PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam: Khai quật khảo cổ học giúp nhận diện giá trị Hoàng thành Thăng Long

02/09/2020 15:59

(HNMCT) - Gần 2 thập niên qua, công tác khai quật khảo cổ học tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long đã được tiến hành một cách bài bản. Từ đây, những dấu tích lịch sử dần hé lộ, mang đến những hiểu biết về sự phát triển rực rỡ của kinh thành Thăng Long xưa. Phóng viên Hànộimới Cuối tuần đã trò chuyện với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, người đã gắn bó với công tác khai quật khảo cổ học tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long nhiều năm.

- Xin ông cho biết những điểm nổi bật của quá trình khai quật khảo cổ học tại Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long?

- Di sản thế giới Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long được khai quật khảo cổ học từ cuối năm 2002 và được vinh danh là Di sản văn hóa thế giới năm 2010. Tuy nhiên, Tổ chức UNESCO khuyến cáo các nhà quản lý di sản của Việt Nam cần tăng cường công tác khai quật khảo cổ học nói chung cũng như khu vực trung tâm nói riêng.

Từ khuyến nghị của UNESCO, Chính phủ Việt Nam đã cam kết tăng cường công tác nghiên cứu khảo cổ học tại đây. Từ năm 2011 đến nay, các cơ quan quản lý có thẩm quyền đã cho phép Viện Khảo cổ học và Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tiến hành khai quật ở trục trung tâm, trong đó tập trung vào khu vực chính điện Kính Thiên.

Qua gần 10 năm, hiện đã khai quật được khoảng 8.000m2 và thu được kết quả tốt đẹp. Đó là: Đã phát hiện được tầng văn hóa Thăng Long - Hà Nội dày trung bình 2 - 3m, nằm ở độ sâu 1 - 6m. Tầng văn hóa này có các lớp văn hóa của nhiều thời kỳ lịch sử nối tiếp nhau, từ thời Đại La (thế kỷ VII - IX) đến thời Nguyễn (thế kỷ XIX - XX). So sánh với các địa điểm khác trong khu vực Ba Đình, tầng văn hóa ở đây là thống nhất. Điều đó chứng tỏ tính thống nhất của toàn bộ khu vực Hoàng thành Thăng Long trong khu vực trung tâm quận Ba Đình.

Các lớp văn hóa đã xuất lộ nhiều di tích kiến trúc nền móng của nhiều loại hình kiến trúc trong Hoàng cung Thăng Long xưa như: Móng cột, sân nền, đường đi; dấu tích giếng nước, cống thoát nước, đường nước... có niên đại kéo dài hơn 1.000 năm. Các dấu tích kiến trúc này có nhiều nét giống kiến trúc ở các khu vực khác nhưng cũng có những nét riêng, phản ánh tính chất tiểu khu vực.

Cùng với di tích khảo cổ học, chúng ta cũng phát hiện hệ thống di vật phong phú có niên đại tương đương, gồm đồ đá, móng cột, chân tảng, trụ lan can; đồ đất nung, đồ gốm sứ, đồ sành, đồ gỗ, đồ kim loại...

Đó là những thành tựu nổi bật, phản ánh thống nhất lịch sử lâu dài và tiêu biểu của Hoàng cung Thăng Long với nhiều nét mới, góp phần tìm hiểu toàn diện giá trị lịch sử - văn hóa của khu di sản.

- Qua những dấu tích được phát lộ, công chúng thấy được gì về Hoàng thành Thăng Long, thưa ông?

- Công chúng được tận mắt thấy dấu tích thật sự của kinh đô Thăng Long. Theo sử sách, Thăng Long là kinh đô của nhiều vương triều quân chủ Việt Nam qua hàng nghìn năm lịch sử. Mỗi vương triều lại xây dựng hàng trăm cung điện với nhiều kiểu cấu trúc và trang trí thể hiện sức mạnh cũng như sự phồn thịnh của vương triều ấy. Tuy nhiên, do binh lửa và thời gian, dấu tích kinh đô xưa hầu như không còn gì trên mặt đất. Cùng lắm, ngày nay du khách chỉ biết đến thành bậc chạm rồng đá thời Lê sơ của điện Kính Thiên hay Đoan Môn, Cột Cờ, Bắc Môn... Nay nhờ khai quật khảo cổ học, thông qua những hố khai quật trưng bày tại chỗ, người xem được thấy những tầng văn hóa nhiều thời kỳ chồng xếp lên nhau, những di tích của các thời kỳ đan xen, tiếp nối... 

Cũng qua các dấu tích còn lại, công chúng có thể thấy được kiến trúc cung điện xưa với các hình trang trí như: Rồng, phượng, uyên ương, hoa sen, hoa cúc, sóng nước, mây trời, lá đề... Mỗi loại hình di vật, mỗi đề tài trang trí lại có vô số biến thể thay đổi theo từng triều đại và thời gian. Tất cả hiện lên bằng di tích, di vật thật. Các chuyên gia nhận định, đây là một kho tàng nghệ thuật khổng lồ, phản ánh lịch sử, văn hóa Việt Nam. Qua đó, người xem có thể hình dung được phần nào diện mạo của Hoàng cung Thăng Long xưa.

