Về Chèm hương

Khánh Thư| 03/04/2020 13:32

(HNMCT) - Tôi về lại đất Chèm vào một ngày tháng ba. Từ chân cầu Thăng Long rẽ sang con đê sông Hồng lộng gió, chỉ vài trăm mét là đã tới Chèm (nay là phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Làng cổ bên hữu ngạn sông Hồng giờ đã “lên” phường, nhưng bóng dáng của một ngôi làng cổ kính vùng đất ven đô xưa vẫn hiện hữu, thậm chí hứa hẹn trở thành một điểm đến hấp dẫn trong tuyến du lịch trên sông Hồng.

Đình Chèm.

Danh hương một thuở

Chèm là tên Nôm của làng Thị Điềm (Thụy Kiềm), sau đổi là Thụy Hương, rồi Thụy Phương (từ năm 1883) cho đến nay. Theo các bậc cao niên trong làng, Chèm là một trong những địa danh cổ nhất vùng ven đô Hà Nội. Trước Chèm còn có một cách gọi khác là Trèm, tiếng Việt cổ là Tlem hay là Từ Liêm...

Nhà nghiên cứu dân gian Văn Hậu mách tôi “muốn hiểu về làng Chèm thì nên gặp ông Đường Văn (TS Nguyễn Văn Đường)”. Từ ngày về hưu, ông giáo Đường dành bút lực viết về quê hương mình bằng những bài khảo cứu, tản văn rồi thơ. Đọc Hồn Trèm I, Hồn Trèm II, Lá nhặt cuối chiều và Dâng khúc Trèm hương của ông cũng phần nào hình dung được một làng Chèm xưa cũ với những tên làng, tên xóm, tên cổng, tên ao, và những món ăn nổi tiếng.

Tiếp tôi trong căn nhà cổ gần 300 năm tuổi, TS Nguyễn Văn Đường bảo làng Chèm xưa là một làng thuần nông, nghèo nhưng nơi đây đã trở thành một danh hương trong sử sách, thư tịch cổ và những áng văn thơ của những tao nhân mặc khách. Đặc biệt là di tích đình Chèm, chùa Chèm với những giá trị văn hóa, lịch sử tín ngưỡng độc đáo đã trở thành điểm nhấn với du khách khi đến với làng Chèm.

“Chùa Chèm được khởi dựng từ thời hậu Lê, khoảng 500 năm trước. Lúc đầu chùa rất nhỏ hẹp, sau được vợ chồng cụ Sãi trong làng phát tâm công đức, mở rộng diện tích, xây dựng thêm khang trang. Trong chùa có bức tượng Phật nằm và 2 bức tranh khổ lớn vẽ Hộ Pháp rất đặc sắc. Hai bức tranh được đặt trang trọng như bình phong hai bên tả hữu tam bảo điện với nét vẽ bay lượn mềm mại, uyển chuyển. Không biết tác giả là ai và thời điểm vẽ tranh là khi nào, chỉ biết khi tôi còn rất nhỏ, theo bà nội, theo mẹ ra lễ chùa thì đã thấy có ở đó rồi” - ông Đường cho hay.

Lại nhớ hơn 20 năm trước, lần đầu đặt chân đến đình Chèm, tôi đã vô cùng thích thú với phong cảnh hữu tình nơi đây. Dịp này trở lại, nghe câu chuyện kể của những bậc cao niên trong làng, tôi mới có dịp hiểu hơn về mảnh đất, con người, về những di tích trên đất Chèm. Nếu TS Nguyễn Văn Đường kể vanh vách về lịch sử chùa Chèm - Hàm Long tự từ ngày đầu khởi dựng đến nét độc đáo của các đồ thờ tự nơi đây, về những đặc sản ẩm thực làng Chèm (giò lụa, cháo se, chè kho, chè lam)..., thì ông Nguyễn Mạnh Thìn, Trưởng ban Khánh tiết đình Chèm cũng như “nằm lòng” khi nói về ngôi đình cổ được xây dựng cách đây hàng nghìn năm.

Trong khuôn viên đình Chèm, giọng ông Thìn sang sảng khi kể về Đức Thánh Chèm Lý Ông Trọng - một nhân vật lịch sử, huyền thoại, độc đáo, có công tích phi thường. Ông cũng không quên nhắc đến những bí ẩn của đình Chèm - từ vị trí tọa lạc, nghệ thuật kiến trúc đến chuyện kiệu đình và cả những hiện vật có giá trị lịch sử nghệ thuật cao như bia đá, đạo sắc phong, hoành phi câu đối... rồi cả nét đặc sắc của lễ hội đình Chèm. Chuyện của ông giúp tôi tỏ tường hơn câu ca dao cổ: “Thứ nhất là hội Cổ Loa/ Thứ nhì hội Gióng thứ ba hội Chèm”.

Cộng đồng - người bồi đắp giá trị di sản

Lễ hội đình Chèm.

