Bồi đắp, lan tỏa tinh hoa văn hóa Thăng Long - Hà Nội

Hà An| 11/09/2020 14:26

(HNMCT) - Văn học nghệ thuật Thủ đô 10 năm qua là một bước đi không dài, nhưng là bước đi tiếp nối tinh thần 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, mở đầu cho thời kỳ sáng tạo tiếp theo của đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến. Hànộimới Cuối tuần trân trọng giới thiệu loạt bài “Bồi đắp, lan tỏa tinh hoa văn hóa Thăng Long - Hà Nội” nhằm đánh giá, khẳng định những thành tựu trong chặng đường phát triển 10 năm qua của văn học nghệ thuật Thủ đô đã bồi đắp, làm phong phú thêm những giá trị tinh hoa văn hóa của Thăng Long - Hà Nội và lan tỏa vẻ đẹp ấy trong dòng chảy đời sống hôm nay.

Bài 1: Không vơi nguồn cảm hứng

Giáo sư Phong Lê từng nhận định: “Hiếm hoặc chưa có vùng đất nào có sự sống đậm nét và sinh động đến thế trong văn - thơ - nhạc - họa như Thăng Long - Hà Nội”. Cho đến nay, 10 năm sau Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, văn học nghệ thuật Thủ đô vẫn giữ trọn vẹn tinh thần ấy, tinh thần sinh động và đậm nét thể hiện trong nhiều lĩnh vực sáng tạo văn nghệ của vùng đất ngàn năm văn vật.

Ảnh: Lê Việt Khánh.

1. Nói đến văn học nghệ thuật (VHNT) Thủ đô là nói đến mạch cảm hứng chính với những sáng tạo về Hà Nội, cho Hà Nội, nhưng bên cạnh đó cũng phải kể đến sáng tạo nói chung của văn nghệ sĩ đã, đang được đắm mình trong bầu không khí văn hóa đất kinh kỳ ngàn năm. VHNT Thủ đô cũng không tự hạn chế trong sáng tác của lực lượng hội viên Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, tuy là lực lượng đông đảo, mà bao hàm mọi cống hiến cho các lĩnh vực đời sống văn nghệ trên mảnh đất này.

NSND Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội nhận định chung về VHNT Thủ đô một thập niên qua: “Bên cạnh khuynh hướng tiếp tục phản ánh các đề tài lịch sử, chiến tranh cách mạng, giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc với cảm hứng sử thi và tầm khái quát mới là sự phát triển mạnh khuynh hướng quan tâm đến cuộc sống bình dị, nhiều khía cạnh đời thường của con người, làm phong phú hơn và làm sâu thêm chủ nghĩa nhân văn của VHNT Thủ đô hôm nay”.

Dễ thấy điều này qua Giải thưởng Văn học nghệ thuật Thủ đô từ năm 2011 đến nay. Bạn đọc tìm thấy ở đó những chuyển động đời sống trong tập truyện Thành phố đi vắng của nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, trong truyện dài Dằng dặc triền sông mưa của Đỗ Phấn, trong vở kịch về đề tài xã hội hiện đại Những mặt người thấp thoáng của Nhà hát Kịch Hà Nội (kịch bản Xuân Đức, đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang). Không chỉ nói chuyện hôm nay, văn nghệ bồi đắp niềm tự hào dân tộc, lòng yêu nước, yêu Thủ đô với tượng đài Khâm Thiên căm thù, bất khuất của Nguyễn Tự đặt tại Khu tưởng niệm phố Khâm Thiên đúng 40 năm sau ngày khu phố này bị máy bay B.52 tàn phá (tháng 12-1972), hay trong tác phẩm điện ảnh Ngôi nhà 30 liệt sĩ (biên kịch và đạo diễn NSND Lê Thi) về các thế hệ chiến sĩ và nghệ sĩ đã ra đi từ ngôi nhà số 17 phố Lý Nam Đế... Cũng có thể kể đến đóng góp của đồ án công phu Quy hoạch chung thị xã Sơn Tây của các KTS Lưu Hồng Quang và Lê Thị Thu Hà với cái nhìn quy hoạch, định hướng cho một thị xã có truyền thống lịch sử, văn hóa lâu đời, đồng thời là một đô thị trọng điểm, có tính chiến lược ở phía Tây Hà Nội.

