Có một dòng văn chương đô thị Hà Nội

Trần Mai - Văn Hùng| 11/07/2020 06:25

LTS: Trong hơn 1.000 năm hình thành, phát triển của Thăng Long - Hà Nội, văn chương có những đóng góp quan trọng trong việc tôn bồi, gìn giữ những giá trị văn hóa đất kinh kỳ. Đã có rất nhiều danh nhân, nhà văn, nhà thơ ở nhiều giai đoạn khác nhau khắc dấu tên tuổi của mình vào dòng chảy văn chương, tạo nên sự đa phong cách, giọng điệu của nền văn học đô thị Thăng Long - Hà Nội.

Bài đầu: Khắc họa tính cách con người, văn hóa Thủ đô

Có thể khẳng định những tên tuổi trong văn chương viết về Thăng Long - Hà Nội đã khiến thương hiệu của Thủ đô nghìn năm văn hiến vang xa hơn. Bằng việc khai thác vốn văn hóa, nết ăn, nếp ở, cái chất hào hoa, thanh lịch của người Tràng An được khắc họa rõ nét, tinh tế.

Về dòng văn chương ẩm thực

Một ngày, ngồi ở quán phở Thìn, thưởng thức món ăn quen, lòng bâng khuâng nhớ giọng văn của Thạch Lam. Trong tác phẩm Hà Nội băm sáu phố phường, nhà văn đã khai mở về những món ăn, món quà Hà Nội đầy tinh tế, thi vị.

Lâu nay ở Hà Nội có không ít nhà văn đã đi tìm lại những “phố hàng ăn” và đưa mình vào trải nghiệm ở những nơi mà thế hệ Thạch Lam, Vũ Bằng, Nguyễn Tuân từng đến, thưởng thức và viết nên những tác phẩm văn chương. Họ đi tìm “nhãn quan ẩm thực” trong vốn truyền thống, trong văn của thế hệ đi trước. Chả thế mà có nhà văn ở mạn phía nam Hà Nội nhất định phải tìm đến những quán ở trung tâm thành phố để ăn sáng, theo kiểu “ăn một bát cháo, chạy ba quãng đồng”.  

Người Hà Nội thuộc diện sành ăn bậc nhất. Có lẽ vì thế, chuyện ăn uống ở đất Hà thành đã đi vào những áng văn trác tuyệt. Sau này các nhà văn đương đại đã dành tâm huyết để khai thác đề tài đô thị, đồng thời cố gắng nhắc lại văn hóa ẩm thực, chuyện ăn uống nơi thành phố ngàn năm tuổi. Điều đó cũng có nghĩa họ là những người đã và đang nối dài dòng văn chương về ẩm thực Hà thành.

Viết về ẩm thực với hai tác phẩm nổi trội Miếng ngon Hà Nội và Thương nhớ mười hai, Vũ Bằng đã cho thấy một giọng văn tình cảm. Ông viết về sản vật theo mùa. Bởi thế, sống ở miền Nam, mỗi khi nhớ miền Bắc, nhớ Hà Nội, ông lại gửi tình cảm vào từng trang viết. Với Vũ Bằng, món ăn không chỉ là những gì làm ta no bụng, mà ông còn đón nhận, cảm nhận, lưu giữ xúc cảm về nó bằng tất cả sự trân trọng thiêng liêng. Đọc Miếng ngon Hà Nội thời nào cũng có thể cảm nhận được những món quà đó rất ngon, ngon tuyệt vời, ngon đến mức vừa đọc vừa nuốt nước miếng và phải tìm cách để được thưởng thức.

Vũ trung tùy bút được cho là những trang viết đầu tiên bàn về văn chương ẩm thực. Phạm Đình Hổ đã dành nhiều tâm huyết để viết về danh nhân, thú ăn chơi của đất kinh kỳ. Ông có mối quan tâm đặc biệt đến việc khảo cứu về hoa, trà, âm nhạc, chữ viết... Đọc tác phẩm của ông ta thấy chiều sâu của người uyên thâm Hán học, chất lịch thiệp của người trải đời, có cái ngạo nghễ, hóm hỉnh của bậc hàn nho thanh bạch, có cái tinh tế của trí thức kinh kỳ. 

Sau này, Nguyễn Tuân tiếp tục cái mạch ấy và nâng chuyện ăn uống mỗi ngày trở thành thú chơi nghệ thuật, mà mỗi bát phở, bát canh, miếng giò, đĩa cốm, chén trà... đều ẩn sâu ở bên trong câu chuyện Trong tùy bút Phở, bằng giọng văn vừa trữ tình vừa tha thiết, trang nghiêm, Nguyễn Tuân đã bàn rộng ra biết bao vấn đề. 

Từ giá trị mỹ học, dân tộc tính, quần chúng tính, sự biến thiên của lịch sử. Sau thế hệ Nguyễn Tuân, Tô Hoài, Băng Sơn cũng bàn về phở. Các cây bút sau này như Phạm Ngọc Tiến, Đỗ Phấn, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Quý... cũng không quên nói về phở qua các tản văn, các bài mạn đàm...

Đọc văn của các nhà văn, dễ dàng thấy được ngay cả các thứ quà vặt từ những gánh hàng rong cũng được quan tâm. Như Thạch Lam, một thi sĩ về khoa thẩm vị. Với Thạch Lam, ăn quà là một nghệ thuật. Phải ăn đúng cái giờ ấy và chọn người bán ấy mới là sành ăn. Thạch Lam không quên một thứ quà nào. Mỗi thứ đều được ông tả hết cái hương vị, cái hình thức đặc biệt của nó, hương vị và hình thức truyền lại không biết từ đời nào.

