Trăn trở chế độ đãi ngộ nghệ nhân

Nguyễn Thanh| 08/03/2020 07:53

(HNM) - Với 69 nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về số lượng nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể được phong tặng danh hiệu. Bên cạnh niềm tự hào, vẫn còn không ít trăn trở khi đa phần các nghệ nhân tuổi đã cao, việc trao truyền di sản gặp không ít khó khăn, trong khi chế độ đãi ngộ còn chưa tương xứng với những công lao, cống hiến của họ.

Nghệ nhân ưu tú Triệu Đình Hồng say sưa với hoạt động truyền dạy nghệ thuật múa Bồng (Thanh Trì).

Chật vật “nuôi dưỡng” tình yêu di sản

85 tuổi lại có bệnh trọng, trung bình mỗi tháng, Nghệ nhân nhân dân Chu Chí Cang, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Ca trù Ngãi Cầu (xã An Khánh, huyện Hoài Đức) phải chi trả tiền thuốc men, viện phí từ 1,7 đến 2 triệu đồng. Trong khi đó, chế độ nghỉ mất sức mà ông được hưởng chỉ được 2,2 triệu đồng/tháng. Do ông đã có chế độ này, nên không thuộc diện được hưởng chế độ trợ cấp theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn. Nghệ nhân nhân dân Chu Chí Cang chia sẻ: “Hai vợ chồng già sống cùng nhau, co kéo thu nhập cũng đủ sống. Ngặt nỗi bệnh tình mỗi lúc một tốn kém. Tôi mong, Nhà nước “nới” điều kiện hỗ trợ để chúng tôi vơi bớt khó khăn, có thể toàn tâm, toàn ý hơn với trách nhiệm gìn giữ, trao truyền di sản”.

Tương tự, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị May (xã Đại Thành, huyện Quốc Oai) cũng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP, do không chứng minh được thu nhập hiện có thấp hơn mức lương cơ bản hiện hành. Điều này có nghĩa, ngoài số tiền 10 triệu đồng tặng kèm danh hiệu lĩnh từ năm 2015, suốt hơn 20 năm cống hiến cho chiếu chèo quê hương, bà không có thêm khoản hỗ trợ nào khác. Theo Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị May, ở địa phương còn 3 nghệ nhân ưu tú là các ông Nguyễn Phúc Hậu, Nguyễn Mai Nguyên và bà Nguyễn Thị Lan, chủ yếu làm ruộng và ở mức cận nghèo, song cũng không thuộc diện hưởng trợ cấp. “Dẫu chật vật với cuộc sống riêng, mọi người vẫn hăng hái, nhiệt huyết với hoạt động nghệ thuật, luôn cố công xoay xở để việc tập luyện, diễn xướng không bị gián đoạn”, Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị May cho hay.

Nếu như các nghệ nhân kể trên không bảo đảm điều kiện để hưởng chế độ trợ cấp, thì Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Trường và Nguyễn Thị Vẫy (xã Khánh Hà, huyện Thường Tín) có phần may mắn hơn, khi được hưởng 850.000 đồng/tháng theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP, đi kèm điều kiện bỏ khoản trợ cấp hiện hưởng. Nghệ nhân ưu tú Lê Văn Trường lý giải, là người khuyết tật, tôi được Nhà nước hỗ trợ 525.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, theo Nghị định 109/2015/NĐ-CP, một người không được hưởng cùng lúc 2 chế độ, nên tôi phải từ bỏ một trong hai khoản hỗ trợ. Điều này cũng tương tự với Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Vẫy.

Liên quan đến vấn đề này, Phó phòng Di sản văn hóa, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Bùi Thị Hương Thủy thừa nhận, Nghị định 109/2015/NĐ-CP mới chỉ “chạm” đến một lượng rất nhỏ lớp người nắm giữ di sản và cũng chỉ dừng ở mức động viên, khích lệ, chưa đủ vơi bớt những lo lắng mưu sinh, giúp nghệ nhân yên tâm theo đuổi sự nghiệp gìn giữ, trao truyền di sản...

Nghệ nhân cần được “tiếp sức”

Những câu chuyện kể trên phần nào phản ánh thực tế đời sống cũng như chế độ đãi ngộ của lớp người nắm giữ, trao truyền di sản ở Hà Nội nói riêng, cả nước nói chung. Theo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước hiện có 1.161 nghệ nhân được phong tặng các danh hiệu, trong đó 75% nghệ nhân đã ở tuổi “xưa nay hiếm”; 65% nghệ nhân có đời sống phụ thuộc vào nông nghiệp và 85% có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, số người đủ điều kiện hưởng trợ cấp theo Nghị định 109/2015/ NĐ-CP chỉ đạt tỷ lệ gần 20% và ở Hà Nội cũng chỉ có 15/69 nghệ nhân đủ điều kiện nhận trợ cấp. 

Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa cho rằng, các cơ quan chức năng cần xem xét lại chế độ đãi ngộ nghệ nhân, vì hiện nay mới đang nhìn vào những nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn, mà chưa có chế độ để khích lệ tài năng và nhiệt tâm cống hiến, gây thiệt thòi cho họ. “Các cơ quan liên quan cần góp ý sửa đổi, bổ sung Nghị định 109/2015/NĐ-CP, nhằm “nới lỏng” các điều kiện hưởng trợ cấp cho lớp người gìn giữ, phát huy giá trị di sản. Cùng với đó là huy động trách nhiệm, sự vào cuộc của các tổ chức xã hội và doanh nghiệp để xây dựng các quỹ hỗ trợ tài năng, tạo điều kiện cho nghệ nhân phát huy sức sáng tạo, nhiệt huyết trong bảo tồn, phát huy giá trị di sản”, Tiến sĩ Lê Thị Minh Lý kiến nghị.

Còn theo ông Phạm Cao Quý, Cục Di sản văn hóa, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bên cạnh chế độ, chính sách của Nhà nước, các địa phương cần có chương trình hành động cụ thể, phù hợp để hỗ trợ bởi số lượng nghệ nhân được tặng danh hiệu ở mỗi quận, huyện không nhiều.

Cùng với cả nước, Hà Nội đang bước vào đợt xét tặng danh hiệu nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ ba - năm 2021. Đây là niềm vui, nguồn động viên kịp thời với đội ngũ đã và đang dành trọn tâm huyết cho sự nghiệp gìn giữ, trao truyền vốn văn hóa quý báu của dân tộc. Bên cạnh ý nghĩa này, sự kiện đồng thời cũng tiếp tục gợi lại câu chuyện tồn tại nhiều năm về thực hiện chế độ đãi ngộ “hậu danh hiệu” cho các nghệ nhân, kịp thời động viên, khích lệ cũng như tăng hiệu quả bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Về vấn đề này, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cho biết, thành phố đã có chủ trương tạo cơ chế, chính sách phù hợp để các nghệ nhân có thể yên tâm bảo tồn, phát huy tốt giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Để hiện thực hóa chủ trương này cần thêm một thời gian nữa, song khi đi vào đời sống, chắc chắn sẽ tiếp thêm tinh thần, nhiệt huyết để nghệ nhân gắn bó với di sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trăn trở chế độ đãi ngộ nghệ nhân