Tiếng Thủ đô

Trần Chiến| 02/05/2020 06:44

LTS: Là Thủ đô của cả nước, Hà Nội có đặc điểm xã hội, lịch sử, văn hóa chung của Việt Nam, đồng thời lại có nét riêng. Đó không chỉ là những mái ngói xô nghiêng, phố cổ rêu phong, ẩm thực tinh tế... mà còn là "lời ăn, tiếng nói" nhỏ nhẹ, điềm đạm, thanh lịch. Những năm gần đây, Thủ đô mở rộng về mọi mặt, từ không gian đến con người, kinh tế, văn hóa..., ít nhiều tác động đến phương ngữ Hà Nội, ảnh hưởng đến tiếng Thủ đô. Bài viết dưới đây thể hiện góc nhìn, quan điểm của nhà văn - nhà báo Trần Chiến về vấn đề này.

“Lời ăn tiếng nói” góp phần tạo nên cách ứng xử văn hóa của người Tràng An. Ảnh: Nguyễn Thanh Hà

1. Sau năm 1975, nhiều người Hà Nội vào Sài Gòn, gặp lại người thân, đồng hương ly tán, ngạc nhiên thấy “sự bảo lưu” ngôn từ. Sống “ở trỏng” mấy chục năm rồi mà họ nhất định cứ gọi “chén”, “cá quả”, “thìa” chứ không phải những “ly”, “cá lóc” hay “muỗng”. Con cái sinh ra, lớn lên vẫn nói giọng đặc Bắc hoặc có “đá” chút tiếng Nam nhưng vẫn gọi “bố mẹ”, thậm chí “cậu mợ” chứ không “ba má”. Nhưng vào quán phở thiếu đĩa rau sống thì đã kêu “cho mấy cọng ngò”. Không ít ca sĩ hát tân nhạc tròn vành rõ chữ chứ không réo rắt “kiểu opera” nhưng giọng đều đổi ra lối Bắc. Cái đó có phần do tâm lý coi “tiếng Hà Nội mới là trung tâm”, nhẹ nhõm dễ nghe. Hoặc “có một lớp văn hóa trong đó, ai cần thích nghi chứ tôi không đổi”. Giới nghiên cứu lại nâng thành quy luật “hóa thạch ngoại biên” hay “bảo tồn nơi xa”, nghĩa là những “mảnh” văng ra rất có ý thức giữ lại những gì họ coi là hồn cốt gốc rễ, trong đó có nhời ăn tiếng nói. Sự bảo tồn này cũng thấy ở Pháp, nhiều gia đình Việt sang từ tám hoánh còn giữ lớp chữ cổ hơn, những “vạn nhất”, “bất quá” hay “phàm là”...

Ở chiều ngược lại, những người Hà Nội “cũ” kia lại ngạc nhiên nghe người mới “nhất trí”, “triển khai”, thậm chí “báo cáo các đồng chí...” khi họp tổ dân phố. Nhiều người Nam nhận xét giọng Hà Nội dễ nghe nhưng có chút đanh đanh chát chúa. Nghĩa là giọng điệu, ngôn từ đều có tính chất vùng miền, sắc thái xã hội, gây hiệu quả khác nhau trong tâm lý người tiếp nhận.

Trong khi đó, ở chính Hà Nội “vùng lõi”, “tiếng chuẩn” lại có xu hướng ly tâm. Lời ăn tiếng nói biến đổi không hẳn nghịch ngược nhưng dần dần, từng tý một, có khi chỉ thấy khác sắc thái. Thời thế biến thiên, những lớp dân cư bồi tụ không ngừng mang theo tập quán, chữ nghĩa mới. Sau năm 1954 nhiều gia đình có gia sản lớn ở Hàng Đào, Hàng Ngang ưa gả con gái cho mấy anh cán bộ “bốn túi chân chì” nhằm để cho lý lịch đỡ “nặng căn”.

