Lý Công Uẩn, người khai sáng kinh thành Thăng Long

Nguyễn Ngọc Tiến| 16/07/2020 16:21

(HNMCT) - Sáng 7-10-2004 (tức ngày 24 tháng Tám năm Giáp Thân), UBND thành phố Hà Nội đã làm lễ khánh thành tượng vua Lý Thái Tổ, người khai sáng kinh thành Thăng Long vào năm 1010. Bức tượng được đặt tại vườn hoa giờ mang tên Lý Thái Tổ, bên hồ Hoàn Kiếm huyền thoại và thơ mộng.

Lý Công Uẩn sinh ngày 12 tháng Hai năm Giáp Tuất (năm 974). Ông là người châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay là Bắc Ninh). Mẹ ông họ Phạm, sinh ra ông ở chùa Tiêu Sơn (Bắc Ninh). 

Tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội.

Năm 3 tuổi, Lý Công Uẩn làm con nuôi nhà sư Lý Khánh Vân ở chùa Cổ Pháp (Đình Bảng, Bắc Ninh). Từ khi còn bé ông đã nổi tiếng sáng suốt tinh anh, phong tư tuấn tú khác thường. Sư Vạn Hạnh trông thấy ông đã thốt lên: “Người này không phải người thường, lớn lên tất sẽ làm vua giỏi một nước”. Thiền sư Vạn Hạnh nổi tiếng uyên bác bèn dốc lòng dạy dỗ Lý Công Uẩn. Lớn lên, tính cách khảng khái, chí lớn trong ông càng lộ rõ. Ông không chăm lập sản nghiệp mà chỉ dùi mài kinh sử.

Khi Lý Công Uẩn trưởng thành, thiền sư Vạn Hạnh tiến cử ông vào triều vua Lê Đại Hành, đến đời Lê Ngọa Triều (vua Lê Long Đĩnh) được thăng tới chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ (tức là chỉ huy đội quân bảo vệ kinh đô). Nhà Tiền Lê suy vi vì thói bạo ngược của vua Lê Ngọa Triều, một triều thần là Đào Cam Mộc đã ngầm mưu với thiền sư Vạn Hạnh khuyên Lý Công Uẩn đứng ra thay nhà Lê. Năm 1009, Lê Ngọa Triều mất, Lý Công Uẩn cùng Hữu điện tiền Chỉ huy sứ Nguyễn Đề mang 500 quân vào cung canh giữ. Nhân thời cơ, Đào Cam Mộc giục ông hành động và cuộc soán ngôi chớp nhoáng đã thành công.

Lý Công Uẩn lên ngôi, sáng lập ra vương triều Lý, lấy niên hiệu là Thái Tổ, đóng đô ở Hoa Lư (Ninh Bình). Hoa Lư là kinh đô của nước Đại Cồ Việt dưới hai triều Đinh (968 - 979) và Tiền Lê (980 - 1009), nằm ở vùng núi non hiểm trở với địa thế “tiến khả dĩ công, thoái khả dĩ thủ” (tiến có thể đánh thắng, thoái có thể bảo vệ). Song vị vua 35 tuổi quyết định dời đô ra thành Đại La. Trong Chiếu dời đô, Lý Công Uẩn viết, thành Đại La “Ở vào nơi trung tâm trời đất, được thế rồng cuộn hổ ngồi, chính giữa nam bắc đông tây, tiện nghi núi sông sau trước. Vùng này mặt đất rộng mà bằng phẳng, thế đất cao mà sáng sủa, dân cư không khổ thấp trũng tối tăm, muôn vật hết sức tươi tốt phồn thịnh. Xem khắp nước Việt đó là nơi thắng địa, thực là chỗ tụ hội quan yếu của bốn phương, đúng là nơi thượng đô kinh sư mãi muôn đời”.

Đó chính là khát vọng muốn đưa quốc gia Đại Việt tồn tại bình đẳng với các nước khác trong khu vực và sẵn sàng chấp nhận đương đầu với giặc giã.

Trong Đại Việt sử ký tiền biên, sử gia Ngô Thì Sĩ đánh giá rất cao việc dời đô của Lý Công Uẩn: “Đất Long Đỗ là nơi Cao Biền đóng đô ở đấy, núi Tản Viên chống vững một cõi, sông Phú Lương như hào trời sinh ra, ngàn dặm bằng phẳng, trăm họ giàu có, phía tây thông với Sơn Tây, Tuyên Hưng, phía Bắc thấu đến Ninh Sóc, Kinh Bắc. Miền đông nam thì vận chuyển bằng thuyền, miền Cần Xương thì liên lạc bằng trạm là nơi bốn phương của nước, bốn phương chầu về, núi là vạt áo che, sông là dải đai thắt, sau lưng là sông, trước mặt là biển, địa thế hùng mạnh mà hiểm, rộng mà dài. Có thể làm nơi vua ở hùng tráng, ngôi báu vững bền. Hình thế nước Việt không nơi nào hơn được nơi này... Lý Thái Tổ lên ngôi, chưa vội làm việc khác mà trước tiên mưu tính việc định đô, đặt đỉnh, xét về sự quyết đoán sáng suốt, mưu kế anh hùng, thực những vua tầm thường không thể làm được”.

Mùa thu năm 1010, Lý Công Uẩn cùng hoàng triều và tướng lĩnh giong thuyền về Đại La. Trong một giấc mơ, ông đặt tên kinh thành là Thăng Long với nghĩa “rồng bay”. Từ đây, Lý Công Uẩn xây dựng thành, chia lại khu vực hành chính trên toàn quốc, đổi 10 đạo thời Đinh - Lê thành 24 lộ, ở các vùng miền núi có châu, trại. Lý Thái Tổ lớn lên trong chùa, cùng với cuộc vận động lên ngôi được sự ủng hộ của giới Phật giáo nên trong quá trình trị vì đất nước, ông đã ra nhiều lệnh chỉ có lợi cho sự phát triển của Phật giáo.

Trị vì được 19 năm, vua Lý Thái Tổ mất năm 1028. Trong sách Lịch triều hiến chương loại chí, sử gia Phan Huy Chú đã nhận định ông là vị vua giỏi của triều Lý: “Vua kính trời, yêu dân, lấy nhẹ tô ruộng, đặt ra phú dịch, cốt giữ lòng nhân hậu, trong nước yên ổn”.

Trải qua 1010 năm, lịch sử đã chứng minh khát vọng của Lý Công Uẩn thật đáng trân trọng. Và kể từ khi Hà Nội dựng tượng ông, ngày nào dưới chân tượng cũng có người dâng những bó hoa tươi, tỏ lòng kính trọng đức độ và công lao của ông để có một Hà Nội và Việt Nam hôm nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lý Công Uẩn, người khai sáng kinh thành Thăng Long