩm trong các thời kỳ; nâng cao giá trị các giải thưởng đủ thu hút nhà văn tham gia các cuộc thi văn học Thủ đô như Hải Phòng và một số tỉnh đã làm... Tất cả nhằm xây dựng một lực lượng sáng tác đông nhưng phải mạnh, khích lệ các nhà văn trẻ đang căng tràn bút lực không ngừng gắn bó với Hà Nội, sáng tác được nhiều tác phẩm mới mẻ, xuất sắc về cuộc sống và con người Hà Nội trong sự nghiệp xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, thanh lịch, đậm đà bản sắc.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đội ngũ sáng tác văn học về Hà Nội - không chỉ đông mà còn phải mạnh!