Những ông rể này mang về nhà vợ lối nói trong quân ngũ đã đành, còn cả bản ngữ Thanh Nghệ hoặc khu Năm, Nam Bộ. Mất hết, một truyện ngắn nổi tiếng thời ấy của Hữu Mai cho thấy phần nào điều đó. Rồi chiến tranh trở lại, những lãng mạn, dấu vết “Hà thành hoa lệ” bị coi là ủy mị, không hợp thời, thậm chí phản động. Nhạc vàng cấm hẳn, hành khúc sang sảng thúc giục lên đường. Không biết có phải do thế mà “sinh ra” những lời quá đỗi mộc mạc trong lắm ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý. “Nay da em nâu tươi màu suy nghĩ”, “Lo nước ấy phải đắp bờ”, “Ta lo phân phải chăm bao đầu lợn”..., những chữ như bay ngay từ miệng người nông dân sang đậu trong bài hát của tác giả Ru con mượt mà thuở nào. Nói “khẩu ngữ, dễ dãi” không sai, mà khen thành “phong cách dân gian” cũng đúng.

Sau năm 1975, không còn giới tuyến ngăn cách, hàng hóa, lối sống, món ăn, phong tục địa phương... ban đầu ngập ngừng rồi ùa nhau nhào trộn, cùng chung sống. Tiếng nói Kẻ Chợ không thể đứng ngoài, khi trong một không gian (vẫn) bé tí thêm bao người tứ xứ. Đã có lúc người Hà Nội bị cấm cửa chữ “hết sảy”. Rồi cũng chả ai nói nữa, chỉ vì nó đã hết mới, không thích dùng thôi. Như “loạn xà ngầu” chữ “đặc Nam”, giờ ngay “ở trỏng” cũng còn mấy ai xài. Mới, là một nhu cầu của cuộc sống, có ở đủ mọi lĩnh vực. Người Sài Gòn biết thêm bánh chưng, đào Nhật Tân thì người Hà Nội ăn lẩu, thưởng hoa Đà Lạt. Ngôn ngữ, nhất là khẩu ngữ thì la liệt “sự trao đổi”: “Nhậu”, “xỉn”, “tốn mồi”, cái “ly”, “xài”, “về mo”..., chả biết đâu là của vùng lõi đâu từ ngoại vi nữa.

Người viết bài này trong một truyện ngắn dùng chữ “càm ràm” đã bị “mắng” phải là “cằn nhằn” chứ. Ông biên tập viên ấy rất có ý thức về bản sắc vùng miền, thì mình chả cãi chỉ “hơ hơ tôi viết hồn nhiên ấy mà”. Và nhìn lại thì chính mình cũng từng có những dị ứng nhang nhác. Đầu những năm tám mươi, tôi nghe “cám ơn”, “xin lỗi” rất thường trên miệng người Nam, thấy nó khách sáo nhưng lại cộc, sõng sượt, sao không chêm “ạ” cho thêm phần chu đáo. Người Bắc khôn khéo thường đệm những “à”, “ư”, “nhỉ”, “nhé”, nhiều khi để sai khiến “một cách dịu dàng”. Rồi tôi nhận ra cảm ơn, xin lỗi rất cần thiết, nhưng thị dân muôn ngàn quan hệ, biểu cảm “đến nơi” rất khó nên nói ngắn càng tốt, nghĩ thế và bỏ hẳn “ạ”.

2. Tiếng Hà Nội - với tư cách là Thủ đô - sẽ biến đổi thế nào? Bảo nó là chuẩn không sai. Nhưng thành thị là nơi luôn có những đổi dời ghê nhất: Áp lực nhập cư, thay đổi thời thế..., khó bảo tồn hơn sau lũy tre làng. Nên cái chuẩn lại thay đổi theo. Ví thử chàng trai Thăng Long Nguyễn Du (phải nói thế mới đúng) sống lại, đem cái ngôn ngữ phong lưu của mình đi tán gái, các em tóc nâu môi trầm sẽ cười “không nhặt được miệng”. Nên chi xem xét các yếu tố tác động vào nó - tiếng nói - “mà đoán mò thử”.

Như là các lớp dân tứ xứ đổ về, có thể đổi giọng để thích nghi, nhưng từ ngữ không khác trước mấy. Nói ngọng, gọi “cái đọi”, “con me”, cãi nhau cây cứt lợn với chó đẻ, con tôm con tép tên nào đúng. Rồi cũng hòa vào cả, dần dần mềm đi, dễ nghe hơn. Và người Hà Nội, thường nói “đáng nhẽ ra” thì bắt đầu dùng “thay vì”, “nhậu” thế chỗ “tụ tập ăn uống”...

