Vượng khí ngàn năm

Giang Nam| 24/07/2020 06:36

LTS: Cái thế đất “rồng cuộn, hổ ngồi” của Thăng Long mang theo khát vọng dựng nghiệp cho con cháu vững bền. Suốt nghìn năm ấy, Thăng Long - Hà Nội là tinh hoa, là hiền tài hội tụ khi thanh bình, là niềm tin, hy vọng khi bão dông, bom đạn, và bây giờ lại đi đầu trong công cuộc kiến tạo, đổi mới đất nước. Đó có phải bởi nhờ thắng địa, vượng khí Thăng Long ngàn năm? Không hẳn thế, dựng nghiệp lớn, thiên thời, địa lợi chưa bao giờ là đủ. Những thành tựu thành phố đã và đang đạt được chính nhờ bởi yếu tố “nhân hòa” - lòng người chung đúc dựng xây.

Làng cổ Đường Lâm (thị xã Sơn Tây) vẫn giữ nguyên được kiến trúc cổ xưa. Ảnh: Thái Hiền

Bài đầu: Điểm tựa quá khứ

(HNM) - Hà Nội đang vươn mình phát triển. Nhưng ở nơi này, một con ngõ, một đoạn phố, một gốc cây cũng ẩn chứa bao lớp lang lịch sử. Càng phát triển, càng hiện đại thì quá khứ càng là điểm tựa được trân trọng. Đó là sự kế thừa tư tưởng của tiền nhân trong phát triển, dựng xây, kế thừa những truyền thống văn hóa, những phẩm cách tốt đẹp của lớp người đi trước. Kế thừa và phát huy những giá trị từ quá khứ là tiền đề để thành phố đi tới tương lai.

1. Sử cũ còn ghi, cùng với xây dựng Cấm thành làm trung tâm quyền lực, yếu tố “thành thị” của Thăng Long sớm ra đời. Đó là khu vực dành cho phường thợ, xóm làng nông nghiệp và bến sông giao thương. Các đời vua đã xây dựng kinh thành với 3 vùng rõ rệt: Hoàng thành - trung tâm quyền lực, phố phường - nơi có các phố nghề và các làng mạc bao quanh.

Những làng cổ bây giờ đều đã lên phố, nhưng xưa, phần nhiều trong số đó bắt đầu bằng chữ “Kẻ”: Kẻ Bưởi, Kẻ Láng, Kẻ Mọc, Kẻ Mơ… Hà Nội vẫn còn đó Thăng Long tứ trấn - 4 ngôi đền thiêng ở 4 hướng kinh thành. Ra khỏi không gian ấy là 4 vùng phên dậu. Ngẫm lại để nhận ra, từ khi mới hình thành, Thăng Long đã được “quy hoạch” các không gian chức năng; không gian của Thăng Long và vùng phụ cận.

Những tòa nhà mới mọc lên. Những cây cầu, tuyến đường được mở ra. Hà Nội đang vươn mình mạnh mẽ. Thế nhưng, ở mảnh đất này, càng hiện đại thì những gì thuộc về quá khứ càng được trân trọng. Đó không chỉ là câu chuyện gìn giữ di tích, di sản. Mỗi bước phát triển của thành phố luôn có sự kế thừa. Cái kế thừa ở mức độ cao nhất là kế thừa triết lý, tư tưởng. Vua Lý Thái Tổ ban Thiên đô chiếu đâu phải vì ý thích nhất thời? Đó là vì yêu cầu chọn nơi xứng tầm làm kinh đô để xây dựng quốc gia, tạo đà nâng Đại Việt lên một tầm vóc mới.

Gần nghìn năm sau, năm 2008, Thăng Long - Hà Nội ghi nhận một sự kiện trọng đại: Thủ đô được mở rộng, ôm trọn lấy vùng văn hóa xứ Đoài và Sơn Nam Thượng. Gốc gác của đổi thay cũng là vì nhu cầu kiến quốc. Sau hành trình “mang gươm đi mở cõi”, đất nước đã dài rộng hơn. Vị thế đất nước trên trường quốc tế ngày càng được củng cố. Thủ đô cần mở rộng để phù hợp với thế và lực của quốc gia.

Năm 2011, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt. Quy hoạch định vị lại vị thế, đường hướng phát triển của Thủ đô trên nền tảng “Xanh - Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Bản quy hoạch mới mang tầm thời đại của thế kỷ XXI. Thành Thăng Long xưa chỉ còn là một không gian nhỏ trên bản đồ của Hà Nội mở rộng. Nhưng bản quy hoạch ấy vẫn vẹn nguyên tư tưởng của tiền nhân “trên cho cơ nghiệp to lớn được thịnh vượng, dưới cho nhân dân được giàu của nhiều người”. Hơn 10 năm chưa phải là thời gian dài. Nhưng nền tảng ấy tạo cho Thủ đô bước bứt phá trên mọi lĩnh vực.

