Bài cuối: Bồi đắp, lan tỏa những giá trị tinh hoa của Thủ đô

Trần Mai - Văn Hùng| 18/07/2020 13:59

(HNMCT) - Nhiều gương mặt văn học đương đại, nhiều cây bút đã và đang tiếp tục bồi đắp dòng văn chương đô thị Hà Nội, góp phần làm phong phú thêm và lan tỏa những giá trị tinh hoa của Thủ đô ngàn năm văn hiến.

“Đề tài thời thượng”

Văn chương đô thị, thực chất là tiếng nói của tâm hồn nhà văn với thành phố. Bởi thế, có người hay la cà quán xá để tìm cảm hứng. Có người thích đi bộ, người ưa đạp xe vào buổi sáng. Những tưởng đó chỉ là một cách tập thể dục, nhưng không hẳn thế, mà là cách nhà văn, nhà thơ đi vào đời sống đô thị, quan sát bằng sự nhạy cảm của mình để ngòi bút rung lên xúc động và con chữ chảy tràn.

Tính từ năm 2000 đến nay đã có hàng trăm cuốn sách viết về Hà Nội được xuất bản. Cảm giác như “kho” cảm hứng về thành phố nghìn năm sẽ không bao giờ vơi cạn. Họa sĩ - nhà văn Đỗ Phấn chia sẻ: “Một thành phố sống động đến như thế có viết nhiều đời vẫn không hết chuyện. Hôm nay ta quan tâm đến một câu chuyện Hà Nội hoặc những câu chuyện về Hà Nội trong quá khứ thì chuyện mới vẫn xảy ra hằng ngày. Đấy mới chỉ là về mặt thông tin mà thôi”.

Cuộc sống của người Hà Nội, đề tài không bao giờ vơi cạn cho các nhà văn.

Tiếp nối những áng văn chương đô thị của Vũ Bằng, Thạch Lam, Nguyễn Tuân..., đội ngũ tác giả đương đại đã cho ra mắt nhiều tác phẩm về Hà Nội như Con giai phố cổ, Thị dân tiểu thuyết...(Nguyễn Việt Hà), Đi dọc Hà Nội, Đi ngang Hà Nội, Đi xuyên Hà Nội, Me Tư Hồng, Lính Hà, Chuyện quanh quanh Dâm Đàm... (Nguyễn Ngọc Tiến), Hà Nội thì không có tuyết, Ngẫm ngợi phố phường, Đi chơi bờ hồ, Ngồi lê đôi mách với Hà Nội, Bâng quơ một thời Hà Nội, Mùi trần... (Đỗ Phấn), Cậu ấm, Chín bỏ làm mười (Trần Chiến), Tự nhiên như người Hà Nội, Hà Nội là Hà Nội, Mỗi góc phố một người đang sống, Còn ai hát về Hà Nội... (Nguyễn Trương Quý), Hà Nội một thời tuổi trẻ (Trần Văn Thụ), Kim Liên một thuở (Vũ Công Chiến)... Mỗi tác giả một giọng điệu. Có người chuyên viết về món ăn, thú chơi với chất văn khảo cứu sâu sắc, có số liệu cụ thể, thậm chí như viết biên niên sử về Hà thành.

Quả thực “Hà Nội đang trở thành đề tài thời thượng”, như lời nhà văn Nguyễn Việt Hà. Còn nhà văn Đỗ Phấn thì cho rằng, Hà Nội là đề tài vô tận mà bản thân ông khai thác mãi không hết. Vậy nên, với 25 cuốn sách của Đỗ Phấn về Hà Nội thì có nhiều tạp văn, ông viết về một thời còn trong veo, với nết ăn, nếp ở cùng cách đối nhân xử thế của người Hà Nội.

Nhiều nhà văn đã và đang viết về Hà Nội trong quá trình đô thị hóa nhanh và mạnh mẽ. Thành phố cũng đang tích cực xây dựng đô thị thông minh, thành phố sáng tạo nên khó khăn, thách thức rất lớn. Với mỗi nhà văn là công dân Thủ đô đều có trách nhiệm làm giàu thêm kho tàng văn chương đô thị để tôn bồi, lan tỏa những giá trị của mảnh đất, con người Hà Nội.

Trong bối cảnh kinh tế thị trường, đô thị hóa đến chóng mặt, truyền thống ứng xử thanh lịch của đất kinh kỳ ít nhiều phôi phai. Sự lấn át của các loại hình giải trí, sự nhạt phai trong mối quan hệ xã hội và bản sắc của mảnh đất ngàn năm văn hiến rất cần những tiếng nói, sự đóng góp của các nhà văn. Khẳng định điều đó, nhà văn Nguyễn Việt Hà cho hay: “Không chỉ có tình yêu nói suông bằng miệng, mà phải bằng hành động. Trách nhiệm của nhà văn là có những áng văn hay, tiếp nối vào kho tàng tinh hoa văn chương của Thủ đô”.

Chờ những tác phẩm xuất sắc

Xét đến cùng, nền văn chương Hà Nội là một thương hiệu lớn với số lượng tác giả, tác phẩm đồ sộ. Tuy nhiên, cũng có những thời điểm vì nhiều nguyên do khác nhau mà chất lượng sáng tác không đều và thiếu vắng những tác phẩm đỉnh cao. Như nhà văn Nguyễn Hiếu bày tỏ: “Phải nhìn nhận rằng tố chất, cốt cách Hà Nội trong thời gian ba, bốn thập niên gần đây dần dần nhạt đi trong mảng văn chương về Hà Nội. Có khi lấy đối tượng phản ánh, mô tả về đất, về người Hà Nội nhưng lại không thể hiện được tính chất, và cả tính cách con người và vùng đất Hà thành”.