Như là tính chất quốc tế hóa mà đô thị luôn luôn đi đầu. Nhiều người trẻ, “vô hình trung” lại chỉ ở trình độ “bồi”, nói chuyện thích chèn từ Anh vào trong khi từ Việt tương đương rất sẵn. Tiếp nhận hết, cho được hiện đại, sang trọng. Nhưng nó cũng bộc lộ sự hồn nhiên, tự ti coi thường tiếng mẹ đẻ. Cả trăm năm trước các cụ ta đã chế giễu tâm thế nhược tiểu này khi thuật lời anh hầu ta với thứ tiếng “bồi” tả con cua cho chủ Pháp. Nhà văn Hồ Anh Thái còn lẩn mẩn nhặt ra trong văn dịch và (khốn nỗi) cả văn sáng tác thời hiện đại ra hàng đống câu “Tây cũng xin chết”: “Ngày này qua ngày khác, cân nặng bắt đầu rời bỏ anh”, “Và con bé không phải đợi một chút nào để bàn tay của người giáo viên tát lên má nó”. Đọc sưu tập của ông dễ dẫn đến một liên tưởng tệ hại, là có những nhà văn không thạo tiếng Việt. Có khi còn chả ưa.

Như là các phương tiện truyền thông, internet nã vào xã hội bao điều mới mẻ, lại cũng làm tiếng nói xô lệch đi. Truyền hình hằng ngày cho biết ngay thế giới đang có gì lạ, đồng thời phổ biến thứ tiếng Việt lơ lớ: “Thí sinh A đến từ B”, “trọng tài rút thẻ vàng dành cho C”, “X được yêu thương bởi Y”...  

Như là... Kể ra thì còn nhiều áp lực lắm.

3. Những dự báo, lo xa về tiếng chuẩn, chữ chuẩn là cần thiết, có tác dụng cảnh báo, điều chỉnh. Nhưng Hà Nội lại có sức mạnh nội tại bền bỉ, kỳ diệu đến mức khó hiểu, là hóa giải mọi thứ nơi xa đem lại. Người Kinh Bắc nền nã, sành ăn mà có nơi chả bỏ miếng hoi ở phao câu gà, về đây đã khác. Siêu thị vắng đặc sản nhút, tương, khoai phơi tái xứ Nghệ nhưng lại chấp nhận mắm tôm chua từ Huế xa hơn. Đấy là sự chọn lựa của lưỡi, mũi. Sang đến cái tai cũng thấy có sức tự chủ, đề kháng. Những “ăn sóng nói gió” ngoài Hải Phòng, Quảng Ninh..., theo sự “mách bảo siêu nhiên” nào đó, khi nhập tịch Thủ đô cũng mềm đi.

Như có một bản năng, người ta “dùng đại” ban đầu, rồi dần dần tước bỏ cái này, giữ lại cái kia, tự làm cho tiếng nền của mình trong hơn. Sự tiếp nhận tiếng Anh lại có nhiều kiểu. Trên xe buýt mà ông ổng điện thoại “Cái này thì am lót sua đâu” hẳn “bị thán phục” đến lắc đầu lè lưỡi. Nhưng sự ngắn gọn được chấp nhận. Các bậc đạo mạo giờ nói, nhắn tin “ok”, “hello” khá nhiều, còn “trẻ hóa” đến mức “bh” thay cho “bây giờ”, “ace” thế chỗ “anh chị em”. Nhưng không thấy ai Việt hóa những karaoke, Coca Cola.

Tiếng ta từng bị chê thiếu từ chỉ trạng thái, sự vật trừu tượng, chứng tỏ tư duy chỉ ở tầm cụ thể, năm trước “bỗng” xôn xao tranh luận về chữ “thấu cảm” trong một đề thi. Một ngôn ngữ đang phát triển nó cứ ngọ nguậy, biến đổi theo chiều hướng khó đoán, nhiều khi rất bướng bỉnh.

Vậy có nên uốn nắn tiếng Hà Nội không? Câu hỏi này có vẻ thừa khi đã nhắc đến những đặc điểm nói trên của sinh ngữ. Nhưng nhiều nơi vẫn cứ đặt ra, bàn bạc phương hướng cùng biện pháp. Và các học giả thấy chữ nghĩa chưa được “hoàn thiện” bèn tìm cách cải cách cho nó “tiến lên”.

Trong khi đó dân thường vẫn “nghĩ sao nói thế”, thực ra có nhào nặn và chế biến cho “ngon tai, vừa mắt”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếng Thủ đô