2. Lịch sử một quốc gia, một thành phố chưa bao giờ là những trang giấy vô tri. Khi Hà Nội cùng cả nước bước vào Toàn quốc kháng chiến năm 1946, có những người hôm qua còn là “cậu ấm, cô chiêu”, thế mà thoắt biến thành chiến sĩ cảm tử; có những chú bé đánh giày lao đi làm liên lạc dưới làn đạn thù. Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không năm 1972 là lòng quả cảm của những phi công, những người lính tên lửa và có cả dấu ấn của những chàng trai, cô gái tự vệ sao vuông tuổi mới đôi mươi. Những công trình mang dấu ấn thời đại hôm nay có trí tuệ, có sự lao tâm khổ tứ của những kỹ sư, nhà thiết kế, có giọt mồ hôi của những người công nhân nước da nhuộm màu nắng gió công trường.

Lịch sử Thăng Long - Hà Nội, những thành tựu của Thủ đô được viết bởi những con người cụ thể như thế.

Thăng Long là nơi hội tụ hiền tài. Dòng người từ muôn nẻo đổ về mang theo những nét văn hóa vùng miền. Qua “bộ lọc” văn hóa Thăng Long, những phẩm cách tốt đẹp được nâng lên, ứng xử trở nên tinh tế, hào hoa. Hà Nội hôm nay vẫn nối tiếp mạch chảy ấy, vẫn kế thừa những phẩm cách, những nét đẹp gạn lắng qua thời gian.

Vào đúng khi thành phố sắp tròn 1010 tuổi, đất nước và Thủ đô trải qua một cuộc chiến giữa thời bình - đại dịch Covid-19. Hà Nội là một trong những tâm dịch của cả nước, với những ổ dịch ở Trúc Bạch (quận Ba Đình), Hạ Lôi (huyện Mê Linh) hay Bệnh viện Bạch Mai… Thế rồi Hà Nội cùng cả nước vững vàng vượt qua sóng gió. Điều gì khiến Hà Nội cùng cả nước đạt được thành công ấy?

Chủ trương đúng là nền tảng. Nhưng Hà Nội chiến thắng, Việt Nam chiến thắng đại dịch còn bởi yếu tố con người. Kể sao hết những cống hiến, hy sinh của biết bao bác sĩ, nhân viên y tế, chiến sĩ bộ đội, công an xông pha nơi tâm dịch, sự chung sức, đồng lòng của mỗi người dân…

Đừng vội nói đến những người “đứng mũi chịu sào” hay người ở tuyến đầu chống dịch. Hãy kể về chuyện một chị thợ may ở xã Hải Bối (huyện Đông Anh) huy động xưởng sản xuất hàng chục nghìn chiếc khẩu trang để tặng cộng đồng. Hãy kể về những bà cụ lưng còng lặn lội lên trụ sở chính quyền để trao khoản tiền tiết kiệm cho công cuộc chống dịch. Và hãy kể về cậu bé Nguyễn Ngọc Đức, mới 9 tuổi ở phường Bồ Đề (quận Long Biên) cùng gia đình làm gần 3.000 chiếc mũ chống giọt bắn, cũng để trao đi…

Ta hiểu phẩm cách người Hà Nội qua những con người bình dị như thế. Một phẩm cách “mộc mạc thôi mà sao tôi bồi hồi”. Và ta thêm hiểu vì sao trong lịch sử Thăng Long là “bách chiến thành”, vì sao trong những tháng năm gian lao nhất Hà Nội luôn là “niềm tin và hy vọng”. Ta hiểu, và ta tin chặng đường sắp tới…

3. Vào ngày đầu tiên của tháng 8-2008 đã diễn ra kỳ họp hợp nhất HĐND thành phố Hà Nội và HĐND tỉnh Hà Tây. Hôm ấy, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (bây giờ là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng) đã nhấn mạnh: “Hà Nội (mở rộng) chẳng những vẫn giữ được cái thế “rồng cuộn hổ ngồi”, “tiện hướng nhìn sông tựa núi” như cha ông xưa định hướng mà còn nâng thế ấy lên một tầm vóc mới, cao hơn, bề thế hơn, vững chãi hơn dưới ánh sáng của thời đại mới - thời đại Hồ Chí Minh”.

Bây giờ, nếu đứng trên nóc một tòa nhà cao tầng vào một ngày trời trong, từ trung tâm, nhìn về phía Đông, ta thấy sông Hồng - dòng sông mẹ bình yên uốn lượn, trông về hướng Tây ta thấy đỉnh Ba Vì - nơi Tản Viên Sơn Thánh ngự trị đứng sừng sững. Ta hiểu thêm về thế đất “tựa núi nhìn sông”. Quá khứ, như khi ta đi qua một vùng mưa và quay đầu nhìn lại. Càng xa, càng thấy mịt mùng. Nhưng ở nơi này, quá khứ hòa quyện với hiện tại trong từng hơi thở của sự phát triển. Kế thừa và phát huy những giá trị từ quá khứ, là tiền đề để thành phố đi tới tương lai.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vượng khí ngàn năm