Bài cuối: Neo giữ những nếp làng

Nguyễn Văn Học| 30/05/2020 06:33

(HNM) - Trong sự phát triển đô thị của Hà Nội, ở không ít ngôi làng dù đã lên phố song người dân vẫn nỗ lực cố neo giữ những nếp làng. Họ vẫn giữ nhà cổ, từ đường, nhà thờ họ, cổng xóm và những lúc “trà dư tửu hậu”, hai chữ “làng mình” vẫn được xướng lên nghe rất đỗi thân thương.

Nghệ nhân Quách Văn Trường (bên phải) giới thiệu về đền thờ tổ nghề kim hoàn (phường Định Công, quận Hoàng Mai).

Còn mãi niềm tự hào

Từ bao đời nay người dân làng Lủ (Kim Lũ, nay thuộc phường Đại Kim, quận Hoàng Mai) vẫn tự hào về mảnh đất văn hiến, có truyền thống hiếu học, nơi sinh ra những danh nhân nổi tiếng. Những nét đẹp truyền thống đó như liều "kháng thể" để người dân giữ được nếp làng, dù đời sống xã hội đã đổi thay rất nhiều.

Kim Lũ là vùng đất trữ tình nhìn ra sông Tô Lịch. Người “khai khoa” là Tiến sĩ Hồng Hạo (1677-1749), đỗ khoa Canh Dần 1710, đời Vua Lê Dụ Tông, vì kỵ húy nên đổi họ thành Cung Hạo, làm đến chức Hình bộ Hữu thị lang. Kế tiếp là Tiến sĩ Nguyễn Công Thái (1684-1758), đỗ khoa Ất Mùi 1715, đời Vua Lê Dụ Tông.

Trải nhiều chức quan, làm đến Tế tửu Quốc Tử Giám (tương đương hiệu trưởng trường), ông còn là nhà ngoại giao khôn khéo, có công lớn giành lại đất biên cương từ nhà Thanh. Tiếp đến là Phó bảng Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), đỗ khoa Mậu Tuất 1838, đời Vua Minh Mạng. Ông là một nhà văn hóa lớn, có công đầu trong việc tu bổ đền Ngọc Sơn. Nối tiếp truyền thống của làng, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Hợp (1834-1902) đỗ khoa Ất Sửu 1865, đời Vua Tự Đức. Cả bốn nhà khoa bảng trên được con cháu đời sau lập đền thờ và lưu giữ đến ngày nay, trở thành những di tích độc đáo của phường Đại Kim.

Ông Cung Văn Cần, Thủ từ đình Kim Lũ cho biết: Mối quan hệ dòng tộc ở làng Lủ được gìn giữ khá tốt và bền chặt. Đặc biệt là việc noi gương hiếu học của người xưa, tất cả dòng họ lớn đều thành lập chi hội khuyến học để động viên, khuyến khích con em phấn đấu học tập. Hằng năm, vào dịp Tết hoặc giỗ tổ, các chi hội khuyến học lại tổ chức tuyên dương, khen thưởng học sinh có thành tích. Ngày hội khuyến học của làng tổ chức vào dịp hội làng từ mùng 7 đến mùng 9 tháng Giêng hằng năm.

Trên chiếc cổng cổ của làng Lủ nhìn ra sông Tô Lịch vẫn in đậm hai chữ “Quan Miện”. Theo ông Nguyễn Kim Khê, Chi hội Người cao tuổi thôn Kim Lũ 2, hai chữ “Quan Miện” vừa chỉ làng có nhiều người làm quan, vừa có ý nhắc nhở người dân phải giữ phẩm chất của làng, không được làm mất thanh danh của làng. Hương ước của làng cũng quy định người làng phải giữ lễ nghĩa, truyền thống văn hóa, truyền thống hiếu học và các phong tục đẹp của quê hương.

Yên Sở (phường Yên Sở, quận Hoàng Mai) cũng là một làng phát triển đô thị nhanh trong gần chục năm qua. Một trong những nét đẹp làng Yên Sở còn giữ được là nếp sinh hoạt, kinh doanh ở chợ cá, xưa gọi là phường cá. Hàng chục năm qua, chợ cá là nơi tạo công ăn việc làm cho nhiều con em trong làng.

Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ thủy sản, thương mại tổng hợp Yên Sở Cao Văn Thìn cho biết: Dù làng Yên Sở đã lên phố, nhưng nhiều nét truyền thống vẫn giữ được. Chợ cá Yên Sở họp 364/365 ngày/năm (chỉ nghỉ ngày mùng 1 Tết Nguyên đán) là nơi người làng cùng đoàn kết, kinh doanh và hưởng lợi. Việc thành lập Hợp tác xã Dịch vụ thủy sản, thương mại tổng hợp Yên Sở cũng là để cho việc kinh doanh được thuận lợi, tạo tình gắn kết làng xã bền chặt hơn...

