Bài 2: Văn học về Hà Nội - những trang viết trải niềm yêu

Vân Hạ| 18/09/2020 17:54

(HNMCT) - Nhà văn Đỗ Phấn từng viết: “Hà Nội là miền đất nhung nhớ không chỉ của riêng người Hà Nội. Người đi xa nhớ về và người đang sống ở nơi này nhớ về những ngày tháng đã qua”. Đã và đang có nhiều nhà văn tiếp tục trải từng nỗi nhớ niềm yêu Hà Nội lên trang viết, công bố nhiều đầu sách, mở ra cho độc giả nhiều thế hệ những cảm nhận, hình dung ngày một sâu sắc, thú vị về Thủ đô.

Hà Nội luôn là nguồn cảm hứng bất tận cho các văn nghệ sĩ. Ảnh: Cao Anh Tuấn

1. Có lẽ, hiếm có thành phố nào đi vào văn học nghệ thuật nhiều như Thăng Long - Hà Nội, trong đó, với đặc trưng biểu đạt bằng ngôn ngữ, văn học để lại nhiều dấu ấn nhất. Các thế hệ nhà văn sinh ra tại Hà Nội hoặc hội tụ về Hà Nội đã nối tiếp nhau phản ánh, ghi nhận đời sống phong phú muôn mặt trên đất kinh sư. Đó là một Thăng Long rất xưa trong Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác, trong thơ của Hồ Xuân Hương, Nguyễn Công Trứ, Bà huyện Thanh Quan... Là một Hà Nội những năm trước cách mạng trong văn thơ của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài...

Ở thế hệ các nhà văn trưởng thành từ kháng chiến, dù ra đi từ Hà Nội hoặc trở về sinh sống tại Hà Nội, họ lại tiếp nối mạch nguồn viết về công cuộc xây dựng Thủ đô. Qua cái nhìn của các thế hệ văn nhân, Thăng Long - Hà Nội đa sắc đa thanh hiện lên theo những phận người, phận đời ở từng thời kỳ phát triển, lúc đói nghèo lầm than, khi kiên cường chống giặc, khi vật lộn với kinh tế thị trường; những nếp sống thanh lịch, thú chơi tinh tế của con người nơi đây...

Khó có thể kể hết các tác phẩm ở nhiều thể loại, từ thơ đến truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút ra đời mà ở đó Hà Nội là “khung nền”, là bối cảnh với các nhân vật là người Hà Nội hoặc đang sinh sống ở Hà Nội nhưng đều đậm sâu “chất Hà Nội” với nét tài hoa, thanh lịch, trữ tình khó lẫn. Đó là Sống mãi với Thủ đô (Nguyễn Huy Tưởng), Bóng nước Hồ Gươm (Chu Thiên), Mùa lá rụng trong vườn (Ma Văn Kháng), Ngõ lỗ thủng (Trung Trung Đỉnh), Phố (Chu Lai)...

Trong cuộc hội thảo “Nâng cao phẩm chất Hà Nội trong sáng tạo văn học” do Hội Nhà văn Hà Nội tổ chức vào năm 2019, Giáo sư Phong Lê cho rằng, phẩm chất Hà Nội là câu chuyện rất đáng bàn và “con đường văn học” là một trong những giải pháp định danh phẩm chất ấy. Và, “con đường văn học” đã được thành phố Hà Nội trải rộng bằng Cuộc vận động sáng tác văn học nghệ thuật “Thăng Long - Hà Nội ngàn năm văn hiến” ngay trước thềm Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội (năm 2010), đồng thời phát động các đợt sáng tác tiếp nối cùng chủ đề, trên cơ sở Chương trình 04-Ctr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.

Theo nhà văn Bùi Việt Mỹ, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Hà Nội, “đây là dấu ấn quan trọng, một luồng gió mới tạo bước chuyển lớn về nhận thức sáng tác và quy mô xây dựng tác phẩm cho cả lĩnh vực văn học nghệ thuật, trong đó, văn chương chiếm vị trí quan trọng với những bộ sách đồ sộ như Tổng tập nghìn năm văn hiến Thăng Long, Tuyển tập thơ Thăng Long - Hà Nội ngàn năm thương nhớ...”.

