Hà Nội - nguồn cảm hứng của các họa sĩ đương đại

Vũ Văn Hùng| 29/03/2020 08:53

(HNM) - Hà Nội từ lâu đã trở thành đề tài sáng tạo và nguồn cảm hứng bất tận của nhiều thế hệ họa sĩ. Trong số đó có nhiều họa sĩ đương đại với góc nhìn về một thành phố năng động với nhiều nét đổi thay song vẫn giữ được sự hài hòa trong từng nhịp sống. Không ít bạn trẻ còn thể hiện được cái nhìn mới mẻ, chuyển tải được những nét văn hóa, đời sống xã hội sôi động của Thủ đô hôm nay.

Họa sĩ Thanh Thục và bức tranh “Hà Nội mùa thay lá”.

Vẻ đẹp bình dị

Tôi đã xem nhiều họa sĩ vẽ tranh trên phố, mô tả những chuyển động của phố, cũng từng đến các phòng tranh gặp gỡ các họa sĩ đương đại đang từng ngày dày công sáng tạo, góp phần bảo lưu và gìn giữ những vẻ đẹp Hà Nội.

Một trong những người trẻ tạo được ấn tượng là họa sĩ Phạm Ánh. Sinh năm 1983 tại Hà Nội, Phạm Ánh tâm niệm để vẽ được thì phải sống trước đã. Ngay từ thời sinh viên, anh đã tìm hiểu, nghiên cứu các trường phái hội họa để tìm ra “cái chất” của thế hệ mình. Gần đây, Phạm Ánh có nhiều tác phẩm miêu tả sinh động về đời sống trong những con ngõ Hà Nội. Đặc biệt, bộ tranh “Ngõ nắng” của anh được giới mỹ thuật đánh giá cao, bởi anh không chỉ phối màu tốt mà còn mang lại cái nhìn mới mẻ về những con ngõ mang hồn cốt và đời sống của người Hà Nội, suốt cả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.

Họa sĩ Phạm Ánh chia sẻ: “Là người con của Hà Nội, tôi muốn vẽ những điều mộc mạc, bình dị trong cuộc sống hằng ngày. Những con ngõ với nhiều người thì nó vô cùng bình thường nhưng với tôi nó mang nhiều vẻ đẹp. Vẽ bộ tranh về ngõ Hà Nội, tôi muốn chứng minh với mọi người rằng cái đẹp không chỉ nằm ở những nơi xa hoa lộng lẫy mà nó ở ngay bên cạnh chúng ta, với những điều rất đỗi bình dị”.

Cũng là họa sĩ trẻ, sinh ra và lớn lên ở phố Hàng Gà (Hà Nội), Phạm Bình Chương lại có phong cách biểu hiện, với cái nhìn man mác về phố. Anh đã có ba lần triển lãm tranh có tên “Xuống phố” và đều được dư luận đánh giá tích cực. Phạm Bình Chương nhấn mạnh dòng tranh hiện thực nhưng đưa người xem trở về một Hà Nội xưa cũ, với những mái phố rêu phong vô cùng ấn tượng, đồng thời thể hiện bằng chất liệu sơn dầu ấm áp, bố cục vừa chặt lại vừa mở rộng, phóng khoáng.

Đến nay, gia tài của anh là hàng trăm bức tranh, nhiều bức anh không bán mà để giữ làm kỷ niệm trong ngôi nhà cổ chừng 100 tuổi của mình. Anh bảo, ở ngôi nhà cũ có những thứ bất tiện, nhưng đó là phong cách, sự trải nghiệm và ngôi nhà tạo cho người họa sĩ cảm giác của nghệ thuật. “Tôi vẽ Hà Nội là sống trong đó vẽ ra chứ không phải kiểu đi vẽ thực tế”, Phạm Bình Chương nhấn mạnh.

Cũng vẽ về Hà Nội, nhưng họa sĩ Nguyễn Ngọc Dân tạo cho mình một kiểu riêng, không giống ai, đó là vẽ về dây điện, đèn giao thông ở Hà Nội. 10 năm qua, anh trải qua các triển lãm từ “Phố dây điện” (năm 2012) đến “Ngõ dây điện” (năm 2013) và “Tâm truyền” (năm 2015). Đến nay, anh vẫn trung thành đề tài này và còn có nhiều dự định cho tương lai. Đến với các triển lãm của anh và theo dõi quá trình sáng tạo, dễ có cảm giác choáng ngợp về hình ảnh dây điện chằng chịt khắp các con phố anh đi qua đến sự chiêm nghiệm về đời sống đô thị.