Nhằm có thêm nhiều sáng tác văn chương hay về Hà Nội, đầu tháng 11-2018, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức Hội thảo “Nâng cao phẩm chất Hà Nội trong sáng tạo văn học”. Nhiều vấn đề quan trọng xung quanh chủ đề này đã được thảo luận sôi nổi. Với tư cách một người sinh sống ở Hà Nội hơn 60 năm, tham gia vào đời sống nghiên cứu văn học nghệ thuật, Giáo sư Phong Lê, nhà nghiên cứu phê bình văn học cho rằng, phẩm chất Hà Nội là câu chuyện rất đáng bàn và con đường văn học là một giải pháp trong việc định danh phẩm chất ấy.

Nhằm tìm kiếm giải pháp nâng cao phẩm chất Hà Nội trong sáng tạo văn học, nhiều tham luận tại hội thảo nói trên cho rằng, cần lưu ý một số vấn đề. Thứ nhất, nhân vật trung tâm, không khí trong các tác phẩm văn chương phải mang bản sắc Hà Nội, nhất là chân dung người trí thức. Trong bối cảnh hôm nay, phẩm chất của dạng nhân vật này cần được coi là một trọng tâm của sáng tạo văn học. Thứ hai, đội ngũ người cầm bút phải luôn hết mình trong sáng tạo, thể hiện trách nhiệm, lương tâm trước đời sống, thể hiện tình cảm yêu mến của mình với Thăng Long - Hà Nội. Thứ ba, cần đầu tư vào lớp nhà văn trẻ đang sống và viết tại Hà Nội. Nhà văn nói chung và nhà văn trẻ nói riêng cần đi sâu vào thực tế hơn, tìm hiểu, lắng nghe những chuyển dịch của đời sống để viết những áng văn đủ sức lay động đông đảo bạn đọc.

Sinh thời, nhà văn Tô Hoài từng chia sẻ với người viết: “Giá trị bền vững của Thủ đô cần được khắc sâu, làm giàu thêm để tôn bồi giá trị, trong bối cảnh rất nhiều lối ứng xử đẹp đã mất đi. Sự lấn át của các loại hình giải trí, sự nhạt phai trong mối quan hệ xã hội và bản sắc của mảnh đất văn hiến rất cần tiếng nói của nhà văn”.

Trong một cuộc trò chuyện, nhà văn Nguyễn Trương Quý cũng trải lòng: “Hà Nội bây giờ đang xây dựng một hiện trạng mới, tôi nghĩ là đang có rất nhiều vấn đề, nhiều mâu thuẫn, xung đột, nhưng có lẽ cái sự phát triển nóng ấy đang là một cách tổ chức, sắp xếp lại các mối quan hệ xã hội. Nói cho công bằng thì các cơ quan quản lý cũng cho thấy có cố gắng từng bước tháo gỡ cái mớ bòng bong ấy. Dù không phải lúc nào cũng thành công, nhưng họ cũng có ý thức xây dựng một khung cảnh văn hóa...”.

Hiện nay, có một thế hệ người viết trẻ với hàng chục người đang sinh sống, làm việc trên địa bàn Thủ đô và chuyên viết về Hà Nội. Nhà thơ trẻ Đặng Thiên Sơn cho rằng, với lực lượng khá hùng hậu như hiện nay, văn chương trẻ Hà Nội gồm những người yêu và viết về đề tài Hà Nội đang tích cực sáng tạo, công bố tác phẩm dưới nhiều hình thức. Điều đó cho thấy sự tiếp nối truyền thống rất đáng trân trọng. 

Còn theo nhà thơ Vũ Quần Phương, nhà văn trẻ ngày nay đang rất nỗ lực đổi mới. Họ có nền tảng tri thức, sự rèn giũa, học hỏi không ngừng để phát triển. Tại Hà Nội, nơi hội tụ giá trị lịch sử, văn hóa lâu đời, yếu tố ấy càng cần thiết. Nhìn lại chặng đường phát triển của văn học trẻ, không khó để kể tên các tác giả có dấu ấn sáng tạo, thế nhưng nếu chọn lựa tác phẩm xuất sắc, mang tầm thời đại, đủ sức ảnh hưởng và lan tỏa đến toàn xã hội thì vẫn rất khó khăn. Đội ngũ phê bình văn học, dịch thuật còn mỏng. Nhà thơ Vũ Quần Phương nhấn mạnh, cần đầu tư hơn cho văn chương trẻ Thủ đô, như tổ chức các cuộc thi, trại viết, tọa đàm... nhằm phát triển một xu hướng sáng tạo, phát hiện và bồi dưỡng tài năng.

Đô thị Hà Nội phát triển mau chóng và có nhiều thay đổi theo thời gian. Vì vậy, văn chương về đề tài đô thị cũng phải thay đổi, phát triển tương xứng. Cuộc sống mới, đô thị văn minh, hiện đại đang chờ đợi, đòi hỏi những sáng tác mới, những tác phẩm xuất sắc của đội ngũ nhà văn đương đại, nhất là các gương mặt văn trẻ tràn đầy năng lượng và tình yêu với Thủ đô ngàn năm tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Bồi đắp, lan tỏa những giá trị tinh hoa của Thủ đô