- Trong quá trình khai quật, ông ấn tượng với dấu tích, hiện vật nào? Dấu tích, hiện vật đó được bảo quản và phát huy giá trị ra sao?

- Tôi ấn tượng với các di tích ở dưới lòng đất của Thăng Long, đặc biệt là sự phong phú, đa dạng của các di tích thời Lý, Trần. Các di tích cung điện thời Lý được sắp xếp cực kỳ quy củ. Cấu trúc đăng đối được tuân thủ tối đa. Kỹ thuật xây dựng công phu, cẩn thận. Với thời Trần, gây ấn tượng là các dấu tích móng nền kiến trúc, đặc biệt là dải nền trang trí kiểu hoa chanh không thời nào có được.

Với từng kiến trúc cụ thể, tôi ấn tượng đặc biệt với kiến trúc Bát Giác thời Lý. Đường nước lớn thời Lý cũng là một kỷ lục lạ kỳ nhất xưa nay bởi cấu trúc phức tạp và toàn bộ được xây bằng gạch.

Di vật gây chú ý có hệ thống gốm sứ thời Lý minh chứng cho công nghệ sản xuất gốm sứ lớn nhất và duy nhất của Thăng Long thời đó. Hệ thống gốm hoa lam thời Trần và thời Lê sơ cũng cho phép nhận định về một trung tâm sản xuất gốm sứ lớn phục vụ Hoàng cung và xuất khẩu đi Nhật Bản, các nước Đông Nam Á... Các di vật đất nung được chú ý là hệ thống trang trí đầu rồng, đầu phượng, lá đề biểu trưng cho nghệ thuật cung đình kết hợp với Phật giáo, là sự sáng tạo của dân tộc trong mối giao lưu với tinh hoa văn hóa bên ngoài...

Hệ thống di tích và di vật này đang được bảo vệ với nhiều hình thức. Một số được lấp bảo tồn, một số để lộ thiên. Số khác được bảo vệ trong kho bảo quản của trung tâm và các kho tạm. Về lâu dài, cần có kế hoạch tổng thể và sự đầu tư chuyên nghiệp để bảo tồn, bảo quản hệ thống di tích, di vật quý giá này. Hiện nay, do nhu cầu phục vụ công chúng cấp thiết nên một số di vật và di tích đang xuất lộ đã phát huy tương đối tốt việc quảng bá giá trị của di sản.

- Quá trình khai quật khảo cổ học suốt 10 năm qua có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?

- Trong công việc khai quật, có một thuận lợi lớn là kế hoạch nghiên cứu thường xuyên tương đối ổn định. Tuy nhiên, việc khai quật cũng gặp một số khó khăn. Về mặt khách quan, khu di sản thuộc sự quản lý của UBND thành phố Hà Nội mà Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội chịu trách nhiệm trực tiếp. Điều đó có nghĩa là có thể chủ động lựa chọn vị trí theo từng yêu cầu trong từng thời gian cụ thể. Tuy nhiên, trong điều kiện bảo tồn khu di sản hiện nay, việc lựa chọn đôi khi không dễ dàng do vướng các công trình trên mặt đất hoặc cây xanh cần được bảo vệ.

Khó khăn thứ hai là di tích nhiều, độ sâu lớn, mạch nước ngầm khá mạnh nên đã ảnh hưởng tới các thao tác khai quật. Khi đó, chúng tôi phải kết hợp lồng ghép giữa các nhiệm vụ và mục tiêu, tận dụng tối đa biện pháp thoát nước thủ công để phục vụ khai quật.

- Để công tác khảo cổ học ở Hoàng thành Thăng Long đạt được kết quả tốt hơn, cần có những giải pháp như thế nào?

- Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long là di sản thế giới rất đặc biệt, đó là di sản khảo cổ học giữa lòng đô thị. Các giải pháp bảo tồn, bảo quản, nghiên cứu và phát huy giá trị cần được xây dựng một cách đồng bộ theo các kế hoạch dài hạn, trung hạn, ngắn hạn với sự quan tâm đặc biệt của các cơ quan quản lý từ Trung ương tới địa phương và các chuyên gia bảo tồn, bảo tàng, khảo cổ cùng sự phối hợp giữa các chuyên gia trong và ngoài nước. Nếu làm được như vậy, chúng ta sẽ có một di sản độc đáo nhất Việt Nam và đóng góp vào kho tàng di sản văn hóa thế giới. Thời gian tới, nếu có thể khôi phục được chính điện Kính Thiên, tính hấp dẫn của khu di sản này sẽ tăng lên gấp bội.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
PGS.TS Tống Trung Tín - Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam: Khai quật khảo cổ học giúp nhận diện giá trị Hoàng thành Thăng Long