Bài cuối: Đánh thức những tiềm năng

Giang Nam| 22/08/2020 07:06

(HNM) - Đưa sáng tạo, nhất là sáng tạo văn hóa làm trung tâm của quá trình phát triển, Hà Nội đã có sự thay đổi cách nhìn về văn hóa: Coi văn hóa là nguồn lực quan trọng. Đó là sự kết hợp giữa nguồn lực truyền thống từ hệ thống di tích, di sản, làng nghề, với những nguồn lực mới, nổi bật là những không gian sáng tạo, để từ đó thành phố xây dựng chính sách phù hợp, phát huy tiềm năng, thế mạnh, tạo động lực mới cho phát triển.

Lễ hội đường phố tại không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm thu hút đông đảo người xem (ảnh chụp cuối tháng 6-2020). Ảnh: Quang Thái

Trên những con phố ở khu vực hồ Hoàn Kiếm, thời gian gần đây, ta thường bắt gặp những vị khách dừng lại chụp hình lưu niệm bên những... nắp cống, nắp hố ga với những tiếng “ồ”, “à” đầy ngạc nhiên. Phố phường Hà Nội đang tiếp tục được “nghệ thuật hóa” khi những nắp cống, nắp hố ga được biến thành bức tranh đầy màu sắc. Với chủ đề chính là thiên nhiên, những bức họa tỏ ra dễ ăn nhập với không gian xung quanh. Những bức tranh “nắp cống” ứng dụng nghệ thuật mosaic - nghệ thuật ghép những mảnh gốm nhỏ thành tranh - nên có độ bền với thời gian. Điều thú vị là các tuyến phố được làm đẹp lên bởi tấm lòng tự nguyện.

Câu lạc bộ Hanoi Art Space - tập hợp của một nhóm họa sĩ, kiến trúc sư, nhà báo... do họa sĩ Lê Lan Nhi làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ - chính là tác giả của những bức họa đó. Trước khi cho ra đời những tác phẩm nghệ thuật trên nắp cống, Hanoi Art Space cũng khởi xướng phong trào “bốt điện nở hoa” - vẽ hoa trên những bốt điện. Sức lan tỏa từ hoạt động này rất lớn khi nhiều nơi đã tham khảo mô hình và trang trí cho các bốt điện với những phong cách nghệ thuật khác nhau. Những không gian sáng tạo này của Hanoi Art Space được ví như hình ảnh thu nhỏ của các không gian sáng tạo trên địa bàn thành phố.

Từ lâu, người Hà Nội đã tự hào về “Thủ đô văn hóa”. “Chất” văn hóa, “chất” nghệ thuật luôn hiện diện trong cuộc sống đời thường. Vài năm trở lại đây, đời sống văn hóa có thêm một xung lực mới từ các không gian sáng tạo. Đó có thể là một “tổ hợp” gồm nhiều cửa hàng, cửa hiệu, quán cà phê, nhà hàng, studio, cửa hàng thời trang... với sự tham gia của các nghệ sĩ, nhà thiết kế như Hanoi Creative City, có thể là quán - không gian như Ơ kìa Hà Nội, cũng có thể là một phòng tranh như Manzi, hay một câu lạc bộ nghệ thuật như Hanoi Art Space, Trung tâm Nghệ thuật Đom Đóm… Sức sống của không gian sáng tạo chính là các hoạt động giàu tính sáng tạo, giàu tính tương tác giữa các nghệ sĩ, nhà thiết kế với cộng đồng.

Còn nhớ, một thời Hà Nội có một “dòng chảy” ghi ta cổ điển. Nhất là thời bao cấp, tiếng ghi ta cổ điển làm say lòng người, cùng người Hà Nội vượt qua gian khó. Lớp trẻ bây giờ chủ yếu biết đến ghi ta khi cây đàn này đóng vai trò… nhạc đệm. Nhưng nếu muốn tìm về ghi ta cổ điển, thì đã có Ơ kìa Hà Nội. Trong không gian của một ngôi nhà theo lối cũ Hà thành, những đêm ghi ta cổ điển diễn ra. Một suất dự khán chỉ có giá bằng vài bát phở. Người ta sẽ lại sống trong không gian ghi ta cổ điển hôm nào. Được nghe những lời tâm tình, được trò chuyện với những tay đàn gạo cội. Và ở đó, còn có những buổi trò chuyện, tọa đàm về những bộ phim kinh điển, những cuộc gặp gỡ các văn nghệ sĩ, nhà nghiên cứu… ôn lại ký ức về Văn Cao, Trịnh Công Sơn hay cặp vợ chồng nhà thơ Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ…

Nếu Ơ kìa Hà Nội đem đến những hoạt động nghệ thuật đậm chất cổ điển, gợi lên những hoài niệm thì Trung tâm Nghệ thuật Đom Đóm lại đem đến cho các nghệ sĩ theo dòng nhạc thể nghiệm cơ hội sáng tạo và biểu diễn; tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận những loại hình âm nhạc đương đại.

