Sự trở về của những đạo sắc phong

Quang Hưng| 27/03/2020 11:17

(HNMCT) - Tiếp tục ý nguyện dâng trả sắc phong về những nơi từng bị mất, Nhóm nhân sĩ Hà Đông mà các thành viên hầu hết trên dưới lục tuần đang cùng khích lệ nhau và nhận được tín hiệu cộng hưởng tích cực từ cộng đồng đối với công việc "hồi hương những mảnh hồn làng" mà họ đang thực hiện.

Ông Trịnh Hữu Sỹ, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều và đạo diễn Lương Tử Đức kiểm tra một số bản sắc phong.

Di sản tươi mới

“Sắc phong cho thôn Thượng, xã Xuân Lôi, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam phụng thờ: Đệ nhất Cung phi Cảnh Hoa công chúa tôn thần, tỏ rõ sự linh ứng. Đến nay Trẫm kế thừa mệnh sáng, tưởng nhớ đến công lao tốt đẹp của thần nên phong làm: Dực bảo trung hưng linh phù tôn thần.

Chuẩn cho thờ phụng, hơn nữa thần hãy giúp đỡ bảo vệ dân lành của Trẫm.

Hãy kính theo!

Ngày 18 tháng 3 niên hiệu Khải Định thứ 2 (1917)”.

Đó là nội dung một đạo sắc phong trong số hơn 200 bản đang được ông Trịnh Hữu Sỹ ở làng Đa Sỹ, nay thuộc phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội lưu giữ sau những năm trân trọng sưu tầm. Có những buổi tối, ông và các thành viên khác của Nhóm nhân sĩ Hà Đông ngồi trong gian thờ của chi họ ông, cùng xem những bản dịch như thế mà cuộn lên bao cảm xúc. Lời vị vua thuở trước, lời triều đình xưa, lời của thể chế cũ đã lùi vào quá vãng mà sao gần gũi, thân mật lạ lùng! Văn bản nhà vua ban ra trang trọng mà ẩn chứa bao tình cảm, bao mối quan tâm săn sóc đối với người dân, với cả các vị thần.

Những ý tình đẹp đẽ ấy, trên bản sắc phong dù đã ngả nâu, loang ố thời gian, nhưng vẫn như ánh lên nét vàng son qua nền giấy vẽ hoa văn mây rồng, qua những hàng chữ nghiêm ngắn, nét chữ sắc gọn, qua dấu triện son của nhà vua, kể cả khi nhạt mờ, không còn tươi mới. Mà tươi mới làm sao được nữa bởi đã hàng trăm, có khi vài trăm năm rồi, những đạo sắc ấy được triều đình ban ra, vượt bao dặm dài về với các đình, đền, nơi có vị thần đang được phụng thờ, nơi các vị chức dịch và dân làng cung đón như một niềm vinh dự, để cùng trân quý, thờ phụng.

Cũng chính bởi những nét đẹp ấy mà sắc phong tuy đã phai bạc, nhưng tiếng vẫn còn thơm. Và những đường nét, tinh thần ẩn hiện qua đạo sắc, còn nói với chúng ta bao điều về giá trị di sản, về truyền thống quê hương. Vậy cớ gì những đạo sắc lại không thể trở về nơi được ban xuống, được tôn kính, đã và vẫn có tác dụng như một nguồn năng lượng cho cộng đồng làng xã.

Những cảm nhận và suy nghiệm ấy, ông Sỹ thấm nhuần từ Tiến sĩ Trương Đức Quả, nguyên Thư ký Hội đồng khoa học Viện Nghiên cứu Hán Nôm, người “trợ duyên” trong việc dịch, lập danh sách các bản sắc mà ông sưu tầm được, từ các thành viên Nhóm nhân sĩ Hà Đông gồm các văn nghệ sĩ - những người làm công việc văn hóa, và một số doanh nhân - những người mong góp gì đó vào đời sống văn hóa. Chừng ấy duyên tụ lại, dẫn đến một quyết định mạnh bạo: Dâng trả sắc phong cho những di tích, địa phương từng bị mất, thất lạc bản sắc phong ấy.

Tinh thần hào hiệp

Thực tế, những năm qua, sắc phong nằm trong cảnh chung “chảy máu cổ vật”, là hiện vật bị nhòm ngó, đánh cắp bởi những kẻ hám lợi, bất kính, và bị mua bán, trôi nổi trên thị trường. Người mua sắc phong thuộc nhiều kiểu: Trân quý nên sưu tầm để chiêm ngưỡng, tìm hiểu; thực dụng nên mua đi bán lại nhằm kiếm lời... Ông Sỹ kể: "Có hai người từng bán sắc phong cho tôi, một thời gian sau đánh tiếng muốn mua lại với giá cao hơn nhiều. Nhưng tôi không bán. Tôi nói với họ là mình đang tìm trả lại cho địa phương".

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chia sẻ: "Nhiều người cho chúng tôi biết, sắc phong còn bị bán ra nước ngoài. Việc lưu giữ, trả lại sắc phong nhiều khi còn thiếu sự vào cuộc cần thiết của đơn vị chức năng. Nhưng điều đó lại càng khiến nhóm thúc đẩy tinh thần thiện nguyện và hào hiệp với cộng đồng. Cần có nhiều người cùng làm, cùng hưởng ứng việc đó. Có như vậy chúng ta mới bảo tồn được sắc phong, và rộng hơn là truyền đi cảm hứng tôn vinh, phát huy văn hóa truyền thống".