2. Khoảng ba mươi năm trở lại đây, Hà Nội càng thực sự trở thành một mảng đề tài mà nhiều nhà văn theo đuổi. Không chỉ dừng ở thể loại thơ, truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút, các đầu sách về Hà Nội ngày càng đa dạng với tạp văn, khảo cứu, sách tranh. Cũng không chỉ xuất hiện trong vai trò bối cảnh, trong rất nhiều sáng tác, giờ đây, Hà Nội là “nhân vật chính”, là đối tượng nghiên cứu xuyên suốt tác phẩm. Đã có nhiều công trình nghiên cứu về Hà Nội ra đời, và cũng từ đó xuất hiện nhiều nhà Hà Nội học như Nguyễn Vinh Phúc, Vũ Tuân Sán, Giang Quân...

Bên cạnh những nhà văn, nhà thơ đã và đang tiếp cận mạch nguồn Hà Nội trong các tác phẩm của mình như Tô Hoài, Bằng Việt, Nguyễn Xuân Khánh, Nguyễn Bắc Sơn, Trần Chiến, Băng Sơn, Nguyễn Thị Thu Huệ..., đã xuất hiện những lớp nhà văn mới tiếp nối dòng chảy văn hiến ngàn năm Thăng Long - Hà Nội. Các nhà văn không ngừng trăn trở trước sự vận động của thành phố, tái tạo hiện thực qua ngòi bút của mình để mang đến cho bạn đọc một thông điệp nhân văn xuyên suốt về cuộc sống, con người Thủ đô.

Nhà văn Nguyễn Việt Hà từng khẳng định: “Trách nhiệm của nhà văn là có những áng văn hay, tiếp nối vào kho tàng tinh hoa văn chương của Thủ đô”. Và tình yêu của Nguyễn Việt Hà đã tiếp nối qua hàng loạt cuốn sách đậm đặc Hà Nội như Con giai phố cổ, Buổi chiều ngồi hát, Thị dân tiểu thuyết (Giải văn xuôi của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2019)…

Buổi ra mắt Tủ sách “Hà Nội trong mắt một người” của NXB Trẻ.

Nếu trước đây, chỉ có ít nhà văn chọn Hà Nội là mảng đề tài lớn, thậm chí duy nhất trong đời viết của mình, thì giai đoạn 10 năm sau Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, số lượng tác giả chọn Hà Nội làm “nhân vật chính” xuất hiện ngày càng nhiều. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến từ cuốn sách khảo cứu đầu tiên về Hà Nội trình làng vào năm 2008 là 5678 bước chân quanh Hồ Gươm, đến nay liên tục cho ra mắt các tác phẩm Đi ngang Hà Nội, Đi dọc Hà Nội, Đi xuyên Hà Nội, Me Tư Hồng, Lính Hà, và mới đây là Chuyện quanh quanh Dâm Đàm.

Một số nhà văn như Uông Triều vốn nổi tiếng với truyện lịch sử, Đỗ Bích Thúy gắn bó với đề tài vùng cao thì nay cũng quan sát và viết về Hà Nội với những dấu ấn riêng. Đó là Cửa hiệu giặt là (Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô 2014) của Đỗ Bích Thúy, là Hà Nội quán xá phố phường, Hà Nội dấu xưa phố cũ của Uông Triều. Ở một thành phố tưởng như đã định hình nét văn hóa, mỗi nhà văn vẫn có những cuộc tìm kiếm, phát hiện giá trị văn hóa mới gắn với sự chuyển động của thành phố, đưa vào tác phẩm của mình.

