Lan tỏa giá trị bảo tàng tư nhân

Đinh Luyện| 17/05/2020 06:34

(HNM) - Các bảo tàng tư nhân không chỉ là sở hữu của người sáng lập, mà còn là những di sản văn hóa tinh thần, thiết chế văn hóa góp phần bảo lưu, lan tỏa những giá trị của Thăng Long - Hà Nội và đất nước nói chung. Đặc biệt, nơi đây còn có ý nghĩa giáo dục truyền thống, kết nối các thế hệ, đồng thời có thể trở thành những sản phẩm du lịch độc đáo của Thủ đô.

Du khách tham quan Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá tại thôn Lai Xá, xã Kim Chung (huyện Hoài Đức).

Đa dạng đề tài

Hà Nội hiện có 14 bảo tàng tư nhân, trong đó có không ít bảo tàng được đánh giá cao, thu hút nhiều du khách tham quan như Bảo tàng Mỹ thuật của họa sĩ Phan Thị Ngọc Mỹ (xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai), Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh của cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Hiệp (phường Phú Thượng, quận Tây Hồ), Bảo tàng Gốm sứ Kim Lan (xã Kim Lan, huyện Gia Lâm), Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày của cựu chiến binh Lâm Văn Bảng (xã Nam Triều, huyện Phú Xuyên)… Ngoài ra còn có những bộ sưu tập đồ cổ, đồ cũ của các cá nhân yêu văn hóa truyền thống. Mỗi nơi một chủ đề với những mục đích hoạt động khác nhau nhưng đều cho thấy sự nỗ lực, tâm huyết đối với di sản văn hóa - lịch sử của dân tộc.

Tham quan Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày và Bảo tàng Kỷ vật chiến tranh, tôi vô cùng cảm phục tấm lòng của các cựu chiến binh cùng đồng đội của các ông đã có những đóng góp, chia sẻ làm nên sự đa dạng cho bảo tàng. Những kỷ vật thời chiến như một sự nhắc nhớ ký ức, có ý nghĩa giáo dục rất lớn. Ông Lâm Văn Bảng, Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày chia sẻ: “Bảo tàng hoạt động từ năm 2006. Mỗi năm chúng tôi đã đón tiếp nhiều đoàn khách và nhận được sự ủng hộ rất lớn từ chính quyền các cấp, các nhà hảo tâm, người dân trong và ngoài thành phố Hà Nội. Với tôi, bảo tàng là di sản chung của tất cả mọi người”.

Một bảo tàng khác, ở đó hiện vật không chỉ kể lại những câu chuyện mà còn là niềm tự hào của một làng nghề, đó là Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá (xã Kim Chung, huyện Hoài Ðức). Từ lâu, nơi đây đã trở thành điểm đến hấp dẫn với người dân Thủ đô và du khách, trong bối cảnh thành phố chưa phát triển được nhiều không gian nghệ thuật. Không gian đầu tiên của bảo tàng giới thiệu cuộc đời cụ Nguyễn Đình Khánh - tổ nghề nhiếp ảnh Lai Xá với dấu mốc đặc biệt là hiệu ảnh đầu tiên mang tên Khánh Ký được mở năm 1892 ở phố Hàng Da, Hà Nội. Không gian thứ hai mang chủ đề các hiệu ảnh xưa, khách tham quan có cơ hội tiếp cận với một số hiệu ảnh nổi tiếng của người Lai Xá từ năm 1892 đến năm 1975...

Đến Lai Xá, du khách cũng có cơ hội tham quan Bảo tàng Nguyễn Văn Huyên, do con trai cụ là PGS.TS Nguyễn Văn Huy, nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, và gia đình tạo lập, trước hết là để thỏa tâm nguyện kể câu chuyện cuộc đời của bố mẹ mình, sau là hướng đến nhu cầu giáo dục, kết nối mọi người. Không gian trưng bày giản dị mà khoa học, tạo được ấn tượng cho người xem. Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, bảo tàng nhận được sự quan tâm của rất nhiều người. Tên tuổi của nhà trí thức Nguyễn Văn Huyên gắn liền với lịch sử đất nước trong thời gian rất dài, đặc biệt ông đã giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (hiện nay là Bộ Giáo dục và Đào tạo) trong thời gian 28 năm 350 ngày…