Đạo diễn chèo, nhà thơ Lương Tử Đức thì liên tưởng: "Ngôi đình, nơi hiển hiện tín ngưỡng thờ thành hoàng làng, nơi gửi gắm niềm tin tâm linh của nhiều thế hệ người dân, có thể coi như một góc trú ẩn tâm hồn cả cộng đồng. Cùng tạo nên lịch sử, giá trị ngôi đình ấy chính là những đạo sắc phong. Bởi thế, sự trở về của những đạo sắc cũng chính là cuộc hồi hương những mảnh hồn làng".

Mang tâm niệm ấy, các thành viên Nhóm nhân sĩ Hà Đông, hầu hết đã “lên chức” ông, nghỉ hưu hoặc sắp hưu, đã có nhiều chuyến rong ruổi đi tìm để dâng trả lại sắc phong. Có nơi nhóm đến, các cụ chọn ngày lành đón sắc phong, chính quyền địa phương và người làng dự đón, coi đó là một sự kiện quan trọng. Có nơi, ban đầu các cụ trông nom di tích ngạc nhiên vì tự dưng có mấy “ông” tìm đến, các cụ không dám nhận vì sợ... đắt tiền không chuộc lại được, nhưng rồi cảm kích vì nhóm dâng trả chứ không đòi hỏi gì, kể cả tiền xăng xe. Có nơi thực sự còn nghèo, nhóm còn giúp cả mâm trầu cau, hoa quả để dâng lễ...

Những ngày này, Nhóm nhân sĩ Hà Đông tiếp tục việc dâng trả sắc phong. Việc tự đi tìm cũng tốn nhiều công sức, nhất là thời gian, các bản sắc phong sẽ lâu được trở về “bản quán” hơn. Nhất là, hơn 200 đạo sắc mà nhóm đang lưu giữ có xuất xứ từ nhiều tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế... Vì thế, các thành viên quyết định giới thiệu rộng rãi trên trang cá nhân và được một số báo giúp đưa tin. Danh sách các bản sắc phong được đưa lên mạng đã nhận được gần trăm lượt chia sẻ, hàng trăm bình luận hưởng ứng. Nhất là đã có nhiều người, trong đó có không ít người trẻ, nhận ra có tên làng, xã mình trong số sắc phong mà nhóm đang lưu giữ, đã báo về địa phương để liên lạc với nhóm.

Cộng hưởng vì văn hóa

Đang là bước khởi động nhưng hứa hẹn sẽ sớm có nhiều sắc phong được dâng trả về các địa phương, lưu giữ trong các di tích... Tiến sĩ Nguyễn Tô Lan công tác tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm gợi ý: Trước khi trả về địa phương, nhóm nên tổ chức số hóa các bản sắc phong để lưu giữ tư liệu lâu dài, phục vụ cho người quan tâm thưởng lãm, nghiên cứu, là cơ sở quan trọng để địa phương sửa chữa, phục chế sau này. Tiến sĩ Nguyễn Tô Lan cho biết, chị sẵn sàng kết nối với đơn vị chuyên trách và có thiết bị chuyên dụng để scan miễn phí các đạo sắc. Có người khác cũng nhiệt tình đề xuất sẵn sàng công đức một phần nếu sau này Nhóm nhân sĩ Hà Đông hay các địa phương có nhu cầu phục chế sắc phong...

Đương nhiên, không thể không có những băn khoăn nhất định về thực trạng bảo quản sắc phong còn kém, ý thức bảo vệ sắc phong chưa cao, sự hiểu biết về sắc phong còn hạn chế... Những chuyện chưa vui còn tồn tại ấy có thể làm chùn lòng bất cứ ai muốn làm việc thiện nguyện. Nhưng, như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều quả quyết, tình yêu văn hóa, truyền thống vẫn tồn tại ở các làng quê, đôi khi nó bị đời sống vật chất chèn ép, xâm lấn. Cần phải có những người, những việc làm mở cánh cửa tạm khép lại ấy.

Nhà thơ cũng nhấn mạnh: "Mong rằng tới đây, khi chúng tôi mang sắc phong về, tại địa phương sẽ có sự chuẩn bị một lễ đón nhận, không nên cầu kỳ nhưng cần sự có mặt của ban quản lý di tích, đại diện chính quyền và người dân. Để chúng ta cùng nói với nhau về giá trị của di sản sắc phong, cùng cam kết về trách nhiệm gìn giữ, về việc tôn vinh lâu dài bản sắc phong đó trong đời sống cộng đồng, coi đó như một nét đẹp truyền thống, niềm tự hào của địa phương".

Cho đến lúc này, thông báo của Nhóm nhân sĩ Hà Đông về việc dâng trả sắc phong, danh sách các bản sắc phong chờ “hồi hương” vẫn tiếp tục được chia sẻ trên không gian mạng. 

Ngẫm thêm, như có sự kỳ ngộ trong công việc này. Ông Sỹ là trưởng họ Trịnh Hữu ở làng Đa Sỹ, bao năm miệt mài công vụ, không một ngày quên vun đắp cố kết họ mạc. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đi khắp Á, Âu, lĩnh hội những suy nghĩ mới mẻ của thế giới. Các thành viên khác trong nhóm, người cả đời gắn bó với chèo, với rối nước, làm thơ, vẽ tranh, làm báo miệt mài, người kinh doanh phát đạt có lòng yêu tranh, tượng, mê nhạc cổ điển... và đều cởi mở với bạn hữu văn nghệ khắp nơi. Quan trọng nữa, mỗi người trong số đó đều yêu kính bản quán và truyền thống quê mình. Bởi thế mới có câu chuyện "hồi hương những mảnh hồn làng".

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Sự trở về của những đạo sắc phong