Không chỉ có sự ghi nhận của Hà Nội, văn nghệ sĩ Thủ đô cũng trở thành nhân tố chính trong các giải thưởng VHNT của Trung ương. Tính riêng Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, có thể kể đến nhiều tác phẩm mà ở đó dòng mạch nhân văn, yêu nước, trữ tình, tinh tế đã hiện diện rõ nét như Đội gạo lên chùa của Nguyễn Xuân Khánh, tập truyện ngắn Làn gió chảy qua của Lê Minh Khuê, thơ Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến...

Những lấp lánh của đời sống muôn mặt Thủ đô được tái hiện qua lăng kính văn nghệ sĩ còn được khẳng định qua một sinh hoạt văn nghệ tầm vóc khác là Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Ta thấy ở đây những tiếp nối thế hệ, tính đa dạng của đề tài và đặc biệt là tâm huyết làm đẹp, làm giàu cho đời sống tinh thần của Thủ đô bằng sáng tạo. Có thể kể đến những đóng góp của cố nhà văn Tô Hoài, nhà văn hóa Hữu Ngọc, họa sĩ Phan Ngọc Khuê..., rồi lớp sau như nhà văn Trần Chiến, nghệ sĩ guitar Văn Vượng, nhà nhiếp ảnh Nguyễn Hữu Bảo..., và trẻ hơn như KTS Hoàng Thúc Hào, họa sĩ Trần Hậu Yên Thế, nhà văn Nguyễn Trương Quý... Các thế hệ văn nghệ sĩ viết, vẽ, thiết kế, lưu giữ khoảnh khắc... như một thôi thúc tự nhiên, khẳng định những giá trị bất biến của Thăng Long - Hà Nội - kết tinh của trí tuệ, tâm hồn Việt Nam. Giải thưởng này cũng khẳng định thêm, sáng tạo về Hà Nội không chỉ có người Hà Nội, người Việt Nam, mà còn có nhiều bạn bè quốc tế như cựu đại sứ Pháp Jean Noel Poirier với bộ phim Hà Nội của tôi (Mon Hanoi) hay ca sĩ, nhạc sĩ người Pháp La Grande Sophie với bài hát Hà Nội...

Lễ ra mắt và trưng bày “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” giai đoạn 2 thu hút đông đảo độc giả. Ảnh: Vũ Văn Chiến

2. Không chỉ được ghi nhận qua các giải thưởng, VHNT Thủ đô hiện diện trong mọi cung bậc của đời sống thành phố với đầy đủ sự đa dạng, sinh động suốt thập niên qua. Có thể kể đến giai đoạn 2 của công trình đồ sộ “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến” - một minh chứng cho sức sáng tạo âm thầm, mạnh mẽ của đội ngũ văn nghệ sĩ đã, đang gắn bó với Hà Nội; hay các hoạt động mỗi ngày một đổi mới của các hội chuyên ngành...

Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội và Hội Mỹ thuật Hà Nội, hai đơn vị “đến hẹn lại lên” vào dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10-10 lại tổ chức triển lãm như một cách hội ngộ giới nghề và nhìn nhận bước chuyển trong sáng tạo. Trong đó đề tài về Hà Nội ngày càng được quan tâm đào sâu theo hướng đa dạng hơn về cách tiếp cận. Các tay máy của Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội cũng chia sẻ về việc chưa bao giờ nghệ sĩ nhiếp ảnh Thủ đô có sự tiếp cận gần gũi như thế với các cán bộ, chiến sĩ công an Hà Nội qua những chuyến đi thực tế phục vụ cho 4 cuộc thi, triển lãm ảnh về đề tài này trong 10 năm qua.

Cuối tháng 11-2018, lần đầu tiên Câu lạc bộ Hát Chèo tàu Tân Hội (huyện Đan Phượng) đã biểu diễn tại Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận trước đông đảo du khách trong nước và quốc tế, mở ra hướng đi mới cho hoạt động của Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội. Các nghệ sĩ múa của Thủ đô cũng lặn lội về các vùng xa của Hà Nội để sưu tầm, lưu giữ, tái hiện, đưa các điệu múa cổ đến với công chúng Thủ đô và du khách nước ngoài, tiêu biểu như chương trình Liên hoan Múa cổ Thăng Long - Hà Nội...