Theo tuyến quốc lộ 32 đi về huyện Ba Vì, đến làng Cổ Đô (xã Cổ Đô) thăm Bảo tàng Mỹ thuật Sỹ Tốt và gia đình, khách tham quan sẽ nhận thấy một điều đặc biệt. Nơi đây không chỉ có nhiều tranh mà còn đa dạng về đề tài, chất liệu. Màu dầu, màu bột, thuốc nước, mực nho, than, chì…, tất cả đều nhất quán bút pháp tả thực sinh động, độc đáo. Họa sĩ Nguyễn Văn Nhất, cháu nội họa sĩ Sỹ Tốt, người đang “giữ lửa” ở Bảo tàng Mỹ thuật Sỹ Tốt và gia đình cho biết: “Bảo tàng được thành lập năm 2006, từ đó đến nay thường xuyên thu hút nhiều khách đến tham quan, tìm hiểu về bảo tàng, về làng, thưởng thức cảnh sắc, mua tranh. Ông nội tôi chính là người khởi xướng và truyền tình yêu hội họa cho dân làng. Làng Cổ Đô có phong trào dạy và học vẽ từ mấy chục năm nay. Chúng tôi cũng được học vẽ từ khi còn nhỏ”.

Trao truyền những giá trị

Tôi đến Cổ Đô nhiều lần và nhận thấy nhiều nét độc đáo của ngôi làng được gọi là “làng họa sĩ chân đất” này. Nhiều học sinh từ nhỏ đã say mê học vẽ và phát huy năng khiếu. Nhiều họa sĩ của làng đã trở nên nổi tiếng, trở thành hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam. Dưới mái đình bình dị, trong khu vườn xanh ngát bóng cây hay tại Nhà truyền thống xã Cổ Đô cũng có thể thành nơi các họa sĩ mở lớp dạy vẽ miễn phí cho con em trong làng. Năm 2016, Bảo tàng Mỹ thuật Cổ Đô được khánh thành, tạo thêm một điểm tham quan thú vị. Cổ Đô giống Lai Xá ở chỗ, mỗi làng có đến 2 bảo tàng không hề nhỏ. Ông Đỗ Văn Sự, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Mỹ thuật Cổ Đô chia sẻ: Người dân Cổ Đô tự hào vì làng giữ được truyền thống hội họa. Đặc biệt, việc thành lập 2 bảo tàng và 6 phòng tranh của các cá nhân đã tạo nên bức tranh mỹ thuật đặc sắc cho một ngôi làng nông nghiệp.

Trong hành trình tìm hiểu về bảo tàng tư nhân, tôi cũng được tận mắt chứng kiến không ít bộ sưu tập kỷ vật, đồ cổ, đồ cũ. Như bộ sưu tập chum của nhà thơ Vũ Xuân Độ (phường Phú Diễn, quận Bắc Từ Liêm). Ông Độ bảo rằng những chiếc chum, vại đựng nước vốn gắn bó mật thiết với đời sống người dân ngoại thành, nhưng trong quá trình đô thị hóa đã bị “bỏ rơi”. “Thương cho đời chum vại, tôi đã cất công sưu tầm”, ông Độ chia sẻ. Không chỉ cất công đi “săn tìm” mà ông còn hao tiền, tốn của để có được bộ sưu tập hơn 200 chiếc chum, vại có nguồn gốc từ nhiều làng gốm nổi tiếng như Bát Tràng, Phù Lãng, Hương Canh... Việc bố trí nơi đặt chum cũng chẳng hề đơn giản. Ông Độ phải thuyết phục vợ chịu ở chật hẹp một chút để chum được… mát! Hai chiếc chum lớn nhất có độ tuổi hơn 200 năm được ông Độ đặt trước cửa nhà để mỗi sáng tỉnh dậy ông đều nhìn thấy.

Các chủ nhân bảo tàng, bộ sưu tập đều có chung tâm huyết gìn giữ kỷ vật cho đời sau. Ông Lâm Văn Bảng, Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, bộc bạch: “Mỗi hiện vật ở bảo tàng đều là những giáo cụ sinh động, có tác động qua lại, kết nối thế hệ trước và các thế hệ sau này. Nhờ có bảo tàng, chúng ta có thêm công cụ giáo dục tình yêu quê hương, đất nước cho thế hệ trẻ”.

Cho dù là sở hữu cá nhân nhưng bảo tàng tư nhân vẫn là những thiết chế văn hóa góp phần bảo lưu, lan tỏa những giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc. Và nếu biết cách kết nối, phát huy thì mỗi bảo tàng đều có thể trở thành những điểm tham quan hấp dẫn du khách.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan tỏa giá trị bảo tàng tư nhân