''Pho sử đá'' của Việt Nam

Thủy Hương| 11/09/2020 16:38

(HNMCT) - 82 tấm bia tiến sĩ tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám được dựng thời Lê - Mạc để tôn vinh các vị đỗ Đại khoa từ năm 1442 đến năm 1779, đã được UNESCO công nhận là Di sản Tư liệu thế giới (tháng 5-2011) và được công nhận là Bảo vật quốc gia (tháng 1-2015) bởi có giá trị tư liệu, nghệ thuật độc đáo.

Bia tiến sĩ được ví như "pho sử đá" của đất nước với các bài văn trên bia là nguồn sử liệu quan trọng về nền giáo dục, khoa cử của Việt Nam trong suốt hơn 300 năm. Đó là triết lý giáo dục “Hiền tài là nguyên khí quốc gia...” được nhắc đi nhắc lại trong hầu hết các bài văn bia. Triết lý giáo dục ấy cũng thể hiện tinh thần nhất quán trong các triều vua thời Lê - Mạc, tạo nên sự thành công trong việc phát triển giáo dục. Phần lớn các vị đỗ Đại khoa được ghi danh sau này đều trở thành danh nhân văn hóa, có đóng góp to lớn cho đất nước trên các lĩnh vực: Chính trị, văn hóa, quân sự, kinh tế, giáo dục...

Không chỉ có giá trị tư liệu, hệ thống bia tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám còn có giá trị lớn về nghệ thuật điêu khắc, được chia làm 3 giai đoạn với 3 phong cách đặc trưng của thời Lê sơ, Mạc, Lê Trung hưng.

Ở 14 tấm bia loại I (từ khoa thi năm 1442 đến năm 1529) bắt đầu xuất hiện hình ảnh rùa đội bia tiến sĩ có giá trị nghệ thuật và tạo tiền đề cho các giai đoạn sau. Rùa được tạo tác tinh tế, thể hiện cốt cách của kẻ sĩ. Ở 25 tấm bia loại II (từ khoa thi năm 1554 đến khoa thi năm 1652), nghệ thuật chạm khắc đạt tới đỉnh cao với sự xuất hiện của hình ảnh rồng uy nghi và các linh vật như nghê, kỳ lân, phượng... 43 tấm bia loại III được dựng từ năm 1713 đến năm 1780 lại có kích thước khá lớn và việc chạm khắc chữ được chú trọng, không xuất hiện hình ảnh rồng cùng các loài linh thú. 

Một điểm nổi bật khác của 82 bia tiến sĩ là đều được khắc bằng chữ Hán, theo lối viết ngày nay ít được sử dụng. Vì vậy, 82 bia đá tiến sĩ ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám được coi là tư liệu nguyên bản, phản ánh truyền thống sáng tạo về thư pháp học ở Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Pho sử đá'' của Việt Nam