Trong quan niệm của người Hà Nội, món ăn không chỉ ngon mà còn phải đẹp. Vì thế, cách trình bày một món ăn không thể tùy tiện, qua quýt mà phải giống như một cô gái đẹp nết, khéo léo từ cách ăn mặc, ứng xử và nhờ thế mới trở nên trọn vẹn. Lúc sinh thời, nhà văn Băng Sơn chia sẻ: “Nghệ thuật trình bày món ăn trước tiên ở sự sạch sẽ, lịch sự, trang nhã, ngay từ chiếc mâm. Đi vào một gia đình Hà Nội, người ta thấy cái mâm luôn khô ráo sạch sẽ sáng bóng, đôi đũa bao giờ cũng khô ráo thơm tho, bằng nhau chằn chặn”. Còn nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, một người đam mê ẩm thực đồng thời viết nhiều về ẩm thực, cũng đồng cảm cho rằng, nấu ăn là một nghệ thuật và thưởng thức món ăn cũng là nghệ thuật. Các nhà văn viết về ẩm thực đã cho thấy sự chăm chút kỹ lưỡng trước cái đẹp được gìn giữ, ẩn giấu trong chính những sinh hoạt đời thường của mảnh đất văn vật.

Bề dày văn chương

Nền văn chương đô thị Hà Nội xuất hiện từ lâu đời. Những áng văn không chỉ có giá trị lịch sử, văn hóa mà còn thể hiện hào khí, tính cách của con người Thăng Long - Hà Nội trong đấu tranh bảo vệ đất nước, giữ yên bờ cõi, xây dựng và phát triển văn hóa. 

Có thể điểm qua một số tác giả, tác phẩm từ thế kỷ XVIII, XIX, nổi bật là Thượng kinh ký sự của Lê Hữu Trác. Tiếp đó là tác phẩm Hoàng Lê nhất thống chí của Ngô gia văn phái (các tác giả thuộc họ Ngô Thì như Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Sỹ, Ngô Thì Trí... quê ở xã Tả Thanh Oai, huyện Thanh Trì). Đây là một bộ tiểu thuyết lịch sử đồ sộ, phản ánh hiện thực nước nhà trong suốt 30 năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX mà nổi bật là sự kiện nổi dậy của phong trào nông dân Tây Sơn, đứng đầu là người anh hùng áo vải Nguyễn Huệ, sau này là hoàng đế Quang Trung với chiến công hiển hách đánh tan 20 vạn quân Thanh.

Dòng thơ chữ Hán liên quan đến đề tài Thăng Long có các tên tuổi như Phan Huy Ích, Nguyễn Thiếp, Ngô Ngọc Du, Ngô Thì Trí, Bùi Dương Lịch... Nữ sĩ Hồ Xuân Hương với những bài thơ Nôm trào phúng bất hủ lưu truyền khắp thiên hạ. Trong dòng văn chương thời này có mảng thơ ca ngợi thiên nhiên, non sông đất nước, khơi gợi lòng tự hào, nhắc nhở mọi người phải luôn ý thức về bờ cõi đất nước.

Bước vào thế kỷ XX, lực lượng nhà văn, nhà thơ viết về Hà Nội vô cùng đông đảo, trong đó phải kể đến Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nguyễn Huy Tưởng, Nguyễn Đình Thi, Huy Cận, Xuân Diệu, Tô Hoài... Trong cuốn Một số nhà văn Việt Nam hôm nay với Hà Nội (NXB Hà Nội, in năm 1986), nhà phê bình Vương Trí Nhàn đã khẳng định rằng, từ năm 1955 trở đi, ngoài lớp nhà văn cũ có một lớp nhà văn mới trưởng thành từ kháng chiến, nhiều người từ Việt Bắc theo đoàn quân chiến thắng tiến về Hà Nội. Thậm chí, Hà Nội được coi là “sân khấu chính của mọi diễn biến văn học, là nơi ấp ủ, nâng đỡ mọi tài năng”.

Với những đặc trưng riêng của không gian văn hóa, tính cách con người Hà Nội hào hoa, thanh lịch đã trở thành đối tượng phản ánh của văn chương. Nhiều địa danh đã trở thành siêu đề tài, biểu tượng của văn chương như sông Hồng, hồ Tây, hồ Hoàn Kiếm, gò Đống Đa, Ô Quan Chưởng... Rồi cả những con đường, góc phố, con ngõ, các di tích lịch sử, văn hóa. Thế nên, có thi nhân hôm nay về ngắm hồ Tây mà nhớ Hồ Xuân Hương, đi qua phố ẩm thực nhớ Nguyễn Tuân hay Vũ Bằng... Như nhà văn Đỗ Anh Vũ chia sẻ: “Nhờ những áng văn chương về Hà Nội, người trẻ hôm nay có được cái nhìn sâu rộng về lịch sử và văn hóa của thành phố, có sự kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai của một đô thị văn minh. Chính nhờ nhiều áng văn man mác (giai đoạn 1930 - 1945), nhiều giá trị của quá khứ, của ký ức được lưu lại”.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Có một dòng văn chương đô thị Hà Nội