Nguyễn Ngọc Dân cho biết: “Tôi quan sát cuộc sống thường ngày cùng với những thay đổi đối với dây điện, cột đèn trên phố Hà Nội. Ví dụ như cơ quan chức năng đã triển khai hạ ngầm cáp điện để đô thị sạch, đẹp hơn. Chính việc bắt nhịp với hơi thở thay đổi ấy cũng như cảm xúc trong nghệ thuật khiến tôi thấy cần phải ghi chép lại, có thể bằng nhiều hình thức khác nhau. Nhiều con ngõ nổi tiếng như ngõ Văn Chương, ngõ Thổ Quan, ngõ Tạm Thương… đã đi vào tác phẩm của tôi”.

Sáng tạo, bồi đắp những giá trị tinh thần

Hiện có hàng chục họa sĩ đủ các lứa tuổi tập trung vẽ về đề tài đời sống Hà Nội hôm qua, hôm nay và cả tương lai, như: Đào Hải Phong, Phạm Văn Trung, Hoàng Đình Tài, Hoàng Hưng, Văn Dương Thành, Hoàng Nam Thái, Ngô Thành Nhân, Nguyễn Văn Tuân, Nguyễn Xuân Lục, Phạm Quang Việt… Có cả những họa sĩ không phải người Hà Nội, thậm chí cả những người nước ngoài cũng thể hiện tình yêu Hà Nội qua hội họa.

Nữ họa sĩ Thanh Thục chia sẻ: “Sinh ra ở Nam Định, nhưng mấy chục năm qua tôi sống ở Hà Nội. Vì vậy, tôi muốn đóng góp bằng sự sáng tạo, bồi đắp những giá trị tinh thần cho mảnh đất nghìn năm văn hiến này. Đó là niềm vui của việc tôn vinh Thủ đô, cũng là niềm tự hào của mỗi nghệ sĩ”. Hơn 30 năm qua, Thanh Thục đi sâu vào thể loại tranh cắt vải, tập trung vào những góc phố rêu phong, hồ Hoàn Kiếm, tháp Rùa, những con đường Hà Nội mùa đông lá bàng rực đỏ, hay tà áo dài thiếu nữ tha thướt trong mùa xuân ngọt lành…

Điều đáng nói, tranh của chị chỉ kết cấu bằng những mảnh vải vụn nhiều kích cỡ, nhưng vẫn có sự uyển chuyển, thắm sắc và gợi hồn. Trong số đó, ấn tượng nhất là bức tranh “Hà Nội mùa thay lá”. Bức tranh như gợi cả một vùng ký ức khi mô tả một người con gái đứng từ ban công nhìn ra phía xa, với một không gian khá trầm của sắc thu, những chiếc lá bàng chiếu ngược sáng trở nên đỏ sẫm. Một điểm nhấn khá sinh động là hình ảnh nhóm thiếu nữ thướt tha mặc áo dài làm cho con phố thu trở nên sinh động.

Chung niềm cảm hứng Hà Nội, họa sĩ Lê Thị Hoàn từng cùng các bạn đồng nghiệp tổ chức triển lãm “Gió sông Hồng” ở cả Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh để giới thiệu vẻ đẹp Thủ đô với công chúng cả nước giai đoạn 2017-2019. Chị cho rằng, mỗi người yêu Hà Nội đều có cách cảm nhận về Hà Nội riêng. Từ các chất liệu đời sống, từ vẻ đẹp mà mỗi họa sĩ khơi gợi sẽ tạo ra tiếng nói đa thanh về vẻ đẹp của phố, cảnh và con người Thủ đô. Với họa sĩ này, Hà Nội hiện lên vẻ thâm trầm, hào hoa, với họa sĩ kia sắc màu đô thị lại mang vẻ đẹp hiện đại nhưng cuốn hút. Cũng có khi Hà Nội xuất hiện trong tranh của các nhóm họa sĩ với lối vẽ ký họa vô cùng điêu luyện, tài hoa.

Hà Nội là trung tâm văn hóa lớn của cả nước, cũng là thành phố gợi nhiều sự sáng tạo trong giới nghệ sĩ nói chung, họa sĩ nói riêng. Hà Nội sẽ mãi là đề tài bất tận, mảnh đất màu mỡ gợi cảm hứng, ươm mầm tài hoa mà chẳng bao giờ vơi cạn. Theo suốt chiều dài lịch sử, Thủ đô nghìn năm văn hiến không ngừng tiếp nhận những giá trị tinh hoa, tích tụ văn hóa tinh thần bằng những sản phẩm hội họa đầy sức sống, sức gợi. Và xét cho cùng, các họa sĩ chính là những người ghi lại lịch sử Hà Nội bằng tranh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội - nguồn cảm hứng của các họa sĩ đương đại