Có thể nói, cùng với các Hội VHNT chuyên ngành của Hà Nội, mỗi nghệ sĩ sống và làm việc ở Thủ đô đều có những đóng góp riêng cho thành phố. Triển lãm Bóng di sản trong dự án “Đánh thức di sản” của nhóm nghệ sĩ 33A diễn ra gần đây không chỉ cho thấy vẻ đẹp ngôi làng cổ hơn 500 tuổi - làng Cựu (xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên). Sau mỗi tác phẩm còn là vẻ đẹp của những cá tính sáng tạo khi đã cùng nhau trải nghiệm, lao động nghệ thuật, truyền đi thông điệp đánh thức tình yêu và sự quan tâm của cộng đồng với di sản văn hóa. Câu lạc bộ Điện ảnh kiến trúc (do Ban Quản lý Phố cổ Hà Nội phối hợp với website kiến trúc Ashui.com ra mắt năm 2015) đã thu hút nhiều thế hệ kiến trúc sư, bền bỉ sẻ chia những tác phẩm điện ảnh khắp thế giới về lĩnh vực này, từ đó nảy sinh những cảm hứng sáng tạo cho thành phố...

Họa sĩ Phạm An Hải chia sẻ với Hànộimới Cuối tuần rằng anh vẫn tiếp tục sáng tác tranh trừu tượng về đề tài Hà Nội như khi bắt đầu cách nay 20 năm; nhà văn Nguyễn Trương Quý cũng chuẩn bị ra mắt tác phẩm mới về thành phố nơi anh lớn lên...

3. Có thể nhìn thấy trong sự đa dạng và thống nhất của VHNT Thủ đô 10 năm qua, những cảm hứng lớn không ngừng được nuôi dưỡng, ghi nhận, thăng hoa, cùng với đó là sự lấp lánh của những xu hướng sáng tạo, luôn gắn với đời sống, trên nền các giá trị truyền thống. 

Nhưng VHNT Thủ đô đã chạm tới những dấu mốc kỳ vọng như bản thân văn nghệ sĩ và chính công chúng mong mỏi hay chưa? Và thông qua những lĩnh vực có dấu ấn, văn nghệ Thủ đô nhìn ra chiều hướng nào cho sự khơi dậy mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo, cùng bồi đắp cho dòng chảy văn hiến? Những băn khoăn cần thiết này sẽ tiếp tục được chính các văn nghệ sĩ chia sẻ, nhìn nhận qua các bài viết sau.

Trong giai đoạn 2 (2013 - 2019) của “Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến”, nhiều đầu sách VHNT có cách tiếp cận mới đối với những nội dung đã từng được đề cập như: Tuyển tập tác phẩm dòng văn Phan Huy; Kiến trúc Thăng Long - Hà Nội, Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932 - 1945)... Trong đó, tôi đặc biệt tâm đắc với cuốn sách ảnh Mỹ thuật Thăng Long - Hà Nội - công trình trăn trở 10 năm, ra mắt năm 2019. Nhóm tác giả gồm những người trẻ, tâm huyết là các họa sĩ Nguyễn Đức Hòa, Trần Hậu Yên Thế, Nguyễn Đức Bình. Tác phẩm được trình bày đẹp, thoáng, có lối tiếp cận hiện đại, phổ thông...

Nghệ sĩ nhiếp ảnh Đặng Đình An - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội, Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Nội

Tác phẩm Nét đẹp Việt Nam của Trần Thanh Hải (cuộc thi Vẻ đẹp người Hà Nội năm 2019).

Trước đây, trong 5 năm, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật (NANT) Hà Nội chỉ tổ chức được 2 - 3 cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật, nhưng bước vào năm 2011, Hội NANT Hà Nội đã tổ chức được 3 cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật. Khởi sắc từ đó, đến nay, trung bình mỗi năm Hội NANT Hà Nội tổ chức 4 cuộc thi và triển lãm ảnh lớn nhỏ với các đề tài đi sâu vào đời sống Hà Nội như Phố phường Hà Nội, Vẻ đẹp người Hà Nội... Số hội viên từ năm 2010 đến nay tăng từ 172 người lên 408 người.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bồi đắp, lan tỏa tinh hoa văn hóa Thăng Long - Hà Nội