Bảo tồn di sản Mo Mường

Xương Lâm| 25/07/2020 10:02

(HNMCT) - Mo Mường là di sản văn hóa phi vật thể độc đáo và đặc sắc, phản ánh sinh động thế giới quan của người Mường, trong đó có đồng bào Mường ở vùng miền núi huyện Thạch Thất, Ba Vì (Hà Nội). Người Mường, thực hành di sản văn hóa Mo Mường từ hàng ngàn năm nay và hiện tại, di sản đó vẫn như ngọn lửa luôn rực cháy trong dòng chảy văn hóa Mường.

Trong dòng chảy văn hóa bất tận của người Mường, Mo Mường có một vị trí đặc biệt quan trọng thể hiện qua đời sống tín ngưỡng của cộng đồng. Mo Mường thể hiện vũ trụ luận, nhân sinh quan đa diện, đa chiều trong cốt cách và tâm hồn của người Mường.

Mo Mường là loại hình di sản văn hóa đặc biệt của người Mường.

Mo Mường trong mạch nguồn của đời sống văn hóa Mường

“Trong tổ đất Mường này/ Được ta ra cầm lao chống hổ/ Trong tổ đất Mường này/ Được ta ra cầm nghệ chống Ma/ Trong tổ đất Mường này/ Được ta ra làm Mo lăn lộn lo lường”(Lời Mo Mường).

Lời Mo khấn đó, được thầy Mo thể hiện đã kể về lai lịch, sự tích chinh phục thiên nhiên, làm chủ cuộc sống của người Mường trong đấu tranh sinh tồn, chống lại thú dữ, thiên tai địch họa, chống lại tà ma ác quỷ - những lực lượng đối lập với con người chân chất, thật thà, bình dị trong từng bản Mường.

Mo Mường luôn hiện hữu trong các nghi lễ vòng đời của một con người. Từ một sinh linh bé nhỏ cất tiếng khóc chào đời, thầy Mo thực hành nghi lễ cầu cho trẻ được khỏe mạnh, hay ăn chóng lớn. Khi trưởng thành dựng nhà, lập gia đình, thầy Mo khấn cầu gia tiên hai họ tiễn dâu, đón dâu về nhà chồng để xây dựng mái ấm hạnh phúc gia đình. Đến khi con người về già, đau yếu, đối diện với những biến cố, hoạn nạn xảy ra, thầy Mo làm lễ vía giải hạn, cầu sức khỏe, cầu bình an, trường thọ. Khi về già, con người không thể trái với quy luật sinh tử, thầy Mo đóng vai trò là cầu nối tiễn linh hồn của người chết về với Mường Trời.  

Chính yếu tố đa dạng trong thể loại và nội dung của Mo Mường đã tạo nên sức sống bền bỉ của Mo Mường trong đời sống hiện nay. Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Bùi Thiện, để tiến hành đầy đủ các nghi lễ Mo phải mất 23 ngày liên tục với 115 roóng Mo (tương đương như các chương, hồi trong tiểu thuyết) và hơn 44.000 câu thơ Mo. Và hiện nay có 3 thể loại, đó là Mo nghi lễ gồm những bài mo gắn với các nghi lễ trong đời sống tín ngưỡng của người Mường; Mo kể chuyện là những bài Mo không cố định về nội dung mà phụ thuộc vào hoàn cảnh và môi trường diễn xướng của thầy Mo; Mo nhòm là loại mô tả cảnh vật, con người và cuộc sống của người Mường.

Thực hành nghi lễ Mo là sự tổng hòa của 3 yếu tố cơ bản, với vai trò chủ đạo của thầy Mo và lời Mo trong môi trường diễn xướng. Không gian và thời gian diễn xướng của nghi lễ Mo chủ yếu diễn ra vào ban đêm, cũng có nghi lễ Mo được tổ chức ban ngày, như: Mo nhà xe, Mo trâu, Mo Dun... Bên cạnh đó, đạo cụ trong Mo Mường đóng vai trò quan trọng cho một nghi lễ đặc sắc này, như: Con trâu, nhà xe, gánh gạo, vò rượu, con gà, đôi cây mía và không thể thiếu y phục và các dụng cụ của thầy Mo trong thực hành tín ngưỡng của người Mường.

