Trong tâm thức Thăng Long - Hà Nội

Dã Liên| 08/08/2020 15:58

(HNMCT) - Tôi thường tự hỏi, vì sao nghìn năm văn hóa Thăng Long - Hà Nội cứ như một đại thụ ngày càng sum suê tỏa bóng. Hóa ra, những giá trị mà các bậc hiền tài chuyên chở mới là điều kiện cần. Để những giá trị ấy bền vững, trường tồn, phải bắt đầu từ những con người bình dị. Càng đi nhiều, càng biết nhiều, tôi càng ngộ ra, thẳm sâu trong tâm thức Thăng Long - Hà Nội, dù qua biến thiên lịch sử, dù chịu tác động mạnh mẽ của những đổi thay, luôn bền bỉ một ngọn lửa tình yêu với di sản của cha ông...

Khi tham dự Liên hoan Tài năng trẻ ca trù Hà Nội năm 2016, Nguyễn Thục Trinh mới 7 tuổi, là thí sinh nhỏ tuổi nhất.

1. Thục Trinh thả mình xuống chiếu hoa, đĩnh đạc xếp bằng. Trong đôi tay nhỏ nhắn, lá phách gieo xuống, rồi nảy lên mang theo những âm thanh lách tách, lách tách, đôi lúc nhẹ như hạt mưa sa. Bấy giờ, tiếng âm ư bắt đầu vọng ra. Không phải từ khóe miệng. Mà như từ gan ruột. Hát ca trù có tiếng là khó, phải ép bụng để nhả chữ buông câu. Không ai nghĩ tiếng âm ư như tiếng ngàn xưa, không ai nghĩ cái dáng điệu cẩn trọng khi cầm cỗ phách lại thuộc về một cô bé… mười một tuổi. Nhưng đấy lại là một buổi tập ca trù của Thục Trinh.

Năm 2016, khi Nguyễn Thục Trinh tham gia Liên hoan Tài năng trẻ Ca trù Hà Nội lần thứ nhất, khán giả ngỡ ngàng khi thấy một cô gái bé xíu lên sân khấu. Qua những phút đầu ngượng nghịu, người ta thấy ngay một phong thái “nhập tâm” với ca trù. Nhưng ca trù vốn khắc nghiệt. Người đến, rồi người lại đi. Ai mà biết trước được. Liên hoan lần thứ hai, năm 2019, lại thấy Thục Trinh lên sàn diễn. Bấy giờ, người ta mới tin, hẳn là không gì tách cô bé mới 10 tuổi khỏi ca trù. Hỏi, cô bé cười rất tươi: “Ban đầu con chỉ biết là thích thôi. Sau này mới thấy trong ca trù có nhiều câu chuyện lịch sử, được mở mang kiến thức nhiều nên con mê”. 

Lỗ Khê (xã Liên Hà, huyện Đông Anh) là đất tổ ca trù với 6 thế kỷ tồn tại. Có những lúc xã hội có cái nhìn không thiện cảm về ca trù. Những lớp nghệ nhân già có lúc tưởng không bao giờ được cầm lại cỗ phách, cây đàn. Nhưng giữa lúc hầu như không ai nghe ca trù, người Lỗ Khê vẫn bảo nhau giữ gìn. Thế nên mới có một thế hệ kế cận tài năng, là những ca nương Phạm Thị Mận, Nguyễn Phương Thảo, kép đàn Nguyễn Văn Tuyến. Bây giờ, họ đều là những danh ca, danh cầm. Ở vùng quê Lỗ Khê, chẳng ai mưu sinh bằng ca trù. Nhưng từ thẳm sâu bên trong, mỗi người ở đất này luôn có một tình yêu bền bỉ.

Ví như nghệ nhân Phạm Thị Mận, thường ngày là một cô giáo mầm non. Nghệ nhân Phạm Thị Mận đã phát hiện, rồi truyền lửa ca trù cho Thục Trinh từ khi cô bé mới 4 tuổi. Cũng bởi tình yêu, trách nhiệm với sự phục hưng của ca trù mà cứ hè về là tiếng phách lại nổ giòn, tiếng âm ư lại ngân lên khi những lớp học ca trù diễn ra. Hơn mười tuổi, Thục Trinh lờ mờ nhận ra rất khó kiếm sống bằng ca trù. Dẫu vậy, cô bé vẫn gắn bó, vẫn nuôi những ước mơ. Thục Trinh và mấy cô bạn cùng lứa chính là tương lai của ca trù Lỗ Khê, của ca trù Thăng Long - Hà Nội...

Thăng Long - Hà Nội đã qua nhiều bước phát triển. Mỗi bước phát triển ấy, văn hóa lại thêm giàu có. Bây giờ văn hóa Thủ đô là hợp lưu của văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài, xứ Sơn Nam Thượng và cả một phần Kinh Bắc. Đã có hàng nghìn trang sách viết về văn hóa, con người Thăng Long - Hà Nội. Là lòng tự trọng, là chữ tín, là thanh lịch, là hào hoa... Rồi cả những tranh luận thế nào là “người Hà Nội”. Nhưng khi nghĩ về những gương mặt đời thường đã gặp, tôi nhớ đến điều người xưa vẫn nói: Mảnh đất làm nên con người. Văn hóa Hà Nội có sức mạnh lạ kỳ. Hình như sống ở mảnh đất này, dù là “người cũ” hay “người mới”, những con phố ấy, những hàng cây ấy, những ngôi nhà ấy, những ngôi làng ấy, sớm hay muộn cũng khiến người ta yêu mến. 

