Bảo tồn, gìn giữ “viên ngọc quý” xứ Đoài

Nguyễn Trọng Văn| 19/03/2020 12:55

(HNMCT) - Sau hơn nửa thế kỷ vắng bóng, nghệ thuật hát Dô - loại hình dân ca nghi lễ, sinh hoạt tín ngưỡng độc đáo ở xã Liệp Tuyết (huyện Quốc Oai) tưởng đã thất truyền may mắn được hồi sinh nhờ sự nỗ lực, quyết tâm của cộng đồng người dân nơi đây.

Nghệ thuật hát Dô đã được hồi sinh.

1. Một ngày cuối tháng Giêng, tôi theo chân nhà thơ Nguyễn Địch Long về xã Liệp Tuyết (xưa có tên là Lạp Hạ). Nằm cách không xa núi Sài Sơn, ngọn núi nổi lên giữa cánh đồng đã “chết danh” với câu thơ Quang Dũng: “Bao giờ trở lại đồng Bương Cấn/ Về núi Sài Sơn ngắm lúa vàng”, nơi đây vẫn giữ được vẻ thuần chất của một ngôi làng cổ xứ Đoài, với những con đường nhỏ chạy lòng vòng khắp các ngõ xóm, đôi bên là những ngôi nhà xây bằng đá ong.

Chúng tôi dừng chân trước cổng một ngôi nhà nhỏ, từ trong vẳng ra câu hát: “Bạn nàng ta/ Hỡi bạn nàng ta/ Nào mở quạt ra/ Múa cho mềm mại…”. Giọng thanh nữ nghe dìu dặt, thiết tha. Ông Long hỏi vọng vào: “Cô Lan có nhà không đấy?”. Một giọng phụ nữ từ trong đáp ra: “Mời bác vào chơi. Cổng nhà em chỉ khép thôi”. Chủ nhân của ngôi nhà là “người đàn bà hát Dô” Nguyễn Thị Lan. Trong lúc đám trẻ tiếp tục buổi học hát, bà Lan quay sang chuyện trò với khách. Mấy gian nhà đồ đạc chẳng nhiều nhặn gì, đáng kể là những tấm giấy khen trên tường...

Sau khi người chồng hy sinh ở biên giới phía Bắc, cô Nguyễn Thị Lan năm ấy mới 27 tuổi đã gắng gượng vượt qua nỗi đau cùng bao vất vả chốn quê nhà, vừa nuôi dạy hai con gái ăn học vừa tích cực tham gia công tác xã hội ở địa phương. Năm 1989, cô được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Phụ nữ xã. Cũng năm ấy có một bước ngoặt đến với người dân Liệp Tuyết: Trung tâm Văn hóa tỉnh Hà Tây cử cán bộ về địa phương tìm tư liệu về nghệ thuật hát Dô, một lối hát riêng có của làng, khi đó gần như đã thất truyền. Tin vui chợt đến làm cô Chủ tịch Hội Phụ nữ xã mừng lắm. Cô xăng xái dẫn cán bộ văn hóa tỉnh điền dã khắp làng, rồi được chỉ định đảm trách việc tìm tòi, sưu tầm những làn điệu hát Dô.

2. Bà Nguyễn Thị Lan nghiêng đầu rót chén nước đưa cho tôi rồi nói: “Hát Dô có một “lời nguyền độc”, vì thế khó lưu giữ, khó tìm được người còn nhớ và vô cùng khó cho việc truyền dạy”.

Từ thuở rất xa xưa, vùng đất dưới chân non Tản này là một cánh đồng nước trắng. Một bữa thần Tản Viên vi hành qua đây, thấy cảnh vật hữu tình ngài bèn dừng chân, trò chuyện với mấy thôn nữ đang mò cua bắt ốc ven đường. Ít lâu sau thần quay lại, ngài bày cho dân trong vùng cách gieo trồng lúa nước rồi hẹn đến mùa lúa chín sẽ trở lại. Nhưng phải đến một ngày xuân của 36 năm sau thần Tản Viên mới quay lại. Ngài cho gọi nam thanh nữ tú trong làng tới để dạy múa hát mừng được mùa, mừng dân làng được no ấm. Điệu hát Dô ra đời từ đấy. Từ đó mà thành nếp, thành lệ, cứ 36 năm một lần người dân Liệp Tuyết lại tổ chức lễ hội. Điệu hát Dô lại được đem ra hát tại đền Khánh Xuân. Ngôi đền thờ Thánh Tản Viên Sơn do dân làng lập nên để ghi nhớ công đức của ngài trở thành không gian diễn xướng đặc sắc.

Theo các cụ xưa truyền lại thì điệu hát Dô được xếp vào loại dân ca nghi lễ, nhưng kèm theo đó là một lời nguyền độc: “Trong quãng thời gian giữa hai lần lễ hội dân làng không ai được hát Dô. Nếu phạm phải lời nguyền sẽ bị câm”. Quãng thời gian cách xa tới 36 năm giữa hai lần lễ hội khiến điệu hát Dô khó gìn giữ. Năm 1926, hội hát Dô cuối cùng diễn ra, sau đó, do chiến tranh, loạn lạc... nên không được tổ chức nữa. Hát Dô đứng trước nguy cơ thất truyền.