Điều đặc biệt, đề tài Hà Nội còn “hút” cả những nhà văn “tay ngang”. Đó là họa sĩ Đỗ Phấn với gần ba chục đầu sách mà như ông tự nhận: “Thật ra chỉ là một cuốn sách thôi. Cuốn sách đó có tên “Hà Nội”. Đó là kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý với hàng loạt tản văn, du khảo “ăn khách” như Còn ai hát về Hà Nội, Xe máy tiếu ngạo, Ăn phở rất khó thấy ngon, Một thời Hà Nội hát… Đó là kỹ sư điện tử Vũ Công Chiến với Kim Liên một thuở, Hồi ức lính (giải Tác phẩm đầu tay xuất sắc của Hội Nhà văn Hà Nội năm 2017), Chúng tôi thời hậu chiến; là cựu chiến binh Trung Sỹ với Hà Nội mũ rơm và tem phiếu, Chuyện lính Tây Nam, là blogger trẻ nổi tiếng, cố họa sĩ Đinh Vũ Hoàng Nguyên với Có một phố vừa đi qua phố (Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô năm 2014). Đáng kể nhất là tác giả Bình Ca với cuốn sách duy nhất trong nghiệp viết cho đến nay - Quân khu Nam Đồng - ra mắt năm 2015, đã tạo nên “cơn sốt” tái bản liên tục. Chính lực lượng viết trẻ (về tuổi nghề) và không chuyên này đã góp phần mang đến lát cắt tươi mới rất riêng về Hà Nội trong cả hôm qua và hôm nay. 

Để bồi dưỡng lớp nhà văn kế cận, Câu lạc bộ Văn học trẻ Hà Nội với nhiều hoạt động sôi nổi được thành lập nhằm tạo sân chơi cho các cây viết thế hệ 8x, 9x gắn bó với Hà Nội, khích lệ lớp nhà văn kế cận sáng tác nhiều tác phẩm mới lạ, hấp dẫn về cuộc sống và con người Thủ đô.

3. Có thể nói, văn học 10 năm qua có những trang viết không ngừng khám phá, tiếp nối dòng văn chương gắn liền với Thăng Long - Hà Nội.

Sự nảy nở và chiều hướng đa dạng của văn học trên nền cảm hứng chung về truyền thống văn hóa, thế đi lên của Hà Nội cũng cho thấy tinh thần “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” của Nghị quyết 23-NQ/TƯ của Bộ Chính trị năm 2008 và “xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” của Nghị quyết 33-NQ/TƯ năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã thực sự tạo nền tảng, động lực sáng tạo cho văn nghệ sĩ. Vấn đề tiếp theo chỉ là không ngừng khơi nguồn sáng tạo để dòng chảy văn học ấy mãi hòa cùng đất và người Thăng Long - Hà Nội.

Tủ sách "Hà Nội trong mắt một người" của NXB Trẻ giới thiệu hàng loạt tác phẩm mới như Bâng quơ một thời Hà Nội, Đi chơi Bờ Hồ, Ngẫm ngợi phố phường, Ngồi lê đôi mách với Hà Nội, Một thời Hà Nội hát, Chuyện quanh quanh Dâm Đàm, Hà Nội phố ngàn phố

Theo biên tập viên Nguyễn Hải Đăng, sắp tới, tủ sách về Hà Nội của NXB Trẻ sẽ cho ra mắt hai cuốn sách mới là Chuyện Thăng Long Kẻ - Hà Nội Hàng của Nguyễn Ngọc Tiến, Hà Nội chút bụi trên vai người của Đỗ Phấn, đồng thời tuyển chọn và tái bản lại A đây rồi Hà Nội 7 món của Trần Chiến.

"Sống" - thương hiệu sách tác giả Việt của Alpha Books những năm gần đây cũng là “bà đỡ” mát tay cho nhiều đầu sách hay về Hà Nội như Kim Liên một thuở, Hà Nội mũ rơm và tem phiếu, Yêu Hà Nội thích Sài Gòn, Hà Nội dấu xưa phố cũ, Hà Nội quán xá phố phường.

(Còn nữa) 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 2: Văn học về Hà Nội - những trang viết trải niềm yêu