Mo Mường trước nguy cơ mai một

Ngày nay, Mo Mường vẫn được các thầy Mo trong cộng đồng thực hành và trao truyền cho các thế hệ. Tuy nhiên, số lượng những thầy Mo trong các bản, làng người Mường ngày một ít, sự kế thừa và trao truyền cho các thế hệ kế tiếp, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày càng hiếm hơn, vì không có mấy người mặn mà theo học loại hình di sản văn hóa này. Nhiều thầy Mo tuổi cao, sức yếu, lần lượt theo nhau “về Mường Trời”. Điều đó đồng nghĩa với việc họ mang đi cả một kho tàng tri thức dân gian về bên kia thế giới. Trong khi đó, việc truyền dạy thực hành Mo Mường không phải là điều dễ dàng. Mo Mường dù đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, song loại hình di sản này vẫn đứng trước nguy cơ mai một và thất truyền.

PGS.TS Lê Trường Phát (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội) - người đã có nhiều năm kinh nghiệm nghiên cứu và giảng dạy về văn học các dân tộc thiểu số, đặc biệt về văn hóa Mường cho rằng: “Mo Mường là tri thức của người Mường, là loại hình diễn xướng dân gian gắn liền với hoạt động tín ngưỡng trong cộng đồng và gia đình của người Mường. Do vậy, cần hết sức cẩn trọng trong quá trình bảo tồn và phát huy giá trị Mo Mường trong đời sống hiện nay. Tránh tình trạng “sân khấu hóa”, bảo tồn hình thức dễ dẫn đến tác dụng ngược với di sản, làm băng hoại các giá trị vốn có của Mo Mường trong cộng đồng”.

Có thể nói, nhằm lưu giữ các giá trị di sản văn hóa dân tộc thiểu số, thời gian qua chính quyền các cấp đã có nhiều nỗ lực trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số Hà Nội, trong đó có dân tộc Mường và loại hình di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường.

Theo bà Nguyễn Thị Mến, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Yên Trung, huyện Thạch Thất, Ủy ban Nhân dân huyện Thạch Thất đã triển khai Đề án về khôi phục, bảo tồn, phát huy các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Mường huyện Thạch Thất. Đề án với mục tiêu bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Mường đã khơi dậy lòng tự hào, tự tôn của đồng bào dân tộc Mường, tạo động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đồng bào 3 xã vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Qua đó, nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và ý thức bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa của toàn xã hội. Có thể nói, di sản văn hóa người Mường nói chung và Mo Mường nói riêng cần được sự hỗ trợ, định hướng của cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là vai trò tích cực, chủ động của cộng đồng trong việc bảo tồn và phát huy di sản của chính dân tộc mình.

Một tín hiệu vui mới đây, ngày 9-6-2020, Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 4591/VPCP-KGVX gửi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đồng ý lập hồ sơ di sản văn hóa phi vật thể Mo Mường trình UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới. Đây là cơ sở để Mo Mường có được sức sống lớn, lan tỏa các giá trị của di sản không chỉ trong cộng đồng người Mường, trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam mà âm vang Mo Mường còn vươn xa, đóng góp vào cho di sản văn hóa của nhân loại.

Nghệ nhân ưu tú Bùi Thị Bích Thìn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cồng chiêng và hát múa dân gian xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất bày tỏ: Các cấp ủy, chính quyền của xã Tiến Xuân, huyện Thạch Thất và Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội đã tạo điều kiện để cộng đồng giới thiệu bản sắc văn hóa các dân tộc ở Thủ đô, đồng thời không ngừng học hỏi thêm của các địa phương và dân tộc khác. Tuy nhiên, văn hóa truyền thống Mường đang dần bị mai một; chưa được truyền dạy theo phương thức bài bản, khoa học để gìn giữ và quảng bá.

Trước những thuận lợi cũng như khó khăn, thách thức đặt ra hiện nay, cộng đồng dân tộc Mường cần nhận diện và có ý thức “tự thân” trong bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, để di sản Mo Mường - loại hình văn hóa gắn liền với đời sống tín ngưỡng của cộng đồng sẽ tiếp tục đi cùng đồng bào Mường và làm giàu thêm cho văn hóa dân tộc thiểu số ở Thủ đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn di sản Mo Mường