Với quyết tâm tìm lại “viên ngọc quý” trong huyền tích quê nhà, nghệ nhân Nguyễn Thị Lan đã “dũng cảm bước qua lời nguyền”. Bà tìm đến những vị cao niên trong làng từng dự hội hát Dô lần cuối cùng như các cụ Tạ Văn Lại, Kiều Thị Nhuận, Đàm Thị Điều... để nài nỉ các cụ truyền lại điệu hát cổ. Nỗ lực và lòng quyết tâm của bà Lan cùng người dân Liệp Tuyết đã được đền đáp. Vụ lúa tháng Mười năm 1989, sau 63 năm vắng bóng, những câu hát, điệu hát Dô lại được trình diễn tại đền Khánh Xuân. Thế là từ đó, mỗi độ xuân về, từ ngày 10 đến 15 tháng Giêng hằng năm xã Liệp Tuyết lại mở hội hát Dô chứ không đợi 36 năm như trước, và đền Khánh Xuân trở thành địa chỉ sinh hoạt văn hóa của cộng đồng.

Dù điệu hát cổ được hồi sinh nhưng nỗi lo thất truyền chưa phải đã hết. Bởi thế, năm 1998, Câu lạc bộ Hát Dô Liệp Tuyết được thành lập với mục đích gìn giữ và bảo tồn nghệ thuật hát Dô, đồng thời mở ra hướng đi bền vững, đó là tiến hành sưu tầm các làn điệu cổ, tổ chức các lớp truyền dạy hát Dô cho thanh niên, thiếu niên. Song phải mất hơn 4 năm nữa thì lớp học của câu lạc bộ mới đi vào ổn định, nền nếp. Các cháu nhỏ đã đến lớp với tâm lý thoải mái, không e ngại “lời nguyền”, phụ huynh cũng vui vì con cái có được không gian văn hóa lành mạnh để sinh hoạt. Đến nay lớp học vẫn được duy trì đều đặn với số lượng bình quân mỗi lần tổ chức (1 lớp) trên 20 cháu, tổng số cháu được học hát Dô từ năm 1998 đến nay là 768.

Sau 31 năm kiên trì phục hồi điệu hát cổ, giờ đây nghệ nhân Nguyễn Thị Lan đã có thể vui mừng với thành quả của mình. Không ít học trò của bà đã trở thành những “ngọn lửa tiếp nối” trên hành trình gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của nghệ thuật hát Dô. Đáng kể nữa là Câu lạc bộ Hát Dô Liệp Tuyết đã đi biểu diễn ở nhiều nơi như: Nhà hát Lớn Hà Nội, Văn phòng Quốc hội cùng các khách sạn lớn ở Thủ đô như La Thành, Daewoo, khu du lịch Sầm Sơn..., thậm chí sang tận Malaysia. Những lần biểu diễn này đều để lại dư âm tốt đẹp. Hát Dô Liệp Tuyết cũng giành nhiều huy chương cùng nhiều bằng khen, giấy khen qua những lần tham dự hội diễn văn nghệ quần chúng của thành phố. Năm 2015, bà Nguyễn Thị Lan được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú...

3. Hôm đó, tiếp chúng tôi ở trụ sở Ủy ban, Chủ tịch UBND xã Liệp Tuyết Nguyễn Đức Tiến hồ hởi cho biết: Kinh tế của xã những năm qua phát triển ổn định. Thu nhập bình quân đầu người đạt 41,3 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9 hộ, chiếm 0,52%. Phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển sâu rộng, toàn xã có 97% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa. 5/5 thôn đạt danh hiệu Làng văn hóa. Xã cũng đã được Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới...

Tôi hỏi thêm: “Trong mục tiêu và thành tích đạt được có liên quan, tác động gì đến truyền thống hát Dô của quê nhà không?”. Bí thư Đảng ủy xã Liệp Tuyết Kiều Doãn Lực liền trải ra bàn khá nhiều trang giấy. Thì ra từ nhiều năm trước Đảng ủy xã Liệp Tuyết đã xây dựng chuyên đề “Khôi phục lại hát Dô và những giá trị văn hóa phi vật thể đặc sắc của xã Liệp Tuyết”. Xã tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với các hoạt động liên quan tới văn hóa phi vật thể, gắn trách nhiệm của các cấp chính quyền, đoàn thể và người dân trong thực hiện xã hội hóa công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa; tăng cường tuyên truyền về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể cho người dân, giúp nâng cao nhận thức về truyền thống văn hóa của địa phương để từ đó mỗi cá nhân có ý thức bảo vệ di sản. Rồi Bí thư Lực nắm tay tôi nói: “Câu lạc bộ Hát Dô và bà Lan là nòng cốt cho chuyên đề này đấy anh ạ”.

Rời trụ sở Ủy ban xã, chúng tôi theo chân bà Lan ra đền Khánh Xuân. Chỉ tay vào đám trẻ đang ngồi túm tụm trong gian trước của đền, bà nói: “Mới hồi nào các cháu học hát Dô còn gọi tôi là cô, là bác. Đến lứa này thì chúng đều gọi là bà. Mình già rồi nhưng thấy yên tâm bởi lớp trẻ còn mê hát Dô, còn học hát Dô”. Quệt tay lau vết trầu vương trên khóe miệng, bà Lan cho biết thêm: “Tối nay bên cạnh luyện hát các bài thuộc loại “giáo trình” em còn cho các cháu tập bài hát mới”. Ngừng vài giây rồi bà Lan thong thả hát: “Khúc hát vang xa/ Hội Dô khúc hát vang xa/ Câu thơ là thơ một nửa/ Em còn là còn thương anh…./ Yêu ai giọng hát ân tình/ Để cho là cho trai gái/ Sân đình là đình giao duyên…”.

Câu hát mượt mà trong tiết xuân xứ Đoài làm tôi ngẩn ngơ, say đắm. Chợt thấy lòng rộn ràng vui khi chứng kiến hát Dô không những được bảo tồn, phục hồi nguyên gốc mà còn được “tiếp lửa” bởi lớp trẻ cùng những lời ca mới phù hợp với đà phát triển, đổi mới của vùng đất giàu truyền thống lịch sử - văn hóa này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo tồn, gìn giữ “viên ngọc quý” xứ Đoài