2. Nói đến Hà Nội là nói đến phố cổ. Nói đến phố cổ, không thể bỏ qua Ô Quan Chưởng. Thăng Long từng có 21 cửa ô. Giờ chỉ còn lại duy nhất cửa ô này. Nơi đây cũng ghi dấu một vị Chưởng cơ cùng đội quân của mình chiến đấu đến người cuối cùng chống lại quân Pháp xâm lược. 

Ô Quan Chưởng là nơi sôi động, người xe tấp nập. Vòm cổng là nơi dừng chân tránh nắng của nhiều gánh hàng rong và khách bộ hành. Không phải ai cũng sẵn trong mình ý thức giữ gìn dấu ấn lịch sử. Đôi khi người đi qua, rác ở lại. Lại có người tò mò muốn leo lên xem phía trên có gì...

Nhà ông Tạ Văn Nhân ở ngay đầu phố Thanh Hà. Ông lo cửa ô ngập rác bẩn, ông lo người ta vẽ lên di tích. Thế là hằng ngày ông vác ghế ra ngồi ngay cửa ô. Có rác bẩn thì quét, hễ thấy ai làm gì sai thì nhắc nhở. Ngoảnh đi ngoảnh lại, khi bắt đầu “việc không công” mới ở tuổi trung niên, giờ ông Nhân đã ngoài bảy mươi. Ông chỉ bảo mình rảnh rỗi, có thời gian thì tham gia việc chung, coi đó là niềm vui tuổi già, cũng là để tri ân người đi trước. “Vác tù và hàng tổng” mà lắm khi cũng không xuôi. Nhiều người đang tìm cách trèo lên di tích hay đang xả rác bỗng thấy một ông già ra ngăn cản. Họ cự nự. Họ hỏi ông đại diện cho cơ quan nào. “Vũ khí” duy nhất của ông Nhân là sự kiên trì, mềm dẻo để người ta nhận ra sai sót.

Ô Quan Chưởng được kết cấu theo kiểu vọng lâu. Phía trên cửa vòm là vọng gác của quân lính ngày xưa. Mùa cây thay lá, phía trên cửa vòm đầy lá rụng. Để tránh ảnh hưởng tới người đi lại bên dưới, ông Nhân thường dậy sớm, quét dọn từ lúc 6h sáng. Ông loanh quanh bên cửa ô, xẩm tối mới về; chưa kể ngày rằm, mồng một còn mua đồ lễ, thắp hương để tưởng nhớ anh linh các vị tiền nhân. Chẳng ai phân công, trả lương thì lại càng không, ông Nhân vẫn thế. Tôi thường tự hỏi: Điều gì khiến ông già “lẩm cẩm” ấy “gác” cửa ô qua bao mùa mưa nắng, nếu không phải tình yêu?

3. Tôi nhớ những chuyến về các làng quê xứ Đoài. Làng nào cũng thế, miên man những câu chuyện xưa nay. Dù làng quê đổi thay, nhà tầng mọc lên ngày một nhiều nhưng ngay dưới nếp nhà ấy, những câu chuyện xưa cũ vẫn được lưu truyền. Tôi nhớ lần gặp Nghệ nhân ưu tú Ngô Thị Thu - nghệ nhân hát chèo tàu ở Tân Hội (huyện Đan Phượng). Người nghệ nhân hôm ấy mới tất tả đi làm đồng về. Chèo tàu là đặc sản của Tân Hội, được hát trong lễ hội để ca ngợi tướng quân Văn Dĩ Thành, một vị tướng khởi binh chống lại nhà Minh khi xưa. Chèo tàu trải qua quãng thời gian mấy chục năm chẳng còn ai nhớ. Những câu hát rơi vãi trong ký ức người cao niên. Chỉ là một nông dân bình dị, bà Thu tìm gặp các cụ cao niên từng biết đến chèo tàu thuở xưa để gom nhặt những câu hát.

Chèo tàu đòi hỏi nhiều vai diễn như quản tượng, chúa tàu, cái tàu (những nhân vật chính trong hội hát), và các vai phụ; lại có nhiều hình thức diễn xướng khác nhau: Hát thờ, hát khi chèo thuyền, hát giao duyên. Gom nhặt những mảnh vỡ rồi cùng mọi người trong thôn quê “ghép” lại. Hàng chục năm như thế, cuối cùng, hội hát chèo tàu được khôi phục gần như hoàn toàn. Bà nông dân ấy chỉ mong có thể làm gì đó cho quê hương. Có ngờ đâu, một ngày kia, bà được vinh danh... Bà mừng, không phải vì cá nhân, mà mừng vì xã hội lại nhớ đến chèo tàu.

Càng đi nhiều, càng gặp nhiều thì càng nhận ra, có biết bao con người như ông Nhân, bà Thu, bé Thục Trinh... ở mảnh đất này. Qua ngàn năm, văn hóa Thăng Long - Hà Nội cứ như một đại thụ ngày càng sum suê tỏa bóng. Nhưng tôi ngộ ra, những giá trị mà các bậc hiền tài chuyên chở mới là điều kiện cần. Để những giá trị ấy bền vững, trường tồn, phải bắt đầu từ những con người bình dị. Thẳm sâu trong tâm thức những người con Thăng Long - Hà Nội, dù những biến thiên lịch sử, dù chịu tác động mạnh mẽ của những đổi thay, luôn bền bỉ một ngọn lửa tình yêu với di sản của cha ông...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trong tâm thức Thăng Long - Hà Nội