Không chỉ giàu truyền thống văn hóa, đất Chèm còn là vùng đất cách mạng. Thời tiền khởi nghĩa, nơi đây từng là cơ sở đón cán bộ đợi Trung ương phân công công tác. Nhà máy bê tông đúc sẵn Hà Nội đóng trên đất Chèm từng đón Bác Hồ về thăm ngày 5-2-1962. Và nữa, di tích Trận địa tên lửa Chèm cũng đã được ghi dấu trong chiến dịch Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không tháng 12-1972 với chiến tích của Tiểu đoàn 77 thuộc Trung đoàn tên lửa 257.

Có thể thấy, cùng với quần thể kiến trúc mang đậm dấu ấn truyền thống của làng quê (bến sông, đình làng cổ kính nằm ven đê sông Hồng, nhà cổ hàng trăm năm tuổi, ao làng...) thì những di tích cách mạng trên đất Chèm đã tạo cho Thụy Phương dấu ấn riêng, mở ra cơ hội phát triển du lịch cho địa phương, nhất là du lịch đường thủy trên sông Hồng.

Bà Trử Như Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND phường Thụy Phương cho hay, những năm qua chính quyền địa phương rất quan tâm đến việc phát huy giá trị di tích lịch sử trên địa bàn, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền như in sách về lịch sử, văn hóa địa phương, di sản đình Chèm... Riêng với Khu di tích đình Chèm sau khi được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt (năm 2017), UBND phường đã phối hợp với các cấp đưa vào quản lý theo quy hoạch. Đặc biệt, để di tích được bảo tồn và phát huy giá trị trong cuộc sống đương đại thì phải kể đến vai trò to lớn của cộng đồng.

Chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND phường khiến tôi nhớ đến câu chuyện về thủ từ Lê Văn Hiệu, từng 9 năm (2009 - 2018) làm việc trông giữ đình, “thành tâm, cẩn trọng, kiên trì, tỉ mỉ, chuẩn xác” từ việc mở nghi môn, thắp hương, pha trà ướp sen, thỉnh chuông đến sắp lễ trong những ngày sóc, vọng..., góp phần giữ gìn không gian tín ngưỡng dân gian thuần túy cho đình Chèm. Ông cũng là cầu nối để người dân ở khắp nơi, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước tới tìm hiểu về đất Chèm có được tư liệu quý về di tích. Nhưng đáng nói là sau khi nghỉ việc coi sóc đình Chèm, ông Hiệu vẫn tiếp tục tập hợp những câu chuyện hay, ngõ hầu làm đầy đặn thêm những hiểu biết và sự trân trọng đối với một địa chỉ văn hóa cổ của Hà Nội.

Cũng phải kể thêm, từ năm 2015, Câu lạc bộ thơ văn Hương Chèm ra đời, tập hợp các cây bút chuyên và không chuyên là người Thụy Phương cùng nhau sáng tác, khảo cứu, lưu giữ giá trị văn hóa của vùng đất này. Câu lạc bộ xuất bản tập sách có tên Hương Chèm - đã được tái bản nhiều lần. “Vài năm gần đây, các trường học tại phường Thụy Phương cũng tổ chức dạy về lịch sử địa phương cho học sinh ngay tại đình Chèm” - ông Nguyễn Mạnh Thìn hồ hởi chia sẻ thêm và không quên nhắc đến những du khách xuôi sông Hồng cập bến đình Chèm.

TS Trần Trọng Dương, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, từng viết như sau về đất Chèm: “Từ gần 2.000 năm trước, khi dòng sông Hồng đang trong giai đoạn đắp bồi kiến tạo đồng bằng, đất Chèm đã là một bến cảng quan trọng cho tuyến đường thủy chính yếu từ thượng nguồn xuôi qua ngã ba Bạch Hạc ra tới tận các hệ thống cửa biển châu thổ. Đất Chèm xưa là một cửa nước để đi vào Đại La - Thăng Long Hà Nội.

Chèm từng là một chốn “trên bến dưới thuyền”, cũng tấp nập như một “tiểu Kẻ Chợ” ở vùng cửa ngõ phía tây bắc Thăng Long”. Bến Chèm nay rồi sẽ lại tấp nập như bến Chèm xưa nếu trong tour tham quan sông Hồng có thêm điểm đến là Kẻ Chèm, Kẻ Vẽ (làng cổ, làng khoa bảng ở đất Đông Ngạc liền kề với Thụy Phương). Càng có nhiều hy vọng hơn bởi sau khi đình Chèm được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt, UBND quận Bắc Từ Liêm đã lập Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm với nhiều hạng mục như sân lễ hội, cầu tàu du lịch, lối đi tiếp cận di tích, hệ thống cây xanh bờ kè...

Với tất cả lòng kính ngưỡng di sản của cha ông, bằng những việc làm thiết thực của cộng đồng, thêm trách nhiệm của chính quyền các cấp, một không gian đậm giá trị lịch sử, văn hóa sẽ có thêm sức sống và đóng góp nhiều hơn cho văn hóa, du lịch Thủ đô, như câu ca xưa:

“Khỏa chèo, mình ngược bến Chèm

Viếng Lý Ông Trọng, hoa chen mái đình

Giò Chèm, ai gói xinh xinh?

Chè kho, cháo cái, đượm tình Từ Liêm”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Về Chèm hương