Hiện cả nước có hơn 200 không gian sáng tạo thì Hà Nội chiếm hơn một nửa, với 115 không gian sáng tạo. Cùng lúc, những không gian sáng tạo đóng nhiều “vai”:

Làm kinh tế, tạo công ăn việc làm, tạo cơ hội cho các nghệ sĩ, nhà thiết kế phát triển tài năng, vừa đưa nghệ thuật gần hơn với công chúng.

Trong các “vai” này, Hà Nội đặc biệt thành công với khía cạnh đưa nghệ thuật đến công chúng, tạo dựng những không gian sáng tạo cộng đồng. Bây giờ, không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận cũng trở thành một “thương hiệu văn hóa” của Thủ đô. Vào dịp cuối tuần, nơi này trở thành một không gian nghệ thuật khổng lồ. Cùng lúc nhiều sân khấu nghệ thuật được dựng lên. Người ta bắt gặp những nhóm vũ công cổ điển ở khu vực ngã tư Tràng Tiền - Hàng Khay; những nhóm nhảy đương đại trên đường Đinh Tiên Hoàng; còn ở khu vực đền Bà Kiệu, đình Nam Hương, Tượng đài vua Lê thường được biết đến với các màn biểu diễn nghệ thuật truyền thống.

Lần đầu tiên thành phố Hà Nội kiến tạo một không gian văn hóa cho cộng đồng và không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận mau chóng trở thành một hình mẫu về không gian sáng tạo do chính quyền tổ chức, để người dân vừa sáng tạo, thể hiện vừa thụ hưởng các hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Từ mô hình này, các không gian sáng tạo khác đã ra đời như: Không gian bích họa phố Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm), không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực phố Trịnh Công Sơn (quận Tây Hồ)…

Gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO thể hiện sự thay đổi tư duy của thành phố, cũng đồng thời là sự thừa nhận của quốc tế về sự thích ứng ấy. Từ việc lấy sáng tạo văn hóa làm trung tâm của quá trình phát triển, Hà Nội nhận diện rõ hơn những nguồn lực của mình.

Thủ đô đón tuổi 1010 với tâm thế mới. Hàng nghìn di tích, di sản văn hóa phi vật thể và làng nghề không phải là “gánh nặng” bảo tồn - đó chính là nguồn lực văn hóa truyền thống. Cùng với đó là những nguồn lực mới từ phát triển công nghiệp thiết kế, công nghiệp điện ảnh… Trong những nguồn lực mới, không gian sáng tạo là một trong những ví dụ điển hình. Hà Nội lựa chọn tiêu chí sáng tạo về thiết kế, biến thiết kế sáng tạo trở thành giải pháp phát triển văn hóa, bảo vệ di sản, kết nối hiện tại và tương lai. Lĩnh vực thiết kế bao trùm lên nhiều lĩnh vực, từ sản phẩm làng nghề, cho đến không gian sáng tạo, hay nghệ thuật biểu diễn, ẩm thực… Nhận diện nguồn lực, nhận diện tiềm năng, thế mạnh, từ đó chọn lựa những thế mạnh vốn có, kết hợp những nhân tố mới phù hợp để có hướng phát triển, đầu tư đúng, tạo nên động lực mạnh mẽ cho quá trình phát triển.

Xây dựng Thành phố sáng tạo không nhất thiết phải những gì cao xa mà có thể bắt nguồn từ những điều giản dị. Bởi văn hóa luôn dung chứa những sức mạnh tiềm ẩn. Ngay trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, khu vực bãi sông Hồng vốn được coi là “vùng trũng” đô thị. Nhưng chỉ với một không gian bích họa ven sông Hồng trên địa bàn phường Phúc Tân (quận Hoàn Kiếm) - một không gian sáng tạo mới được triển khai, nhiều thứ đã thay đổi theo. Vốn là bãi rác khó xóa bỏ, là nơi người ta “muốn tránh”, thì nay, những tác phẩm nghệ thuật đã biến nó thành nơi “muốn đến”. Ở nơi ấy, nghệ thuật đang khơi dậy những điều tốt đẹp, và nghệ thuật đẩy lùi cái xấu, mặc dù không gian bích họa ấy mới là điểm khởi đầu cho những dự án dài phía trước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Đánh thức những tiềm năng