Giữ cho mạch ngầm chảy mãi

Người viết bài này đã từng đi tìm hiểu ở những làng đã đô thị hóa hơn chục năm trước. Đằng sau sự hiện đại, sầm uất, nhiều nơi vẫn giữ được nét văn hóa làng như mạch ngầm chảy mãi.

Làng Cót - hay Kẻ Cót, một trong “tứ danh hương” (Mỗ, La, Canh, Cót) thuở trước nay đã thành phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy là một điển hình. Bên cạnh những tòa nhà cao tầng hiện đại, ngôi làng vẫn hiện hữu những nếp nhà thấp, cũ do những người yêu nét xưa giữ lại. Kẻ Cót là làng khoa bảng, nơi đây vẫn duy trì những dòng họ hiếu học như họ Nguyễn, Hoàng, Doãn, Quản…

Những địa phương mang danh “làng tiến sĩ” ở Hà Nội không hiếm, nhưng truyền thống ấy nối dài được đến hôm nay mới là chuyện đáng bàn. Các dòng họ lâu đời ở Kẻ Cót hiện nay có tới hơn 30 giáo sư, tiến sĩ, trong số đó nhiều người giữ vị trí quan trọng trong các cơ quan nghiên cứu. Làng có 3 ngôi miếu: Miếu Chợ thờ Cao Sơn Đại Vương, miếu Cả thờ Đức bà Hoàng Cung Trinh Thục Phu Nhân và Diêm La Đại Vương, miếu Chùa thờ Hiển Linh Đại Tướng Quân và Mộc Đức Tinh Quân.

Nhà giáo Hoàng Ngọc Diệp, Chủ tịch Hội Khuyến học phường Yên Hòa, chia sẻ: “Làng chúng tôi đã xuất bản cuốn sách Yên Hòa - Nghìn năm đất danh hương, qua đó khơi dậy lòng tự hào và tinh thần học tập của các cháu học sinh, noi gương người xưa, gìn giữ truyền thống văn hóa, hiếu học của làng. Đến nay, mỗi dòng họ đều có quỹ khuyến học riêng”.

Ở làng Cót hiện còn giữ được 4 nhà thờ họ, nổi tiếng nhất là nhà thờ Nguyễn Như Uyên. Cụ là người “khai khoa Tiến sĩ” của dòng họ, làm quan tới chức Thượng thư Bộ Lại, Chưởng lục Bộ Sự (đứng đầu 6 bộ) kiêm Tế tửu Quốc Tử Giám. Ông Nguyễn Trung Thanh, Chủ tịch Hội đồng Gia tộc Nguyễn Như Uyên cho biết, hiện tại dòng họ đang tập hợp tư liệu, sắp xếp lại gia phả qua 21 đời để xuất bản một cuốn hoàn chỉnh riêng. Đó sẽ là nguồn tư liệu quý để truyền lại cho các thế hệ sau niềm tự hào về một vùng đất, dòng họ, và dù cho cuộc sống sau này có thay đổi, không gian vật chất của làng không còn thì văn hóa của làng, truyền thống của dòng họ vẫn được gìn giữ.

Song đâu phải ngôi làng nào cũng may mắn có truyền thống “giữ vốn” như vậy. “Cơn lốc” đô thị hóa đã quét đến khắp các ngôi làng trong nội đô, ven đô. Nhiều làng đã “lên phố” gần như tuyệt đối, khó tìm thấy dấu vết của làng. Kiến trúc sư Tôn Đại, người có nhiều năm nghiên cứu về làng - phố cho biết, cần có những quy hoạch chi tiết nhằm bảo tồn các làng cổ, làng ven đô Hà Nội với tư cách là những điểm nhấn về làng có bề dày truyền thống văn hóa, hiếu học.

Còn PGS.TS Nguyễn Thị Phương Châm (Viện Nghiên cứu văn hóa), người có nhiều năm nghiên cứu về sự biến đổi làng ven đô, nêu quan điểm: Trong quá trình đô thị hóa có những thách thức, đánh đổi. Chính quyền và người dân phải nhận rõ những điều đó để có giải pháp hạn chế, ngăn ngừa.

Trước sự đô thị hóa phát triển ngày càng mạnh mẽ, để viết tiếp những huyền thoại về vùng đất kinh kỳ văn hiến trong thời đại mới, người Hà Nội cần nỗ lực bảo tồn, phát huy những giá trị bản sắc văn hóa. Một việc cấp thiết trước mắt, đó là các cơ quan chức năng cần có các phương án bảo tồn những làng cổ ở ngoại thành trước khi chúng bị đô thị hóa hoàn toàn, làm mai một những nét đẹp truyền thống như chuyện đã xảy ra ở nhiều ngôi làng nội đô.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Neo giữ những nếp làng